Chuyện đó anh không phải lo. Tôi đã tính đường đi của tôi rồi. Họ khép tôi án tử hình cũng được, mà kết án chung thân cũng được...
Con hổ Leng (Kỳ 2) |
Con hổ Leng (kỳ 1) |
…Không lâu sau nước bắt đầu sôi, chúng nhanh nhẹn lấy một cái bát, cho trà rồi rót nước vào. Một gã bỏ vào cái “xoong” nước sôi 5 quả trứng gà. Khi nước sủi lăn tăn, chúng lại vớt bày ra một cái đĩa. Xong đâu đấy chúng lại lấy ra kẹo, bánh.
Vẫn trùm chăn kín đầu nhưng Quyết “đại ca” áng chừng việc đun nước, pha trà đã xong. Hắn thò đầu ra và nói: “Hôm qua thằng nào nhận được đồ tiếp tế thì mang hết ra đây”. Một thằng nói: “Thưa anh! Của em đây ạ”. Rồi thằng nào thằng nấy bày ra những đồ tiếp tế của mình nào là bánh chưng, bánh sắn, ruốc, thịt rang, bánh bích-cốt, kẹo lạc, kẹo vừng. Quyết nhòm vào từng thứ và nói: “Bánh chưng chúng mày để đây một nửa. Còn tất cả chúng mày cất đi. Và nhớ ăn dè sẻn, không phải ăn cho sướng rồi mai lại không có cái gì nhét vào mồm”.
Bọn phạm lại mang nước đến cho gã rửa mặt, đánh răng. Xong xuôi hắn nói: “Con mời bố ra ăn sáng”.
Ông Tài ra ngồi cạnh hắn. Nhìn những chiếc bánh chưng bị thái nát, ông Tài hỏi: “Sao họ phải cẩn thận thế nhỉ?”. Quyết “đại ca” cao giọng giảng giải: “Bố không biết đấy, quản giáo họ kiểm tra những thứ gửi vào cẩn thận lắm. Ðấy bố xem, một cái bánh chưng mà họ phải cắt vụn ra như thế này để tìm thư từ, thậm chí tìm hêrôin. Bố không biết cách đây ít tháng, có thằng nó gửi cả sim điện thoại, rồi cho điện thoại vào một túi nilon và nhét vào bụng một con gà. Nhưng chúng hay gửi nhất vào trong này là ma túy. Hồi con chưa vào đây, ở trong buồng giam này bọn chúng còn bán cả hêrôin. Thằng trưởng buồng cũ đã bị tử hình. Nhưng từ khi dưới quyền con, mọi thứ trật tự, ngăn nắp, nền nếp hơn khá nhiều. Bố chứng kiến nhé, không hề có chuyện tranh giành đồ ăn, thức uống, không hề có chuyện cãi vã, đánh nhau”. Rồi gã lại cao giọng: “Con là người có chất thủ lĩnh bố ạ. Cho nên cán bộ quản giáo ở đây thích con lắm, vì thế họ mới giữ con ở lại, chứ nếu không họ đã tống con đi trại cải tạo từ lâu rồi. Làm thủ lĩnh vừa có uy nhưng phải có ân. Mà con ngẫm ra rồi, quan trọng là phải gương mẫu”.
Nghe gã nói mà ông Tài cười suýt phát sặc. Hắn hiểu ngay nụ cười của ông, hắn bảo: “Bố thấy con nói có giống cán bộ nhà nước không? Con là đại ca, con bắt chúng nó nộp cho con đồ ăn thức uống, con bắt đứa này đứa kia nộp tiền cho con để nộp cho quản giáo và còn có tích lũy để sau này ra tù còn có vốn mà làm ăn. Ðứa nào hỗn láo, con nện bỏ mẹ ngay. Nhưng với những đứa tử tế, có hoàn cảnh khó khăn con còn giúp thêm. Bố hỏi những thằng ở đây mà xem, có những đứa gia đình viết thư vào, bố mẹ ốm đau không có tiền chữa, con còn gửi tiền về cho. Quan trọng, muốn được anh em nó yêu quý, khâm phục thì đừng có tham. Còn tất nhiên, con là buồng trưởng, con duy trì trật tự ở đây thì cũng phải có trên có dưới cho nó rành mạch”.
