Có lẽ bao nhiêu tình cảm của ông dồn hết cho cậu con trai không được hưởng hơi ấm của mẹ và cho những con vật ông nuôi trong nhà, cho những cánh rừng, những con suối.
Con hổ Leng (Kỳ 29) |
Con hổ Leng (Kỳ 28) |
Con hổ Leng (Kỳ 27) |
Minh về nhà mà thấy trong lòng lâng lâng, vừa hồi hộp sung sướng và cũng thấy có một nỗi buồn vì sắp phải xa Mai, xa bố đến gần ba năm.
Nằm mãi mà Minh cứ trằn trọc không ngủ được. Anh không hiểu vì lý gì mà anh lại được sự quan tâm đặc biệt của Giám đốc Công an tỉnh đến thế. Ừ thì cứ cho là mình có chút thành tích về điều tra đi; cứ cho mình là người dân tộc mà Ðảng, Nhà nước luôn dành cho nhiều ưu đãi đi… Nhưng rất nhiều anh em cũng là dân tộc như mình… Mà tại sao mình luôn được thuận lợi như thế.
Xâu chuỗi lại thời gian, Minh thấy có điều gì đó bí ẩn đang xảy ra với mình. Năm 14 tuổi Minh đang học lớp 6 thì được đặc cách tuyển dụng đưa đi học ở Trường Văn hóa Công an, mà lúc đó được công an tuyển dụng đi học văn hóa là ước mơ của rất nhiều người. Rồi học hết lớp 7, khi cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Minh được đưa về công an tỉnh và đi làm cảnh sát cơ động. Nhưng cũng chỉ được vài tháng thì anh lại được điều về làm cảnh sát hình sự của công an tỉnh. Mà tất cả những chuyện Minh đi học rồi được điều từ đơn vị nọ, đơn vị kia hầu hết là do lệnh ở trên đưa xuống, thậm chí ngay cả chỉ huy phòng cũng không được biết trước. Cũng có anh em phát hiện ra điều bất thường này và họ bảo rằng, ngày xưa ông Trực là lính công an vũ trang của đồn Mường Mun, là bạn chiến đấu với ông Tài cho nên đã có sự ưu ái đặc biệt đối với Lý Pờ Minh.
Minh rất ít khi được gặp giám đốc và mỗi lần gặp trong hoàn cảnh nào đó ông Trực chỉ hỏi: “Bố cháu dạo này có khỏe không? Nếu về nhà, cho chú gửi lời hỏi thăm bố”. Rồi vào dịp tết, ông lại gửi quà cho ông Tài hộp mứt, bao thuốc lá và mấy gói kẹo. Có năm nào sang lắm thì được thêm gói mì chính. Minh cũng đã nhiều lần hỏi bố về ông Trực, nhưng ông Tài cũng chỉ nói: “Ngày trước ông ấy là chính trị viên của đồn, nhưng ông ấy không quý bố lắm đâu. Bởi tính bố ngang…”.
Gần đây, Minh nghĩ về bố ngày một nhiều, hình ảnh của ông với những con vật trong nhà luôn có trong đầu Minh.
Càng nghĩ về bố Minh càng thấy có những điều gì đó mà bố giấu mình, giấu tất cả mọi người.
Ngày còn bé, Minh sống với bố trong hoàn cảnh mẹ mất sớm nên tuổi thơ cũng không làm cho Minh nghĩ về mẹ nhiều, thỉnh thoảng Minh cũng chỉ hỏi: “Mẹ con đâu?”. Mỗi lần Minh hỏi, bố lại chỉ lên một bức vẽ truyền thần về mẹ trên ban thờ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Khi Minh học đến lớp 6, vào một dịp giỗ mẹ, anh mới được nghe bố kể với mấy người bạn rằng, trong một lần về Hà Nội dự lễ mừng công ở Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, bố đã nhờ người dẫn ra bờ Hồ tìm gặp một nghệ nhân vẽ truyền thần ở phố Hàng Ðào. Không có một tấm ảnh trong tay, bố đành tả khuôn mặt mẹ cho nghệ nhân. Lúc đầu, người vẽ tranh truyền thần không muốn vẽ, bởi ông chưa từng gặp trường hợp lạ lùng như thế này bao giờ. Nhưng trước sự năn nỉ của người lính từ biên cương về, khi thấy từ trong cặp mắt đượm buồn của người lính có lóng lánh nước, ông đã đồng ý. Và ông đã vẽ suốt một buổi chiều, cứ vẽ rồi xóa, vẽ rồi xóa cho đến khi được một bức mà bố bảo giống nhất. Khi ông Tài trả tiền, người vẽ dứt khoát không lấy. Cũng trong lần ấy, Minh thấy mấy người bảo bức truyền thần quá giống người thật và thế là từ đó hình ảnh người mẹ với gương mặt tròn phúc hậu, có đôi mắt hơi sâu huyền bí thường đến với Minh. Có lần Minh nằm mơ thấy mẹ. Bà xoa đầu cho Minh ngủ, rồi ngồi vá lại chiếc áo cho Minh… Bà ngồi vá áo, nhưng mắt cứ nhìn Minh, thế là bị kim đâm vào ngón tay trỏ… Minh cầm bàn tay mẹ, cho ngón tay chảy máu vào miệng và mút. Ấy là cách cầm máu mà Minh học được từ bố… Tiếng hót của con chim khướu làm Minh tỉnh giấc. Khi Minh tỉnh dậy rồi mà vẫn thấy bàng hoàng. Minh chỉ mong lại được mơ tiếp. Rồi Minh đem giấc mơ đó kể lại với bố. Bố ngạc nhiên và bảo: “Mấy hôm trước, bố cũng mơ thấy mẹ con về và ngồi thái chuối cho lợn rồi bị thương ở ngón tay. Chắc mẹ cũng đang ở quanh đây với bố con mình”. Rồi đến bên ban thờ thắp hương cho mẹ và nói điều gì đó rất lâu.
