Mà cái con hổ này cũng lạ, thích ăn của ngọt như trẻ con. Thằng Phú kiểm lâm đến đây lần nào cũng thủ theo một vài cái kẹo, nó trông thấy thằng Phú là đòi kẹo ngay.
Con hổ Leng (Kỳ 32) |
Con hổ Leng (Kỳ 31) |
Con hổ Leng (Kỳ 30) |
Thế là con Lếch và con Leng cùng nhau đi ra đầu bản đón ông Tài. Nhìn thấy bố đeo chiếc gùi nặng lưng gập xuống và lấy con dao quắm dài làm gậy chống, Minh thương bố vô hạn:
- Bố ạ, con vừa về.
Rồi anh gỡ lấy lù cở trên lưng bố. Nhìn thấy con lợn trong lù cở, Minh bảo con Leng:
- Hôm nay mày lại có thịt ăn, sướng rồi nhé.
Ông Tài hỏi luôn Minh:
- Con vừa mới về à?
Minh nói:
- Vâng. Con vừa mới về. Con Lếch và cong Leng nó đi đón con ở tận đầu dốc.
Ông Tài thắc mắc:
- Sao nó biết con về mà lại đi đón nhỉ. Lạ thật.
Minh cũng lắc đầu:
- Con cũng không hiểu nữa. Nhưng mà đúng là bọn này nó khôn như người bố ạ. Nó dẫn con về xong nó lại chạy đi gọi bố đấy.
Ông Tài bảo:
- Có lúc bố nghĩ, kiếp trước hình như chúng nó là người, là bạn bè của bố thì phải, hay là anh em cùng một nhà. Bố thấy bố nói cái gì chúng nó cũng hiểu. Ờ thì con Lếch ở với bố lâu rồi, nó hiểu bố đã đành. Nhưng con Leng mới được mấy tháng sao nói cái gì nó cũng biết. Thậm chí mình vui, mình buồn nó đều biết. Lạ thật đấy!
Về đến nhà, Minh nhanh nhẹn nhóm bếp. Ông Tài thả con lợn bị què một chân vào trong khu chuồng rồi thả con Leng vào. Minh nhìn bố ngạc nhiên:
- Sao bố lại làm thế?
Ông Tài bảo:
- Ðể cho nó tập vồ, tập kiếm miếng ăn. Bố tính rồi, sau này phải thả nó về rừng.
Con Leng được thả vào chuồng và nó lao bổ về phía con lợn đang chạy vòng quanh nhưng một chân sau cứ bị lết đi vì bị trói treo lâu quá. Trong nháy mắt nó đã vật được con lợn xuống. Hàm răng nó cắn ngang cổ họng con lợn, mỗi lúc tiếng lợn kêu lên một yếu dần, chờ cho nó yếu hẳn con Leng xé toạc bụng con lợn ra, nó ăn bộ lòng trước. Minh nhìn cảnh đấy thấy ghê ghê sợ sợ:
- Thế bố vẫn cứ cho nó ăn thế này à?
Ông Tài bảo:
- Lúc kiếm được thì cho nó ăn, lúc bắt được thú sống thì cho nó ăn sống, còn không thì ăn thú chết. Mấy hôm nay bố dỗ cho nó ăn cơm, hôm nào vui vẻ lắm thì được lưng bát, nhưng đúng nó là loài thú ăn thịt sống, nó không thể ăn chín được.
Chờ con Leng lôi hết bộ lòng ra, ông Tài xách dao vào và ông chặt lấy một nửa con lợn mang ra để làm thức ăn, một nửa ông cho nó.
Minh hỏi bố:
- Nó có ăn hết chỗ thịt kia không bố?
Ông Tài bảo:
- Chỗ đấy nó ăn cả ngày mai mới hết. Chỗ lòng thì hôm nay ăn hết, còn chỗ thịt nó lôi lên chuồng, nó canh đến khi ăn hết. Thịt ôi rồi nó vẫn ăn.
Minh cười bảo:
- Thế bố không sợ nó bị đau bụng à?
Ông Tài ngạc nhiên:
- Cái giống thú rừng ăn thịt sống, thậm chí thịt thối nó vẫn ăn, làm gì có chuyện bị đau bụng.