Hắn lấy trứng luộc, gõ một đầu cho thủng rồi cung kính mời ông: “Bố húp quả trứng này đi, chỉ cần mỗi ngày bố húp 3 quả là đủ dinh dưỡng, còn ăn thêm gì cũng được”. Ông Tài chẳng khách khí, ông húp liền 2 quả trứng lòng đào rồi mới bắt đầu ăn bánh chưng.
Chờ cho ông ăn xong, một thằng xun xoe cầm bao thuốc lá Vinataba đến: “Dạ em mời anh”. Gã vừa đưa điếu thuốc lên miệng thì đã có thằng thò bật lửa ra. Gã rít một hơi rồi ngửa mặt lên trần nhà nhả khói. Gã xua tay bảo hai thằng đang đứng chờ phục vụ ra chỗ khác. Rồi lại nói: “Con rất thích trong này có một cái điếu ục, nhưng quản giáo không cho. Việc này có lẽ phải nhờ bố, bố nói với quản giáo thì họ nghe đấy. Con đi tù nhiều lắm rồi nhưng chưa thấy ở đâu cán bộ quản giáo lại gọi bằng bố xưng con như thế”.
Trời đã sáng rõ và tiếng loa truyền thanh ở trong trại vang lên nhưng chẳng có thông tin gì mà toàn những bài hát lăng nhăng ở đâu. Ông Tài nghe những bài hát đó mà chỉ cầu mong là nó đừng hát thì tốt hơn.
Ðám phạm nhân xếp hàng đánh răng, rửa mặt rồi xếp hàng đi vệ sinh… Hơn hai chục phạm nhân mà chỉ có một buồng vệ sinh, cho nên buổi sáng, nếu xếp hàng chậm, có khi chờ cả tiếng mới đến lượt.
Những phạm nhân trong buồng này, hầu hết là chưa thành án, chủ yếu là đang trong giai đoạn điều tra, cho nên chúng rất dư thừa thời gian. Nếu không bị lôi đi hỏi cung thì chỉ còn mỗi việc ăn và ngủ.
Quyết “đại ca” rót chén nước trà, cung kính đưa cho ông Tài bằng cả hai tay.
Ông Tài đỡ lấy chén nước:
- Anh Quyết, anh làm thế này thì tôi áy náy lắm.
Quyết cười khùng khục:
- Bố ơi là bố! Ðó cũng là cách chúng con trả ơn bố. Chúng con hèn, bị bọn chó đẻ ấy cướp đêm cướp ngày mà có dám bắn vào mặt chúng đâu. Trước kia, lúc thằng Hải “lé” còn làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Mường Mun, có muốn vào rừng kiếm củi đun cũng phải lót tay cho nó mấy đồng tiền. Thằng Tuấn đã có lần cướp không của con bộ gạc nai. Còn thằng Ðạt, sao nó lại sống nhỉ? Ðó là thằng mọt dân hại nước bậc nhất ở tỉnh này. Chúng con lưu manh, ăn trộm, ăn cướp của dân, còn chúng nó thì trộm cướp bằng cơ chế, bằng chức, bằng quyền. Chúng con buôn vài cây gỗ, chặt vài cây cổ thụ là vào tù như chơi. Còn chúng ký quyết định chuyển đổi hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh chuyển sang trồng cao su và bây giờ rừng thì hết, cây cao su thì không cho ra nhựa… Chúng nó thì bố thấy đấy, giàu nứt đố đổ vách. Bố ra tay trừ chúng nó, chúng con hả dạ lắm.
Ảnh minh họa |
Quyết châm một điếu thuốc lá, rồi vẫn với thái độ cung kính, gã đưa cho ông Tài bằng hai tay.
Ông Tài rít một hơi, rồi nói:
- Tôi hút thứ này không quen. Nhẹ lắm!
