Theo quy hoạch mới nhất, Hà Nội sẽ có 12 tuyến đường sắt đô thị để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô, trong đó hiện đã có 2 tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bên cạnh việc Hà Nội đang đẩy nhanh triển khai các tuyến theo quy hoạch thì ngay từ bây giờ cần chiến lược cho công nghiệp phụ trợ đối với metro để đáp ứng thực tế.
Xây dựng công nghiệp phụ trợ tạo thế chủ động
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Lê Trung Hiếu cho hay, đường sắt đô thị (ĐSĐT) không chỉ là xương sống của vận tải hành khách công cộng, giữ vai trò chính xây dựng hệ thống giao thông bền vững, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy thương mại, đặc biệt là từ ngành công nghiệp phụ trợ.
Phát triển hệ thống ĐSĐT đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố Hà Nội và các đô thị lớn như TP.HCM. Nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của hệ thống ĐSĐT, việc xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho nó là vô cùng cần thiết.
Ngành công nghiệp phụ trợ ĐSĐT không chỉ liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn bao gồm nhiều loại hình dịch vụ khác nhau nhằm hỗ trợ ĐSĐT vận hành hiệu quả.
Trong tương lai, việc xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ để chủ động cung cấp các vật tư, vật liệu thay thế cho duy tu bảo dưỡng hệ thống ĐSĐT, làm nền tảng bước đầu cho xây dựng nền công nghiệp sản xuất ĐSĐT là mục đích Hà Nội cần tập trung hướng tới.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội |
Theo ông Hiếu, hệ thống ĐSĐT yêu cầu một lượng lớn các linh kiện và thiết bị chất lượng cao như toa xe, hệ thống tín hiệu, các thiết bị bảo trì và bảo dưỡng. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ, thứ nhất, sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp liên tục và ổn định cho các tuyến ĐSĐT.
Hà Nội cần hợp tác với các công ty quốc tế là các đơn vị đã cung cấp sản phẩm trong quá trình xây dựng dự án, để sản xuất các linh kiện và thiết bị ngay tại địa phương, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ hai là giảm chi phí và thời gian chuyển giao công nghệ. Việc sản xuất các linh kiện và thiết bị trong nước giúp giảm chi phí và thời gian chuyển giao công nghệ, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát chất lượng ngay tại nhà máy, trước khi xuất xưởng.
Thứ ba là công nghiệp phụ trợ ĐSĐT sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, từ việc xây dựng đến vận hành và bảo trì…
Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ ĐSĐT còn mở ra cơ hội hợp tác và phát triển rất lớn cho Hà Nội cũng như cả nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giao thông công cộng.
Sự hợp tác giữa các tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp nội địa không những giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra nhiều cơ hội nhận chuyển giao và phát triển công nghệ mới cũng như học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Xây dựng công nghiệp phụ trợ để chủ động với metro |
Việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và mạnh mẽ làm giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ ĐSĐT.
Bắt đầu từ đâu?
Dù vậy, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội, muốn phát triển công nghiệp phụ trợ ĐSĐT, trước tiên cần nghiên cứu và phân tích thị trường; bao gồm việc tìm hiểu nhu cầu của thị trường đối với các linh kiện cần phải thay thế trong tương lai và các dịch vụ phụ trợ, từ đó xác định các cơ hội và thách thức.
Hà Nội cần tiến hành khảo sát thị trường để đánh giá nhu cầu số lượng các toa xe (toa xe động lực và toa xe không động lực), hệ thống tín hiệu, từ đó lên kế hoạch đầu tư và phát triển phù hợp với từng thời kỳ.
Tiếp theo, cần đầu tư trước và hết sức nghiêm túc vào: nghiên cứu và phát triển (R&D); xây dựng đội ngũ chuyên gia R&D chuyên nghiệp; hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giúp nâng cao năng lực R&D công nghệ.
Cần xây dựng hạ tầng sản xuất đủ hiện đại và tính đến mở rộng dự trữ cho tương lai đồng thời kết hợp với logistic. Các nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị phụ trợ cần được trang bị máy móc, thiết bị công nghệ cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự thành công của bất kỳ ngành công nghiệp nào. Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ĐSĐT, việc tổ chức các khóa học và chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên là vô cùng quan trọng.
TP cũng cần chú trọng đến việc thúc đẩy hợp tác và kết nối với các đối tác quốc tế, đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ và hiệu quả ĐSĐT với đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc…
Hà Nội nên hợp tác với tập đoàn lớn trên thế giới để chuyển giao công nghệ các hệ thống toa xe, tín hiệu, và điều khiển và kiểm soát tự động cho các tuyến ĐSĐT.
Về phía Chính phủ, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ ĐSĐT. Các chính sách này có thể bao gồm các khoản vay ưu đãi, gói hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế thậm chí như kinh nghiệm thế giới là nhà nước hỗ trợ thẳng bằng tiền đối với các dự án nằm trong danh mục ưu đãi kêu gọi đầu tư….
Để phát triển bền vững, giảm chi phí, tránh lãng phí, có chung một thị trường đủ rộng, Chính phủ cần có chủ trương xây dựng công nghiệp phụ trợ ĐSĐT kết hợp chặt chẽ với với xây dựng công nghiệp phụ trợ đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao.
Sự kết nối này giúp tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng kết nối, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hệ sinh thái bền vững.
Ông Hiếu cho rằng, xây dựng công nghiệp phụ trợ cho hệ thống ĐSĐT là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư chiến lược và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Từ nghiên cứu và phát triển, xây dựng hạ tầng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác quốc tế đến phát triển thị trường, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ thống giao thông đô thị.
Ngày đăng: 18:29 | 08/12/2024
Ngân Tuyền / ANTĐ