Lâu nay việc đổ lỗi cho “cả làng” thường diễn ra mỗi khi tổng kết năm, hay mỗi khi đánh giá, nhìn lại một thời kỳ, một giai đoạn; khi tổ chức kiểm điểm, phê bình. Ai cũng có thể phê rất mạnh về những yếu kém, thậm chí còn nâng quan điểm, “rút ra những bài học sâu sắc”. Nhưng lỗi ấy của ai thì không chỉ ra được, hoặc không muốn chỉ ra.
Dư luận đang ồn ào về kết quả thi tốt nghiệp THPH quốc gia năm 2019 ở ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Đây là những địa phương có hiện tượng gian lận điểm thi gây chấn động năm 2018. Năm nay, kết quả thật bi quan: Cả ba tỉnh nêu trên có điểm trung bình thấp nhất cả nước ở các môn toán, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, hóa, sinh. Cụ thể, Hòa Bình là 4,6 điểm; Hà Giang là 4,3 điểm còn Sơn La là 4,1. Chả bói đâu ra những điểm 9, rồi 9, 5 cho đến 10 các môn toán, ngoại ngữ như năm trước.
Trước sự kiện này người “ở xa” thì bảo kết quả như thế là phản ánh đúng thực chất, vì năm nay coi thi, chấm thi nghiêm ngặt, chả ai dám chạy điểm, xin xỏ nâng điểm và cũng chả ai đám “cho”. Nhưng người “ở gần” thì thanh minh: cần có cái nhìn toàn diện về giáo dục miền núi. Đời sống khó khăn, dân trí thấp, đầu tư cho giáo dục làm sao bằng miền xuôi. Lỗi này là của Bộ, của chính quyền các cấp không quan tâm, không có chiến lược bài bản. Thậm chí là lỗi của các cơ quan pháp luật, mấy vụ nâng điểm năm ngoái đã xử nặng tay quá, khiến cho giáo viên chán nản (!).
Như vậy đó, qua một vụ việc cụ thể đã thấy cách nhìn nhận về khuyết điểm, sai lầm rất khác nhau. Cái sự đổ lỗi này không phải căn bệnh lạ. Mấy chục năm trước người ta đã nói tới hiện tượng “thành tích thì tôi, khuyết điểm thì chúng ta”. Đó là kiểu người sính khen thưởng, nhưng khi có thiếu sót, sai lầm thì nhảy tót sang một bên.
Nay, việc đổ lỗi cho “cả làng” là biến tướng của câu chuyện năm xưa. Nó thường diễn ra mỗi khi tổng kết năm, hay mỗi khi đánh giá, nhìn lại một thời kỳ, một giai đoạn; khi tổ chức kiểm điểm, phê bình. Ai cũng có thể phê rất mạnh về những yếu kém, thậm chí còn nâng quan điểm, “rút ra những bài học sâu sắc”. Nhưng lỗi ấy của ai thì không chỉ ra được, hoặc không muốn chỉ ra. Ở một tỉnh miền trung, hàng chục ha rừng bị tàn phá, nhưng khi kiểm điểm hết ngày sang đêm người ta tìm ra cái lỗi, do… địa hình phức tạp (!). Công ty nọ xả hàng nghìn mét khối nước thải độc hại ra môi trường, nhưng khi bị phát hiện lại đổ lỗi cho sở Tài nguyên môi trường. Một công trình “nở vốn” đến mấy chục lần, vậy mà khi xem xét, nhà chức trách thản nhiên nói rằng “đó là chuyện bình thường”. Có thí sinh đi thi lên bậc lương chuyên viên cao cấp, khi trả lời vấn đáp đã nói sai cả những quan điểm rất cơ bản của Đảng. Vị giám khảo nghiêm khắc chỉ ra cái sai, anh ta hồn nhiên nói: “Dạ thưa, chỗ chúng em sếp vẫn bảo thế” (!)
