"Tôi không được miếng thịt nào bỏ vào mồm suốt hai tháng qua", một công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Venezuela cho biết.

cong nhan bam tru tai cac mo dau venezuela kiet que vi doi
Một công nhân của tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela vội vàng đến bến xe bus đi làm. Ảnh: Bloomberg.

6h40, Pablo Ruiz ngồi xổm trước cổng nhà máy lọc dầu xập xệ ở thành phố cảng Puerto La Cruz, cách thủ đô Caracas của Venezuela hơn 300 cây số. Nung mình dưới ánh mặt trời thiêu đốt, người đàn ông 55 tuổi cặm cụi quét sơn chống rỉ lên những ống bơm hút dầu. Bữa sáng hôm nay, ông Ruiz chỉ uống bột ngô, theo Bloomberg.

Ông Ruiz được trả 110.000 bolivar, tương đương khoảng 50 cent theo tỉ giá chợ đen. Với khoản tiền ít ỏi này, người công nhân này chưa mua nổi một cân ngô hoặc gạo. Ông Ruiz chỉ trông mong vào 170 gram cá ngừ đóng hộp mà nhà nước trợ cấp cho các gia đình thu nhập thấp định kỳ 45 ngày một đợt.

"Tôi không được miếng thịt nào bỏ vào mồm suốt hai tháng qua", ông Ruiz nói. "Lần gần đây nhất được ăn thịt, tôi đã tiêu cả một tuần lương cho bữa ăn có thịt gà".

Đói kém đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp khai thác dầu ở Venezuela. Công nhân tại các mỏ dầu kiệt quệ vì thiếu ăn, không đủ sức làm những công việc tay chân nặng nhọc.

Khủng hoảng lương thực ở Venezuela đẩy trẻ em vào tình trạng suy dinh dưỡng còn người lớn phải đi bới thức ăn thừa ở thùng rác. Giờ đây với người dân đất nước Nam Mỹ này, thức ăn quan trọng hơn việc làm. Hàng nghìn người đã bỏ việc, bao gồm cả các công nhân khai thác dầu mỏ. Hiện tượng người lao động đồng loạt nghỉ việc hoặc lãn công khiến cho các nhà máy lọc dầu ở Venezuela rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.

Từng là quốc gia giàu có bậc nhất ở khu vực Nam Mỹ, Venezuela đang ở bờ vực sụp đổ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Venezuela đã giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Sản lượng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela SA (PDVSA) lao dốc xuống chỉ còn một nửa so với cách đây 16 năm. Tháng trước, tập đoàn này chỉ sản xuất được 1,77 triệu thùng dầu một ngày so với mức đỉnh điểm 3,34 triệu một ngày vào năm 2001. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn để duy trì hoạt động bảo trì, sản xuất và khai thác. Và gần đây xuất hiện thêm một nguyên nhân nữa: Nạn đói.

Theo một cuộc khảo sát vừa công bố ngày 21/2 do ba trường đại học ở Venezuela tiến hành, hơn 64% số người dân được hỏi cho biết năm ngoái họ sụt trung bình 11 kg. Hơn 61% số người tham gia khảo sát nói suốt ba tháng qua gần như ngày nào họ cũng nhịn đói lên giường đi ngủ.

Ông Ivan Freitas, chủ tịch công đoàn của tập đoàn PDVSA, tiết lộ cuối năm ngoái, 12 công nhân làm việc tại nhà máy ở bang tây bắc Zulia đã quỵ trong lúc làm việc vì đói. Và ngày nào cũng có người kiệt sức vì đói, ông Freitas khẳng định.

Anh Alirio Villasmil, một thợ lặn chuyên sửa chữa và bảo trì tàu chở dầu ở phía tây Venezuela, cho biết ít nhất ba nhân viên của anh đã ngất trong lúc làm việc. Và anh đành phải cho họ về nhà nghỉ ngơi vì họ quá yếu, không đủ sức lặn.

cong nhan bam tru tai cac mo dau venezuela kiet que vi doi
Công nhân của tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela mang đồ bảo hộ ra vỉa hè bán lấy tiền mua thức ăn. Ảnh: Bloomberg.

