Đêm đêm, con Leng nằm lắng nghe tiếng của rừng xưa kia vốn xa lạ nay trở nên quyến rũ lạ thường. Đó là tiếng hoẵng tác xa xa, tiếng gà gáy, tiếng côn trùng kêu rỉ rả xen lẫn trong tiếng gió rừng đại ngàn rì rào. Nó nghe như trong đó có tiếng gọi của đồng loại và tiếng của tổ tiên thôi thúc nó trở về với rừng.
Con hổ Leng (Kỳ 52) |
Con hổ Leng (Kỳ 51) |
Con hổ Leng (Kỳ 50) |
Ngày hôm sau, ông Tài cùng con Leng và con Lếch trở về nhà.
Trên đường đi, bước chân ông Tài như nhẹ bẫng hẳn, bởi ông thấy đã có thể yên tâm về con Leng khi đưa nó trở lại rừng. Nhưng con Leng thì khác, nó không muốn về. Nó muốn ở lại với cánh rừng mới, với những đàn thú mà nó đã thấy và với một chàng hổ mà nó chưa kịp quen hơi, bén tiếng.
Về tới nhà, con Leng lại bị nhốt vào trong chuồng… Nó lại thấy trong lòng buồn vô hạn.
Sự gặp gỡ với gã hổ dũng mãnh kia đã làm nó thấy bâng khuâng, day dứt. Nó nhớ như in trong đầu tiếng gầm oai hùng của gã. Nhắm mắt lại, nó hình dung ra gã hổ đang bay trên không, nhảy đúng vào lưng con nghé. Sức mạnh siêu phàm của gã hổ kia khiến con Leng thèm muốn. Và sâu xa hơn nữa, con Leng thèm khát được đi trong rừng mà không có ông Tài đi cùng.
Đêm đêm, con Leng nằm lắng nghe tiếng của rừng xưa kia vốn xa lạ nay trở nên quyến rũ lạ thường. Đó là tiếng hoẵng tác xa xa, tiếng gà gáy, tiếng côn trùng kêu rỉ rả xen lẫn trong tiếng gió rừng đại ngàn rì rào. Nó nghe như trong đó có tiếng gọi của đồng loại và tiếng của tổ tiên thôi thúc nó trở về với rừng.
Nó bỗng trở nên tư lự hơn và nhiều lúc buồn đến bỏ cả ăn. Nó chán ngắt cảnh đi chơi trong bản với lũ lợn con, chán cả khi theo ông Tài ra suối bắt cá. Nó bắt đầu có những biểu hiện khó chịu với sự giám sát chặt chẽ của mẹ nuôi. Nó muốn được đi vào rừng một mình, được sống bằng chính sức lực mà tạo hóa đã ban phát cho.
Thấy con Leng buồn chán, ông Tài hiểu nỗi lòng của nó. Và để cho nó khuây khỏa, ông đưa nó đi nương chơi.
Con Leng lang thang trong cánh rừng thưa và phát hiện ra một chú nai tơ, sừng mới có hai chạc. Bản năng săn mồi đã bảo nó phải đến càng gần càng tốt và không để con nai có bộ cẳng dài kia ngửi thấy hơi. Nó đón hướng gió rồi nằm sát đất, bò rón rén đến gần con nai. Chú nai vẫn ung dung gặm cỏ, đôi lúc ngẩng đầu lên nhìn xung quanh, nhưng những bụi mua cao đã che khuất con Leng. Cố gần tí nữa, con Leng nhích từng bàn chân và khi con nai phát hiện ra khối vàng hung có vằn nằm cách chỗ nó chỉ hai chục mét thì đã muộn. Cũng quật đuôi xuống đất lấy đà rồi gầm lên dữ dội, con Leng phóng ra. Con nai vùng chạy nhưng hàm răng sắc nhọn của con Leng đã bập vào chân sau và làm đứt tung sợi gân. Nó khuỵu xuống, ngay lập tức con Leng chồm lên, chân trước cào vào mắt con nai và nó vật con mồi xuống. Nhưng cú đạp của bộ móng guốc không trúng con Leng vì nó đã lật mình nằm ra phía lưng con nai. Nó ngoạm vào cổ con nai, cắn ngập hàm răng vào cuống họng và cố sức ghìm không cho vùng dậy. Sức kháng cự tuyệt vọng của con nai yếu dần, nó rống lên ò ò và xuôi bốn chân. Lúc đó, con Leng mới thấy mệt rã rời. Nó nằm phủ phục xuống thở hồng hộc, một hồi lâu nó mới đủ sức lết đến bên con nai. Nhìn con vật khốn khổ đầm đìa máu, con Leng chợt thấy mình lớn hẳn lên. Nó đứng dậy, ngẩng cao đầu gầm lên đắc thắng.
Con Leng xé xác con nai, ăn hết bộ tim gan rồi hì hục kéo con nai ra suối. Nó ăn thịt, uống nước no đến kễnh bụng và ngủ gục ngay bên cạnh con nai. Hôm sau, rồi hôm sau nữa, nó không về nhà và chỉ tới lúc nghe tiếng gọi tha thiết của ông Tài, nó mới sực tỉnh cơn say mồi...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ý định cho con Leng trở lại rừng như ngọn lửa ngày đêm thiêu đốt tâm can ông Tài.