Có rất nhiều những dẫn chứng tương tự. Ở một số đơn vị, địa phương để xảy ra thất thoát tài sản, lãng phí, làm ăn trì trệ, thua lỗ kéo dài, nhưng khi kiểm điểm trách nhiệm thì toàn thấy nguyên nhân khách quan. Ta thường gặp những câu chữ mòn vẹt trong các bản tổng kết: thời tiết diễn biến phức tạp; nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ; kẽ hở trong khâu quản lý; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; lực lượng chuyên môn quá mỏng; ban chấp hành làm việc chưa đều tay, v.v.. Cái kiểu tổng kết, kiểm điểm cũ càng, hời hợt như thế vẫn nhan nhản ở nhiều nơi. Ai cũng thấy “chả ra làm sao cả”. Nhưng ai cũng lại thấy “chả đụng gì đến mình cả”. Thế nên tình trạng dĩ hòa vi quý cứ bám víu mãi vào đời sống công sở, dai dẳng như tắc kè bám đá. Còn ông thủ trưởng không những không áy náy mà còn tự an ủi: thôi thì hòa là quý, nhẫn là cao (!).
Xin thưa đó không phải “nhẫn”, cũng phải “hòa”. Có câu “quân tử hòa nhi bất đồng”. Nghĩa là, người quân tử có thể không đồng ý với nhau về việc này việc kia, có khi phải nói với nhau mất mặn mất nhạt, nhưng họ vẫn trọng nhau, quý nhau. Còn như không dám chỉ đích danh việc này ai đúng, ai sai, sai đến mức độ nào, hậu quả ra sao, thì đó chính là né tránh trách nhiệm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Trong một tập thể lãnh đạo có nhiều người như thế, nhất là người đứng đầu sẽ gây tác hại ghê gớm. Mà rõ nhất là nó sinh ra thói xấu “hòa cả làng”, công-tội nhập nhèm, nó triệt tiêu động lực của người làm tốt, dung dưỡng những kẻ cơ hội, làm bừa làm ẩu. Nó như cơ thể một người có bệnh nhưng giấu bệnh, dẫn đến bệnh nhẹ hóa nặng. “Thống tắc bất thông”, đau vì có chỗ bị ứ trệ. Đến khi bệnh quá nặng thì dùng thuốc không khỏi.
Vẫn biết, nhiều đồng chí lãnh đạo rất nghiêm túc trong việc soi xét chính mình. Khi có sai thì nhận trách nhiệm, nhận lỗi về mình, sẵn sàng chịu mọi hình thức kỉ luật. Và rồi đồng chí ấy ngã ở đâu đứng dậy từ đó, tiếp tục cống hiến, trưởng thành. Tiếc rằng, đó chưa phải là chuyện phổ biến. Ai đó đã nói, cái lỗi lớn nhất không phải là lỗi gì, hậu quả ra sao, mà đáng lo ngại hơn là khi xảy chân lỡ bước họ tìm cách chạy trốn, đổ lỗi cho người khác, cho tập thể.
Khi nào người ta vì sự an toàn, vì nấc thang danh vọng của mình mà tìm cách quy tất cả khuyết điểm, tội lỗi cho “cả làng” thì khi ấy cái vũng lầy của chủ nghĩa cá nhân không bao giờ được dọn dẹp, lấp đầy./.
Cả nước có 1.285 điểm 10 thi THPT quốc gia
Môn Giáo dục công dân có 784 em đạt điểm 10, môn Vật lý chỉ 2 em, trong khi môn Ngữ văn không ai đạt ... |
Hà Giang - Hòa Bình - Sơn La “đội sổ” điểm thi thấp, tỉ lệ trượt tốt nghiệp tăng
Năm 2019, 3 địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có điểm thi THPT quốc gia 2019 ở mức rất thấp. Tất cả các ... |
Thí sinh có 10 ngày nộp đơn phúc khảo bài thi THPT quốc gia
Sau khi biết điểm thi vào ngày 14/7, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo. Điểm phúc khảo là điểm chính thức của ... |
Hé lộ thông tin nam sinh đạt 2 điểm 10 môn Lịch sử và Địa lý
Trong số 5 bài thi đạt điểm 10 tại tỉnh Quảng Bình, thí sinh Tạ Quang Thanh, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh đã ... |
Ngày đăng: 07:32 | 16/07/2019
Trần Quang / Theo SKMT