Giữa con hổ Leng và ông Tài có một sợi dây tâm linh nào đó ràng buộc. Còn không có cách gì có thể lý giải được, tại sao ông Tài lại thương yêu con hổ Leng đến vậy và tại sao con Leng đã rời nhà ra đi cả năm trời nay lại biết đường trở về với một vết thương lớn và sức tàn lực kiệt.
Con hổ Leng (Kỳ 61) |
Con hổ Leng (Kỳ 60) |
Con hổ Leng (Kỳ 59) |
Trong số những đoàn đến thăm và kiểm tra con Leng, có một tổ cán bộ tuyên truyền của Phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh và một phóng viên của báo tỉnh tên là Huy. Anh em đội tuyên truyền đề nghị quay cảnh ông Tài đang chăm sóc vết thương cho con Leng, rồi cảnh ông cho con Leng ăn và họ còn mong muốn ông dắt con Leng đi vòng quanh sân để cho họ quay phim. Ông Tài kiên quyết từ chối. Nhưng sau đó cả Trưởng Công an huyện rồi Đồn trưởng Biên phòng góp lời xin ông Tài mới đồng ý, nhưng bằng cách ông cho mở một cánh cửa sổ và phóng viên đứng ở ngoài quay phim. Cũng phải mất gần nửa ngày thì anh em mới quay được cảnh ông Tài đút từng miếng thịt bò cho con Leng ăn, rồi rắc tro lông nhím lên vết thương của nó. Họ cũng quay được một trường đoạn ông Tài bế đầu con hổ cho nó gối lên đùi mình, rồi thầm thì nói chuyện với nó, như thể nói chuyện với một đứa con nhỏ.
Con Leng cũng đã đứng dậy đi được nhưng ông Tài không cho nó ra ngoài sân, mà chỉ loanh quanh ở trong nhà. Biết nó khó chịu bởi cái dây da buộc ở cổ, ông Tài bảo nó: “Con ạ, ta biết con không thích cái dây buộc cổ này, nhưng con phải thương ta. Cái đám người đang ở bên ngoài kia họ chẳng thương xót gì con đâu, họ chỉ muốn nhìn thấy một con hổ. Ta sợ con không bằng lòng, con nổi cáu, rồi sinh chuyện. Đến lúc đấy thì cả con và ta đều chết đấy”.
Con Lếch thì suốt ngày ngồi ngoài cửa canh. Bất cứ ai xuất hiện thì nó đều đưa cặp mắt sắc lẹm nhìn gườm gườm và sẵn sàng nhe nanh ngăn cản những ai mon men đến cửa. Cả con gấu May và con khỉ Tiểu Hầu cũng loanh quanh ở nhà như muốn bày tỏ tình cảm với con Leng.
Trong lúc mọi người cứ xoắn lấy quanh nhà để chầu chực ông Tài cho vào thăm con Leng thì phóng viên Huy lẳng lặng đi gặp bà con trong bản và anh về ở hẳn nhà Kiểm lâm Phú. Những câu chuyện của Phú, của Pờ văn Minh, của thầy Tào kể cho Huy nghe, anh đã ghi chép được hàng chục trang sổ tay. Và càng có nhiều thông tin, anh càng ngộ ra một điều: giữa con hổ Leng và ông Tài có một sợi dây tâm linh nào đó ràng buộc. Còn không có cách gì có thể lý giải được, tại sao ông Tài lại thương yêu con hổ Leng đến vậy và tại sao con Leng đã rời nhà ra đi cả hai năm trời nay lại biết đường trở về với một vết thương lớn và sức tàn lực kiệt.
Cũng phải mất gần một tuần thì các đoàn khách, đoàn kiểm tra mới vãn. Lúc đấy, Huy mới nhờ Trưởng bản Pờ Văn Minh đến gặp ông Tài. Nhìn thấy Huy, ông Tài ngạc nhiên:
- Tôi tưởng anh về rồi chứ?
Huy cười và nói:
- Cháu đi cùng với tổ tuyên truyền của công an tỉnh, nhưng từ hôm đấy đến giờ cháu đã được gặp bác lúc nào đâu. Bây giờ mọi người đã về hết, cháu xin phép bác cho cháu được ở đây với bác vài ba ngày.
Ông Tài lắc đầu:
- Có gì thì tôi đã nói hết với các đoàn kiểm tra rồi. Anh thông cảm. Anh biết đấy, con Leng nó là thú dữ. Tính hoang dã trong người nó còn rất mạnh. Có tôi, có con Lếch bên cạnh thì nó hiền lành là thế. Nhưng nếu không có thì chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu. Thôi anh cứ ở bên nhà chú Minh hay ở bên nhà anh Phú, rồi thi thoảng sang đây.
