Không thể ngoái đầu lại để liếm vết thương, mà đối với giống hổ, nước bọt là thứ thuốc sát trùng hiệu nghiệm nhất. Một con hổ, bị thương nặng đến mấy, nhưng nếu nó liếm được vào vết thương thì khắc sẽ lành. Còn nếu không tự chữa được, thì vết thương sẽ nhiễm trùng, thịt sẽ thối nhanh chóng.
Con hổ Leng (Kỳ 12) |
Con hổ Leng (Kỳ 11) |
Con hổ Leng (Kỳ 10) |
Con Leng thất thểu lê bước trong rừng đại ngàn.
Còn đâu cái dáng oai phong lẫm liệt, còn đâu những bước đi nhanh, êm nhẹ nữa mà thay vào đó là những bước đi nặng nề, đôi lúc bộ vuốt lại xòe ra, cào vào đất. Ánh mắt lộ rõ vẻ mệt mỏi, đau khổ vì cố phải nén chịu sự đau đớn đang giày vò. Viên đạn tuy không chạm xương, gân nhưng đã phá một mảng lớn ngay trên mông của nó và sát gần xương sống. Cố cong mình để ngoái đầu lại, con Leng chỉ thấy một vùng đỏ loét và lúc nào cũng có bọn ruồi nhặng vo ve.
Không thể ngoái đầu lại để liếm vết thương, mà đối với giống hổ, nước bọt là thứ thuốc sát trùng hiệu nghiệm nhất. Một con hổ, bị thương nặng đến mấy, nhưng nếu nó liếm được vào vết thương thì khắc sẽ lành. Còn nếu không tự chữa được, thì vết thương sẽ nhiễm trùng, thịt sẽ thối nhanh chóng.
Cứ mỗi ngày qua đi, vết thương lại loang rộng ra. Bọn ruồi nhặng đã tìm thấy miếng mồi màu mỡ và quả là hiếm có. Chúng đã từng sinh sống trên những xác chết thối rữa nhưng lần này được sống ngay trên mình chúa sơn lâm. Chúng lẵng nhẵng bám theo bất kể ngày đêm và sung sướng reo mừng khi xục vào đám thịt máu bầy nhầy. Chỉ sau chục ngày, vết thương đã nhung nhúc ròi. Bọn ký sinh này nhơ nhớp trong đó, mỗi chuyển động co duỗi của chúng gây cho Leng sự ngứa ngáy và đôi lúc buốt giần giật. Những cơn đau nhói kéo đến đầu tiên còn chậm nhưng sau nhanh dần. Con Leng cảm thấy mỗi khi tim đập, máu được bơm về, vết thương lại nhói lên. Và cái vùng nóng rát nhức nhối ấy mỗi ngày một lan rộng, gần sát với xương sống. Con Leng hiểu rằng khi vết thương lở vào đến cột sống thì nó sẽ hết đường đi lại.
Con Leng vẫn lê lết đi không phương hướng và không biết sẽ đi về đâu.
Ðôi lúc nổi khùng vì lũ ruồi nhặng ròi bọ, nó lồng lên chạy vun vút rồi nằm vật ra một bãi cỏ, lăn vết thương vào đó và căm hờn di nát những con ròi béo mẫm rơi lả tả. Bọn ruồi nhặng còn tệ hơn. Chúng thi nhau chích vào vết thương bất kể ngày hay đêm.
Ðể tránh chúng, có lúc con Leng phải nhảy xuống suối ngâm mình. Nước lạnh cũng làm dịu đi cái đau rát chốc lát.
Nhưng ở dưới suối nó cũng chẳng được yên. Từng đàn cá anh vũ, cá hốc, cá mương xúm vào rỉa vết thương. Mỗi cái rứt của chúng đầu tiên thì còn làm dịu cơn ngứa, nhưng sau đó thì buốt như kim châm. Thậm chí cả bọn cua bò ngang cũng dám trèo lên, sục cả bộ càng và tám cái chân khuyềnh khoàng vào vết thương. Trời nắng to thì ruồi nhặng, trời mưa thì bọn vắt cắn trộm nằm trên lá cây ngửi thấy hơi máu văng mình lao xuống...
