Công an TP.HCM đã giải đáp một số vấn đề về việc cấp, đổi căn cước công dân (CCCD).
Qua đó, CATP phấn đấu số CCCD gắn chip đạt 250 CCCD/máy/ngày và qua đợt cao điểm, CATP cũng sẽ khắc phục các sai sót như sai lệch thông tin để trả cho người dân.
Về băn khoăn CCCD mã vạch làm năm 2020 có cần đổi không khi còn hạn sử dụng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, theo quy định pháp luật thì người dân không cần đổi, không bắt buộc…
Thượng tá Lê Mạnh Hà. (Ảnh: Hà Khánh)
Tuy nhiên, Thượng tá Hà cho rằng, người dân nên đổi vì những tiện ích như CCCD gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, hạn chế sự giả mạo, thuận lợi cho giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt.
CCCD gắn chíp ngày càng tích hợp được nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh, hạn chế giả mạo, tội phạm lừa đảo, người dân yên tâm về tính chính xác của nhân thân đối với người sử dụng CCCD có gắn chip.
Ngoài ra, chỉ có CCCD gắn chíp mới tạo được tài khoản định danh điện tử, giúp người dân dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…mà CCCD mã vạch không thực hiện được. Đặc biệt, việc đổi sang CCCD gắn chip theo Thượng tá Hà chính là sự ủng hộ của người dân trong việc xây dựng chính phủ số, làm giàu dữ liệu dân cư, hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Về mã số của CCCD gắn chip hay mã vạch không thay đổi. Do đó, khi người dân chuyển đổi thì không có gì thay đổi, các giấy tờ khác như giấy tờ đất không bị ảnh hưởng.
“Việc đổi sang căn cước công dân gắn chip cũng chính là hành động của người dân giúp cho chính quyền TP.HCM, giúp cho Chính phủ, giúp cho lực lượng công an hoàn thành Đề án 6 và hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại của quốc gia và phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội”, Thượng tá Hà nói.
https://vtc.vn/cong-an-ly-giai-vi-sao-nen-chuyen-sang-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-ar689492.html
Ngày đăng: 08:31 | 22/07/2022
Hà Khánh / VTC News