Dạo này con Leng cảm thấy có một điều gì đó đang từ từ lớn lên, len lỏi vào từng đường gân, thớ thịt trong cơ thể và nó hiện diện ngay cả trong giấc ngủ. Lúc đầu, nó không hiểu đó là cái gì, rồi nó cảm nhận được rằng trong tiếng gió rừng đại ngàn, có những tiếng của bàn chân đồng loại đang đi rón rén êm nhẹ...
Con hổ Leng (Kỳ 49) |
Con hổ Leng (Kỳ 48) |
Con hổ Leng (Kỳ 47) |
Minh ra tỉnh và về Hà Nội để tập trung đi học ở Liên Xô. Lúc này, Pờ Chinh Mai cũng đã đi học văn hóa ở Trường Văn hóa Công an tại Sóc Sơn. Minh mượn được một chiếc xe đạp và lóc cóc đạp sang trường… Chờ khi tan lớp, Minh xin bảo vệ cho gặp Mai. Anh sĩ quan trực ban nhìn Minh từ đầu đến chân và vặn vẹo đủ thứ. Nào là quan hệ thế nào? Ở đâu đến? Rồi gặp để nói chuyện gì…? Nghe anh ta hỏi quá lằng nhằng, Minh cáu, anh bảo: “Cho tôi gặp em họ tôi không được à. Anh xem chứng minh đây. Tôi là Lý Pờ Minh, em tôi là Pờ Chinh Mai… Người Hà Nhì chúng tôi đặt tên họ như vậy đấy”. Anh trực ban cười: “Chả hiểu ai ra lệnh, mà có cấp trên bảo chúng tôi phải rất chú ý bảo vệ cô này. Chỉ thấy nói cô ấy là người thiểu số, về xuôi dễ bị yếu lòng. Tôi cho anh gặp nửa tiếng, nhưng ngồi ở phòng khách nhé”.
Rồi cũng phải đến 15 phút sau, Mai mới được gọi ra. Nhìn thấy Minh, bỗng dưng thấy trong lòng mình chẳng còn cảm xúc gì cả.
Hai người ngồi nói với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối và khá nhạt nhẽo.
Rồi Minh hít một hơi dài như thể lấy thêm can đảm, rồi anh nói:
- Mai à, anh và em không lấy nhau được đâu. Bố anh và bà Seo Mẩy bảo em giống mẹ, là mẹ anh ẩn vào em, đầu thai vào em.
Mai nhìn gương mặt như dại đi của Minh, cô muốn ôm anh vào lòng và nói những lời an ủi. Nhưng Mai lại hình dung ra ánh mắt của con Lếch. Cô khẽ nén thở dài:
- Em cũng thấy mình giống ảnh mẹ anh quá. Sao mà lại giống thế cơ chứ. Lại cũng có con ngựa Đốm.
Bỗng cô bật cười:
- Làm vợ anh không được, làm bạn không được, em làm em gái anh nhé.
Minh lắc đầu kiên quyết:
- Làm chị anh. Bố anh và bà Seo Mẩy bảo hồn mẹ anh nhập vào mà, cho nên phải là chị.
Mai sững người ra, bỗng cô òa lên khóc. Minh cũng mặc để Mai khóc vì chưa hiểu cô khóc vì lý do gì. Lát sau, Mai lau nước mắt và nhoẻn miệng cười:
- Có em, chị vui lắm. Từ lâu rồi, chị mơ ước có người em trai.
Minh đạp xe trở về Hà Nội và thấy trong lòng tràn ngập một niềm hạnh phúc mà trước đây anh chưa từng có, ấy là cảm giác mình có một người chị. Và cũng thật lạ, mọi tình cảm yêu đương mà trước đây anh đã có với Mai bay hết sạch.
Càng lớn, con Leng càng đẹp và đó là một con hổ cái dịu hiền, đầy sức sống. Bây giờ mặc dù nó đã to gấp bốn năm lần con Lếch, nhưng trong cuộc sống hằng ngày nó vẫn giữ được thái độ lễ phép, nhường nhịn đối với bà mẹ nuôi. Còn con Lếch, nó cũng tỏ ra xứng đáng là bà mẹ. Ngoài việc trông nom nhà cửa mỗi khi ông Tài đi vắng, con Lếch còn phải trông coi, giám sát con Leng, không để cho nó lỉnh vào rừng.