Rồi trong lúc ông Tài đun nước làm lông con lợn, Minh lấy balô ra và anh cầm chiếc khăn lên đưa cho ông Tài:
- Bố ạ, đây là khăn len Pờ Chinh Mai gửi cho bố.
Ông Tài ngạc nhiện:
- Pờ Chinh Mai là đứa nào?
- Dạ, Mai là con gái bác Súng, cùng ở xã mình nhưng ở bản Pó, bác ấy đi công an ngày xưa và hy sinh trên biên giới năm 79.
Ông Tài hiểu ra ngay và hỏi luôn:
- Lần này con về có tính cưới không?
Minh bật cười:
- Chưa bố ạ. Mai còn ít tuổi lắm. Năm nay mới 17. Bố cô ấy hy sinh, công an tỉnh đưa lên làm cấp dưỡng.
Ông Tài hiểu ra. Ông cầm chiếc khăn quấn vào cổ rất nâng niu:
- Cái khăn đẹp quá. Mà đây là khăn mua hay khăn nó đan?
Minh nói:
- Không. Khăn cô ấy đan đấy. Cô ấy khoe được mấy chị người Kinh dạy đan, mà đan bằng bốn kim.
Ông Tài bảo:
- Ngày xưa ở đồn Mường Mun, cũng có một người quê ở Thái Bình, anh ấy tên là Hùng, đan len khéo lắm. Anh ấy cũng dạy mẹ con đan len, nhưng chỉ dạy cho biết thôi, chứ lấy len ở đâu ra mà đan.
Ông Tài nhìn đống sữa Minh mang về, khẽ cười nói:
- Hồi con Leng nó bé, chạy vạy ngược xuôi mới kiếm được hộp sữa cho nó ăn, mà bây giờ nó vẫn thích ăn sữa đấy. Mai con pha thử một bát cho nó uống mà xem, nó thích lắm. Mà cái con hổ này cũng lạ, thích ăn của ngọt như trẻ con. Thằng Phú kiểm lâm đến đây lần nào cũng thủ theo một vài cái kẹo, nó trông thấy thằng Phú là đòi kẹo ngay.
Từ lúc có Minh về. Con gấu May và con khỉ Tiểu Hầu cũng cứ xoắn lấy anh. Minh bóc lấy một phong lương khô 702 của Trung Quốc trong đó có một viên kẹo giảm khát, một viên chống lạnh, một gói ruốc cộng với bốn viên tăng lực. Kẹo giảm khát thì toàn bạc hà, ngậm vào lạnh tê cả miệng; còn kẹo chống lạnh thì như một kiểu cao gừng trộn đường, ăn vào nóng rực cả người. Anh cho con gấu May và con Tiểu Hầu mỗi đứa nửa phong lương khô.
Ông Tài vừa cạo lông lợn, vừa nói chuyện với Minh:
- Lần này con về được bao lâu?
Minh bảo:
- Con ở với bố cả tháng. Nhưng sau đó con lại phải xa bố lâu đấy.
Ông Tài ngừng cạo lông con lợn, quay sang nhìn con trai:
- Con đi công tác à?
Minh nói:
- Cấp trên cho con đi học ở Liên Xô ba năm. Nên bác Trực bảo con về ở với bố một tháng rồi ra để đi học.
Ánh mắt ông Tài sáng rực lên, lộ rõ vẻ tự hào:
- Giỏi, được đi học ở Liên Xô thì hay quá rồi. Con chạy sang bên nhà mời dì Mẩy, các chú các cậu sang đây uống rượu mừng cho con.
Minh vội vàng ngăn lại:
- Bố ạ, để mấy hôm nữa đi. Hôm nào con sắp đi thì mời cơm mọi người. Hôm nay con chỉ muốn có hai bố con mình thôi.
Con Lếch đang nằm bên cạnh, nghe thấy chỉ có hai bố con mình thì nhìn Minh, rồi lẳng lặng bỏ ra ngoài bậu cửa.
Thấy nó cúp đuôi đi ra, ông Tài hiểu ngay:
- Con thấy chưa, nó hiểu tiếng người đấy, nó nghe chỉ có hai người là nó nghĩ không có nó đấy.
Minh bật cười, anh nói to:
- Có hai bố con mình với con Lếch, con Leng, con May và cả thằng Tiểu Hầu kia nữa. Thế là đủ một mâm.
