Đến bao giờ giáo viên sống được bằng lương? Câu hỏi luôn được đặt ra nhưng chẳng bao giờ có câu trả lời.
LTS: Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Song, trước những nỗi khó khăn, vất vả của nhiều giáo viên hiện nay, ngành giáo dục đang dần mất đi sự thu hút đối với các bạn trẻ.
Nhằm góp phần nêu lên tiếng nói của những người trong cuộc, cô giáo Phan Tuyết đã cho rằng: Nhà nước đầu tư cho Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhưng lại lãng quên đi một yếu tố quyết định không nhỏ đến sự thành bại của việc đổi mới giáo dục đó là giáo viên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nghề giáo không chỉ vất vả, cực nhọc, áp lực mà chế độ đãi ngộ lại không cao. Giáo viên dần mất đi nhiệt huyết, người tài lại chẳng chịu vào. Nhiều giáo viên có tâm với nghề luôn khắc khoải, trăn trở “cứ cái đà này, không biết rồi giáo dục sẽ đi đến đâu?”.
Hình ảnh minh họa về những nỗi khó khăn, vất vả của người giáo viên (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Một hiện thực đau lòng đang diễn ra trước mắt, trong khi học sinh giỏi, xuất sắc cứ lao vào các ngành công an, bộ đội, y dược thì ngành sư phạm phải tuyển sinh theo kiểu “giã cào”. Điểm chuẩn vào ngành sư phạm đang quay về ngưỡng của mấy mươi năm về trước. Vì sao lại đến cảnh này?
“Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã khẳng định: “Hiện nay, thang bảng lương của nhà giáo đã được xếp theo thang bảng lương chung tại Bảng lương số 3 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Theo đó, lương của nhà giáo không thấp hơn so với những viên chức cùng loại (khối viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công có 4 loại: A, B, C và D thì Nhà giáo được xếp từ bậc B trở lên).
Ông Trần Kim Tự nói tiếp: “Có thể nói, với chính sách tiền lương hiện nay căn bản đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóaVIII”.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra “Tại sao nhà giáo vẫn nghèo?, Tại sao họ vẫn không thể sống được bằng lương?, Tại sao những người giỏi lại chẳng màng vào sư phạm?”…
Nếu làm cuộc thống kê “Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?”. Có lẽ, mọi người sẽ bất ngờ vì con số này rất, rất ít.
Chỉ tính riêng một trường học nơi tôi từng giảng dạy trước đây, có năm hàng chục con giáo viên thi đại học nhưng chỉ có một em thi vào sư phạm.
Có em bố mẹ định hướng cho theo nghề để giữ truyền thống lâu đời của gia đình. Nhưng cô bé ấy đã nhất quyết nói rằng:
“Ba mẹ khổ như thế chưa thấy đủ sao mà còn muốn đời con mình khổ? Nếu ba mẹ vẫn cứ cương quyết bắt con thi sư phạm, con sẽ tự tử cho mà xem”. Trước câu nói dứt khoát ấy, vợ chồng cô bạn phải để con mình chọn trường đại học Kinh tế”.
Dù lương của giáo viên thấp thế, nhưng hiện nay, ngân sách chi cho lĩnh vực Giáo dục đã là 20% so với tổng chi của ngân sách Nhà nước.
Đây là tỷ lệ thể hiện sự ưu tiên hơn cho giáo dục vì đất nước ta còn khó khăn, còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác cũng cần được đầu tư.
Trong khi đó, Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhà nước đã phải chi ra “Tổng kinh phí thực hiện dự án là 80 triệu đô la Mỹ. Trong đó, có 77 triệu đô la Mỹ là nguồn vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - Ngân hàng Thế giới và 3 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ Nhà nước đang rất quan tâm đến giáo dục đúng như câu nói “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Tuy nhiên, bỏ ra một khoản tiền khổng lồ như thế cho việc Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong khi chưa biết nó thành công đến mức độ nào e rằng sẽ lãng phí. Bởi, những lần thay sách trước đây, cũng đã tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ nhưng hiệu quả cũng chẳng đi đến đâu.
Nhà nước đầu tư cho Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhưng lại lãng quên một yếu tố quyết định không nhỏ đến sự thành bại của việc đổi mới giáo dục đó là giáo viên.
Khi thầy cô còn nghèo, còn chạy ăn từng bữa, bệnh chẳng dám đến bệnh viện vì sợ không tiền chi trả, hằng ngày còn phải phân tâm về chuyện lương tiền để nuôi con ăn học, phụng dưỡng cha mẹ…
Khi họ còn phải bôn ba “chân ngoài dài hơn chân trong” bòn mót để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống thì tâm trí đâu dành cho giáo dục?
Giáo sư Hoàng Tụy đề xuất: “Nhà nước không cần đầu tư tiền cho việc biên soạn. Số tiền bao nhiêu tỉ ấy không phải để biên soạn sách giáo khoa mà để bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo, trợ cấp cho các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo”.
Việc đề xuất của Giáo sư Hoàng Tụy cũng chính là mong muốn của nhiều giáo viên. Trong khi học sinh nhiều nơi đang thiếu phòng học (60 học sinh/lớp), học sinh phải học theo ca, bàn ghế, đồ dùng dạy và học còn thiếu thì việc đầu tư một khoản tiền lớn cho việc thay sách cũng chẳng mang đến hiệu quả cao như chúng ta mong muốn.
Bên cạnh đó, không có chính sách ưu đãi để thu hút người tài vào sư phạm chúng ta sẽ thực hiện đổi mới thế nào khi nhân lực ngành sư phạm quá yếu?
Ngày đăng: 08:00 | 10/08/2017
/ Phan Tuyết/Giáo dục Việt Nam