Tiếng gọi tha thiết và lẫn trong đó là có sự cầu khẩn, van xin của ông Tài như những tia chớp lóe lên xé toang màn đêm mịt mùng đã bao trùm con Leng mấy ngày rồi. Nó bắt đầu lờ mờ cảm nhận được rằng nó đang được ở bên cạnh một người mà nó từng tôn thờ, từng yêu thương hết mực và người đó còn yêu thương nó gấp nhiều lần so với tình cảm của nó.
Con hổ Leng (Kỳ 59) |
Con hổ Leng (Kỳ 58) |
Con hổ Leng (Kỳ 57) |
Ông Tài vội vã đưa bác sĩ Công và Minh vào chỗ con Leng đang nằm. Công sững người khi thấy một con hổ to lớn nằm phủ phục, bất động. Nhìn con hổ mà anh thấy phát hoảng bởi anh chưa bao giờ nhìn thấy một con hổ bằng xương bằng thịt, mà chỉ biết qua sách, báo, phim ảnh; rồi khi lên công tác ở đồn biên phòng Mường Mun, anh cũng chỉ được nghe kể về hổ qua lời kể của các ông già.
Con hổ bây giờ đã dở sống, dở chết nằm đó, bất động, nhưng từ bộ lông vàng có những vằn đen, từ những sợi râu vểnh lên vẫn toát ra một sức mạnh linh thiêng nào đó, khiến ai cũng phải nể, sợ và kính trọng.
Anh rón rén lại gần, rụt rè chạm tay vào mình nó, rồi lại lùi ra thủ thế, đề phòng nó vùng dậy. Biết là Công sợ, ông Tài ngồi xuống, ôm lấy đầu con Leng để anh yên tâm.
Công mở hộp dụng cụ lấy ra ống nghe, đèn soi đáy mắt. Anh vạch mồm con Leng ra xem lưỡi, rồi vạch mắt soi kỹ, rồi lại nghe tim phổi… Nét mặt của Công lúc đầu lộ rõ vẻ căng thẳng nhưng rồi cứ giãn ra dần, rồi Công nở nụ cười tươi rói:
- Nó không chết được đâu. Chẳng qua là bị kiệt sức đấy thôi. Có lẽ chỉ hết đêm nay là nó tỉnh.
Rồi Minh lại mở miếng vải che vết thương trên lưng nó và anh thốt lên vết thương to như miệng cái bát ăn cơm và sâu hoắm:
- Trời ạ. Sao lại khủng khiếp đến thế này - Anh quay sang hỏi ông Tài - Bác rắc tro lông nhím đấy à?
Ông Tài gật đầu:
- Hôm nó mới về đây, dòi còn bò nhung nhúc. Chúng tôi chữa vết thương, chỉ biết dùng tro lông nhím thôi.
Công gật gù:
- Đúng rồi, với vết thương này, dùng thế là phải. Vết thương không rỉ nước, lớp tro ở trên khô thế này là tốt lắm rồi. Bác chú ý đừng để nó bị nhiễm trùng lại. Em sẽ đưa bác thêm ít thuốc bổ và kháng sinh.
Ông Tài hỏi:
- Nó đang có chửa, uống kháng sinh được không?
Công ngẩn người ra suy nghĩ hồi lâu rồi nói băn khoăn:
- Cái này thì khó nhỉ? Đã bao giờ chữa bệnh cho hổ chửa đâu? Thôi, cứ phải cho nó uống kháng sinh liều cao, trước mắt lo cứu con mẹ đã. Em về đồn, sẽ gọi điện cho anh bạn là bác sĩ thú y ở Hà Nội hỏi xem thế nào?
Rồi Công lại hỏi:
- Hai hôm nay bác cho nó ăn gì?
Ông Tài thở dài:
- Tôi cho nó ăn trứng gà sống, uống tiết gà và ép thịt bò lấy nước cho nó uống. Cũng chả có ai mách bảo cả, cứ tự nghĩ, tự làm thôi.
Công thở dài:
- Cũng khó thật nhỉ? Thôi thì nó bây giờ, sống chết nhờ Giời. Bác đã hết lòng với nó rồi. Mà sao nó khôn thế nhỉ? Đi cả hơn năm rồi, đến lúc bị thương nặng lại mò về với chủ?
Pờ Văn Minh nói chen vào:
- Cũng chả thấy có ai yêu hổ như bác Tài này.