Quyết cười:
- Bố cứ hút đi một hơi. Không sao đâu!
Ông Tài ngạc nhiên:
- Cái anh này nói lạ. Cả thế giới người ta bảo hút thuốc là hại, riêng anh thì bảo là có lợi.
Quyết “đại ca” hào hứng, giảng giải:
- Bố thấy thịt trâu phơi gác bếp có hỏng bao giờ đâu. Phổi con người ta cũng thế… Có khói hun là không sợ hỏng.
Ông Tài bật cười về cách giải thích của gã.
Dừng một lát, Quyết cao giọng:
- Bố ạ, con vào tù ra tội nhiều lần rồi nên con biết. Tù cũng có năm, bảy loại. Ngoài đời, thằng nào có nhân phẩm thì phạm tội cũng có nhân cách. Ví dụ như bố chẳng hạn, nó định cướp không của bố con hổ thì bố bắn chết chúng nó. Còn lại vô liêm sỉ, bần tiện thì cũng phạm tội bần tiện, vô liêm sỉ. Thưa bố, loại ấy mà vào tay con thì con cũng không tha. Pháp luật chỉ trừng phạt những kẻ phạm tội có hành vi cụ thể, còn những loại phạm tội trong đầu, phạm những tội không nói ra được, không có chứng cứ xét xử thì có luật rừng, luật nhà tù. Bố thấy không, bây giờ cứ nói tham nhũng đang là quốc nạn, rồi cán bộ thoái hóa biến chất. Biết cán bộ tham nhũng, biết là ăn chặn của dân, nhưng thấy thì rất khó.
Ông Tài gạt đi:
- Thôi! Sao hôm nay anh cứ nói chuyện chính trị thế!
Quyết “đại ca” trầm ngâm một lát, rồi nói:
- Vụ của bố mà ra tòa thì chắc là cũng mệt đấy!
Ông Tài hỏi:
- Ý anh là sao?
Quyết “đại ca”:
- Con nghĩ rằng, với tội này, họ sẽ khép bố án tử hình mất.
Ông Tài cười thanh thản:
- Chuyện đó anh không phải lo. Tôi đã tính đường đi của tôi rồi. Họ khép tôi án tử hình cũng được, mà kết án chung thân cũng được. Khi con Leng đã chết rồi thì đối với tôi chẳng còn cái gì có ý nghĩa cả.
Có tiếng lạch cạch ngoài cánh cửa buồng giam, rồi cánh cửa sắt rít lên ghê rợn.
Một anh quản giáo thò đầu vào:
- Bác Tài đâu rồi?
Ông Tài đứng lên:
- Dạ. Có tôi đây.
Anh quản giáo:
- Mời bác đi ra.
Quyết “đại ca” lườm anh quản giáo:
- Từ từ cho bố uống hết chén nước đã.
Anh quản giáo nhìn Quyết với ánh mắt khó chịu:
- Ơ, thằng kia! Mày lại chỉ huy cả tao à?
Quyết cười:
- Ấy chết! Thưa cán bộ, cán bộ nói nặng lời thế, tổn thọ chúng cháu. Cháu đâu có dám nghĩ thế. Nhưng mà thấy thương các cán bộ ở đây quá. Trại giam ở nơi rừng sâu heo hút thế này. Chúng cháu ở tù còn có ngày ra, chứ các cán bộ thì ở đây không biết đến bao giờ. Chúng cháu thì tù, còn cán bộ thì... “tội”.
Ông Tài vừa đứng lên, Quyết lại nói:
- Bố đi đôi tất vào. Ra ngoài rét lắm đấy.
Nói rồi, gã tụt ngay đôi tất đang đi ở chân ra đưa cho ông Tài.
Thấy lạnh, nên ông Tài cũng không câu nệ và đi luôn đôi tất vào chân rồi bước ra ngoài.
Anh quản giáo cầm trên tay chiếc còng số 8 vẩy lủng liểng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 17/09/2017
/ Năng lượng Mới