Huy nằn nèo:
- Cháu muốn viết một phóng sự dài kỳ về việc bác nuôi con hổ Leng và cả những vấn đề về giữ gìn, bảo tồn khu rừng cấm Mường Báng. Bác đừng ngại, cháu hứa sẽ viết trung thực và nếu bác chưa tin thì cháu sẽ ở đây viết xong bài, rồi đưa bác đọc lại.
Ông Tài lắc đầu:
- Tôi biết gì về chữ nghĩa đâu mà đọc của các anh.
Pờ Văn Minh cũng xin ông Tài tạo điều kiện cho Huy ở lại nhà vài hôm, bởi anh muốn được miêu tả chân thực và chính xác về con hổ Leng, cũng như về tình cảm của ông Tài với con hổ.
Nể lời của Trưởng bản Minh, cuối cùng ông Tài đồng ý. Ông cho Huy vào nhà và xếp cho anh chiếc giường nhỏ mà con trai ông vẫn nằm. Lần đầu tiên được nằm ở bên cạnh một con hổ mà với một khoảng cách chỉ ba, bốn mét. Trong Huy dội lên một cảm giác cực kỳ khó tả. Anh lấy chiếc máy ảnh Pratica MTL3 và với mấy cuộn phim Orwo 21 Din, Huy cố rình chụp những phút giây ông Tài ở bên cạnh con Leng. Khi ông Tài đang chăm sóc vết thương cho con Leng, Huy rụt rè đề nghị:
- Bác ạ, bác cho cháu ngồi cạnh con Leng, cháu sờ nó một tí được không?
Nghe Huy nói vậy, ông Tài chợt nảy ra một ý, ông bảo:
- Phải để tôi hỏi ý kiến con Leng đã, xem nó có cho không?
Huy ngạc nhiên, nhưng rồi anh cũng bảo:
- Bác nói chuyện được với nó à?
Ông Tài cười:
- Nếu tôi không hiểu nó và nó không hiểu tôi thì làm sao ở được với nhau đến ngày hôm nay. Nào bây giờ anh thử đến gần nó xem.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Huy rón rén đến gần con Leng, nhưng chỉ còn cách hai mét thì con Leng đứng phắt đậy. Nó nhìn Huy gườm gườm và ánh mắt lộ rõ vẻ không thiện cảm. Môi của nó cong lên lộ rõ chiếc răng nanh to như ngón tay cái, nhọn hoắt. Nhìn ánh mắt ấy, Huy hoảng sợ. Huy vội lùi ra. Ông Tài nói luôn:
- Anh thấy chưa, nó không đồng ý mà. Nó yếu thế này nhưng cú tát của nó vẫn có thể làm chết một con lợn lớn đấy.
Huy lùi ra xa thì con Leng lại nằm xuống. Ông Tài dỗ dành:
- Leng à, người này là bạn của ta đấy. Con đừng làm anh ấy sợ. Người tốt đấy mà. Nào nghe lời ta đi.
Lời nói của ông Tài làm con Leng hiểu. Nó nằm im. Ông Tài vẫy Huy lại gần và Huy cứ nhích từng bước một, rồi anh đến phía sau lưng con Leng, anh rụt rè sờ cái đuôi nó, rồi anh lần lần xoa đến mông và xoa quanh vết thương bắt đầu lên da non của nó. Anh gãi nhẹ vùng da đó khiến con Leng cảm thấy buồn buồn dễ chịu, rồi anh xoa lên lưng nó và cũng nói thầm thì: “Leng à, tao cũng thương mày lắm. Ông Tài thương mày mười, thì tao cũng thương mày bảy, tám phần. Bởi vì tao chưa được ở lâu với mày. Sao mày khôn thế? Mày đã đi bao lâu mà bây giờ vẫn biết đường trở về. Những ngày mày ở rừng có khi nào mày nghĩ đến người đã nuôi nấng mày không, có nghĩ đến mẹ nuôi mày không? Mày cho tao ở bên cạnh mày nhé. Mày hãy coi tao như anh Minh, như ông Tài, như con Lếch...”.
Những lời nói rủ rỉ của Huy làm con Leng cảm thấy dễ chịu, nó nằm im. Cái đuôi dài mềm mại vẫy qua vẫy lại ra ý hài lòng. Rồi Huy đưa tay lần lên xoa đầu nó, anh vuốt những cọng râu cứng quèo vểnh lên, nom oai phong lạ lùng. Một cảm giác sung sướng mãn nguyện tràn ngập và cũng bỗng dưng anh cảm thấy giữa anh và con hổ này không còn khoảng cách nữa.
Thấy Huy sờ được râu con Leng mà nó vẫn nằm im. Ông Tài bảo:
- Bây giờ thì nó sẽ coi anh như bạn rồi đấy. Anh mà ở đây lâu một chút thì có khi anh sẽ dắt được nó đi chơi trong bản.