Trong người ông cứ như có hai thằng Tài đang suốt ngày cãi nhau.
Một thằng Tài thì bảo: “Con Leng lớn khôn rồi, phải đưa nó về rừng là để cứu nó, cứu rừng. Nó là hổ cái, nó về rừng thì còn có cơ hội sinh đẻ… Rừng già mà vắng bóng hổ thì còn gọi gì là rừng. Mà nếu cứ để đây nuôi, sớm hay muộn thì cũng kiểm lâm bắt mất. Nó sẽ bị nhốt trong những cái chuồng chỉ hơn chục mét vuông, suốt ngày cào móng lên khúc gỗ và vài ba ngày một lần mới được ăn chút thịt bò, thịt lợn bạc nhạc, được gặm những khúc xương chỉ còn hơi thịt… Và rồi nó sẽ bị hành hạ cho đến chết; Da nó sẽ được đem nhồi bông bày tại một phòng khách sang trọng nào đó, bộ xương của nó chắc chắn được đem nấu cao. Đưa nó về rừng là để cứu rừng và cũng là để giải thoát cho nó. Mày không thấy dạo này nó nhớ rừng, nó buồn đến thế nào ư? Tình thương yêu của mày với nó là vô bờ bến, nhưng tình thương ấy không làm cho trái tim nó đập nhanh hơn, không làm cho nó trở lại là một con hổ theo đúng những gì mà loài hổ đã có…”.
Nhưng một thằng Tài khác thì cũng lại có lý sự: “Mày thả nó về bây giờ là mày giết nó. Liệu nó có đủ sức đi kiếm ăn không? Liệu nó có chặn đường rồi tìm gặp con người để chơi đùa như với lũ trẻ ở bản không? Mà con người bây giờ thì đang len lỏi đến từng hang cùng ngõ hẻm để săn bắt. Giống người thì cứ sinh sôi, nảy nở, nhưng rừng thì có thêm được mét nào đâu? Cái khu lũng Bom mà mày định đưa con Leng về đó, chỉ đôi năm nữa thôi là khéo lại trở thành nông trường trồng cây cao su… Rồi con Leng cũng sẽ bị đám thợ săn lùng bắt, bị đem nấu cao… Cho nên tốt nhất là mày cứ giữ con Leng ở lại, làm cho nó khu chuồng tử tế hơn. Rồi, khi nào kiểm lâm thu, họ sẽ đền cho mày một khoản tiền chắc cũng khá, biết đâu số tiền ấy chả đủ cho mày sống sung túc đến cuối đời. Mày không thấy suốt ngày đài nói ra ra rả là “chuyển cách làm ăn từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” hay sao? Bây giờ, quyết định tất thảy là đồng tiền. Mày không có tiền, nhỡ có bị ốm, ra bệnh viện, nếu không biếu xén bác sĩ, làm gì họ chữa chạy cho mày tử tế. Cái gì bây giờ cũng tiền, không có tiền là nhục lắm, bị khinh rẻ, bị coi thường… Cho nên, mày cứ giữ con Leng lại. Hãy coi nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Vả lại, mày đã nuôi nâng nó từ khi còn trứng nước, mày coi nó như con, thương yêu nó hết mực, thì cứ giữ nó lại mà nuôi, khi nào sức tàn, lực kiệt, không nuôi được nó nữa thì hãy trả nó về rừng”.
Nghĩ mãi mà không quyết được, trong khi cứ mỗi ngày mở cửa chuồng vào với con Leng, nó lại nhìn ông bằng ánh mắt cứ như muốn nói: “Ông ơi, ông cho về với rừng đi. Ông nhốt con ở đây, con buồn lắm… Con yêu ông, thương ông, nhưng con là của rừng. Ông hãy cho con về với rừng nhé”. Ông Tài cũng hiểu ánh mắt ấy, hiểu tâm tư của nó. Ông ôm đầu nó vào lòng: “Con ơi, ta khổ tâm lắm, ta cũng muốn đưa con về rừng, nhưng ta chưa quyết được”.
Một tối, kiểm lâm Phú sang nhà chơi, sau vài ba câu chuyện hỏi han về con Leng, bỗng Phú rụt rè:
- Bác Tài ạ. Em có điều này muốn nói với bác từ lâu rồi, nhưng không dám nói. Hôm nay… hôm nay, em muốn nói có được không?
Ông Tài ngạc nhiên:
- Có chuyện gì chú cứ nói, tôi với chú tình thân như thế nào mà chú còn phải câu nệ thế?
Phú ngập ngừng rồi hít một hơi dài như thể muốn có thêm can đảm, rồi anh nói dứt khoát:
- Bác phải tính kế thả con hổ về rừng đi?
Ông Tài sững người khi nghe Phú nói vậy. Ông hỏi lại:
- Tại sao hôm nay chú nói với tôi việc đó. Chả phải chú cũng giao nhiệm vụ giám sát việc tôi nuôi con Leng hay sao?
