Năm 2022, theo cách gọi của người châu Á là năm Nhâm Dần. Với thân hình to khỏe, dũng mãnh, uy nghiêm và những vạch trên trán vẽ thành chữ "vương", hổ được tôn là Chúa sơn lâm, là "vua của muôn loài". Những người sinh năm Dần cũng thường được cho là những nhà lãnh đạo can đảm với sự tự tin và nhiệt tình.
Dũng mãnh và tôn nghiêm
Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu và gắn bó với lịch sử của loài người. Dù trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nói về hổ là người ta luôn liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn của một dã thú; là động vật săn mồi hàng đầu và cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh, toát lên vẻ đẹp khôi vĩ.
Những tập tính của hổ được đánh giá cao và được coi là biểu hiện cho nhiều phẩm chất đáng trân quý của con người như sự kiên trì nhẫn nại và ẩn nhẫn giấu mình; giỏi chịu đựng vì theo bản năng các con hổ biết khi nào nên nằm yên phục kích con mồi; bậc thầy về nguỵ trang bởi chúng từ từ tiếp cận con mồi một cách âm thầm từng bước một, tận dụng mọi vật bình phong che chắn. Khi điều kiện chưa chín muồi, thời cơ chưa rõ ràng, chúng sẽ tránh bộc lộ quá sớm ý đồ của mình, hành sự kín đáo, không nóng vội. Đồng thời, ở hổ còn là biểu tượng của sự quyết đoán, lạnh lùng, mãnh liệt và dứt khoát khi ra tay hạ thủ vào chỗ hiểm yếu chí mạng.
Các triều đại phong kiến ở các nước Phương Đông coi hổ cùng với rồng là biểu trưng cho vương quyền, trong quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử. Chính vì vậy mà hình ảnh con hổ xuất hiện khá phổ biến trong cung cấm, doanh trại và trong trường thi. Đứng hàng thứ ba trong thập nhị địa chi (12 con giáp), hổ là vị vua mang nhiều ẩn dụ nhất trong các loài dã thú. Đặc biệt, hổ được con người thần thánh hoá trong cả đời sống xã hội lẫn văn hoá nghệ thuật. Các võ tướng ngày xưa thường mang phù hiệu, ấn tín hiệu đầu hổ, gọi là hổ phù còn các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện linh thiêng, bất phân loại.
Chưa hết, trong tâm thức của nhiều dân tộc, hổ được coi là quái vật của bóng tối và tuần trăng mới, một trong những hình tượng của giới thượng lưu và thế giới được đồng nhất với mặt trăng tái hiện. Trong văn hoá Trung Quốc, hổ là động vật duy nhất được người ta ghép đôi với rồng - một loài hư cấu tượng trưng cho quyền lực của tự nhiên.
Nhiều bức tranh vẽ, thư pháp, tranh thủy mặc ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... có vẽ cảnh đẹp hổ và rồng đang ở tư thế chuẩn bị giao chiến. Thậm chí, người Hàn Quốc còn quan niệm khi trời mưa là lúc rồng và hổ đang giao chiến kịch liệt. Các nền văn hóa lâu đời tồn tại ở những quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng thường sử dụng hổ trong các truyện dân gian, thần thoại. Một số nước như Malaysia, Hàn Quốc, Bangladesh và Ấn Độ coi chúng là động vật quốc gia.
Biểu tượng cho sự may mắn
Ở Trung Quốc, nhiều động tác võ thuật được thực hiện dựa trên hoạt động, cách di chuyển của hổ. Vì khả năng rình rập và săn mồi của mình, hổ còn được sử dụng để đại diện cho vị tướng quân cao nhất trong quân đội của Đế quốc Trung Hoa. Nghĩa là nếu rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền; phượng hoàng biểu tượng cho hoàng hậu thì hổ biểu tượng cho các vị tướng và đại diện cho quân đội. Người Trung Quốc coi hổ là biểu tượng của sự can đảm. Họ tôn sùng đấu sĩ dữ tợn, không biết sợ hãi này và coi đây là biểu tượng chống lại ba đại họa của một gia đình như hỏa hoạn, trộm cắp và tà ma.
