Nhiều “con ông cháu cha” thuộc dạng “tuổi trẻ tài cao” đã bị kỷ luật. Người làm cán bộ cấp cao đứng đầu thành phố; người là Giám đốc sở của tỉnh bậc nhất miền Trung.
Điều đặc biệt ở chỗ, những trường hợp này còn rất trẻ, chưa có đóng góp gì nhiều lại thăng quan tiến chức vù vù, chỉ vài tháng là lên một cấp. Mà cũng lạ ở những nơi “tráng men” đó chả có thành tích gì nổi trội, chả có gì đóng góp cho sự phát triển.
Điều đáng nói là khi có dư luận nhiều người lại lấp liếm (kể cả tổ chức có trách nhiệm) bằng “đúng quy trình”.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng là một trong số bí thư trẻ nhất nước ta, số ý kiến đồng thuận cũng nhiều mà nghi ngờ về “con ông cháu cha” cũng lắm. Ông Xuân Anh tuy đã qua các chức vụ cần thiết nhưng cũng vẫn là “tráng men”. Người ta nói nếu không có bố thì từ một nhà báo có thể chuyển bước ngoặt ngoạn mục như vậy không? Và thăng tiến nhanh như vậy không?
Còn nhớ cách đây 2 năm, trường hợp ông lê phước hoài bảo dư luận đã tốn không ít giấy mực bàn tán. Chỉ từ năm 2012, khi ông đi học thạc sĩ bằng nguồn kinh phí của Nhà nước về đã lần lượt giữ các chức vụ: Phó, rồi Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư khu kinh tế mở Chu Lai; năm 2014 được điều động làm Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình; năm 2015 là Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư rồi lên chức Giám đốc cũng trong năm này. Sinh năm 1985 mà chỉ có mấy năm vào cơ quan Nhà nước thăng tiến như vũ bão, nếu không phải là con ông Lê Phước Thanh Bí thư Tỉnh ủy thì liệu có lên nhanh và nắm được chức vụ “ngon” như vậy không?
Ông Lê Phước Hoài Bảo đã từng khiến dư luận nghi ngờ về năng lực khi được bổ nhiệm Giám đốc sở ở tuổi 30. (Nguồn ảnh: Internet).
Hay như ông Quý ở Yên Bái bị kỷ luật cờ bạc là thế, nếu không có người chống đỡ thì chắc cả đời cũng chỉ đi buôn chổi đót, nuôi lợn. Mà biết đâu vì cái họa chống đỡ chúng ta mất đi một nhân tài thực sự để phát triển kinh tế miền núi?
Và trường hợp con ông Nguyễn Huy Hoàng cũng thế, chuyển qua bao nhiêu chức vụ, tiến cũng nhanh không kém. Ông chẳng làm được gì nhưng việc gì ông cũng làm được, thế mới tài.
Rồi nhiều trường hợp khác dư luận cũng đã lên tiếng nhưng chưa bị “lộ sáng”, chưa bị kiểm tra. Có con lãnh đạo còn được bầu khi không là đại biểu đi dự Đại hội Đảng mà vẫn “cơ cấu”. Nếu nghiêm minh thì một số “con ông cháu cha” không thể “tiến nhanh, tiến mạnh” như thế và có trường hợp khi bố thôi làm việc cũng rút nhanh không kém như khi lên chức.
Có người nói rằng cứ nhìn vào danh sách những người “tuổi trẻ tài cao” ở lĩnh vực làm lãnh đạo được thăng tiến nhanh như vũ bão chả có bóng dáng của con cái nông dân mà toàn “con ông cháu cha” thì ngược lại nhìn vào thành tích khoa học toàn bóng dáng của con cái nông dân chả có bóng dáng con cái các cụ. Kể ra nói thế cũng chưa đầy đủ nhưng cũng là điều đáng suy ngẫm.
Chúng ta từng có thời kỳ mà ranh giới ấy không hề có. Những đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều kinh qua thử thách, kinh qua thực tiễn mà trưởng thành chứ không hề có bóng dáng “con ông cháu cha” trong tầng lớp lãnh đạo. Và con cái của các đồng chí lãnh đạo đều trải qua thực tiễn, cũng cầm súng đánh giặc, thử thách ở chiến trường, những nơi gian khó.
Tại sao giờ cứ có người trẻ được bổ nhiệm vào vị trí cao lại bị dư luận đặt câu hỏi: Đồng chí này là con đồng chí nào? Và con đồng chí nào đó khi có dư luận đề nghị kiểm tra lại đều nói là đúng quy trình? Những điều này nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng. Tổng Bí thư khi nói về công tác cán bộ cho rằng: “Quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai...”.
Điều đáng bàn là, khi có dư luận nhưng các bộ, ngành, địa phương không tự kiểm tra để uốn nắn, bao biện, bao che và đều bị trôi vào quên lãng. Có những vụ trên về kiểm tra thì lại hùa theo địa phương. Dư luận sau khi ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật đối với ông Lê Phước Hoài Bảo liền đặt dấu hỏi đối với đoàn công tác của bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đứng đầu. Cái gì làm cho đoàn công tác kết luận mọi cái đều đúng quy trình trong khi ủy ban Kiểm tra Trung ương lại kết luận như vậy? Ở đây là do trình độ non kém hay do điều gì khác?
Rõ ràng, điều mà đoàn công tác của bộ Nội vụ kết luận là làm sai. Sai do nguyên nhân gì thì cũng đều phải chịu trách nhiệm. Nhân dân giao phó nhiệm vụ mà không hoàn thành thì phải chịu kỷ luật. Nếu không rút kinh nghiệm không xử lý thì bộ Nội vụ có lấy lại được niềm tin của nhân dân không?
Chuyện “con ông cháu cha” mà dư luận đặt ra là có căn cứ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc đều phát hiện ra sai lầm. Đây thực sự không phải là “hạnh phúc” của dân tộc mà là tai họa nếu chúng ta cứ làm theo kiểu như vậy.
Chừng nào tuổi trẻ tài cao thật sự được trọng dụng, chừng nào cái quy trình bổ nhiệm phát hiện, ngăn chặn được những kẻ lợi dụng chức quyền để đưa người nhà người thân của mình vào bộ máy thì chừng đó dân tộc mới thực sự hạnh phúc.
Thanh tra như cán cân, sao để người thân làm lệch được?
Chuyện xưa trong các triều phong kiến, những người làm việc liên quan tới sổ sách lúa gạo, quốc khố được vua chuẩn cho một ... |
Quảng Nam giải trình việc bổ nhiệm giám đốc Sở 30 tuổi như thế nào?
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Nội vụ hai năm trước, nêu việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc ... |
Vụ con quan thành công chức: Người trong cuộc nói gì?
Những người được tỉnh Gia Lai tuyển dụng sai quy định cho rằng bản thân luôn hoàn thành tốt công việc, vì là công chức ... |
Ngày đăng: 08:50 | 22/12/2017
/ Nguyễn Đăng Tấn/nguoiduatin.vn