Phân cấp, phân tầng một cách chuyên nghiệp; các đối tượng cầm đầu được đào tạo bài bản ở nước ngoài; hàng trăm nhân viên được bố trí rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố; ngay cả khách hàng cũng chẳng biết gì về thông tin của các đối tượng cho vay… có thể nói, quá trình đấu tranh, triệt xóa đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia của CATP Hà Nội là cuộc chiến đầy cam go với khó khăn chồng chất. Nhưng với sự kiên trì của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ , cuối cùng hệ thống cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê tại Việt Nam đã bị đánh sập hoàn toàn.
Những chiêu trò “bẩn”
11h trưa ngày 24-5, mặc thời tiết mưa gió và nhiều khu vực ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố lân cận bị ngập úng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của CATP Hà Nội chia làm nhiều mũi đã đồng loạt bao vây 7 trụ sở chính của đường dây cho vay lãi nặng, đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” xuyên quốc gia tại Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đã có gần 300 đối tượng liên quan bị đưa về trụ sở cơ quan công an để điều tra. Hàng loạt các tài liệu, chứng cứ chứng minh hoạt động phi pháp của đường dây này bị thu giữ.
Cơ quan công an khám xét tại một trụ sở làm việc của đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia |
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội phát hiện nổi lên tình trạng cho vay lãi nặng qua ứng dụng trên điện thoại di động (App), đòi nợ dưới nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần “con nợ” và người nhà, bạn bè của “con nợ”. Những người này sau đó đã trở thành nạn nhân của các chiêu đòi nợ “bẩn” như cắt ghép ảnh “nóng” rồi tung lên mạng xã hội; nhắn tin đe dọa hòng gây áp lực, để những người này yêu cầu khách hàng của chúng trả nợ.
Người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu “con nợ” không thanh toán được khoản vay, từ đó giải ngân bằng việc chuyển tiền vào tài khoản cho “con nợ”. Nếu người vay không thanh toán được trong vòng từ 3 - 5 ngày, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm.
Manh mối nhỏ, nhưng từ đây, các trinh sát đã lần tìm được trụ sở hoạt động của đường dây này. Tất cả các địa điểm đều được chúng thuê bí mật, rải rác. Người cho thuê cũng không biết khách hàng của mình hoạt động gì. Đáng nói hơn, chúng chuyển hầu hết các bộ phận đòi nợ ra ngoại tỉnh như ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, nhằm chia nhỏ để tránh sự phát hiện của cơ quan công an.
Trần Thị Hằng (SN 1991, trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - một trong số các đối tượng liên quan đường dây “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính này cho biết, vị trí thẩm định hồ sơ khách hàng của công ty có khoảng 10 người. Quy trình xét duyệt hồ sơ sẽ mất từ 5 - 10 phút. Đối với trường hợp khách hàng không trả được, công ty này sẽ phân cấp đòi nợ từ M0 - M3, chia rõ nhiệm vụ cho từng cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức. Trên thực tế, những đối tượng đứng đầu sẽ giao cho cấp dưới đòi nợ theo kiểu “muốn làm gì thì làm”, miễn làm sao thu được tiền về, có doanh thu là có thưởng. Vì vậy, các đối tượng cấp dưới phụ trách truy thu sẽ tìm đủ thủ đoạn để “tấn công” tinh thần con nợ cũng như bạn bè, người thân của họ.
Xác định tính chất phức tạp của vụ án, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự và Ban Giám đốc CATP xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nhằm bóc gỡ toàn bộ đường dây này.
Các đối tượng chuyên phụ trách đòi nợ, khủng bố tinh thần nạn nhân |
Khó khăn chồng khó khăn
“Đây là một chuyên án rất phức tạp. Đối tượng cầm đầu là người Trung Quốc và chủ yếu nắm tình hình từ nước ngoài, chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam mượn danh người khác để thành lập các công ty con. Do vậy, quá trình điều tra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định nhân thân lai lịch đối tượng chủ chốt vì thông tin hoàn toàn mờ mịt, không dấu vết” - Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cho biết.