Phú thở dài:
- Nếu bác cứ để nuôi nó, em đảm bảo chỉ vài tháng nữa thôi kiểm lâm tỉnh lấy cớ con Leng bây giờ đã quá lớn, lại vào mùa sinh sản… Mà giống hổ cái, khi động dục là nó dữ lắm. Ở các đoàn xiếc, đối với hổ cái, họ phải tiêm thuốc triệt sản để cho nó bớt thú tính, vậy mà vẫn có người bị chết đấy. Thế nào ngoài tỉnh người ta cũng ra lệnh thu giữ con hổ. Mà một khi đã ra ngoài đấy thì việc nó bị nấu cao chỉ là ngày một, ngày hai mà thôi.
Ông Tài mừng như mở cờ trong bụng, nhưng vẫn dò hỏi:
- Tôi thả nó đi, ngộ nhỡ ngoài tỉnh họ hỏi thì sao? Rồi họ lại quy trách nhiệm cho tôi… Tôi chả dại mà gây rắc rối với chính quyền.
Phú không hiểu ý ông Tài nên bực mình:
- Bác gàn lắm… Bác sợ gì chúng nó nào. Về lý, con hổ này là của bác, bác nuôi nó từ bé, nên bác có quyền về nó. Mặc dù pháp luật cấm săn bắt, nuôi hổ hoang dã… nhưng bao nhiêu người đang nuôi hổ đấy, có sao đâu? Bác cứ thả nó đi, rồi báo với chúng em là đưa con Leng đi nương và nó bỏ đi đâu mất… Chúng em làm cái báo cáo thế là xong.
Ngừng một lát, Phú nói giãi bày một cách thật tình:
- Em hiểu tấm lòng của bác với rừng Mường Mun, Mường Báng, em biết bác thương yêu những con thú như thế nào. Thời buổi này, tìm người yêu rừng, thương súc vật như bác là hiếm có. Ngay kiểm lâm chúng em, cũng không ít kẻ tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, vừa rồi bác thấy mấy vụ đưa ra xét xử rồi đấy. Nhưng lâm tặc phá rừng ăn thua gì so với chính quyền phá rừng… Bác biết cái chủ trương trồng cây cao su trên đất trống, đồi trọc không? Chủ trương thì đúng, nhưng chính quyền xã, huyện rồi tỉnh móc ngoặc với doanh nghiệp, cứ vẽ ra ích lợi của cây cao su và thế là chúng phá cả rừng nguyên sinh, phá cả rừng mới trồng… Bọn doanh nghiệp thì chỉ cần phá rừng lấy gỗ đem bán, thế là đã có lãi, chẳng cần phải đầu tư trồng cao su làm gì nữa. Nơi nào trồng được thì cao su cho nhựa rất ít và rừng cao su không có chim chóc, chuột bọ nào sống được, rừng cao su cũng không giữ được cho đất khỏi bạc màu. Đau lắm bác ạ, chỉ một quyết định, một tờ giấy A4, mà hàng ngàn, hàng ngàn héc-ta rừng bị tàn phá một cách hợp pháp. Mà đâu chỉ có vùng Tây Bắc mình, ở mấy tỉnh Tây Nguyên, người ta phá rừng còn ghê gớm hơn.
Ông Tài thở dài, rồi nói:
- Chuyện con Leng, tôi cũng day dứt lắm và chưa biết quyết thế nào? Thả nó đi, chẳng biết nó có sống nổi với con người bây giờ không? Rồi sống ở đâu, khu rừng nào? Rồi lại sợ mang tiếng với chính quyền… Nhưng để nó sống trong chuồng như bị cầm tù thế này, tôi cũng không đành lòng.
Phú nói quả quyết:
- Rừng Mường Báng và các khu rừng bên Lào bác thuộc như bàn tay. Theo em, bác cứ mang nó đi, tới nơi nào mà bác thấy còn thú, còn hổ thì thả nó ra cho quen rừng. Nhưng đi như thế là phải mất cả tháng… Hôm nọ, em ra tỉnh học nghiệp vụ, người ta chiếu phim ở bên Tây, người ta thả hổ về rừng như thế nào. Công phu lắm, phải huấn luyện cho nó cả năm trời nó mới biết vồ mồi… Mà em nghe nói con Leng này cũng đã biết vồ lợn ngoài nương… Bác cứ thả nó ra, đói vài ngày là tự khắc phải đi kiếm ăn thôi.
Ông Tài gật gù:
- Ừ, tôi cũng thấy phải huấn luyện nó, cũng phải mất thời gian… Nhưng cũng nhờ chú giải thích với lãnh đạo, nếu như sau này họ có hỏi.
Phú nhăn mặt:
- Bác yên tâm đi, việc ấy để em lo. Nhưng mà chuyện em nói với bác hôm nay, bác phải bí mật cho em đấy nhé.
Ông Tài bật cười:
- Việc ấy chú còn phải dặn tôi.
Có được một người ủng hộ mình thả con Leng vào rừng, ông Tài mừng lắm. Nhưng để có thêm lòng tin, ông sang nói chuyện với Trưởng bản Pờ Văn Minh.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 06/11/2017
/ Năng Lượng Mới