Sáng 31-3, một nữ sinh lớp 8 ở thành phố Bắc Ninh được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Rạng sáng ngày 1-4, một nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy từ tầng 28 ngay trước mắt người thân. Ba ngày sau, 4-4, một cậu bé lớp 8 ở Hà Đông (Hà Nội) cũng bỏ mạng khi rơi từ tầng cao nhất của tòa nhà.
Liên tục trong mấy ngày qua, những đứa trẻ đã tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình khỏi những áp lực trong cuộc sống. Những cái chết tức tưởi một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, yêu thương con cái mình.
Bố mẹ có nhận ra áp lực của con?
Cậu bé học lớp 10 ở quận Hà Đông (Hà Nội), theo nhận xét của thầy cô bạn bè, là một học sinh học giỏi, ngoan ngoãn, tích cực tham gia các hoạt động của lớp. Bạn bè của cậu cho biết cậu không có biểu hiện gì bất thường về tâm lý. Những tưởng một cậu học trò như thế sẽ có đời sống tinh thần tích cực, lạc quan. Nhưng cậu đã đột ngột kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình bằng cách nhảy từ ban công tầng 28 chung cư xuống sau khi để lại những dòng tâm tư cho người thân.
Có lẽ không chỉ riêng cậu bé này, mà nhiều đứa trẻ đang phải chịu muôn hình vạn trạng những áp lực từ người lớn. Có dạng áp lực dễ nhận biết, nhưng có dạng áp lực tưởng nhẹ mà nặng nề đến không ngờ. Vấn đề quan trọng là cha mẹ không nhận ra, hay không chịu thừa nhận đó là những áp lực họ đang áp xuống cho con mình. Trong một cuộc thăm dò tâm lý học sinh hết sức đơn giản qua câu hỏi “Những câu đáng nhớ mà bố mẹ nói với em hàng ngày”, thì câu trả lời phổ biến của các em lại là những câu trách móc nhấn vào trách nhiệm và nghĩa vụ kiểu như: “Bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi con, mà con học hành như thế đấy”; “Cả ngày chỉ có ăn với học mà cũng không xong”; “Mẹ nuôi con lớn bằng này mà bây giờ con trả công mẹ thế đấy”,… Phổ biến hơn nữa là những câu so sánh ngang hàng với “con nhà người ta”: “Nhìn bạn A đấy, vừa học giỏi vừa ngoan”, “Ôi bạn B nói tiếng Anh như gió, được giải quốc tế, chả bù cho con nhà mình, vừa lười vừa dốt”.
Chưa hết, hay gặp nữa là những câu so sánh các thế hệ trong gia đình: “Hồi bằng tuổi con, bố đã biết làm cái này cái kia, chứ không như con bây giờ, chả biết làm gì”. Thật bất ngờ khi những câu mang tính “định hướng tương lai” kiểu như “con mà không học giỏi thì lớn lên chỉ làm những việc này, việc kia” cũng khiến các em lo lắng, hoang mang. Những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt mà bố mẹ “hồn nhiên” nói hàng ngày đều ít nhiều có sự dè bỉu, so sánh, xét nét, đay nghiến của người lớn. Nghe những câu nói ấy lặp lại hàng ngày, hoặc là trẻ cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi, tự ti, hoặc trẻ sẽ bức xúc, tức tối khi bố mẹ không thừa nhận giá trị của trẻ.
T. đang là học sinh lớp 11 ở quận Hai Bà Trưng. Đầu tháng 3-2022, T. đã uống thuốc ngủ để kết thúc cuộc sống. Rất may là người nhà em đã phát hiện kịp thời, đưa em đi cấp cứu nên một kết cục đau lòng đã không xảy ra. Sau đó, cậu bé được bố mẹ đưa đi trị liệu tâm lý. Bố mẹ T. đã chết lặng khi nghe được những tâm sự của con, điều mà trước đây họ không bao giờ nắm bắt được. T. bảo bố mẹ không bao giờ đánh đập, mắng mỏ, thúc ép chuyện học hành của em.
Nhưng mỗi khi đi họp phụ huynh về, thấy kết quả học tập của T. chưa cao như bố mẹ kỳ vọng, thì họ buồn bã, lặng lẽ và thở dài không nói. Những hành vi phi ngôn ngữ ấy khiến T. lo âu, buồn chán khi đã không làm cho bố mẹ vui. Bố mẹ càng hay thở dài, càng không nói thì áp lực gây ra cho T. càng kéo dài và ngày càng trầm trọng. Đỉnh điểm là khi T. muốn chết đi để bố mẹ không phải buồn phiền nữa.
Theo thạc sĩ, bác sĩ tâm thần – tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách thuộc Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee (Hà Nội), áp lực kiểu này không tạo nên bằng lời nói mà bằng biểu cảm, tưởng nhẹ nhàng thoáng qua mà lại có sức nặng ngàn cân đè bẹp đứa trẻ. Trong khi đó các bố mẹ vẫn chống chế rằng “có nói gì con đâu, có tạo áp lực gì đâu”.
Không chỉ từ phía gia đình, các em học sinh còn chịu áp lực từ trường lớp, phải gồng mình nỗ lực để không làm ảnh hưởng đến thành tích chung. Trong ánh mắt người lớn, trẻ chỉ có mỗi việc học hành. Nhưng thế giới học đường cũng muôn vàn rắc rối, khó khăn, phức tạp mà đôi khi các em đang loay hoay, xoay xở với không ít áp lực đè nén. Nếu bố mẹ không hiểu con để can thiệp, động viên kịp thời thì tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ.
Vì sao trẻ phản ứng với bố mẹ?
