Bố thương con Leng mới nhỏ mà đã chết mất mẹ một phần, nhưng bố thương khu rừng cấm này mười phần. Chúng nó không hiểu rằng bố cố nuôi nấng giữ gìn con Leng là để cứu khu rừng... Rừng này sắp hết thú rồi.

con ho leng ky 40 Con hổ Leng (Kỳ 39)
con ho leng ky 40 Con hổ Leng (Kỳ 38)
con ho leng ky 40 Con hổ Leng (Kỳ 37)

Tối hôm ấy, trong bữa cơm, hai bố con chỉ nói với nhau về chuyện con Leng.

Ông Tài nói hết với Minh về những kẻ đến mua, đến vận động, ép ông phải giao con hổ:

- Minh à, bố thương con Leng mới nhỏ mà đã chết mất mẹ một phần, nhưng bố thương khu rừng cấm này mười phần. Chúng nó không hiểu rằng bố cố nuôi nấng giữ gìn con Leng là để cứu khu rừng... Rừng này sắp hết thú rồi. Riêng giống hổ có lẽ ngoài con Leng này chỉ còn một hoặc hai con nữa. Xuân vừa rồi, bố ra mỏ Muối đếm thú, không còn thấy bóng con hổ nào... Mày tưởng tượng mà xem, rừng này sẽ như thế nào nếu không còn loài hổ. Ðó chỉ là rừng chết, một khu rừng đơn độc và buồn tẻ... Bố lo lắm, buồn lắm.

con ho leng ky 40
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Pờ Minh khẽ gật đầu, nhưng anh vội an ủi bố:

- Bố à, đừng nghĩ nhiều mà cái bệnh nó về đấy.

Ông Tài lắc đầu:

- Không nghĩ sao được con! Kẻ ngu có cái nghĩ kẻ ngu, người khôn có cái nghĩ của người khôn. Chỉ có người chết là không phải nghĩ, nhưng cái chết của người này lại bắt người khác phải nghĩ.

Rồi ông lại nói như thể nói cho riêng mình nghe:

- Con thấy đấy, tỉnh này, Chi cục Kiểm lâm này đã làm gì để cứu khu rừng cấm Mường Báng? Mấy năm trước, chủ tịch huyện còn đi bắn voi lấy ngà để làm vòng đeo tay cho cháu đích tôn; ông Puôn, Phó chủ tịch cho bắn bò tót lấy bọng đái về làm thuốc bổ thận. Chi cục Kiểm lâm cho bắn một lúc ba con hổ để nấu cao đem dâng cho cấp trên và chia nhau, công an tỉnh mở hội nghị, bắn hai con nai làm tiệc và bắn hai con bò rừng lấy thịt phơi khô làm quà biếu. Ðể có một cặp ngà voi bày ở nhà khách tỉnh ủy, người ta bắn ba con voi; để Chi cục Kiểm lâm có những bộ da gấu, da hổ, gạc nai, sừng trâu... treo ở phòng khách, họ đã cho cả ba chục người đem súng máy vào rừng bắn thú.

Ðau lắm con ạ. Bố ở rừng này, làm chân gác rừng đến mùa xuân thì đi ra mỏ Muối đếm thú, thống kê lại rồi báo lên trên, nên bố hiểu rừng này, bố thuộc mặt từng con voi, con hổ, thuộc từng cây gỗ lát, gỗ đinh hương. Nhưng bố bất lực. Mình bố thì làm gì nổi. Mình bố cứu thế nào được cả khu rừng cấm rộng hơn ba trăm cây số vuông này?

Nói đến thế ông Tài ứa nước mắt. Minh thở dài:

- Ðâu chỉ có ở huyện này phá rừng hả bố? Cả nước Việt Nam đang phá rừng, tiêu diệt thú và đã hoàn thành vượt mức kế hoạch rồi. Ngày xưa cứ bảo bom đạn Mỹ, thuốc độc Mỹ phá rừng, nhưng ở vùng rừng này bom đạn phá đâu nhanh bằng chính tay người đang sống nhờ rừng đi phá rừng. Con nghe nói ở Tây Nguyên ngày xưa voi nhiều là thế, nhưng bây giờ cũng có còn đâu. Người ta bắn voi lấy ngà, rồi chặt cả đuôi voi lấy lông làm vòng cầu may. Con người sao mà ngày càng tham lam, càng tàn nhẫn thế.