Trước kia, tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA là chỗ làm trong mơ của người dân Venezuela. Công nhân của PDVSA không chỉ có thu nhập cao mà còn được hưởng chế độ đãi ngộ tốt như những bữa ăn ngon miễn phí ở căng-tin. Nhưng giờ đây, quang cảnh ở căng-tin vắng lặng. Công nhân bỏ việc đi lái taxi hoặc trở về quê làm nông. Một số khác cố gắng bám trụ vì sợ mất lương hưu.

Ông Jose Bodas, tổng thư ký hiệp hội người lao động ngành dầu khí, ước tính trong năm qua hơn 500 công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư đã bỏ việc ở các nhà máy lọc dầu tại thành phố cảng Puerto La Cruz, nơi sản xuất tới 68% sản lượng xuất khẩu của Venezuela. "Họ phải từ bỏ vì đói", ông Bodas miêu tả có những gia đình công nhân dầu khí phải mang giày và quần áo bảo hộ ra vỉa hè bán lấy tiền mua thức ăn.

Siêu lạm phát khiến đồng lương của người lao động mất giá. Họ tìm đủ mọi cách để tận dụng các bữa ăn miễn phí ở nhà máy. Có người ăn xong, quay trở ra thay quần áo rồi lộn lại để được ăn bữa nữa. Vào ngày nghỉ, người lao động vẫn đến nhà máy để chờ thức ăn. Nhiều người lén lút giấu đồ ăn mang về nhà. Không ít người dẫn theo con nhỏ đến căng-tin nhà máy để chầu chực.

"Mới chỉ vài tuần trước thôi, trong lúc xếp hàng chờ đến lượt, chúng tôi gần như nhảy vào đánh nhau khi biết không còn nhiều thức ăn", công nhân Leonardo Ugarte cho biết. Do lo sợ xảy ra bạo loạn, tập đoàn PDVSA cho công nhân nghỉ ở nhà mỗi khi căng-tin không đủ thức ăn đáp ứng.

cong nhan bam tru tai cac mo dau venezuela kiet que vi doi
Công nhân Endy Torres sụt 15 kg trong 18 tháng. Ảnh: Bloomberg.

Giáo sư John Hoddinott tại đại học Cornell, Mỹ cho biết những lao động tay chân nặng nhọc cần ít nhất 3.600 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều người dân Venezuela, đặc biệt ở vùng nông thôn, đang nạp vào cơ thể chưa tới 400 calo một ngày.

Công nhân Endy Torres sụt 15 kg trong 18 tháng qua. So với ảnh thẻ chụp hồi mới vào tập đoàn PDVSA 10 năm trước, anh Torres không còn là người đàn ông béo tốt nặng 80 kg nữa. Giờ đây với khoản tiền lương 700.000 bolivar mỗi tháng cộng với 1,6 triệu bolivar trợ cấp đồ ăn, thu nhập của anh Torres tương đương 9,5 USD.

"Chúng tôi không thể tránh khỏi tình trạng kiệt sức", anh Torres nói. "Công nhân dầu khí đang chết dần chết mòn vì đói".

cong nhan bam tru tai cac mo dau venezuela kiet que vi doi Người Venezuela tuyệt vọng bán tóc để sinh tồn

Hàng chục nghìn người Venezuela trốn chạy khủng hoảng kinh tế sang biên giới Colombia mỗi ngày để tìm kế sinh nhai nhưng vẫn không ...

cong nhan bam tru tai cac mo dau venezuela kiet que vi doi Tiền mất giá biến thành túi, mũ giấy ở Venezuela

Những đồng tiền mệnh giá thấp bị vứt bỏ do lạm phát phi mã ở Venezuela lại trở thành nguồn thu nhập mới của người ...

Ngày đăng: 19:00 | 23/02/2018

/ VnExpress