Em thấy bác nuôi con Leng mà coi nó như con, thương yêu nó hết mực… Vậy bác có nỡ để nó bị nhốt cũi, hay bị đem nấu cao không? Bác muốn nó được sống tự do trong rừng hay muốn nó bị nuôi trong cái chuồng bê tông và làm trò cho thiên hạ xem?
Con hổ Leng (Kỳ 53) |
Con hổ Leng (Kỳ 52) |
Con hổ Leng (Kỳ 51) |
Sau vài hớp rượu, ông đưa lời:
- Chú Minh này, hôm nay tôi muốn nói với chú về việc con Leng.
Minh hào hứng:
- Chuyện con Leng à, em cũng đang định hỏi bác đây?
Ông Tài ngạc nhiên:
- Chú định hỏi gì?
Mình uống thêm chén rượu rồi nói:
- Thực ra, em cũng nói với bác lâu rồi, nhưng nói ra sợ bác lại nghĩ em thế này thế khác… Nhưng mà thế này, con Leng mỗi ngày một lớn, nuôi nó thì lấy đâu ra thức ăn, con hổ lớn, nghe nói mỗi ngày phải cần cả chục cân thịt. Rồi lại đến lúc nó động dục, lúc đấy nó dữ lắm. Chả lẽ nuôi báo cô nó mãi hay sao? Bán nó cho bọn nghề xiếc thì bác không muốn, bán nó cho bọn nấu cao, bác càng không muốn; Giao nó cho kiểm lâm, chắc chắn bác cũng chẳng muốn… Vậy phải làm thế nào? Em nghĩ đi, nghĩ lại và thấy đúng nhất là nên thả nó về rừng.
Minh nói một mạch như thể những suy nghĩ ấy chất chứa trong anh từ lâu lắm rồi, nay mới có dịp bộc bạch.
Ông Tài thừ người ra, hồi lâu sau, ông mới khẽ thở dài:
- Chú ạ, tôi cũng nghĩ nhiều nhưng chưa ra. Để nuôi nó, tôi không sợ tốn. Tôi có đàn bò gần hai chục con kia, nuôi thêm ít lợn là đủ cái ăn cho nó.
Minh ngắt lời:
- Bác nói cứ như đang tuổi thanh niên ấy. Năm nay bác sắp sáu chục rồi, liệu khỏe được mấy ngày nữa mà lo nuôi con hổ. Theo em, việc tiếp tục nuôi con hổ là không nên. Chỉ có điều là thả về rừng thì phải làm thế nào? Liệu nó có biết kiếm cái ăn không? Và liệu có ra đường tìm gặp người không?
Ông Tài nói tiếp:
- Tôi lo nhất là thả nó về rừng, ngộ nhỡ chính quyền họ vu cho là tôi bán cho bọn nấu cao thì chú bảo phải làm sao?
- Thì bác cứ bảo là không bán, nó bỏ đi rồi, còn ai phát hiện ra bác bán, cứ đi mà tố cáo, mà điều tra. Con bác là công an, bác lại là bạn với Giám đốc Công an tỉnh, làm sao họ dám hoạnh họe?
Ông Tài vẫn ngần ngại:
- Chú biết vừa rồi ở tỉnh bên, có người bị kết án tử hình, mãi sau mới biết là vô tội thì đã ở trong tù hơn tám năm rồi… Tôi sợ dính dáng tới pháp luật lắm.
Minh bực mình:
- Thì em nghĩ thế, em nói thế. Còn tùy bác… Nhưng mà em nói điều này, mong bác đừng để bụng, nếu không phải.
Ông Tài nhăn mặt:
- Chú cứ nói, sao phải rào đón thế?
Minh gật đầu:
- Em thấy bác nuôi con Leng mà coi nó như con, thương yêu nó hết mực… Vậy bác có nỡ để nó bị nhốt cũi, hay bị đem nấu cao không? Bác muốn nó được sống tự do trong rừng hay muốn nó bị nuôi trong cái chuồng bê tông và làm trò cho thiên hạ xem?