Cũng có một người nữa bảo bức vẽ truyền thần rất giống mẹ, ấy là bà Pờ Seo Mẩy, em gái của mẹ. Bà Mẩy cũng có gương mặt hệt người chị và rất thương yêu Minh. Còn Minh, anh cũng coi bà Mẩy như mẹ.
Khi lớn lên, Minh cũng chỉ được nghe nói bố là lính chăn ngựa ở Ðồn Công an vũ trang Mường Mun. Nhưng còn tại sao mẹ chết từ khi Minh mới lọt lòng nhưng bố vẫn ở vậy một mình nuôi con thì Minh cũng chưa bao giờ được nghe bố kể. Minh còn được nghe có rất nhiều cô gái ở Mường Mun mê bố, nhưng ông khước từ tất. Tại sao lại như vậy? Ðó là điều Minh không thể hiểu nổi. Thậm chí có một người mà Minh coi như mẹ đó là bà Mẩy, muốn làm vợ ông nhưng cũng bị khước từ.
Rồi lớn nữa, Minh được biết bố không phải quê ở Mường Mun mà là ở vùng Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Nhưng tại sao chưa bao giờ thấy ông nhắc về quê nội. Cũng có người nọ, người kia nói loáng thoáng rằng ông lưu lạc từ bé. Theo những người buôn bè ở vùng sông Mã, tình cờ thế nào ông lại đi theo một đơn vị bộ đội lên Ðiện Biên. Rồi cũng chẳng hiểu sao, ông lại được nhận vào một đơn vị bộ đội đi tiễu phỉ ở vùng biên giới Việt - Trung vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Năm 1958 khi lực lượng công an vũ trang được thành lập thì đơn vị bộ đội mà ông đi theo ấy được chuyển sang công an vũ trang và thế là khi Ðồn Công an Mường Mun được thành lập thì ông ở lại luôn. Ở đồn Mường Mun, ông chủ yếu được giao nhiệm vụ trông coi đàn ngựa hai chục con và đàn chó. Ông cũng thỉnh thoảng được giao nhiệm vụ đi trinh sát, mà thường phải sang bên kia biên giới, có khi vào tận hang ổ của bọn phỉ. Nghe nói rằng, ngày xưa ông yêu ngựa và chó lắm. Có những con ngựa ông chăm khi bị chết vě trúng đạn của thổ phỉ. Mặc dù không còn cái gì ăn nữa, anh em bàn phải xẻ lấy thịt, nhưng ông cương quyết không cho và bắt đem chôn, đắp mộ, ghi mộ chí hẳn hoi.
Sự hiểu biết của Minh về lý lịch của bố chỉ là như vậy. Suốt những năm tháng tuổi thơ anh lớn lên bên cạnh ông bố hiền lành tới mức hầu như không biết uống rượu, gương mặt lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn, ánh mắt cũng ít khi có những tia sáng vui vẻ. Có lẽ bao nhiêu tình cảm của ông dồn hết cho cậu con trai không được hưởng hơi ấm của mẹ và cho những con vật ông nuôi trong nhà, cho những cánh rừng, những con suối.
