Để nhân dân tham gia giám sát trực tiếp những cán bộ, lãnh đạo, những người do chính nhân dân bầu ra là hoàn toàn đúng đắn.

Càng minh bạch càng tốt

Ông Ngô Xuân Nhân - Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong việc hướng dẫn công khai kết quả xử lý tham nhũng, thu nhập của cán bộ để nhân dân biết và giám sát là hoàn toàn đúng đắn.

Kê khai tài sản

Đặc biệt, đối với yêu cầu công khai các bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cổng thông tin điện tử.

Ông Nhân cho biết, việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, lãnh đạo trong mỗi cơ quan, đơn vị quản lý là nhằm kiểm soát chặt chẽ được nguồn thu, góp phần tích cực trong công tác phòng và chống tham nhũng.

Ông Nhân nói, "pháp luật không cấm lãnh đạo có nhiều nguồn thu, nếu nguồn thu đó có được từ những hoạt động chân chính, không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cấn phải biết được vì sao tự nhiên có một cán bộ, lãnh đạo lại giàu lên bất thường? Nguồn gốc tài sản đó từ đâu mà có? Cần phải minh bạch các nguồn thu đó. Lãnh đạo càng công khai, minh bạch các nguồn thu thì càng nhận được sự tin tưởng, yên tâm từ nhân viên, đơn vị mình", ông Nhân nói.

Ông Nhân nhắc lại, việc công khai tài sản cá nhân lãnh đạo là điều rất cần thiết và được coi là một phần trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Nhân nhấn mạnh, để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả thì ngoài việc yêu cầu công khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo cấp cao còn phải quan tâm nhiều tới cơ chế kê khai.

"Quan trọng nhất là phương pháp kê khai được thực hiện như thế nào? Kê khai tài sản xong rồi thì sẽ xử lý ra sao? Ai là cơ quan kiểm tra, giám sát chất lượng bản kê khai đó?. Nếu tiếp tục phương pháp tự kê khai như lâu nay, kê khai xong lại xếp vào trong tủ thì rõ ràng hiệu quả không cao", ông Nhân nêu.

Đối với ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương rất tự tin cho biết: "cá nhân tôi luôn chấp hành việc kê khai tài sản rất đầy đủ. Chỉ cần có chỉ đạo là làm", ông Liêm nói.

Phải nghiên cứu thêm

Dù cho biết hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo, chủ trương chung của Ban Bí thư song ông Trần Quang Đảng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nêu lên một vài điểm băn khoăn.

Theo ông Đảng, yêu cầu công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo là cần thiết, nhưng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cổng thông tin điện tử thì cần phải nghiên cứu áp dụng với từng đối tượng cụ thể.

Ông nêu ví dụ đối với những cán bộ, lãnh đạo tại các đơn vị miền núi, việc kê khai tài sản với họ là rất khó khăn.

"Với những cán bộ, lãnh đạo tại các tỉnh, huyện miền núi tôi nói thật họ chẳng có gì cả, nếu bắt họ kê khai thì vừa mất thời gian lại không giải quyết được vấn đề gì.

Tôi cho rằng, tốt nhất là nên cử cán bộ tới tận nơi kiểm tra tài sản của từng người, từng cán bộ một vừa đảm bảo công bằng, vừa thực tế hơn với điều kiện miền núi hiện nay", ông Đảng nói.

Ông Đảng cũng băn khoăn, đối với những tỉnh vùng sâu, vùng xa nếu không có các phương tiện truyền thông đại chúng thì sẽ công khai tài sản trên phương tiện gì? Có thể công khai trên các phương tiện loa phường được không?

"Điều kiện khó khăn như vậy tôi cho rằng cứ kiểm tra trực tiếp thì hay hơn", ông Đảng nhắc lại.

Kê khai phải thực chất

Bà Lê Thu Ba, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chỉ đạo của Ban Bí thư.

Theo bà Ba, để nhân dân tham gia giám sát trực tiếp những cán bộ, lãnh đạo của Đảng, những người do chính nhân dân bầu ra là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, bà Ba cho rằng hình thức công khai là rất quan trọng. Theo đó, công khai phải đảm bảo tránh được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, công khai nhưng không đến được với người dân

Thứ hai, công khai tài sản lãnh đạo của tỉnh A nhưng cả nước đều biết thì có nên không?

"Công khai theo hình thức mở rộng, vượt quá tầm kiểm soát thì cũng cần phải nghiên cứu nhưng công khai trong phạm vi quá hạn hẹp thì cũng không hiệu quả", bà Ba góp ý.

Vấn đề tiếp theo, bà Ba cho rằng, trước khi công khai tài sản thì yêu cầu kiểm tra kết quả kê khai là rất quan trọng. Vấn đề kê khai phải được thực hiện cho thực chất.

"Phải làm rõ được nguồn gốc số tài sản đó từ đâu mà có, tài sản đó có đúng không, tài sản kê khai đã đầy đủ, chính xác chưa....? Nếu công khai chỉ để công khai thì không cần thiết phải làm, như vậy vừa mất thời gian, vừa mất lòng tin", bà Ba nhấn mạnh.

Vì sao xử lý tiêu cực, tham nhũng, kê khai tài sản phải để dân biết?

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để ...

Kê khai tài sản của lãnh đạo được đăng tải công khai

Ban Bí thư ban hành hướng dẫn khung về các nội dung phải công khai để nhân dân biết, trong đó có bản kê khai ...

Trên nóng, dưới lạnh

Một thực tế “trên nóng, dưới lạnh” đang diễn ra. Đó là 1.113.422 người đã kê khai tài sản nhưng chỉ xác minh đối với ...

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-khai-tai-san-lanh-dao-tren-bao-chi-tot-nhung-3345276/)

Ngày đăng: 15:27 | 18/10/2017

/ Theo An An/Đất Việt