Con ơi, hôm nay ta cho con trở về rừng. Con hiểu cho lòng ta. Ta cũng muốn con ở với ta mãi mãi lắm. Nhưng con là hổ, con sống phải có rừng. Không có con, thì rừng chỉ còn là rừng chết thôi. Con hãy đi đi, rồi lấy chồng, rồi đẻ thật nhiều và nếu con còn nghĩ đến ta thì mang về cho ta một đứa cháu để ta thấy mặt.
Con hổ Leng (Kỳ 54) |
Con hổ Leng (Kỳ 53) |
Con hổ Leng (Kỳ 52) |
Ông khoác balô, đeo khẩu súng rồi nói với vẻ dứt khoát: “Nào, thôi đi”. Ông đi ra khỏi nhà mà cũng chẳng cần khép cửa. Ở bản Mun, gần như chẳng có trộm bao giờ. Hai năm trước có mấy thằng nghiện hút hay đi ăn trộm vặt, nhưng từ ngày chúng bị công an bắt đi tập trung cai nghiện thì ở bản không bao giờ xảy ra những vụ mất trộm lặt vặt nữa.
Ông Tài và con Leng, con Lếch ra đi khi sương mù vẫn còn trắng đục như sữa, bao trùm cả núi rừng. Nếu như mọi lần được đi rừng thì con Leng và con Lếch luôn có thái độ vui vẻ, hào hứng. Bước chân của chúng như nhẹ hơn, tung tẩy trên đường, nhưng hôm nay linh cảm mách cho chúng rằng, chuyến đi này không phải là một chuyến đi vui vẻ gì.
Ông Tài đưa con Leng và con Lếch đi theo đường cũ để đến Lũng Bom. Sau một ngày rưỡi cuốc bộ cật lực, ông Tài lại đến chỗ cửa hang lần trước. Ông ôm con Leng vào lòng nói thầm thì:
- Con ơi, hôm nay ta cho con trở về rừng. Con hiểu cho lòng ta. Ta cũng muốn con ở với ta mãi mãi lắm. Nhưng con là hổ, con sống phải có rừng. Không có con, thì rừng chỉ còn là rừng chết thôi. Con hãy đi đi, rồi lấy chồng, rồi đẻ thật nhiều và nếu con còn nghĩ đến ta thì mang về cho ta một đứa cháu để ta thấy mặt.
Con Leng dụi đầu vào ngực ông. Những lời nói của ông và tình cảm của ông khiến nó cảm nhận được. Mắt nó lóng lánh nước. Nhưng cũng đúng lúc đó thì ở dưới thung lũng vẳng lên tiếng hổ gầm. Nghe tiếng gầm của con hổ đực, lông ở trên gáy con Leng như dựng lên. Và trong khoảnh khắc nó muốn chạy ngay tới nơi có tiếng gầm đó. Ông Tài khẽ mỉm cười rồi bảo:
- Thôi con đi đi. Thằng hổ đấy nó chờ con lâu rồi đấy. Đi đi con và đừng quay trở lại đây tìm ta nữa.
Con Leng bỗng xô ngửa ông Tài ra đất, rồi nó liếm láp khuôn mặt ông. Nó gặm bàn tay ông. Không chịu nổi t́nh cảm đấy, ông Tài nằm úp mặt xuống đất và khóc nấc lên từng hồi. Dường như con Leng cũng không chịu nổi sự đau đớn, nó vùng bỏ chạy lao về phía thung lũng và phóng về nơi có tiếng gầm có con hổ đực đang chờ nó. Con Lếch lặng im, nó hiểu tất cả tình cảm của ông Tài và con Leng. Và nó cũng biết bổn phận của mình là phải ở bên cạnh ông Tài lúc này. Nó cũng muốn vùng chạy theo con Leng lắm nhưng tiếng khóc của ông Tài níu giữ chân nó lại. Nó đến bên ông và dụi đầu vào đầu ông như thể an ủi. Rồi chỉ ít phút sau, ông Tài như bừng tỉnh, ông vội vàng thu dọn và nhét các thứ vào balô rồi ông bảo con Lếch:
- Đi về thôi con, để con Leng ở lại với rừng.
Con Lếch hiểu ý, tru lên một tiếng dài bất tận. Ông Tài vội vã rời hang, nhưng ông không đi theo đường cũ về bản, mà ông đi một con đường mới sang thẳng bên Lào. Ông đổ một ít dầu gió vào đế giày và ông để con Lếch chạy trước. Khi nào con Lếch dừng lại đi đái để đánh dấu thì ông lại vẩy một ít dầu vào bãi nước đái của con Lếch. Ông phải làm như vậy để khi con Leng quay trở lại tìm ông thì không còn lần theo được dấu vết nữa.