“Không chỉ mượn danh, ngay cả công ty trung gian nhận nhiệm vụ chi hộ, thu hộ cũng do đối tượng Li (người Trung Quốc) cầm đầu. Người vay tiền chỉ biết vay qua 3 app của chúng gồm “cashvn”, “ovay” và “vaynhanhpro”, còn toàn bộ việc thu, chi là qua công ty Yopay. Các đối tượng không cần phải gặp khách hàng nên việc lần theo dấu vết tội phạm gặp rất nhiều trở ngại” - Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội thông tin thêm.
Cơ quan công an thu giữ nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động cho vay của các đối tượng |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là nạn nhân của những vụ cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê này lại không hề trình báo. Bởi lẽ, vay tiền mà không trả được nên bản thân họ cũng cảm thấy rất xấu hổ. Chỉ có những nạn nhân là người thân, bạn bè của người vay khi bị nhắn tin chửi bới, “khủng bố” tinh thần, đe dọa, thậm chí bị phát tán thông tin cá nhân bôi nhọ trên mạng xã hội mới làm đơn cầu cứu cơ quan công an.
Tuy nhiên, ngay cả những nạn nhân không may bị vạ lây này cũng không biết vì đâu mình bị liên quan, ai là người vay tiền, bởi chúng chỉ lần theo danh bạ, chứ cũng không hề quan tâm tới mối quan hệ giữa “con nợ” và nạn nhân. Chính vì vậy, có những lá đơn trình báo rồi lại đi vào… ngõ cụt. “Trong quá trình điều tra, phá án, chúng tôi nắm được một manh mối rất nhỏ từ sơ hở của một đối tượng nằm trong nhóm chuyên đòi nợ của đường dây này. Trinh sát đã rất dày công xác minh được bộ máy tổ chức, đặc biệt là lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của CATP Hà Nội đã ngày đêm tìm cách phá các lớp bảo mật tinh vi của bọn chúng…” - Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cho biết.
Manh mối nhỏ, nhưng từ đây, các trinh sát đã lần tìm được trụ sở hoạt động của đường dây này. Tất cả các địa điểm đều được chúng thuê bí mật, rải rác. Người cho thuê cũng không biết khách hàng của mình hoạt động gì. Đáng nói hơn, chúng chuyển hầu hết các bộ phận đòi nợ ra ngoại tỉnh như ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, nhằm chia nhỏ để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. “Tinh vi hơn, tất cả các điểm hoạt động của chúng sau một thời gian lại đăng ký đổi tên công ty. Do vậy, thông tin mỗi lúc một nhiễu loạn khiến việc điều tra không ít lần gián đoạn, tưởng đi vào ngõ cụt.
Trong khi đó, các đối tượng do “ông trùm” Li ủy quyền điều hành tại Việt Nam trước đó đã được đưa sang Trung Quốc đào tạo, từ việc thiết lập bộ máy tổ chức cũng như việc đối phó với cơ quan công an. Ngoài ra, Zhang Min (đối tượng người Trung Quốc phụ trách quản lý thu nợ tại Việt Nam) được đánh giá là một giang hồ chuyên nghiệp, có số má ở Trung Quốc. “Ông trùm” Li đã phải bỏ ra số tiền lớn để thu nạp được Zhang Min về làm cho mình. Với kinh nghiệm dày dạn, Zhang Min đã điều hành trôi chảy hệ thống thu nợ, khiến nhiều nạn nhân phải khiếp sợ” - Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án nói thêm.
Những đêm trắng ròng rã của Ban chuyên án cuối cùng cũng đạt được kết quả khi đường dây tội phạm nói trên đã bị bóc gỡ hoàn toàn. Đây là câu trả lời của công lý trước những hành vi vi phạm pháp luật dù chúng có tinh vi đến mấy.
