Dường như đã không còn nước mắt để khóc, nhiều người mẹ ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chỉ ước sao những đứa con đang mất tích còn cơ hội sống sót trở về sau khi bị trận lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng 3-8.

Đã 3 ngày trôi qua sau trận lũ quét kinh hoàng, những dấu tích tang thương ở vùng đất nghèo khó Kháo Giống vẫn còn trải khắp. Nhiều bà mẹ vẫn lịm người bên những căn nhà trống hoác phủ đầy bùn đất. Trận lũ đã khiến 5 người trong bản mất tích, hiện mới chỉ tìm được 1 người. Bốn đứa trẻ chăn trâu tội nghiệp còn mất tích là Giàng A Hứ (SN 2002), Giàng A Táng (SN 2007), Giàng A Lu (SN 2010) và Giàng A Phai (SN 2010).

Thẫn thờ chờ tin con

Đáng lẽ ngày 15-8 tới đây, Giàng A Hứ sẽ vào lớp 10 nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Hứ cùng với 3 em nhỏ khác cùng bản đã bị dòng lũ cuốn trôi vào rạng sáng 3-8 khi ngủ lại ở lán chăn trâu trên rừng.

Khi chúng tôi đến, bà Sùng Thị Cở, mẹ Giàng A Hứ, ngồi tựa cửa như người mất hồn. Bà Cở đau đớn kể nhà có 2 con trâu, 7 con bò. Hằng ngày, Hứ phụ giúp việc nhà và đưa trâu lên núi cách nhà 4 km để chăn. "Sáng ấy trời mưa to lắm. Nước ào về như thác, sạt lở khắp nơi. Không thấy con về, sợ có chuyện chẳng lành, mọi người lên lán tìm kiếm thì chẳng thấy người và lán đâu nữa. Nước cuốn trôi cả rồi, giờ vẫn chưa tìm được" - bà Cở quay mặt nhìn lên rừng.

con gi dau mu cang chai

Gia đình anh Giàng A Lẩu giờ chỉ ăn mì tôm cầm cự qua ngày, sau khi bị lũ cuốn trôi mất nhà, phải ở nhờ trường học

Từ hôm Hứ bị lũ cuốn trôi, chồng bà Cở từ sáng đến tối mịt vật lộn dưới mưa, cùng người thân đi dọc các con suối với một chút hy vọng sẽ tìm được đứa con xấu số của mình. Giàng Thị Dủa chuẩn bị bước vào lớp 8, là em gái của Giàng A Hứ, đứng bên mẹ, kể rằng anh Hứ rất ngoan và chịu khó, thương em nữa. "Ngoài phụ giúp bố mẹ, anh Hứ thường dạy em học bài. Em cũng thường theo anh Hứ lên núi chăn trâu. Hôm xảy ra sự việc, anh Hứ lại không cho em đi theo, nếu không..." - Dủa kể nửa chừng chợt im lặng.

Ông Giàng A Mùa đã mấy ngày nay không có mặt ở nhà vì đi khắp nơi tìm con. Vợ của ông, bà Mùa Thị Sua, 3 ngày nay đã khóc không còn nước mắt, chẳng chịu ăn gì cả khi 2 đứa con nhỏ là Giàng A Táng và Giàng A Phai bị lũ cuốn trôi.

Ông Mùa bảo sáng 4-8, các lực lượng chức năng đã tìm được thi thể Giàng A Phai, con trai thứ hai của ông, ở khu vực thủy điện Huội Quảng, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. "Thằng Phai học lớp 1. Năm học vừa qua, nó được giấy khen học sinh xuất sắc. Giờ gia đình mình chôn nó nằm ở trên đồi kia kìa" - ông Mùa thổn thức.

Bà Mùa Thị Sua cũng nói trong nước mắt: "Còn thằng Giàng A Táng giờ vẫn chưa tìm thấy. Chồng mình và mọi người vẫn đang đi tìm nó. Thương lắm, nhớ lắm. Giờ chỉ mong tìm được và đưa thằng Táng về thôi".

Thiệt hại nặng nề

Cả bản Kháo Giống giờ tan hoang. Nhiều căn nhà chỉ còn sót lại vài cái áo, tấm chăn trong bùn đất. Tất cả đều bị san phẳng và cuốn đi theo dòng nước lũ.

Mùa A Thênh, 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Luật Trường Đại học Thái Nguyên, kể rằng khi nghe tin lũ xảy ra ở bản, cuốn trôi mất nhà, em vội tất tả đón xe khách về ngay. Những tài sản có giá trị nhất của gia đình Thênh gồm 2 xe máy, vài con bò, bầy heo đều bị cuốn đi cả. Anh trai của Thênh là Mùa A Già, vừa mới cưới vợ, dựng nhà riêng gần đó cũng bị lũ cuốn trôi.

con gi dau mu cang chai

Những căn nhà ở bản Kháo Giống sau lũ quét giờ chỉ còn là đống đổ nát

Thênh bảo sau khi bị lũ cuốn mất nhà, gia đình em phải ra Trường THCS Kim Nọi ở. Cả nhà hầu như chỉ ăn mì tôm chống đói qua ngày. "Gạo nhà nước hỗ trợ nhưng không có thời gian nấu, vì phải lo chuẩn bị dựng lại nhà" - Thênh ngậm ngùi.

