Bắt Nguyễn Thái Luyện: Công an TPHCM xác định, bản chất thực sự của công ty địa ốc Alibaba là huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền tại các dự án “ma” làm…mồi nhử.

Kêu gọi nhân viên Alibaba tự nguyện “tố cáo”, cung cấp chứng cứ

Ngày 25/9, thông tin từ cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho hay, đã có 900 người nộp đơn tố cáo công ty CP địa ốc Alibaba và anh em Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT - Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc.

Tổng cộng 900 người này tố cáo bị Alibaba chiếm đoạt 900 tỷ đồng thông qua việc bán đất nền ở các dự án “ma”.

Hiện ở nhiều tỉnh thành khác như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… cũng tiếp nhận đơn tố cáo của người dân đối với địa ốc Alibaba nhưng chưa có thống kê cụ thể.

Công an kêu gọi nhân viên địa ốc Alibaba hợp tác điều tra, cung cấp chứng cứ

Công an TP.HCM tiếp tục kêu gọi các nạn nhân đã ký hợp đồng mua đất nền của địa ốc Alibaba đến tố cáo tại phòng 15, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, P.Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội); cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (số 674 đường 3/2, P.14, Q.10, TP.HCM) hoặc Công an quận, huyện nơi gần nhất.

Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được giao dịch mua bán đất nền tại các dự án Alibaba để tránh tiếp tục bị lừa đảo.

Đáng nói, cơ quan Công an cũng kêu gọi các nhân viên của công ty địa ốc Alibaba hoặc các con ty con, tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo của các đối tượng. Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng trong việc tiêu huỷ tài liệu, tẩu tán tài sản… đều bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đến nay, Công an đã khởi tố anh em Luyện - Lĩnh và đang làm rõ vai trò của hàng loạt người khác

Tính đến nay, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh cùng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công an cũng đang quá trình triệu tập, mời làm việc đối với khoảng 20 nhân sự là CEO của địa ốc Alibaba, Giám đốc các công ty con để làm rõ vai trò liên quan, xử lý theo quy định.

Bản chất thực sự của “tập đoàn” địa ốc Alibaba

Công an TP.HCM chính thức thông tin, đến nay đủ cơ sở xác định Nguyễn Thái Luyện có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án lừa đảo đình đám này. Luyện và Lĩnh lập ra công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, có quy mô tổng cộng khoảng 2.600 nhân viên.

Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom đất nông nghiệp, đến nay xác định là hơn 600ha, ở nhiều tỉnh, thành. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.

Công an xác định bản chất thực sự của địa ốc Alibaba là huy động vốn theo hình thức đa cấp

Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.

Đến nay Công an làm rõ, địa ốc Alibaba có 40 dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành. Thực tế, Alibaba không có sản phẩm đất nền như quảng cáo, như hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Và tính đến ngày 30/6/2019, địa ốc Alibaba và các công ty trực thuộc đã ký hợp đồng với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 2.500 tỷ đồng.

Công an đã làm rõ bản chất thực sự của địa ốc Alibaba. Đó là anh em Luyện - Lĩnh đã dùng phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng là hình thức kinh doanh bất động sản, nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp. Chúng sử dụng đất nền ở các dự án “ma” là mồi nhử để các nạn nhân sập bẫy.

40 dự án "ma" ở nhiều tỉnh thành được Alibaba sử dụng làm "mồi nhử" khiến hàng ngàn người sập bẫy đa cấp tinh vi

Như VietNamNet đã phản ánh, ban đầu địa ốc Alibaba mời chào khách hàng đầu tư mua đất với rất rẻ so với thị trường, mỗi lô khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Tiếp đó, một trong các công ty con của Alibaba đứng ra ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó thể hiện cụ thể số lô, diện tích ở “dự án” do Alibaba tự đặt. Trong hợp đồng này, công ty con của Alibaba yêu cầu khách hàng thanh toán làm 2 đợt.

Đợt 1 là ngay sau ký hợp đồng (95% giá trị lô đất), đợt 2 thanh toán 5% và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với nhiều khách hàng trước đây, thời hạn công ty bàn giao đất là 12 tháng, còn gần đây chỉ còn 6 tháng. Sau đó, khách hàng sẽ ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Alibaba.

Trong hợp đồng này, Alibaba đưa ra 4 phương án. 

Quyền chọn 1: Alibaba thuê lại đất với giá 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95%.

Quyền chọn 2:  Aliabba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng.

Quyền chọn 3: Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng.

Và quyền chọn 4, thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng, lãi suất 0% và Alibaba sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng (khi thanh toán đủ 95% giá trị nền đất). Khách hàng sẽ nhận được lãi suất tương ứng với 1 trong các quyền chọn trên.

Như vậy, bản chất thực sự của vụ án lừa đảo xảy ra tại công ty này và các công ty liên quan là hình thức huy động vốn đa cấp.

Hiện Bộ Công an đang phối hợp cùng Công an TP.HCM, Công an các tỉnh, thành để tiếp tục mở rộng điều tra.

Vụ địa ốc Alibaba, triệu tập vợ và em trai khác của Nguyễn Thái Luyện
Địa ốc Alibaba - nơi đóng cửa, chỗ cầm cự
CEO "cùi bắp" địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và thủ đoạn lừa 100 người thân

Ngày đăng: 10:00 | 26/09/2019

/ vietnamnet.vn