Huy nói luôn:
- Cháu ở bao lâu cũng được. Nếu mà được một lần trong đời dắt con hổ này đi chơi thì còn gì bằng nữa.
Minh nảy ra một ý, anh căn chỉnh khoảng cách khẩu độ cho chiếc máy ảnh rồi hướng dẫn ông Tài cách chụp ảnh, rồi anh lại ngồi sát bên con hổ, anh xoa đầu nó để ông Tài chụp một bức ảnh.
Minh ở với ông Tài hai ngày. Trong hai ngày đó, anh cũng cho con Leng ăn, cũng chăm sóc vết thương cho nó và ngày nào anh cũng cố dành thời gian thật lâu để ngồi bên cạnh nó.
Con Leng cũng tỏ thái độ thân thiện với anh bằng cách liếm tay anh. Lúc đầu, Huy giật bắn người khi lưỡi hổ như một tờ giấy nhám lướt qua mu bàn tay anh. Nhưng rồi anh thấy rất thích thú khi con Leng liếm bàn tay mình và ánh mắt nó nhìn anh thấy hiền từ, ấm áp. Bằng sự quan sát tinh tường và rất nhạy cảm, Huy đọc được trong ánh mắt con Leng những tình cảm khác nhau với từng người. Khi ông Tài tới, nó nhìn ông bằng ánh mắt biểu lộ sự biết ơn vô bờ bến. Dù đứng chưa vững, nhưng nó vẫn cố gắng gượng dậy, dụi cái đầu to lớn vào bụng ông, ve vẩy đuôi biểu lộ sự vui mừng. Nó cứ đứng run run và dựa đầu vào ông như thể xin ông che chở. Còn khi con Lếch tới, thì ánh mắt con Leng lại trở nên ngây thơ, bé bỏng và đôi lúc ngơ ngác. Nó thường nằm duỗi dài hai chân, để con Lếch liếm láp khắp người. Con Lếch cũng rất chú ý liếm xung quanh vết thương của con Leng. Vết thương đã se miệng nên gây cho con Leng một cảm giác ngứa ngáy. Vì thế, nó rất thích được con Lếch liếm quanh hoặc Huy ngồi gãi nhè nhẹ. Những lúc như thế, Huy có cảm giác rằng anh và con Leng không có khoảng cách và dường như nó đã có trong anh từ lâu.
Ông Tài cũng cho anh dắt con Leng đi trong nhà và có lúc ra tập đi ở ngoài sân. Những giây phút như thế, đối với người làm báo như Huy thật là vô giá.
Ông Tài cũng không phải cho con Leng uống thuốc kháng sinh nữa mà chỉ lo cho nó ăn. Con Leng cũng bắt đầu ăn trả bữa nên ngày nào nó cũng xơi hai con gà hoặc dăm cân thịt bò. Từ hôm con Leng về, bà con ở bản Mun ngày nào cũng mang cho ông Tài gà, vịt, thịt bò, thịt lợn. Với dân bản Mun, cả bản có 60 nóc nhà thì 35 hộ thuộc diện nghèo đói, nên đối với họ, một cân thịt cũng rất quý. Nhưng hình như chả ai tiếc con Leng, mà họ đem thức ăn đến cho nó bằng cả tấm lòng.
Một tối, đang lúc ăn cơm, Huy hỏi ông Tài:
- Bác ạ, nếu con Leng khỏe hẳn, bác có định thả nó vào rừng nữa không?
Ông Tài nói chắc chắn:
- Nó sẽ không đi nữa. Tôi cũng không cho nó đi, mà có cho nó đi, nó cũng sẽ ở lại.
Huy lại hỏi:
- Thế thì bác lấy cái gì ra mà nuôi nó?
Ông Tài nghĩ một lát rồi lại nói chắc chắn:
- Không lo chú ạ. Tôi còn đàn bò hơn chục con, lại nuôi được nhiều gà. Hơn nữa, khi con Leng nó khỏe, đưa nó đi nương, nó săn lợn rừng, lợn cỏ… Nó với con Lếch mà vào rừng thì chẳng lo đói.
Huy nói băn khoăn:
- Vậy nếu kiểm lâm tỉnh ra lệnh tịch thu con hổ này, bác nghĩ sao?
Ông Tài cười khẩy:
- Nếu muốn thế, họ sẽ chỉ tịch thu được cái xác con Leng và khênh theo cả xác tôi.
Câu nói lạnh lùng của ông Tài làm Huy thấy lạnh cả sống lưng. Với người khác, có thể cho là lời dọa dẫm, nhưng những gì anh đã chứng kiến tại căn nhà này, chứng kiến mối quan hệ đặc biệt linh thiêng giữa ông Tài và con hổ, anh thấy rằng lời nói đó không có gì quá.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 02:59 | 15/11/2017
/ Năng Lượng Mới