Thênh nói ngày 12-8 tới đây, em phải trở lại trường. "Nhưng nhà cửa như thế này, chắc em phải nghỉ học một năm để phụ giúp gia đình. Dù học phí đã được miễn theo chính sách nhưng tiền thuê nhà trọ, tiền ăn mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng. Giờ nhà em có còn gì đâu ngoài mấy bộ quần áo mặc trên người. Gia đình em giờ trắng tay rồi. Nhà nước hỗ trợ hơn 20 triệu đồng nhưng tiền ấy phải để dựng lại nhà..." - Thênh buồn rầu.

Gia đình anh Giàng A Lẩu ở bản Kháo Giống cũng chẳng còn gì. Hiện cả nhà anh được bố trí ở tạm tại trường học của xã Kim Nọi. Nhìn cảnh mấy đứa con nhỏ của anh Lẩu hì hụp ăn mì tôm, mặt mày nhem nhuốc mà chúng tôi xót lòng. "Một chiếc xe máy, 1 chiếc máy cày, nhà cửa bị lũ cuốn mất sạch rồi" - anh Lẩu nói và cho biết sắp tới cũng không thể dựng lại nhà trên nền cũ vì quá nguy hiểm.

Lũ quét đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho Mù Cang Chải. Đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 người chết và vẫn còn 10 người đang mất tích. Về tài sản, có 55 căn nhà bị thiệt hại, trong đó 29 căn bị cuốn trôi hoàn toàn; 150 công trình thủy lợi bị hư hỏng; các tuyến đường liên xã sạt lở nặng... Ước tính, tổng thiệt hại khoảng 160 tỉ đồng.

Ông Vũ Đình Lợi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải, cho biết trước mắt, tỉnh và huyện đã hỗ trợ 25 triệu đồng cho những gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn. Những gia đình bị mất nhà, mất trắng hoa màu, huyện sẽ cấp phát gạo để cứu đói bà con liên tục trong vòng 6 tháng.

Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, mưa lũ từ ngày 1 đến 3-8 trên địa bàn các tỉnh này đã làm 18 người chết (Yên Bái 3 người, Sơn La 10 người, Lai Châu 2 người, Điện Biên 3 người). Ngoài ra, còn có 17 người đang mất tích (Yên Bái 10 người, Sơn La 6 người, Lai Châu 1 người).

Mưa lũ cũng làm 229 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hàng trăm hecta hoa màu bị vùi lấp; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bị hư hỏng nặng; 144 công trình thủy lợi ở Yên Bái, Sơn La bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 718 tỉ đồng.

Nhiều bộ, ngành hỗ trợ người dân

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trích từ Quỹ cứu trợ trung ương 600 triệu đồng chuyển cho Ban Cứu trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La (mỗi tỉnh 300 triệu đồng) để hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, bị thương nặng, bị sập nhà hoàn toàn, nhà trôi, đổ.

Theo đó, những gia đình có người chết, mất tích được hỗ trợ 5 triệu đồng; hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị thương nặng, có nhà bị sập, nhà đổ do mưa lũ gây ra. Trong khi đó, sau khi kêu gọi phát động ủng hộ nhân dân huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả mưa lũ, tính đến chiều 5-8, Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Cứu trợ tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận được tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng cùng nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bộ, ngành của trung ương và địa phương.

Bộ TN-MT hủy giải golf, lo khắc phục hậu quả lũ lụt

Liên quan đến thông tin cho rằng nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có tổ chức giao lưu đánh golf, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích rõ: "Các cán bộ về hưu có sáng kiến tổ chức nhưng tôi yêu cầu cán bộ đang công tác không tham gia mà tập trung vào công việc, nhất là trong giai đoạn mưa lũ trên diện rộng. Ai đi sẽ bị xử lý".

Cùng thời gian này, một đoàn công tác của Bộ TN-MT đã đến Sơn La để làm việc và thăm hỏi đồng bào bị lũ quét.

Chiều 5-8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TN-MT đã đến thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ đồng bào tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả cơn lũ vừa qua. Ông Trần Hồng Hà trao cho Yên Bái 600 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường để giúp tỉnh này khắc phục hậu quả sau lũ ống; 200 triệu đồng từ đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động Bộ TN-MT; 200 bộ giường tầng cho Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải.

TH.DƯƠNG

Ngày đăng: 00:15 | 06/08/2017

/ Văn Duẩn/nld.com.vn