Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND thành phố Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động trong các cơ quan, trong đó quy định cả việc tham gia mạng xã hội thế nào cho đúng. Trước đó, Cần Thơ và Cà Mau là những địa phương cũng đã có những văn bản quy định rõ ràng việc cán bộ công chức khi tham gia mạng xã hội phải có những thái độ chuẩn mực.
Hạn chế nói ngọng, nói lắp e khó lắm |
Cần Thơ chấn chỉnh sử dụng mạng xã hội trong cán bộ, công chức |
Việc sử dụng facebook được cho đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN |
Không thể tùy tiện với mạng xã hội
Đây là lần thứ hai Hà Nội đưa ra những quy tắc đối với lực lượng công chức, viên chức. Hồi đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của CBCCVC, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Quy tắc gồm 5 chương, 11 điều được ban hành với mục đích “định hướng chuẩn mực trong giải quyết công việc” và nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ CBCCVC, người lao động có trách nhiệm - tận tình - thân thiện. Trong các quy tắc ứng xử của cán bộ Hà Nội có yêu cầu mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng; tư thế, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân…
Ở dự thảo mới đây, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Theo đó, “cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân”.
Trước đó, ngày 28.9, UBND tỉnh Cà Mau ký văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, TP.Cà Mau về việc chấn chỉnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát ngôn trên địa bàn. Đặc biệt văn bản cũng chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý CBCCVC trong việc sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin và hình ảnh có nội dụng chưa được kiểm chứng, vu khống, xuyên tạc… làm xúc phạm đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Giữa tháng 6.2017, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nghiêm túc thực hiện việc chấn chỉnh tác phong, đạo đức cán bộ công chức.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan trực thuộc tỉnh tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh, xử lý CBCCVC ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải, bình luận các thông tin, hình ảnh vi phạm đời tư người khác, trái với thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội và những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, không chính xác, không trung thực.
Liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, trong tháng 9 vừa qua, Thành ủy Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi đến các ban cán sự đảng, các đơn vị trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành và địa phương, yêu cầu “chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội trong CBCCVC trên địa bàn”. Công văn này nhận định thời gian qua, đội ngũ đảng viên, CBCCVC trên địa bàn TP.Cần Thơ sử dụng mạng xã hội khá phổ biến; trong đó có một số đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, hay quan điểm chính trị phức tạp; bình luận và chia sẻ những vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội; có trường hợp đăng nhằm xúc phạm đến uy tín, danh dự của cá nhân hay tổ chức…
Cần thiết phải có chế tài với công chức tham gia mạng xã hội
Một thống kê cho biết việc dùng facebook gây thiệt hại cho nền kinh tế. Theo đó ở Mỹ, trung bình, người lao động bị gián đoạn 10,5 phút/lần và mất 23 phút để trở lại công việc được giao. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy các hình thức truyền thông xã hội đã làm ảnh hưởng như thế nào đến năng suất làm việc của người lao động. Tại Mỹ, hệ quả của tình trạng giảm năng suất lao động này gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 650 tỉ USD/năm.
Tại VN, Tiến sĩ Phạm Hải Chung và các đồng nghiệp ở Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội đưa ra thống kê VN hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ và 18 phút/ngày. Đây là tỉ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của mạng xã hội trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Tại một cuộc hội thảo hồi đầu tháng 4.2017, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TTTT, trực tiếp là Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ, bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp khả thi để hướng tới các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại VN.
Không chỉ công chức, nhiều chuyên gia cũng đề nghị phải có quy tắc chung trong việc ứng xử với mạng xã hội tại Việt Nam. “Bên cạnh quy tắc ứng xử phải có chế tài. Bởi nhiều thông tin giả tác động kinh khủng tới cá nhân và tổ chức, thậm chí có người không chịu được áp lực đã tự tử. Tôi nghĩ có thể phải bổ sung chế tài xử phạt đó vào luật” - TS Trần Hữu Sơn đưa ra quan điểm.
Theo dự thảo của Sở VHTT Hà Nội, người khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. Về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ. Dự thảo quy định cũng nêu việc khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. |
https://laodong.vn/xa-hoi/cong-chuc-khong-the-tuy-tien-voi-phay-568054.ldo
Ngày đăng: 09:14 | 04/10/2017
/ Minh Thành/Báo Lao động