Chiếc đuôi dài của con Leng làm việc không biết mệt mỏi. Là một bộ phận trên cơ thể con Leng, giờ đây chiếc đuôi tỏ ra có tác dụng hơn tất cả. Nó như một kẻ hầu hạ trung thành, ve vẩy liên tục, ngay cả khi con Leng ngủ, chiếc đuôi cũng không được nghỉ. Ðôi lúc mệt quá, con Leng rúc vào bụi rậm hay hốc đá nào đó và thiếp đi. Nó nằm nghiêng, để vết thương áp xuống đất. Nhưng tránh được ruồi nhặng thì lại bị lũ kiến đen, kiến gió, kiến càng, kiến vống, kiến lửa... kéo đến. Con thì từ đất chui lên, con thì từ trên trời rơi xuống. Chúng cắn đốt, cấu xé, rứt đi từng miếng thịt, tiêm nọc độc vào nỗi khổ đau đến cùng cực của con Leng.
Sức lực con Leng mỗi ngày một giảm sút. Có những con hoẵng chỉ cách nó một bước nhảy. Bình thường, con vật yếu đuối đó không thể nào chạy thoát, nhưng giờ đây, khi thấy con Leng, nó nhún chân nhảy vọt ra xa rồi quay đầu lại nhìn ngáo ngơ như thách đố. Chiếc chân sau bên trái không chịu làm theo sự chỉ huy của bộ óc nữa. Nó bám vào đất hờ hững, nó mềm ra không còn đủ sức để cùng với chân phải tạo nên bước nhảy vồ dũng mãnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ðói quá, con Leng phải ra suối rình bắt những con cá bé tí nằm trong hốc đá, nó phải vồ cả những con nhái, con chẫu chàng bám trên lá, thậm chí nó phải nhắm mắt nhai những con sên trắng nhớt lèo nhèo hoặc con thằn lằn với cái lưng xanh biếc
Mặc dù sức lực nó bị cái đau nhức nhối của vết thương và cái đói bòn rút đi, nhưng nó vẫn cảm nhận thấy một sự sống sinh động đang lớn dần lên trong nó. Mỗi khi nghĩ tới những đứa con trong bụng, Leng lại đau khổ. Lần trước, khi mang thai, nó đã được bồi bổ bằng những con lợn cỏ, con hoẵng, cả những gã nai có cặp sừng nghênh ngang và những chú cá trắm to như gốc tre. Những thứ đó, hầu hết do chồng nó đem về.
Ôi, ngày ấy, con Leng đã chọn được một chàng hổ đực thật tuyệt vời.
Mà chuyện con Leng có một tấm chồng cũng là điều hiếm có trong thế giới loài hổ.
Hổ là giống sống đơn độc, không bầy đàn như hầu hết các loài thú khác. Ngay kể cả khi đi săn mồi, cũng hiếm khi hai con hổ cùng bày binh, bố trận để bắt một con trâu, con bò hay con nai, con hoẵng. Hổ hoang dã có một đời sống riêng biệt, khác hẳn với hổ sống trong những khu bảo tồn, mà ở đó, loài hổ được con người mang thịt đến cho tận mồm. Hổ đực và hổ cái thường chỉ ở bên cạnh nhau trong khoảng thời gian ngắn không quá nửa tháng. Ấy là lúc chúng đến với nhau vì sự tồn tại của giống nòi và chỉ để thực hiện cái nghĩa vụ sinh sản. Hết khoảng thời gian ấy là mỗi con lại đi một ngả và nếu con nào xâm phạm lãnh thổ con kia thì chúng sẽ đánh nhau để giữ đất mà không hề nhớ rằng mới chỉ cách đó ít ngày, chúng đã từng sống bên nhau.
Nhưng con Leng thì lại khác, không hiểu sao khi gặp được chàng hổ đực ưng ý, chúng quấn lấy nhau tưởng như tạo hóa sinh chúng ra là để cho nhau, thuộc về nhau.