Rồi Minh cười buồn bã:

- Bố ơi, đành bằng lòng với thực tế này thôi. Bố yêu rừng, yêu con Leng, bố cứ ở đây, cứ giữ con Leng mà nuôi. Con ở nhà với bố thì còn đỡ quạnh quẽ nhưng con đi xa, bố ở một mình, phải có chúng nó chứ?

Nghe Minh nói vậy, ông Tài chợt nhớ ra chuyện Pờ Chinh Mai. Ông hỏi Minh:

- Con về nhà cả nửa tháng rồi mà chưa thấy cái Mai nó về nhỉ?

Minh khẽ thở dài:

- Hôm con về, Mai bảo là sẽ về thăm bố. Và để bố được biết mặt.

Ông Tài nhăn mặt:

- Con vô tâm quá. Lẽ ra con phải đi đón nó chứ?

Minh gãi đầu:

- Ðể mai con ra huyện gọi điện thoại về tỉnh hỏi xem hôm nào Mai về được.

Ông Tài băn khoăn, nói:

- Các con công tác ở ngoài tỉnh. Nếu ở ngoài đó thì tốt hơn. Chứ về đây, khổ quá. Bố cũng muốn được ở bên các con, nhưng ra ngoài đó thì bố không hợp. Bố muốn ở đây với Mường Mun, với mẹ con.

Lý Pờ Minh nói quyết đoán:

- Bố cứ yên tâm. Con không ở ngoài tỉnh đâu. Học xong, con xin về huyện, con sẽ ở bên bố. À, huyện Mường Báng sắp thay đổi lớn rồi. Tháng trước, đoàn công tác của chính phủ về tỉnh, đã quyết định mở lớn con đường vào Mường Báng, rồi mở lên cả biên giới để chuẩn bị mở cửa khẩu với Trung Quốc. Rồi lại cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Huổi Leng. Ðập thủy điện xây dựng ở ngã ba suối Leng đổ ra sông Ðà. Mà nếu như vậy, nước dâng lên, Mường Mun nhà mình cũng sẽ bị ngập. Nghe nói nước dâng lên đến tận chân núi Tà Tùng.

Ông Tài giật mình, nói thảng thốt:

- Thế mất đất, mất rừng à? Rừng Mường Báng còn không?

Minh lắc đầu:

- Con chỉ nghe nói là rừng cấm Mường Báng bị mất gần một nửa. Nhưng có nhà máy thủy điện này là đủ điện cung cấp cho cả tỉnh ta và hai tỉnh bên nữa. Người Mường Báng sẽ được vào làm việc ở nhà máy. Mà khi ấy đi từ tỉnh về Mương Mun, là đi bằng ca-nô, bằng xuồng máy. À, hồ thủy điện sẽ là nơi nuôi cá. Mỗi năm cho mấy nghìn tấn cá đấy. Bố sắp thành ngư dân rồi.

Nghe Minh nói vậy, ông Tài lại càng lo lắng hơn:

- Có điện, có tiền cũng tốt. Nhưng mất đất, mất rừng thì có điện mà làm gì. Bố không thích. Mà như vậy, bọn thú sẽ kéo nhau sang Lào hết.

Minh an ủi:

- Bố à. xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cũng mất nhiều rừng lắm, phải di chuyển hàng ngàn gia đình đi nơi khác. Ðược cái nọ, mất cái kia mà bố.

- Bao giờ thì mất rừng?- Ông Tài hỏi thảng thốt.

Minh cười:

- Còn lâu bố ơi. Nhanh ra cũng phải dăm bảy năm nữa.

Ðêm hôm ấy, ông Tài không sao ngủ được. Những điều Minh nói về tương lai của Mường Báng không làm cho ông vui chút nào. Với ông bây giờ, lòng mong mỏi lớn nhất là làm thế nào để giữ được rừng, để cho bọn thú không phải bỏ đi nơi khác. Ông cũng biết đó chỉ là mơ ước, bởi ông hiểu hơn ai hết người dân và cả chính quyền đang phá rừng như thế nào. Nhưng cứ nghĩ đến không còn rừng Mường Báng, ngực ông như bị ai đặt lên hòn đá…

Ngủ không được, nằm mãi chỉ thêm đau lưng. Ông Tài nhẹ nhàng ngồi dậy. Ánh trăng hạ tuần chiếu chếch qua cửa sổ một vầng sáng đọng lại trên gương mặt bầu bầu có cái mũi cao của Minh... Ông Tài như bị hút vào khuôn mặt đó và tự nhiên nước mắt ông trào ra.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 24/10/2017

/ Năng Lượng Mới