Đúng lúc ấy, chợt thấy con Leng cựa mình và cất tiếng rên gừ gừ. Ông Tài nhẹ nhàng bế đầu nó kê lên đùi mình rồi gọi thầm thì:
- Leng ơi, tỉnh lại đi, ông đây. Mày nghe ông gọi không? Ông xin mày đấy, đừng ngủ mãi thế… Mày đừng làm ông sợ.
Tiếng gọi tha thiết và lẫn trong đó là có sự cầu khẩn, van xin của ông Tài như những tia chớp lóe lên xé toang màn đêm mịt mùng đã bao trùm con Leng mấy ngày rồi. Nó bắt đầu lờ mờ cảm nhận được rằng nó đang được ở bên cạnh một người mà nó từng tôn thờ, từng yêu thương hết mực và người đó còn yêu thương nó gấp nhiều lần so với tình cảm của nó. Nó cũng lờ mờ cảm nhận được là nó đã bị rơi vào địa ngục, nó đã chết và nay nó đã được tái sinh…
Những suy nghĩ của sự thức tỉnh đến mỗi lúc một nhanh và dồn dập. Mi mắt con Leng giật giật, rồi nó mở he hé… Rồi như một phản xạ tự nhiên, nó co hai chân trước và loạng choạng đứng dậy. Nhưng mới nhỏm dậy được một chút, nó lại nằm vật xuống. Nhưng cặp mắt đã mở to và nhìn ông Tài như muốn nói: “Con nghe ông gọi rồi. Con Leng đây ông ơi!”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ông Tài òa khóc:
- Ôi con ơi, thế là con sống rồi. Tổ tiên nhà mày thiêng quá nên mày về với ông. Hai chân trước của mày đã bám vào thần chết, may mà hai chân sau chưa bước tới. Con ơi, từ nay mày sẽ thành hổ nhà. Mày sẽ ở với ông. Đừng hòng tao cho mày xa tao một bước. Thôi, tao đành chịu tội với rừng... nhưng thà vậy còn hơn là để mày và lũ con mày chết lần nữa.
Nước mắt ông chảy tràn xuống mặt nó như cái lần chia tay hồi nào. Từng sợi lông, từng tế bào của con Leng cảm nhận được tình cảm yêu thương tột bậc của ông Tài. Nó đã về bên ông và nó hoàn toàn thảnh thơi, mãn nguyện. Khi còn trong rừng, nó nghĩ nó sẽ phải chết trong đau đớn, nhưng giờ đây, nếu được chết trong sự thương yêu, trong dòng nước mắt xót xa kia thì nó cũng không còn gì phải nuối tiếc.
Nó thè lưỡi liếm bàn tay ông và rồi lại gắng gượng đứng dậy. Nhưng nó vẫn chưa đứng được. Nó loạng choạng ngã xuống trong vòng tay của ông và bác sĩ Công. Ông Tài nói như van xin:
- Con ơi, nằm yên nào.
Tất cả những gì xảy ra giữa con Leng và ông Tài khiến bác sĩ Công và Pờ Văn Minh tưởng như mình đang xem một bộ phim viễn tưởng nào đó. Những điều ấy, các anh chưa bao giờ thấy và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được. Minh là người sinh ra và lớn lên ở bản Mun nên được nghe kể nhiều về ông Tài và cũng chứng kiến những cảnh ông nuôi con hổ Leng từ lúc còn tấm bé nên còn hiểu, chứ như bác sĩ Công, người Thái Bình, cả đời chả nhìn thấy con hổ thật bao giờ, khi lên đây, cũng chỉ nghe anh em ở đồn kể có một ông Tài nuôi hổ, anh vẫn bán tín, bán nghi, nay trông cảnh này, anh hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Sáng ngày hôm sau, trong cuộc giao ban đầu tuần của công an tỉnh, Giám đốc Nguyễn Huy Trực trịnh trọng nói:
- Thông báo với các đồng chí một tin vui và có lẽ là tin độc đáo nhất của năm nay: Con hổ Leng ông Tài thả vào rừng hai năm trước, khi bị thương nặng đã bò về nhà ông ấy. Các đồng chí thấy kỳ lạ chưa? Đêm qua, Trưởng Công an Mường Báng gọi điện báo cáo với tôi. Con Leng bị thương rất nặng, hai ngày liền nó mê man bất tỉnh, nhưng hiện nó đã khá hơn. Bác sĩ quân y của đồn biên phòng và bác sĩ của bệnh viện huyện đang cùng ông Tài chữa trị cho nó. Tôi cũng gọi điện hỏi một nhà nghiên cứu động vật hoang dã ở Hà Nội, anh ấy nói sẽ sớm cử một đoàn lên tìm hiểu. Đây là chuyện chưa từng có các đồng chí ạ.