Thật ra, từ sau buổi họp với kiểm lâm, ông Tài cũng hay nhốt con Leng vào chuồng. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy nó nằm gối đầu lên hai chân trước, ánh mắt buồn rười rượi nhìn xa tít là ông Tài không cầm được lòng. Mỗi khi ông thả nó ra, bao giờ nó cũng ngước cặp mắt màu vàng trong nhìn ông như muốn hỏi: “Ông ơi, sao ông không cho con đi theo ông?”. Vì vậy, ông Tài vẫn lén cho nó đi ra chơi ở mấy cánh rừng thưa, cách bản khoảng nửa giờ đi bộ. Và mỗi khi con Leng được thả thì con Lếch được giao giám sát từng bước chân. Cũng có khi con Lếch không đi, nhưng dù nằm ở nhà, nó vẫn nhìn thấy con Leng bằng ánh sáng của tâm linh, của giác quan thứ sáu là linh cảm. Cánh rừng thưa được ngăn với khu rừng già bằng một khe suối. Nếu con Leng tha thẩn chơi bên này suối thì không sao, nhưng nếu mon men đặt chân xuống suối là lập tức con Lếch sủa cảnh báo. Và hễ nghe tiếng sủa ấy, con Leng lập tức rụt chân lại, đồng thời phải trả lời mẹ nuôi bằng một tiếng gầm đủ bay đi một khoảng cách hơn hai cây số cho mẹ nuôi nghe thấy. Nếu sau vài ba tiếng sủa, không thấy con Leng gầm trả lời là con Lếch lập tức phóng đi tìm. Với nó, để lần ra dấu vết con hổ thật dễ dàng, vì giống hổ cũng như chó, hay có thói quen đánh dấu đường đi bằng nước đái. Mà nước đái hổ có mùi rất lạ. Đó là thứ mùi hơi khen khét, beo béo như mùi ngô nướng và khi bám vào gốc cây thì giữ hơi rất lâu, có khi được cả tuần, nếu trời hanh khô. Còn con Leng, mải chơi gì đó mà quên không gầm trả lời, hoặc cũng có khi nó cố tình trêu mẹ nuôi bằng cách không gầm, nhưng khi nghe tiếng chân chó chạy, thì nó ngồi im, quay mặt về hướng con Lếch, chờ đợi. Chạy tới nơi, bao giờ con Lếch cũng đi vòng quanh xem con Leng có gì khác lạ không, rồi nó nhìn con bằng ánh mắt nghiêm khắc, thậm chí đớp nhẹ vào chân.
Con Leng cũng có khi đi chơi trong bản, nhưng chỉ loanh quanh vài ba nhà gần đó, thường nó sang nhà bà Seo Mẩy hoặc nhà Trưởng bản Pờ Văn Minh.
Bà Seo Mẩy mỗi khi thấy con Leng sang là thế nào cũng xé cho nó một miếng thịt trâu treo gác bếp. Bà Mẩy đau yếu, bị bệnh khớp hành hạ quanh năm nên hầu như chỉ loanh quanh trông nhà và nấu cơm. Chồng bà mất sớm, bà có ba người con, một trai, hai gái, nhưng đều ra tỉnh sống, nên giờ chỉ có một mình. Mỗi năm, cứ đến dịp tết Hà Nhì vào giữa tháng 11 âm lịch thì chúng mới đưa lũ cháu của bà về. Nhưng mấy năm gần đây, khi lũ cháu lớn, chúng lại ngại đi bộ đường xa, nên chỉ có bố mẹ chúng về với bà. Bà sống cô quạnh, cho nên mỗi khi con Leng đến là bà vui hẳn lên. Bà xé thịt trâu khô cho nó ăn và nói chuyện với nó bằng tiếng Hà Nhì, mà thường là bà hay đọc nhưng bài dân ca Hà Nhì. Tiếng của bà ngân nga như hát và nhiều lúc nghe cứ như ru trẻ ngủ. Cũng chả hiểu sao, chỉ với con Leng, bà mới đọc dân ca Hà Nhì. Bà hay chải lông cho nó bằng chiếc bàn chải làm bằng đoạn gốc tre có rễ. Mỗi lần được bà chải lông là con Leng nằm lăn ra, giơ bốn chân lên... Chải lông cho nó xong, bà lại vạch từng kẽ vuốt của nó ra xem có lũ con ve, rận nào ở đấy không. Rồi bà lấy chai rượu ngâm lá hương nhu, vẩy mấy giọt vào chân, vào cổ con Leng để chống ve, rận. Mùi rượu hương như thơm dịu và lưu hương rất lâu. Vì thế, hễ con Leng sang chơi nhà bà Seo Mẩy, khi về là ông Tài biết ngay. Ông rất quen mùi lá hương nhu này bởi vì ngày xưa Sáo hay gội đầu bằng lá hương nhu.