Đêm trăng sáng đủ soi cho ông Tài thấy con đường mòn đi sang nhà Thoong Kẹo. Ông đến nhà Thoong Kẹo thì trời cũng vừa sáng. Thoong Kẹo thấy ông vào thì trố mắt ngạc nhiên.
- Ơ, ông Tài, ông đi đâu mà sớm thế? Đêm qua ông ngủ đâu mà sáng sớm đã tới đây?
Ông Tài nói buồn bã:
- Có rượu không? Cho tôi một chén.
Thoong Kẹo lặng đi một lát rồi nói ngay:
- Có phải ông đi thả con Leng về rừng không?
Ông Tài gật đầu:
- Tôi thả nó về rồi. Hôm qua. Anh biết Lũng Bom không?
- Tôi biết. Anh thả nó về đấy là đúng, nhưng khi đi anh có xóa dấu không?
Ông Tài cười như mếu:
- Có, tôi dùng dầu gió để xóa dấu, không cho nó theo hơi nữa.
Thoong kẹo gật đầu bảo:
- Thế là phải mà. Ông trả nó về rừng là đúng rồi. Từ hôm ông đi, tôi tính ngày, tính tháng thì thấy nó sắp đến ngày động dục rồi. Giống hổ cái đến ngày đó nó dữ lắm, có khi nó lại mang họa cho ông. Thôi thả nó vào rừng thế này là tốt rồi. Ông ở đây chơi, tôi sẽ làm một cái lễ cầu cho con Leng về rừng yên ổn...
***
Con Leng xuống thung lũng và không khó khăn lắm nó tìm được con hổ đực đang chờ đợi mình. Sự có mặt của con hổ kia làm nó quên ngay ông Tài và mẹ nuôi. Trong hai ngày liền, nó quấn quýt bên con hổ đực. Chúng cùng nhau săn được một con hoẵng, cùng nhau ăn rồi cùng ngắm trăng trên vũng nước. Rồi buổi tối cả hai con rúc vào một cái hang nhỏ nằm ngủ. Khu rừng cùng với con hổ đã xóa nhòa đi gần như tất cả những gì mà cong Leng đã có được khi sống với loài người hơn một năm qua. Nhưng đến ngày thứ ba, con Leng bỗng như bừng tỉnh khi nó không thấy hình ảnh quen thuộc của ông Tài, không nghe thấy tiếng mẹ nuôi gọi. Và lúc này bổn phận như mách bảo nó rằng đã đến lúc phải trở về nhà, trở về hang với ông Tài. Thế là nó lặng lẽ bỏ con hổ đực và phóng thẳng về phía hang. Nó đến hang và ngơ ngác nhìn không thấy hình bóng ông Tài đâu. Nó gầm lên gọi những tiếng thống thiết, nhưng đáp lại nó chỉ là tiếng vọng lại của núi rừng và tiếng những con nai, con hoẵng kêu lên thảng thốt khi nghe tiếng hổ gầm. Rồi nó cuống quýt chạy quanh hang để gọi ông, gọi mẹ nuôi. Nó nằm phủ phục xuống và nó nghĩ đến một điều: Ông chủ thân yêu của nó đã bỏ nó mà đi rồi. Nó chạy vòng quanh để lần theo dấu của ông và của mẹ nuôi để lại, nhưng chỉ thấy vương vấn đâu đó một mùi dầu gió cay nồng. Mất hàng tiếng đồng hồ mà nó không lùng ra được dấu vết, nó quay trở lại hang, nằm phủ phục buồn bã.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Gã hổ đực mon men đến cạnh con Leng, rồi cũng nằm xuống bên cạnh. Dường như gã cũng hiểu nỗi lòng của con Leng. Gã cũng muốn làm một điều gì đó để chia sẻ, nhưng linh cảm mách bảo gã rằng, lúc này hãy để cho con Leng chìm đắm trong đau khổ.
***
Ông Tài ở nhà Thoong Kẹo ba ngày rồi mới trở về. Trên chặng đường trở về, chân ông như có ai đó buộc những hòn đá cuội vào. Đến đoạn ngã ba rẽ đi Lũng Bom, ông Tài dừng lại và tự nhiên ông muốn đến chỗ con Leng quá. Dường như con Lếch cũng hiểu được ý ông Tài thế là nó rẽ ngay sang đường đi Lũng Bom. Nhưng rồi với thái độ dứt khoát, ông Tài xốc lại balô đi thẳng. Con Lếch chạy một hồi, rồi ngoái lại nhưng không thấy ông Tài đâu, nó chạy ngược trở lại đuổi theo ông.