Chàng là giống hổ Ðông Dương, nặng chỉ khoảng hơn trăm kilôgam và chắc cũng chỉ hơn con Leng chừng đôi, ba tuổi. Lần ấy, để chiếm được tình cảm của ả Leng, chàng đã phải chiến đấu với hai con hổ khác.
Con Leng không thể nào quên được lúc hai con hổ kia lủi thủi bỏ đi, chàng gầm lên một tiếng rung rừng chuyển núi, như thể báo cho muôn loài rằng: “Ta đã có vợ. Ðừng có kẻ nào mơ tưởng đến nữa”. Ðáp lại, con Leng cũng gầm lên một tiếng nhưng nhẹ nhàng hơn, ấm áp hơn: “Từ nay, em đã thuộc về mình”. Con hổ đực đến bên con Leng chờ đợi sự chăm sóc… Con Leng dịu dàng liếm hết máu đang ứa ra từ những vết cắn, vết tát, vết cào…
Ðầu tiên là chúng sống với nhau khoảng hơn chục ngày, rồi con Leng trở về khu vực của mình ở gần Suối Voi. Nơi ấy, ngày xưa là chỗ trú ngụ của hàng chục con coi. Nhưng từ khi mở đường Mường Báng, thì voi kéo hết sang Lào và con Leng đã chiếm cứ khoảnh rừng rộng có đến hơn năm chục cây số vuông. Với một con hổ, diện tích này là quá nhỏ, nhưng may mắn cho con Leng là nơi đây còn khá nhiều nai, hoẵng và trâu rừng, cho nên cuộc sống của nó không đến nỗi nào. Hơn nữa, khu vực Suối Voi khá hiểm trở và thuộc khu cấm của bộ đội biên phòng, bởi vì nơi đây, thời chống quân Trung Quốc, bộ đội ta và cánh lính Trung Quốc đều gài mìn, sau này mất sơ đồ, không gỡ được, nên đám thợ săn cũng ít khi dám mò tới.
Hôm chia tay, chẳng hiểu sao, con Leng cứ dụi đầu vào ngực chàng, rồi ẩy chàng đi. Nhưng rồi khi chàng lững thững quay đi, cái đầu kiêu hãnh cúi xuống buồn bã và đi được một đoạn, chàng dừng lại, quay đầu nhìn con Leng, thì lúc ấy, con Leng muốn kêu rằng: “Sao ngốc thế… quay lại đây?”. Nhưng rồi cũng chính con Leng quay đi và thấy trong lòng buồn vô hạn.
Từ khi xa chàng hổ Ðông Dương, con Leng cứ thấy nhơ nhớ và nó mong chàng hổ kia xuất hiện. Nó biết chàng sẽ về tận bên Lào, nơi ấy, muốn đi sang phải mất cả gần trăm cây số. Không biết từ sau ngày bên nhau, chàng về bên ấy ra sao? Có lẽ rừng bên ấy còn mênh mông lắm, hoang dã lắm… Chắc rằng chàng sẽ chẳng còn nhớ đến ta nữa. Khoảng hơn hai tháng sau, khi bụng con Leng đã bắt đầu nặng thì một hôm, nó ngửi thấy mùi nước đái của hổ đực, mà đó lại là mùi nước đái của chàng hổ mà nó từng yêu thương. Nó gầm lên những tiếng tha thiết và thế là chàng xuất hiện.
Những ngày sống bên nhau sao mà hạnh phúc, tươi đẹp đến thế. Thời gian như ngừng trôi, ngày cũng như đêm, chúng tắm mình trong sung sướng và sự thỏa mãn. Con Leng vẫn nhớ như in cái cảnh chàng ngồi ngoài cửa hang canh chừng cho nó đẻ. Thi thoảng chàng lại thò đầu vào nhìn nó bằng ánh mắt cảm thông với nỗi mang nặng đẻ đau của vợ và hồi hộp chờ đón những chú hổ con ra đời. Nhưng lúc đó, Leng chỉ nhìn chàng bằng cặp mắt căm thù, dường như vì gã mà nó phải chịu sự đau đớn. Phải mất một tháng sau khi sinh nở, con Leng mới cho phép chàng gần ba đứa con khỏe mạnh và nghịch ngợm. Trước đó, nó phải giữ con vì sợ một cái liếm âu yếm, một cú tát nhẹ nhàng tỏ sự quý mến của chồng cũng đủ để đứa con lìa đời. Và quan trọng hơn cả là nó phải cảnh giác trước tính ích kỷ đến tàn nhẫn của giống hổ đực.