Nếu con Leng đi sang nhà Pờ Văn Minh hoặc nhà bà Seo Mẩy thì ở chơi lâu mấy con Lếch cũng mặc kệ. Nhưng nếu đi sang nhà khác là lập tức con Lếch phóng đi tìm rồi với một cú đợp nhẹ vào chân để nhắc nhở và nó “áp giải” con Leng về. Dân bản rất thích nhìn cảnh một con chó bé nhỏ đi sau con hổ to lừng lững và đôi khi con hổ quay lại, lấm lét nhìn mẹ nuôi như thể biết lỗi.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Có một điều lạ là đối với trẻ con, con Leng lại rất thân thiện. Nó chưa bao giờ có thái độ dọa nạt lũ trẻ con trong bản. Nó mặc cho bọn trẻ vật ra, rồi thay nhau vuốt những sợi râu cứng, vểnh lên kiêu hãnh. Nó để lũ trẻ vạch mõm, sờ chiếc răng nanh, thậm chí kéo lưỡi nó ra để sờ xem tại sao lưỡi nó lại ram ráp thế. Nó để lũ trẻ sờ từng chiếc móng vuốt và tỏ vẻ hài lòng nếu như có đứa nào phát hiện ra một con rận nằm trong kẽ chân… Nhưng lũ trẻ con cũng lắm khi đùa quá, khiến nó bực mình. Bọn trẻ hay cưỡi lên lưng nó, rồi lấy tay phát vào mông, vào lưng, như muốn bắt nó phải phi như ngựa. Những lúc ấy, con Leng chỉ tỏ ý không bằng lòng bằng cách khẽ nhếch mép và từ từ nằm xuống cho đứa trẻ đang ngồi trên lưng tụt xuống mà không bị ngã. Những lần ông Tài và con Lếch đi vắng, con Leng bị nhốt trong chuồng, bọn trẻ con cũng có khi đến chơi và chúng háo hức nhìn con Leng qua kẽ hở của hàng cây ken chắc thành hàng rào bảo vệ. Nhưng khi bị nhốt, chẳng bao giờ con Leng đùa với lũ trẻ. Nó chui vào hang hoặc trèo lên chuồng nằm, mặc cho những tiếng con trẻ léo nhéo gọi: “Leng ơi! Leng…”.
Từ sau hôm Minh đi, con Leng bị nhốt trong chuồng nhiều hơn. Như hiểu nỗi lòng của nó, ông Tài cho con gấu May vào chơi cùng cho vui. Nhưng con Leng không thích con May, bởi cái dáng đi khệnh khạng như muốn tỏ vẻ ta đây và hay leo trèo lên mấy cây bưởi, cây vả...
Con Leng chỉ cảm thấy ấm áp, nhẹ nhõm khi mà mẹ nuôi nó vào ở cùng. Những lúc ở bên con Lếch, con Leng như cảm thấy mình có một chỗ dựa và tự nhiên nó cảm thấy mình bé bỏng. Nó rất thích cái cảm giác nằm phủ phục suốt, gối đầu lên hai chân trước rồi để con Lếch liếm mặt, rồi con Lếch lấy răng nhằn nhằn tìm bắt những con rận. Đấy là thói quen của con Lếch, chứ thực ra con Leng cũng như con Lếch hầu như rất hiếm khi bị rận, ve bám vào. Bởi lẽ ông Tài có một bài thuốc trị cái lũ ký sinh này rất tốt. Ông lấy lá hương nhu và ớt ngâm với rượu. Rồi cứ thỉnh thoảng ông lại ngậm cái loại rượu vừa cay vừa nóng đấy phun lên mình cho chúng.