Thượng tá Đặng Việt Quảng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội: Chung một quyết tâm phá bằng được chuyên án đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia
“Sau khi dựng lên được ổ nhóm, đường dây tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” xuyên quốc gia, phát hiện đối tượng cầm đầu là người Trung Quốc, chủ yếu chỉ đạo từ nước ngoài để các đối tượng tại Việt Nam quản lý, điều hành, chịu trách nhiệm, chúng tôi đã ngay lập tức báo cáo đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Ban Giám đốc CATP Hà Nội mà trực tiếp là đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội.
Các đồng chí lãnh đạo yêu cầu Ban chuyên án phải bóc gỡ bằng được đường dây này, không được bỏ sót lọt tội phạm. Cũng 2 lần chúng tôi báo cáo, đề xuất phá án, nhưng đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và đồng chí Phó Giám đốc CATP Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo lùi lại thời gian để tiếp tục làm dày hơn hồ sơ, xác định rõ các trụ sở, đối tượng tham gia để “cất mẻ lưới” cuối cùng. Mục đích là bắt giữ toàn bộ các đối tượng, nhân viên chủ chốt, thu giữ tất cả các tài liệu chứng cứ, “xóa sổ” hoàn toàn đường dây “tín dụng đen” gây nhức nhối này.
Gần 300 đối tượng bị đưa về trụ sở cơ quan công an điều tra, làm rõ |
Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phải tham gia thành phần Ban chuyên án. Bởi các đối tượng trong đường dây này đều hoạt động trên không gian mạng. Chúng tạo ra các tầng lớp bảo mật rất tinh vi. Do vậy, cần những chiến sĩ với trình độ công nghệ thông tin giỏi, bằng các biện pháp nghiệp vụ phải “bẻ gãy” những bức tường bảo mật, thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động của đường dây trên.
Vì bộ máy tổ chức của đường dây hoạt động rất tinh vi, nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự huy động cả công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ, với mục tiêu đánh nhanh, bắt gọn, không để gây dư luận hoang mang, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, các đối tượng trong vụ án và cả những người dân sống gần khu vực mà công an triển khai phá án. Được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, chúng tôi đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị gồm: Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung đoàn Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hà Nội; 20 xe tải phục vụ chở tài liệu, chứng cứ thu thập được; hàng chục xe ô tô chở cán bộ chiến sĩ và thậm chí các trinh sát trong chuyên án phải sử dụng cả xe máy để thuận tiện cho quá trình di chuyển.
Trước ngày chúng tôi xác định phá án, trinh sát phải “nằm vùng” hàng chục ngày trời để nắm được di biến động của tội phạm. Lúc này, phát hiện có nhiều đối tượng di chuyển khỏi địa bàn, chúng tôi lại tiếp tục rải trinh sát theo dấu tội phạm. Tối 23-5, tôi, Đại tá Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng CSHS, Trung tá Lý Hoài Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và Trung tá Lê Minh Hải - Đội trưởng Đội Điều tra trọng án đã họp bàn, tính toán lại từng đường đi nước bước và cũng liên tục báo cáo tình hình cho đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Phó Giám đốc CATP. Tình hình lúc đó rất căng thẳng, trời lại bắt đầu mưa, sốt ruột vô cùng. Mưa càng lúc càng lớn, nỗi lo lắng, sốt ruột của Ban chuyên án càng tăng cao. Không ai biết, ngoài trời vừa mưa to và thấm lạnh ấy có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi đang tiếp tục bám sát địa bàn làm nhiệm vụ. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng liên tục nhắn tin hỏi xem tình hình cán bộ, chiến sĩ ăn uống thế nào, có đảm bảo sức khỏe không? Dù cả đêm dầm mưa lạnh như thế, nhưng tất cả có chung một quyết tâm phải phá bằng được chuyên án này. Đó là một đêm trắng với toàn bộ Ban chuyên án.