Nghe những lời ấy, ông Tài muốn nói gì đó nhưng nghẹn giọng. Ông ấp úng:
- Tôi… tôi cũng muốn…
Minh cao giọng:
- Bác cũng sẽ nói là muốn thả nó về chứ gì? Bác nói thế, nhưng em chả tin. Nếu bác thực lòng muốn thả nó, bác phải cho nó theo vào rừng nhiều hơn, phải đưa nó đi thật xa, đến nơi mà không ai biết để huấn luyện nó. Đằng này bác cứ nhốt nó trong chuồng, năm thì mười họa mới được đi nương. Cứ như vậy, thử hỏi bao giờ nó biết sống độc lập. Bao giờ nó mới biết kiếm miếng ăn. Rừng thì càng ngày càng kiệt, thú càng ngày càng hiếm…Nó thì lại quen ăn sẵn.
Ông Tài buột miệng:
- Nó biết săn lợn rồi.
Minh xua tay:
- Em biết nó vồ được lợn bác thả vào chuồng, vồ được lợn què ở nương… Bác phải tính kỹ đi. Phải thả nó về rừng, nhưng cũng phải huấn luyện nó trước và phải kiểm tra khả năng tự kiếm mồi của nó, trước khi quyết định.
Nói rồi, Minh ngửa cổ dốc chén rượu vào miệng, lấy tay áo quệt mép, Minh đứng lên:
- Đấy, những gì muốn nói với bác về con Leng, em đã nói hết rồi. Mà nhân đây, em cũng nói để bác biết, nếu bác mà bán con Leng, hay để kiểm lâm tịch thu nó, thì bà con bản Mun này, không kính trọng bác nữa đâu.
Ông Tài sững sờ trước câu nói và thái độ quyết liệt của Minh. Nhưng lời của Minh đã cũng đã khiến ông ngộ ra một điều: Mọi người đều muốn ông thả con Leng về rừng.
Ông Tài về nhà, nhưng những ý nghĩ trong đầu làm ông không thể yên được, ông đến nhà thầy cúng Tào.
Thầy Tào đang ngồi uống rượu một mình với mấy con cá khô nướng. Thấy ông Tài vào, thầy Tào chỉ vào chiếc ghế mây bên bếp, ra hiệu cho ông Tài ngồi xuống. Thầy Tào rót cho ông Tài một chén rượu, rồi đưa cho ông một con cá khô nướng tỏa mùi thơm khen khét, thầy Tào nói tự tin:
- Lo lắng về chuyện con Leng phải không? Lo là phải, không lo không phải là ông Tài.
Ông Tài giật bắn người, ấp úng:
- Không… không! Con Leng vẫn khỏe mà, tôi sang thăm thầy thôi.
Thầy Tào nhếch mép:
- Đừng nói dối tôi. Tôi biết anh đang nghĩ gì mà… À, thằng Minh và con bé kia thế nào rồi. Chúng nó sẽ làm chị em đấy.
Ông Tài gật đầu:
- Chúng nó không yêu nhau nữa. Thằng Minh cũng mới viết thư về, là nó nhận cái Mai làm chị, vì thấy giống mẹ nó quá.
Thầy Tào cười sảng khoái:
- Đúng rồi. Thế là đúng rồi. Còn hôm nay, tôi biết ông sang đây là vì chuyện con Leng. Ôi, đừng nghĩ nhiều, đừng lo nhiều nữa. Ông có đẻ ra nó đâu. Nó là của rừng, rừng nhờ ông nuôi hộ, bây giờ đến lúc phải đưa nó trả lại rừng… Ăn của rừng, phụ bạc rừng là mang tội, là bị thần rừng phạt đấy. Bao nhiêu người bị oán, bị phạt rồi. Ông nên sớm mang nó trả lại rừng đi.
Ông Tài hỏi lại với giọng run run:
- Nhưng trả nó ở chỗ nào? Trả cho ai?
- Trả nó cho rừng chứ còn cho ai. Ông đưa nó đi thật xa, đến chỗ nào mà không còn nhìn thấy khói bếp thì thả nó đi. Nhưng nhớ xóa dấu, đừng để nó theo về.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Những lời của Phú, Pờ Văn Minh và thầy Tào đã xóa tan hết mọi e ngại trong lòng ông Tài và ông quyết định phải đưa nó về rừng càng sớm càng tốt.