Ðã có lần Minh nhờ một người quen làm ở phòng hồ sơ công an tỉnh, anh dò hỏi xem đọc hồ sơ lý lịch của bố như thế nào thì họ cũng chỉ nói rằng bố không gia đình từ nhỏ. Ðược một đơn vị bộ đội nhặt trên đường hành quân... có vậy thôi. Lần này, được nghỉ phép về nhà trước khi đi học ở Liên Xô, Minh quyết định phải hỏi bố mọi sự cho thật tường tận và những câu hỏi đó là: Vì sao bố không lấy vợ? Vì sao bố không về quê nội?
***
Sáng hôm sau, Minh lên Phòng Cảnh sát hình sự thì được Trưởng phòng Mạnh gọi vào và nói luôn:
- Cậu chuẩn bị về phép - anh nhìn Minh nở nụ cười tươi rói - Chúc mừng cậu được đi học ở Liên Xô, số cậu thật là may mắn. Lần này đi, cả công an tỉnh có 3 người, bên an ninh có 2 và cảnh sát chỉ có mỗi cậu. Sáng nay giám đốc bảo tôi rồi, cho cậu về phép đúng một tháng ở nhà với bố. Mà có khi tranh thủ cưới vợ cho xong. Ðể ở nhà có người chăm sóc bố.
Minh chỉ còn biết cám ơn anh trưởng phòng rồi chuẩn bị hành lý đi về nhà. Anh bỏ vào balô một bộ quân phục, dăm hộp sữa bò Thống Nhất, một cân đường, chục phong lương khô loại 702 của Trung Quốc, mà không hiểu tại sao công an tỉnh vẫn có… Những thứ này là tiêu chuẩn bồi dưỡng cho Minh trong những lần đi đánh án. Anh cứ gửi lại ở Phòng Hậu cần, thi thoảng được về nhà thì mang về cho bố.
Balô gói ghém đã xong, Minh xuống gặp Pờ Chinh Mai, lúc này cô đang bổ củi ở ngoài sân.
Nhìn thấy Minh, Mai nở nụ cười tươi rói, rồi quệt mồ hôi và vẫy Minh lại. Hai người ngồi luôn lên đống củi.
Minh rụt rè:
- Em về quê với anh chứ?!
Mai đỏ mặt:
- Người đâu mà chẳng biết giữ kín chuyện gì cả.
Minh ngạc nhiên:
- Sao em nói thế?
Mai nói luôn:
- Sáng nay bác Trực gọi em lên và bảo anh được đi học Liên Xô cho nên từ nay em phải thay anh chăm sóc bố. Rồi giám đốc còn dọa là em mà bỏ anh thì giám đốc kỷ luật.
Minh lúng túng:
- Thì chuyện của chúng mình, cấp trên biết hết rồi. Nếu em mà đủ 18 tuổi thì anh cũng xin cưới luôn.
Mai ngúng nguẩy:
- Nói như thế là bảo làm vợ anh ngay à?
Minh cười:
- Thì anh không khéo nói mà! Hay em thấy bọn con trai người Kinh nó khéo mồm hơn?
Pờ Chinh Mai sầm mặt:
- Anh chỉ nói vớ vẩn. Thôi, anh cứ về trước đi, em chưa xin phép nên chưa về ngay được, vài ba hôm nữa em đi về sau.
Lý Pờ Minh năn nỉ:
- Em xin phép ngay đi, chắc là đồng ý đấy, đi rừng một mình buồn lắm.
Pờ Chinh Mai khẽ lắc đầu rồi bảo:
- Anh thấy đấy, bếp đang thiếu người lắm. Em còn phải bổ củi đây này. Cả đội nấu ăn có 10 người thì hai người đi học bồi dưỡng, 1 người bị sốt rét, chị đội phó lại sắp đẻ. Em có về được chắc cũng phải sang tuần. Khi có thêm người - thấy Minh ngần ngừ, Mai an ủi - Em về chậm vài ngày thôi mà! Anh đừng buồn.
Mai đứng dậy:
- Anh chờ em chút nhé. Em có cái này gửi biếu bố.
Nói xong, Mai chạy ù về phòng. Lát sau, cô mang ra một chiếc túi nhỏ và lấy trong đó ra một chiếc khăn len:
- Khăn em đan đấy. Các chị ở phòng mới dạy em đan… Anh mang về biếu bố cho em.
Minh cảm động:
- Nếu biết đây là khăn của con dâu tương lai, bố anh vui lắm đấy.
Thấy thấp thoáng bên trong bếp có người nhòm ra, Pờ Chinh Mai xấu hổ:
- Thôi anh về trước nhé. Tuần sau em sẽ về.
Cũng chẳng biết nói gì hơn, Lý Pờ Minh bảo:
- Vậy anh về trước nói chuyện với bố cho bố vui.
Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 14/10/2017
/ Năng Lượng Mới