4h sáng 24-5, Hà Nội mưa trắng trời, tất cả các mũi bắt đầu xuất phát. Không ít điểm bị ngập úng khiến việc đi lại càng khó khăn. Đến 11h trưa 24-5, đồng loạt các mũi nhận lệnh tấn công, bao vây toàn bộ 7 trụ sở của ổ nhóm “tín dụng đen” xuyên quốc gia này. Bị đánh úp bất ngờ, các đối tượng không kịp trở tay. Gần 300 đối tượng đã bị đưa về trụ sở cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Phải đến khi nhận báo cáo “an toàn” từ các mũi, chúng tôi mới phần nào yên tâm. Đây thực sự là một cuộc chiến cam go và khốc liệt nhưng chúng tôi đã chiến thắng”.
Linh An
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh: Cần cảnh giác với loại hình cho vay qua app trên điện thoại
“Những ngày vừa qua, thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app trên điện thoại thông minh và đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” có quy mô xuyên quốc gia, đồng thời bắt giữ nhiều đối tượng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm đó là dễ hiểu, một phần vì số lượng nghi phạm lên đến hàng trăm, một phần vì tính manh động cũng như tính chất của hành vi mà các đối tượng thực hiện tác động đến phạm vi rộng lớn, đông đảo người dân.
Nhiều năm trước bùng nổ hiện tượng đối tượng cho vay lãi nặng bắt giữ người vay để đòi nợ. Cơ quan pháp luật đã quyết liệt trừng trị khiến hành vi vi phạm này gần như không còn đất sống. Tiếp đến là tình trạng đổ chất thải, tạt sơn, dầu nhớt… vào nhà “con nợ” để gây áp lực cũng bị xử lý nghiêm và nay cũng không xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây xuất hiện phương pháp đòi nợ mới, đó là cho vay lãi nặng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh và đòi nợ bằng cách nhắn tin, gọi điện, “khủng bố” tinh thần trên mạng xã hội đối với không chỉ người nợ mà còn đối với gia đình, người thân, bạn bè của người nợ khiến dư luận bức xúc, nhiều người rơi vào tình trạng tiêu cực. Những người bị làm phiền bực bội, khó chịu là một chuyện, nhưng điều đó không lớn bằng việc danh dự, uy tín của họ bị ảnh hưởng, và càng nghiêm trọng hơn khi hành vi nêu trên thể hiện sự coi thường pháp luật, thách thức dư luận. Chính vì vậy, đòn tấn công của lực lượng công an vào loại hình tội phạm này không chỉ khiến những kẻ đã vi phạm bị trừng phạt, mà còn có tác dụng răn đe đối tượng có ý định vi phạm phải chùn tay, dừng bước.
Theo quy định của pháp luật, hành vi cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự. Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20-12-2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn: “Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 468 của Bộ luật Dân sự”. Như vậy mức cho vay tương ứng với 100%/năm trở lên là hành vi cho vay lãi nặng.
Nếu hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính từ 30.000.000 đến dưới 100.000.000 đồng, sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 - 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với hành vi gây áp lực để người vay trả nợ bằng cách làm phiền, đe dọa người thân thích, bạn bè của người vay, thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đối với hành vi bêu riếu, đăng tải hình ảnh của người vay hoặc của người thân, bạn bè của người vay lên mạng xã hội, diễn dàn, trang web, thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc cũng bị xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm.
Như vậy, pháp luật đã có những quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh loại hoạt động cho vay qua app và đòi nợ bằng các biện pháp không chính đáng, trái phép. Qua đây, người dân cũng cần cảnh giác với loại hình cho vay qua app. Mới đầu thì người dân thấy hình thức này đáp ứng nhu cầu tài chính của họ đơn giản, dễ dàng, thuận lợi nên nhanh chóng áp dụng. Nhưng một khi đã dính bẫy thì khó thoát ra và phải trả giá đôi khi khiến họ khuynh gia, bại sản và làm liên lụy đến bao nhiêu người”.
L.A
Ngày đăng: 07:47 | 05/06/2022
Thùy An / anninhthudo.vn