Ông chuẩn bị cho một chuyến đi dài. Nói là chuẩn bị thì cũng chẳng có cái gì ngoài mang theo một chiếc võng, một cái nồi nhỏ nấu cơm, ít muối ớt, mấy thỏi thịt trâu khô, ít thuốc phòng khi trái gió trở trời và lần này ông mang theo một chai dầu gió của Trung Quốc. Ông chọn ngày đưa con Leng đi. Đó là ngày trăng rằm. Sở dĩ ông chọn ngày này, bởi ông biết giống hổ cứ vào những ngày giữa tháng âm lịch khi trăng đủ tròn thì chúng say trăng còn hơn cả say mồi. Và những ngày đó chúng thường quên hết mà chỉ ngày thì ngủ, đêm ngồi ngắm trăng. Cái giống hổ thật lạ, dữ tợn là thế, mạnh mẽ là thế nhưng ở trong sâu thẳm tâm hồn chúng vẫn có một góc dành cho sự yếu đuối, mộng mơ và cả ngây thơ. Giống hổ đặc biệt thích ngắm trăng dưới đáy nước. Vào những đêm trăng tròn, trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 17, bọn hổ ra ngồi ở vũng nước, chúng nhìn chăm chắm vào mặt nước phẳng lặng như gương, rồi nhìn mặt trăng in xuống đáy nước. Khi mặt trăng đọng lại tròn vành vạnh như một cái đĩa thì chúng lại thò tay xuống vớt trăng lên, thế là mặt trăng lại tan vỡ ra, sóng sánh ánh vàng. Và chúng lại ngồi im lặng, chờ cho những mảnh vỡ của trăng tụ lại rồi lại thò tay xuống vớt. Chúng cứ ngồi như thế cho đến khi mặt trăng ngả dần và không còn nhìn thấy nữa thì mới thôi. Khi chúng ngồi ngắm trăng, chúng dường như quên đi tất cả. Đói rét, sự hiểm nguy từ phía con người mang đến... lúc này đều không có trong chúng nữa. Chúng với trăng đã là một và tâm hồn chúng lúc này chỉ còn đọng lại trong ánh trăng vàng.
Buổi chiều hôm trước khi đưa con Leng đi. Ông Tài dẫn nó sang nhà bà Seo Mẩy. Bà Seo Mẩy đang ốm nặng. Cơm không ăn được mà mỗi ngày chỉ húp vài thìa cháo. Ông Tài dẫn con Leng vào cạnh giường bà, nhìn bà teo tóp, người mỏng dính lại. Ông Tài thấy trong lòng mình buồn vô hạn. Sự sống đối với bà bây giờ chắc cũng chỉ tính bằng ngày, bằng giờ. Mấy đứa con của bà cũng đã về với mẹ và định khênh bà ra bệnh viện huyện nhưng bà dứt khoát không nghe. Lúc mê, lúc tỉnh, bà cứ gọi tên Sáo, rồi bà bảo với mọi người rằng: “Chị Sáo sắp về đưa ta đi rồi”.
Thấy con Leng và ông Tài, bà bỗng như tỉnh hẳn. Bà ra hiệu cho đứa cháu ngoại đỡ bà ngồi dậy. Bà đưa bàn tay run rẩy xoa đầu con Leng rồi nói ngắt quãng:
- Nó lớn quá, đẹp quá. Cháu bà bao giờ lấy chồng đây? Ông phải tìm cho nó một tấm chồng xứng đáng nhé.
Rồi bà nói với ông Tài:
- Ông định đưa nó về rừng phải không?
Ông Tài khẽ gật đầu. Bà nở một nụ cười có vẻ mãn nguyện:
- Thế là phải. Nó là của rừng, phải trả nó về rừng. Thằng Minh trước khi đi cũng nói với tôi rằng, cô phải khuyên bố cháu sớm đưa con Leng về rừng.
Con Leng ngồi im và hình như nó cũng cảm nhận được sự nghiêm trọng trong tình cảnh này. Nó nhích sát lại gần giường và thè lưỡi liếm bàn tay bà. Hành động của nó làm bà Seo Mẩy cảm động:
- Cháu đi về rừng nhớ tránh xa con người cháu ạ. Con người bây giờ ác lắm, bạc lắm. Khi nào lấy chồng đẻ con thì đưa bọn trẻ về đây ông trông cho.