Một lần, ông Tài bắn được một con hoẵng mang về, ông xẻ lấy một nửa rồi ướp muối ăn dần và một nửa cho con Leng. Nhưng hôm đó lần đầu tiên con Leng tỏ thái độ, nó dửng dưng nhìn rổ thịt hoẵng rồi ngước cặp mắt buồn rười rượi nhìn ông Tài. Ánh mắt của nó như nói rằng: “Ông ơi, sao bây giờ ông ít cho con đi theo thế? Con có làm gì nên tội đâu. Ông mà cứ để con mãi như thế này thì con cũng chẳng phải là con hổ nữa. Ông thương con, con biết, chắc ông sợ con đi vào rừng bị lạc hay là sợ con làm bọn trẻ con trong bản bị sợ”. Ông Tài hiểu những điều con Leng nói qua ánh mắt của nó, ông xoa đầu nó nói thầm thì: “Con ạ, ta thương con lắm. Ta cũng đã có kế hoạch rồi, ta cũng sẽ không giữ con ở mãi với ta đâu. Con lớn lên chút nữa rồi ta sẽ thả con vào rừng, rồi con cũng phải có chồng, rồi cũng phải sinh con đẻ cái. Đời ta chỉ có một mong ước là sau này dù con đi đâu con cũng đừng bao giờ quên ta. Ta cũng muốn cho con đi vào rừng theo ta lắm, nhưng bây giờ là lúc người ta đang theo dõi xem là ta chăm nom con thế nào, bảo vệ con ra sao. Con chịu khó ăn đi. Ta hứa với con từ lần sau sẽ cho con vào rừng đi săn. Ta muốn con tự kiếm lấy cái ăn. Ta muốn con sống cùng với rừng, để những bản năng của loài hổ trong con không bị mất đi”. Tiếng thủ thỉ của ông Tài làm con Leng run lên. Những lời nói thấm đẫm yêu thương của ông ngấm vào từng sợi lông, từng tế bào và nước mắt nó chảy ra. Ông Tài an ủi: “Thôi nào, tại sao con lại khóc. Ta sợ nước mắt lắm. Con Lếch cũng khóc nhiều lắm, có lần nó khóc vì ta ốm, cũng có lần nó khóc vì bị ta mắng oan. Nhưng chưa bao giờ nó khóc vì buồn...”.
***
Dạo này, bỗng dưng con Leng cảm thấy có một điều gì đó đang từ từ lớn lên, len lỏi vào từng đường gân, thớ thịt trong cơ thể và nó hiện diện ngay cả trong giấc ngủ. Lúc đầu, nó không hiểu đó là cái gì, rồi nó cảm nhận được rằng trong tiếng gió rừng đại ngàn, có những tiếng của bàn chân đồng loại đang đi rón rén êm nhẹ. Rồi nó thấy trong mùi lá cây, mùi hoa quả chín trong rừng theo gió bay có hơi thở của đồng loại và nó cảm thấy từ đất, từ những gốc cây, ngọn cỏ ở trong rừng đang có cái gì đó thôi thúc, vẫy gọi. Càng ngày tiếng của rừng, hơi thở của rừng, linh khí của rừng càng ngấm vào nó. Một đêm, nó đang thiu thiu ngủ thì chợt như có một hình bóng nào đấy của đồng loại lướt qua bên cạnh. Nó bừng tỉnh rồi chui ra khỏi cái hang. Đêm se lạnh, ánh trăng suông tỏa nhạt nhòa. Toàn thân nó căng lên và nó cảm thấy như ở đâu đây có hình bóng của một chàng hổ. Hàng tỉ tế bào thính giác, khứu giác trong người nó thức dậy một cách mạnh mẽ như muôn vàn những sợi ăng ten đón nhận những làn sóng tâm linh mà từ đồng loại chuyển đến. Rồi từ xa thẳm nó nghe thấy tiếng hổ gầm: “Uôm! Uôm! Uôm! Hùm!”