Gần như 100% học sinh xếp loại khá giỏi, xuất sắc, nhưng các bậc cha mẹ lại vô cùng lo lắng vì nó không phản ánh chính xác chất lượng dạy–học hiện nay.
Hầu hết các trường học trong cả nước đã họp phụ huynh thông báo kết quả học tập học kỳ 1. Trên trang cá nhân, nhiều cha mẹ hân hoan khoe thành tích học tập của con nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa quá nhiều lo lắng.
Áp lực học tập, điểm số đang đè nặng lên học sinh.
Cô bé lớp 3 sát nhà tôi học một trường công lập ở giữa Hà Nội, viết chính tả còn sai be bét, cộng trừ nhầm lẫn liên miên. Cha mẹ cháu rất phiền lòng, phải thuê người dạy kèm, cho học thêm, thỉnh thoảng ức chế còn đánh con…nhưng con không tiến bộ là mấy. Xin nói rõ, cháu là người hoàn toàn bình thường, giao tiếp, sinh hoạt không có gì phải chê trách; nói năng lễ phép, biết nghe lời người lớn, không gây lộn với ai bao giờ.
Học kỳ vừa rồi con thi được 2 điểm 9 môn Toán và Tiếng Việt. Các môn học còn lại đều đạt. Cầm phiếu điểm của con trên tay mà mẹ cháu cười méo xệch, bởi biết rằng đó không phải kết quả thực sự của con. Mẹ cháu bảo: “Cháu không được phép có điểm thấp. Mẹ có muốn cho con đúp học lại cũng không được. Bởi, nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường”.
Có lẽ đây là căn nguyên của câu chuyện học sinh học lực khá giỏi mới được tham gia lớp học của các cô giáo thi giáo viên dạy giỏi? Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh khá giỏi nhưng chưa chắc chất lượng dạy – học đã đạt yêu cầu.
Chúng ta đòi hỏi đổi mới giáo dục, đưa nhiều bộ môn mới vào giảng dạy, cho học sinh thực hành nhưng lại không thay đổi thước đo, chuẩn đánh giá học sinh, giáo viên. Chính điều này đã tạo áp lực vô cùng lớn lên cả người dạy và người học. Cách đánh giá, xếp loại học sinh vẫn dựa vào điểm số lại là cơ hội cho những lớp học thêm, dạy thêm; cha mẹ, học sinh lại bị lôi vào một guồng quay không lối thoát.
Thời chúng tôi đi học, có những bạn học 3 năm 1 lớp, còn chuyện 2 năm một lớp không phải là hiếm. Không biết từ khi nào, giáo dục nước nhà không còn chuyện học sinh lưu ban nữa? Nếu như vậy thì giáo dục đang vì ai, có vì học sinh không?
Đồng nghiệp của tôi cho con sang Australia học. Cuối năm bạn được cô giáo và trường khen. Giấy khen dành cho con không phải vì con vượt trội so với các bạn khác mà là sự tiến bộ của con được so sánh với chính con khi bước chân vào trường. Sự đánh giá này khiến cho con thêm tự tin khi đến trường, con không phải chịu bất kỳ áp lực nào.
Chúng ta đã thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học nhưng vẫn còn quá nặng về điểm số. Giờ đây, nhiều cha mẹ đã “buông” chuyện chạy theo thành tích, muốn con mình có một tuổi thơ thật thoải mái, vui vẻ… nhưng vẫn chưa thực sự thoải mái khi cuối học kỳ, cuối năm học vẫn áp dụng một chuẩn đánh giá.
Nhân lực của ngành giáo dục hiện nay cũng là điều đáng bàn. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Vẫn “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì không thể trông mong một sự đột phá về chất lượng nhân lực ngành giáo dục. Thực trạng tuyển sinh vào các trường sư phạm hiện nay đã cho thấy khó tìm được sự bứt phá trong tương lai 5-10 năm tới.
Nếu giáo dục vẫn nặng thành tích, điểm số, vẫn thiếu minh bạch (xin điểm, cho điểm)… thì làm sao tránh cho những học sinh “ảo tưởng” về bản thân? Nguy hại hơn, cách làm này tạo ra sự bất công với chính các em, bởi bạn học kém và giỏi bị đánh giá tương đồng. Điều này cũng tạo ra một thế hệ có tư tưởng sống dựa, ỷ lại vào sự ban phát của người khác.
Bộ Giáo dục ghi nhận có việc \'dàn dựng\' trong hội thi giáo viên giỏi
Không ghi nhận việc học sinh kém bị loại khỏi lớp, nhưng Bộ Giáo dục chỉ ra nhiều bất cập từ hội thi giáo viên ... |
Giáo viên thi dạy giỏi, học sinh kém phải nghỉ: \'Ngẫu nhiên\'
Theo ông Trường, học sinh được lựa chọn có đủ cả học sinh giỏi, khá và học sinh yếu, có như vậy tiết học mới ... |
Ngày đăng: 08:51 | 16/01/2019
/ https://vtc.vn