Quả nhiên, con Lếch lại ve vẩy đuôi đi vào gần anh. Minh lắc đầu:
- Sao nó khôn đến thế nhỉ? Con thấy đàn chó nghiệp vụ của công an tỉnh toàn chó béc-giê cũng tinh khôn cực kỳ, nhưng mà nó cũng không hiểu được tiếng người như con Lếch này.
Ông Tài bảo:
- Bố cũng chẳng hiểu được nữa. Có lần bố ngồi ăn cơm với chúng nó, tự nhiên bố bảo tao thèm ăn cá tươi quá, làm thế nào bắt được nhỉ. Thế mà không hiểu chiều hôm ấy làm cách nào mà nó mang về cho bố được một con cá hốc, nặng đến nửa cân. Lạ thế chứ. Bây giờ nó với con Leng rất thích ra suối bắt cá. Con Leng bắt cá giỏi lắm đấy.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) |
Minh ngạc nhiên:
- Hổ bắt cá thế nào được hả bố?
- Lúc đầu bố cũng nghĩ là nó trộm cá ở đâu, nhưng sau đó đi theo nó ra suối, mới thấy nó cứ vục mặt xuống nước, rồi cá lởn vởn bơi đến gần miệng là nó đớp.
Con ở nhà rồi sẽ thấy, những con thú này hay lắm, chúng tình cảm lắm chứ không như người ta đồn thổi đâu. Con hổ này cũng lạ, nó cứ thấy có người nói chuyện là nó cũng hóng hớt, chắc còn đang mải ăn thịt, chứ nó ăn xong rồi là nó cũng cào chuồng đòi ra cho mà xem.
Ông Tài vừa nói xong thì quả nhiên có tiếng cào sồn sột ở cánh cửa chuồng hổ, rồi tiếng con Leng cất lên khàn khàn. Nó cũng vẫn giống như tiếng mèo nhưng ấm, vang xa hơn và khàn khàn. Ông bảo con Lếch:
- Mày ra mở chuồng cho con Leng vào đây.
Con Lếch ra lấy mõm nhấc cái then cửa ở bên ngoài lên. Con Leng chạy vào nhà, mồm miệng vẫn be bết máu con lợn. Minh xua tay bảo nó:
- Mồm mày toàn máu thế kia, dính vào quần áo tao bẩn hết bây giờ.
Ông Tài thấy thế bảo con Lếch:
- Con dẫn con Leng đi tắm đi.
Quả nhiên, con Lếch hiểu ý, ra ngoạm đuôi con hổ và kéo đi. Con Leng ngoan ngoãn đi theo mẹ nuôi.
Minh thốt lên:
- Trời ạ. Nó chỉ còn thiếu mỗi không biết nói tiếng người thôi.
Ông Tài bảo Minh:
- Con thích xem nó tắm thì ra suối mà xem. Nhưng hôm nay chắc chỉ có con Leng tắm thôi, con Lếch đứng trên bờ trông đấy.
Minh đi theo con Leng và con Lếch xuống đoạn suối phía sau nhà. Quả nhiên anh chỉ thấy con Lếch ngồi trên bờ, còn con Leng lao xuống suối và vùng vẫy với vẻ cực kỳ thích thú. Nghĩ đến bố ít ngày nữa lại ở nhà một mình vò võ với mấy con thú, trong lòng Minh lại dấy lên một suy nghĩ, vắng bố ba năm không biết lúc quay về bố thế nào.
Chờ cho con Leng đùa dưới suối khoảng mười lăm phút, con Lếch cất tiếng gọi con Leng về. Quả nhiên con Leng lên rũ nước xong rồi cong đuôi chạy theo mẹ nuôi về nhà.
Ông Tài bảo Minh:
- Con thấy chưa.
Những gì mà con Leng, con Lếch đã thể hiện với Minh suốt từ lúc anh về đến giờ đưa Minh hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mỗi một con thú trong nhà đều có một nhiệm vụ cụ thể. Con gấu đang nằm ở chân cột nhà, thấy ông Tài bảo:
- Thằng May đi lấy củi.
Thế là nó đi ra sân, một lúc sau nó ôm mấy thanh củi khệnh khạng vào nhà, rồi nó lại ra lấy tiếp, còn nếu không thấy ông nói gì nữa, nó lại nằm ở đấy và cứ nhìn từng cử chỉ của ông.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 17/10/2017
/ Năng Lượng Mới