Theo Tiến sĩ tâm lý- giáo dục Nguyễn Thị Thắm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cha mẹ thường quan tâm đến sức khỏe thể chất của con, nhưng thường coi nhẹ hoặc bỏ qua sức khỏe tinh thần. Họ thường lấy kinh nghiệm sống, tâm lý của người lớn để đánh giá, nhận xét về trẻ nhỏ. Họ cần hiểu rằng con mình ở lứa tuổi dậy thì có sự thay đổi rất lớn về tâm sinh lý.
Ở lứa tuổi vị thành niên, đứa trẻ muốn định vị bản thân, nhưng các con “có lớn mà chưa có khôn”, thể chất phát triển nhưng kinh nghiệm sống và hiểu biết của các con chưa đủ, dễ rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Khi đó, trẻ rất dễ có hành vi tiêu cực, bồng bột. Trong rất nhiều trường hợp trẻ hủy hoại bản thân để chứng minh rằng mình có giá trị, để giải tỏa hoặc kết thúc áp lực mà trẻ lúng túng không biết làm thế nào để thoát ra.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách trong quá trình điều trị tâm lý cho nhiều trẻ đã chỉ ra các kiểu phản ứng của trẻ khi bị áp lực từ bố mẹ. Nhiều em nhắc đến bố mẹ trong sự ấm ức, tức tối; có em chỉ khóc và không muốn nhắc đến bố mẹ vì cảm thấy tủi thân, bị ghét bỏ, tự co mình lại. Nhiều em cảm thấy mình chẳng có ý nghĩa trong cuộc đời này, bị rối loạn nhân cách lo âu. Nguy hiểm hơn, có em rơi vào trạng thái lầm lì, không nói năng gì cả ngày, giấu kín tâm tư. Hố ngăn cách giữa cha mẹ với con cái ngày càng rộng, càng sâu. Đối với trường hợp này, các chuyên gia tâm lý rất khó tiếp cận để các con nói ra được góc khuất của mình. Có nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, có những hành động hủy hoại bản thân như đập đầu vào tường, tự cứa chân cứa tay.
Và điều nguy hiểm hơn là từ trạng thái đối nghịch với bố mẹ, trẻ rất dễ trở nên đối nghịch cả xã hội. Bởi thế, các bố mẹ hãy kiên nhẫn dành thời gian lắng nghe những điều con nói và thường xuyên quan sát biểu hiện của con để có những điều chỉnh trước khi quá muộn.
Không tạo áp lực không có nghĩa là bỏ mặc
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng không có đứa trẻ nào hoàn hảo, nhưng đứa trẻ nào cũng có những điểm mạnh riêng. Các bậc cha mẹ hãy hiểu con mình hơn, hãy tìm ra điểm mạnh nhất của con để giúp con thành công. Cha mẹ hãy tự tin không chạy theo “cuộc đua khoe con” mà hãy để con tự do theo đuổi đam mê. Nên tạo động lực nhưng đừng tạo áp lực cho con. Lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn từ 11-16 tuổi có nhiều xáo trộn nhất, do não bộ của trẻ đang phát triển mạnh, có sự thay đổi hormone nội tiết tố dẫn tới sự nhạy cảm cao. Bố mẹ cần hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của giai đoạn này, hãy đặt mình vào địa vị của con, nhìn nhận con theo đúng tâm lý lứa tuổi để hiểu con, chấp nhận bản thân như con vốn có.
Để làm tốt vai trò nuôi dạy con cái, cha mẹ cũng phải học để áp dụng đúng cách thay vì hành xử một cách cảm tính, nhất thời. Nhiều đứa trẻ liên tiếp tự kết thúc sự sống trong những ngày qua khiến các ông bố bà mẹ giật mình, choáng váng, bởi chính họ cũng đang “phát xít” với con mình. Họ nhanh chóng rút kinh nghiệm, nhanh chóng mềm mỏng, tạm dừng so sánh con mình với “con nhà người ta”. Nhưng chỉ một thời gian nữa thôi, khi sự việc rơi vào quên lãng, thì sự rút kinh nghiệm đó cũng nhanh chóng qua đi. Áp lực đè lên bọn trẻ vẫn y nguyên khi bố mẹ lại tiếp tục mắng mỏ, so sánh, áp đặt.
Sau khi xảy ra việc nam sinh lớp 10 tự tử, những ngày qua nhiều người đã lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh trèo qua lan can kết thúc cuộc sống. Nội dung bức thư của nạn nhân để lại cũng được chia sẻ rầm rộ khiến nhiều người hoang mang. Việc phát tán hình ảnh đó đã tạo ra áp lực khổng lồ cho gia đình nam sinh khi câu chuyện bị đưa ra bàn luận, chê trách. Có rất nhiều người lên mạng chỉ trích, miệt thị bố mẹ cậu bé, liệu có dám chắc là họ không hề khắt khe, tạo áp lực với con của họ? Điều này đang tạo ra những hệ lụy xấu, cho cả phụ huynh và học sinh. Nhiều bố mẹ vin vào sự việc đó để thả lỏng cho con theo tinh thần “không gây áp lực”, để mặc con muốn làm gì cũng được.
Trong khi đó, không ít đứa trẻ vin vào sự việc này để ỷ lại chơi game, không học hành vì chúng nghĩ rằng “bố mẹ sợ con làm điều dại dột nên sẽ không dám quát mắng”. Một điều nguy hiểm hơn nữa mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm, là các vụ trẻ tự tử sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khi nhiều đứa trẻ đang rơi vào bế tắc, trầm cảm sẽ nghĩ đến hình thức này và học theo. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, bố mẹ cần sát sao, luôn ở cạnh con, động viên kịp thời và định hướng cho con.
https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/con-ap-luc-lam-bo-me-co-biet-khong--i649642/
Ngày đăng: 21:02 | 09/04/2022
Huyền Châm / cand.com.vn