... Tiếng hổ gầm từ xa cả chục cây số vọng về khiến con Leng như bừng tỉnh, nó nhảy lên nóc hang và cũng gầm trả lại. Tiếng con Leng gầm vọng vào núi rừng, đập lại rền rền khiến bọn khỉ đang ngủ trên những cây ở bìa rừng giật bắn lên, kêu chí chóe. Cả dân bản Mun đang ngủ say cũng choàng tỉnh. Còn ông Tài thì ngồi phắt dậy, mở tung cửa chạy ra ngoài sân. Lâu lắm rồi người dân bản Mun mới thấy tiếng hổ gầm ở trong bản. Ngày xửa ngày xưa, có đêm nào là đêm không nghe tiếng hổ gầm đâu. Có khi cả ba, bốn con hổ kéo nhau về bản, rình bắt con lợn, con bò, rồi chúng đuổi nhau trong bản cứ như đây là chốn rừng hoang. Ông Tài lắng nghe từ đằng xa cũng có tiếng hổ gầm trả lời. Ông ra chuồng hổ, ông mở cửa, thấy con Leng đang ngồi sừng sững trên nóc hang. Rồi nó ngẩng cao đầu gầm đáp lại tiếng gọi của đồng loại. Ông Tài mừng quá. Ông gọi con Leng xuống, ông ôm lấy nó ghì chặt đầu nó vào lòng mình. Ông nói lắp bắp: “Con ơi thế là rừng này vẫn còn hổ con ạ. Ngày mai, ta với con đi tìm nó nhé”.
Bình thường thì con Leng sẽ gục đầu vào lòng ông để làm nũng, nhưng tiếng gọi của đồng loại đã làm thức tỉnh cái bản ngã ở trong người nó. Nó rời ông ra, nhảy lên nóc hang và ngóng về phía rừng xa. Nó lại gầm lên. Và rồi một lúc sau lại có tiếng hổ gầm, lần này rõ hơn một chút. Nghe những âm thanh hoang dã, linh thiêng ấy ông Tài thấy nhẹ nhõm trong người. Ông không ngủ nữa mà dậy nấu cơm, nướng cá, nướng thịt trâu, ông bỏ vào cái gùi hai cái nồi nhỏ, một cái chăn, chiếc võng dù Trung Quốc mà ông được cấp từ hồi còn là lính công an vũ trang, ông cũng bỏ vào gùi gói muối khá to và mấy cân gạo. Ông lấy khẩu CKC xuống lau chùi. Con Lếch thấy ông chuẩn bị thì nó biết ngày mai ông sẽ đi rừng và lần này ông sẽ đi lâu, nó mon men đến gần ông, nhìn ông với cặp mặt đen láy như hạt nhãn. Ông nói với nó: “Mai ông đưa con Leng đi rừng cho nó tìm bạn, con ở nhà trông nhà nhé”. Như hiểu ý ông, con Lếch lắc đầu. Ông Tài năn nỉ: “Thôi nào, mày nghe ông đi. Mày phải ở nhà trông nhà chứ, để ông với con Leng đi là được rồi”. Nhưng con Lếch không chịu. Nó vùng vằng ra nằm ở cửa chuồng hổ. Con Leng thấy mẹ nuôi ra nằm thì nó cũng không vào hang nữa, nó ra nằm cạnh cánh cửa. Thế là mẹ bên ngoài, con bên trong và chúng cảm nhận chia sẻ với nhau qua khe cửa, qua những âm thanh nho nhỏ phát ra từ cổ họng. Nhìn thấy cảnh ấy, ông Tài không đành lòng, ông phát vào mông con Lếch rồi nói: “Thôi được rồi, mai ông cho mày đi. Chưa gì đã dỗi, mẹ con nhà mày khiếp quá”. Rồi ông mở cửa chuồng cho con Lếch vào nằm với con Leng.
***
Sáng hôm sau, khi ngôi sao mai bắt đầu nhạt dần và phương đông đã ửng màu mang cá. Ông Tài gùi đồ ăn thức uống, khoác khẩu súng và đưa con Leng, con Lếch vào rừng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 03/11/2017
/ Năng Lượng Mới