Ông im lặng một lát rồi nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống:
- Tôi ở cùng đồn với bác Tài trong những năm chống Mỹ. Bác ấy là người yêu rừng, yêu động vật đến kỳ lạ. Bác ấy thuộc tính nết từng con ngựa, con chó của Đồn Mường Mun. Nhờ có bác ấy mà anh em Đồn Mường Mun bỏ cái thú ăn thịt chó. Nhưng có một câu chuyện buồn về bác ấy… Bác ấy bị kỷ luật oan. Bị oan vì bác ấy quá nhân văn, quá thương yêu đồng đội. Và trong việc ấy, tôi cũng là người có lỗi, mặc dù tình thế lúc ấy là phải thế, buộc phải như vậy.
Nói đến đấy, ông nghẹn lời và lấy tay áo chấm nước mắt. Cả phòng họp im phăng phắc. Ông Trực nén nỗi xúc động, nói tiếp:
- Phòng công tác chính trị cử anh em đội tuyên truyền vào bản Mun, quay phim, chụp ảnh và đưa lên chương trình Truyền hình Vì An ninh Tổ quốc. Nhân việc này, chúng ta phải cùng với bên kiểm lâm mở đợt giáo dục, vận động nhân dân bảo vệ động vật quý hiếm và giao nộp vũ khí tự chế, vũ khí quân dụng. Lấy việc của bác Tài nuôi con Leng ra làm gương.
Giám đốc vừa dứt lời thì cả phòng họp xôn xao. Mọi người rỉ tai, bàn tán một điều gì đó. Thấy vậy, ông Trực hỏi:
- Sao, hình như các đồng chí chưa tán thành ý kiến của tôi.
Cả phòng họp lại im lặng. Trung tá Tùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự giơ tay xin phát biểu.
- Báo cáo giám đốc, việc ông Tài nuôi con hổ Leng là chuyện hiếm thấy. Trong phía Nam, cũng có vài đại gia mới nổi nuôi hổ và họ nuôi cho nó sinh sản được. Hóa ra, nuôi hổ đẻ cũng dễ như nuôi chó. Nhưng chủ yếu là nuôi chơi, hoặc lén giết thịt nấu cao. Còn như bác Tài, cứu sống hổ, nuôi nó lớn khôn, rồi thả nó về rừng, bây giờ nó quay lại… Thật hiếm có. Tuy nhiên, có điều này, chúng ta phải cảnh giác. Hiện nay, đang có phong trào nấu cao hổ. Đám thợ nấu cao này móc nối mua hổ từ Myanmar, Malaysia, Campuchia về. Mà tiếp tay cho đám này là có cả một số nhân viên của kiểm lâm tỉnh. Tôi có khá nhiều tài liệu trinh sát về tiêu cực của nhân viên kiểm lâm, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt. Thậm chí có cả ông Cục phó cũng đi… bán cao hổ. Nhưng tôi cam đoan với các đồng chí là có đến chín mươi phần trăm là cao giả, hoặc nấu hổ lốn. Cho nên, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, thì chúng ta cũng nên xác lập vài chuyên án, bóc gỡ những đường dây buôn lậu hổ và các thú quý hiếm, triệt phá các lò nấu cao hổ.
Giám đốc Trực gật gù:
- Vậy tôi giao luôn cho Phòng Cảnh sát hình sự đảm nhiệm việc này. Các đồng chí cứ tấn công mạnh vào. Mà này, cũng nên nghĩ đến một khả năng là bọn nấu cao và bọn săn trộm sẽ câu kết với nhau, tìm cách bắt con hổ của bác Tài đấy nhé. Hổ trong rừng chúng còn bắn được, huống hồ hổ nhốt trong chuồng. Ở tỉnh Sông Bé mới xảy ra vụ chúng lẻn vào, bắn thuốc mê cho hổ, rồi khênh con hổ nặng gần tạ rưỡi đi mất… Chắc là lại vào lò nấu cao thôi.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 13/11/2017
/ Năng Lượng Mới