Trong lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, hổ vừa được dân gian tôn làm thần giám hộ, vừa là biểu tượng của uy dũng và quyền lực, vừa giúp con người tránh được vận hạn và đem đến nhiều phúc lộc. Tại Thế vận hội mùa Hè 1988 tổ chức ở thủ đô Seoul, hổ được sử dụng để đại diện cho các vận động viên và người hâm mộ Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc còn tin rằng, khi một con hổ đã trải qua nhiều thử thách và hiểu biết đặc biệt về cách thức vận hành của thế giới, nó sẽ trở thành một con Hổ trắng. Và vì tin rằng hổ xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, an lành nên người Hàn Quốc thường treo tranh, để tượng hổ trong nhà hoặc sử dụng hình tượng hổ trong đồ trang sức.
Chưa hết, người Hàn Quốc xưa còn quan niệm rằng trong ngày vui hôn lễ, để tránh cho cô dâu khỏi gặp họa vì lòng người đố kỵ khó lường, nên phủ lên kiệu hoa một tấm da hổ hay tấm chăn có họa tiết hình hổ. Nếu cô dâu ngồi kiệu phủ trướng da hổ thì chú rể luôn phải giữ móng hổ bên mình. Còn trong khu lăng mộ của các vua ở Hàn Quốc, tượng hổ tạc bằng đá nằm ngay phía trước mộ xuất phát từ quan niệm cho rằng hổ có thể bảo vệ lăng mộ. Rồi tính chất linh thiêng của hổ còn được thể hiện trong lễ cầu mưa. Theo sử liệu thời Joseon, vào thời Taejong, Sejong, Munjong và Danjong, đầu hổ được dùng để cúng thần khi hành lễ cầu mưa Seokcheokgiuje. Trong nghi lễ cầu mưa, đầu hổ được ném xuống sông, nơi được coi là chốn ngự trị của rồng bởi quan niệm chỉ có hổ mới trị được Long thần - kẻ cai quản nguồn nước.
Đối với những dân tộc ở vùng Ấn Độ, với đặc điểm là khu vực phân bố nhiều loài hổ nhất trên thế giới cho nên từ lâu trong văn hóa, hổ đã hiện diện rõ rệt. Trong tranh tượng đạo Hinđu, da hổ là một chiến quả của thần Siva và hổ là vật cưỡi của thần Shakti. Nữ thần Hindu, Durga, được miêu tả là một chiến binh có 10 cánh tay và cưỡi con hổ cái tên là Damon khi ra trận chống lại ác quỷ Pravati. Ở miền Nam Ấn Độ thì hổ là bạn của vị thần Ayyappan. Hổ cũng là một trong những động vật được khắc họa ở dấu ấn Pashupati của nền văn minh lưu vực sông Ấn. Những hình ảnh của hổ được in trên phù hiệu của vương triều Chola và những đồng tiền của vương triều này.
Trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu cũng là một trong ba linh vật; trong đó hổ biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng. Do đó hình ảnh thường thấy là hình tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi trên lưng hổ và đó là tượng trưng cho sự diệt trừ được tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành chính quả. Tipu Sultan, người trị vì Mysore ở Ấn Độ cuối thế kỷ 18, cũng là một người rất ngưỡng mộ loài vật này…
Ngày nay, hổ còn là động vật biểu tượng quốc gia của Ấn Độ. Con vật này được Ngân hàng dự trữ Ấn Độ chọn làm biểu tượng và tiền giấy Ấn Độ mang chân dung của hổ. Tiền giấy Bangladesh cũng có một con hổ. Đảng chính trị Liên đoàn Hồi giáo Pakistan sử dụng hổ làm biểu tượng bầu cử. Hổ cũng là biểu tượng quốc gia của Malaysia, xuất hiện trên quốc huy Malaysia và trong biểu trưng của một loạt các tổ chức nhà nước của Malaysia...
Những ông Ba Mươi trong vườn cứu hộ
Trong mọi nền văn hóa trên thế giới thì con hổ luôn có một vị trí gần như thượng tôn. Hổ là biểu tượng của ... |
Chuyện chăm sóc Chúa sơn lâm ở Hà Nội
Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40 phút đi xe, có một trung tâm đặc biệt đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn ... |
Ngày đăng: 07:00 | 01/02/2022
/ cand.com.vn