Bà chỉ nói được đến thế rồi lại nấc lên, nằm lả xuống. Rồi chiều hôm đấy ông Tài cùng con Leng đi lang thang trong bản. Ông cũng muốn để cho con Leng nhìn lại một lần cái bản Mun thân yêu mà nó đã từng có những năm tháng gắn bó. Ông muốn nó ghi nhớ vào trong đầu hình ảnh những mái nhà, những gốc cây và những gương mặt người.
Ông lại đưa nó đến nhà thầy Tào. Thầy Tào đang ngồi ở sân, thấy ông Tài và con Leng vào, ông vẫy tay ra hiệu bảo ông Tài đưa con Leng đến gần. Rồi ông bảo ông Tài:
- Ông bảo nó ngồi im. Tôi làm phép phù hộ cho nó.
Cũng chẳng cần ông Tài ra lệnh, con Leng ngồi phủ phục trước mặt ông Tào. Ông Tào chắp tay rồi lầm rầm khấn một hồi rất dài và không hiểu ông khấn cái gì. Dứt tiếng khấn, ông đứng dậy giơ hai tay lên trời và hú lên một tiếng dài. Tiếng hú của ông chẳng ra tiếng người, cũng chẳng ra tiếng vượn, cũng chẳng ra tiếng chó sói. Ông hú vừa dứt thì con Leng gầm lên. Tiếng gầm của nó quyện với tiếng hú chưa dứt của ông Tào làm cho bầu không khí trở nên linh thiêng, huyền bí lạ thường.
Ông Tài lại đưa nó sang nhà Kiểm lâm Phú. Phú đang nấu cơm, chạy ra nhìn con Leng và ông Tài rồi nói ngay:
- Chắc mai bác định đưa nó vào rừng phải không, nên hôm nay cho nó đi thăm bản cho nhớ chứ gì?
Ông Tài gật đầu rồi nói:
- Mai tôi sẽ đưa nó vào rừng, tôi sẽ đưa nó đến gần khu mỏ Muối. Tôi đi chắc cũng sẽ lâu. Thỉnh thoảng chú sang ngó nhà hộ tôi. Con gấu, con trăn và con khỉ thì chẳng phải lo, bởi chúng suốt ngày trong rừng, nó tự kiếm được cái ăn.
Phú gật đầu:
- Bác cứ đưa nó đi, còn mọi việc ở nhà em lo.
Rồi Phú bảo con Leng:
- Mày cho tao ôm một tí nhé.
Con Leng đến gần Phú, nó dụi đầu vào chân anh. Phú ôm lấy cái đầu to lớn của nó, vỗ vỗ vào lưng và nói:
- Mày về rừng đi và đừng có quên chúng tao nhé.
Rồi từ nhà Phú, ông lại đưa nó sang nhà Pờ Văn Minh. Minh đi nương chưa về, chỉ có lũ trẻ ở nhà. Nhưng có một người em của Minh là thợ chụp ảnh ở ngoài huyện về nhà chơi. Thấy con hổ, anh ta khoái chí và nói ông Tài:
- Ông cho cháu chụp với nó mấy kiểu ảnh nhé.
Thế là anh ta gọi đám trẻ con ngồi quanh con hổ, ông Tài cũng được bố trí một kiểu ảnh chụp riêng với con Leng.
Đêm hôm đấy, ông Tài không sao ngủ nổi mà cứ nghĩ đến thời khắc đưa con Leng đi xa. Ngực ông cứ nóng lên từng cơn như có lửa đốt. Ông mở cửa chuồng cho con Leng vào nhà và nó nằm cạnh ông. Con Lếch cũng nằm bên cạnh con Leng. Rồi cả con gấu May, con Tiểu Hầu cũng xán đến. Hình như những con vật cũng linh cảm sắp có một việc trọng đại xảy ra mà chắc rằng đó là việc không vui. Bởi chúng nhìn thấy sự đau khổ, sự buồn bã và cả sự tuyệt vọng hiện ra trên gương mặt ông Tài. Ông Tài cứ muốn nói gì đó với con Leng, con Lếch nhưng cổ ông cứ nghẹn lại. Ông muốn ôm nó vào lòng và khóc thật to lên. Nhưng ngực ông cứ như có một tảng đá đè nặng. Ông và lũ thú - đám bè bạn, con cháu, kẻ ăn người ở của ông cứ ngồi lặng lẽ như thế cho đến khi đám gà rừng gáy báo sáng dội lên ở ngoài nương.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 07/11/2017
/ Năng Lượng Mới