Ông Tài về đến bản. Thật không ngờ, những ngày ông đi vắng, ở nhà đã xảy ra bao nhiêu chuyện. Ông đi hơn một ngày thì bà Seo Mẩy mất. Trong đám tang của bà, không thấy ông mọi người rất thắc mắc. Kiểm lâm Phú cũng đã giải thích cho mọi người rằng: “Nghe nói con Leng bỏ đi đâu đó, nên ông Tài đi tìm”. Rồi cũng trong những ngày ông Tài đi thì có một tốp cán bộ kiểm lâm tỉnh xuống kiểm tra công tác bảo vệ rừng, đồng thời họ được giao nhiệm vụ đến gặp ông Tài để bàn về kế hoạch giao con Leng cho Cục Kiểm lâm tỉnh.
Trong buổi họp, Phú cũng nói với mọi người rằng:
- Ông Tài đưa con Leng đi nương và nó bỏ đi luôn, nên ông Tài đang đi tìm nó.
Nghe Phú báo cáo lại như vậy, anh tổ trưởng tổ công tác bĩu môi:
- Làm gì có chuyện ông Tài lại để con Leng bỏ đi. Tôi cá với các ông rằng, ông ấy đã bán cho bọn thợ nấu cao rồi.
Phú bực mình:
- Sao các anh cứ nghĩ xấu về người khác thế nhỉ. Ông Tài là người thế nào, dân Mường Mun chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết. Không bao giờ có chuyện ông ấy mang con Leng đi bán cho bọn nấu cao. Và tôi cũng nói luôn, kể cả lệnh thu con hổ của kiểm lâm tỉnh ông ấy cũng không chấp hành đâu.
Anh tổ trưởng nhìn Phú bằng ánh mắt khó chịu:
- Thế chả lẽ ông ấy muốn chống lại luật pháp à?
Phú cười nhạt:
- Ông ấy không chống lại luật pháp. Ông ấy là người biết bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý.
Trưởng bản Pờ Văn Minh và Chủ tịch xã cũng phản ứng về kiểu suy nghĩ của mấy tay kiểm lâm tỉnh. Minh nói thủng thẳng:
- Tôi thấy vừa rồi đài, báo nói nhiều về việc phá rừng rồi săn thú trái phép ở nhiều địa phương và thấy vụ nào cũng có sự tiếp tay của các nhân viên kiểm lâm tiêu cực. Còn với ông Tài, mấy chục năm qua, chúng tôi biết ông ấy giữ rừng, yêu rừng hơn cả người dân bản địa chúng tôi. Còn nếu các anh muốn biết con Leng đi đâu, thế nào thì cứ ở đây chờ ông ấy về.
Một anh kiểm lâm hỏi:
- Nhưng anh Phú có biết khi nào ông ấy về không?
Phú cười:
- Các anh cứ làm như đây là thị xã. Ông ấy đi rừng có khi một ngày, nhưng có khi cả tháng mới về.
Tay kiểm lâm ngạc nhiên hỏi lại:
- Thế ông ấy đi thì ai trông nhà?
Pờ Văn Minh cười và nói:
- Dân bản tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải trông nhà. Nhà nào cũng nghèo, có cái gì đáng tiền đâu mà sợ mất trộm, mất cắp. Còn con lợn, con gà tự ra ngoài rừng mà kiếm ăn. Nhà ông Tài còn cả khỉ, gấu, trăn, rồi cả đàn gà, cả đàn bò hơn chục con nữa. Nhưng bò thì sống ngoài rừng, chỉ khi nào nó đẻ thì mới biết đàn bò nhà mình có bao nhiêu con. Còn bình thường có ai để ý đến đâu.
Dường như vẫn không tin, nên mấy tay kiểm lâm đòi đến nhà ông Tài xem. Và quả nhiên khi họ đến thấy bếp lạnh, tro tàn, cửa nhà mở toang. Con gấu May buồn bã nằm kê đầu lên bậc cửa, con trăn gió cuộn khoanh tròn trong kho ngô. Còn con khỉ thấy người lạ đến thì nhảy tót lên cây vả ở góc sân kêu lên như muốn báo động.
Làm việc với Trạm kiểm lâm xong anh tổ trưởng nói với Phú:
- Các anh chờ ông Tài về hỏi kỹ ông ấy về chuyện con Leng. Nếu như con Leng không còn nữa thì các anh phải tổ chức điều tra xem con Leng bị bán đi đâu, nhưng tôi đánh cược rằng ông ấy đã bán cho bọn nấu cao. Việc này ra tỉnh tôi sẽ báo cáo cho lãnh đạo chi cục và công an tỉnh. Không thể để một người lợi dụng việc nuôi thú quý hiếm rồi mang bán cho bọn nấu cao! Các anh phải nhớ đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và các anh cũng bảo ông Tài rằng đừng có cậy có con là công an mà coi thường luật pháp.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 08/11/2017
/ Năng Lượng Mới