Cũng có những cặp vợ chồng hổ gắn bó với nhau từ lúc mới quen, cho đến lúc hổ cái đẻ. Nhưng hổ cái khi sinh con thì luôn cực kỳ cảnh giác với hổ đực… Bởi lẽ, vào thời điểm ấy, hổ cái không còn quan tâm tới hổ đực. Nó chỉ chăm chút cho con, vì vậy, làm những gã hổ đực cảm thấy bị khinh rẻ, xa lánh… Và thế là nó trút giận lên đầu lũ con. Hổ cái thì rất chăm con, nhưng hổ đực thì lại chưa chắc, nếu như không muốn nói, hổ đực là những ông bố rất tồi.
Nhưng những ngày hạnh phúc kéo dài không được lâu...
Khi đám hổ con được khoảng hơn ba tháng tuổi thì khu Suối Voi lại có sự thay đổi, ấy là bộ đội biên phòng chọn hai quả đồi thấp ở đây làm khu tập bắn. Tiếng súng đì đùng suốt ngày làm lũ hổ con cứ giật mình thon thót và dĩ nhiên là các loài thú khác cũng bỏ chạy hết.
Thế là Leng và chồng quyết định đưa ba đứa con đi về quê chồng ở bên Lào.
Trên đường đi, chẳng may gia đình nhà Leng gặp một đám thợ săn của xã Mường Tong đi sang Lào săn gấu trộm về.
Ðể bảo vệ hổ mẹ và đàn con, hổ bố đã phải đánh lạc hướng đám thợ săn và bị trúng mìn quân Trung Quốc gài lại từ ngày trước.
Nỗi đau khổ về cái chết của chồng chưa nguôi thì nỗi đau mất con ập đến. Trong lúc con Leng để ba đứa con trong hang, đi săn mồi. Bọn thợ săn đã lẻn vào, bắt cả ba con của nó mang đi.
Hàng tháng liền, con Leng như mất hồn. Nó tấn công và giết bất cứ loài vật gì mà nó gặp trên đường đi. Nó trút căm thù vào những con vật đó, mặc dù không cần ăn chúng. Trong một cơn đau khổ đến tột cùng, con Leng đã xông vào đàn trâu của một nông trường và tát chết bốn con nghé mới hơn một tuổi. Sau cái lần ấy, tiếng tăm một con hổ cái hung dữ nổi lên khắp vùng và những người Mông, người Thái, người Pu Péo, Hà Nhì cho rằng đó là hổ thần. Bộ lông hung vàng vằn đen của con Leng bị người ta biến thành trắng, còn bốn chân lành lặn và cặp mắt vốn hiền lành thì bị họ bảo là què và chột. Không chỉ vồ trâu, bò của lũ người - việc mà bọn hổ rất ít khi làm - mà con Leng còn mò ra tận con đường mòn đi xuống huyện và thi thoảng nó lại gầm lên dữ dội. Tiếng gầm của nó khiến lũ người run sợ, nhưng lại kích thích đám thợ săn. Và lấy cớ để đảm bảo tính mạng cho người dân, chính quyền mấy xã quanh khu rừng Mường Báng lập hẳn ra những tổ săn hổ. Nhưng con Leng nó đủ tinh khôn, biết không nên đi quá giới hạn, bởi lũ người kia có súng… Và thế là nó chuồn thẳng sang Lào. Thi thoảng, nhớ rừng cũ, nó lại về ít ngày…
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 27/09/2017
/ Năng Lượng Mới