Nổi tiếng với những nụ cười rạng rỡ, thời tiết đẹp, thiên nhiên tuyệt diệu và con người thân thiện, ít ai ngờ rằng Thái Lan lại là một trong những nơi có tỉ lệ phạm tội nghiêm trọng liên quan tới súng đạn.
Súng các loại bày bán trong một cửa hàng ở Thái Lan.
Không hiếm... tiếng súng nổ
Chiều ngày 11.7.2017, khoảng sáu hoặc bảy tay súng mặc đồ quân sự đã ập tới nhà của một trưởng làng nằm tại quận Ban Klang ở tỉnh Krabi của Thái Lan. Cả nhóm đóng giả là lực lượng an ninh, đòi khám xét tư gia của vị trưởng làng, đồng thời yêu cầu cả gia đình không được đi đâu.
Nhận thấy mục tiêu không có mặt ở nhà, tất cả kiên nhẫn chờ đợi cho tới 8 giờ tối, thời điểm ông trở về. Ngay lập tức chúng khống chế vị trưởng làng, còng tay, bịt mắt ông cùng thân nhân. Tiếp đó, chúng chờ cho tới nửa đêm rồi mới “tặng” cho mỗi người một phát đạn chí tử vào đầu. Sau khi hành sự, các sát thủ lên xe tẩu thoát.
Cảnh sát tới hiện trường chỉ tìm thấy 6 thi thể và 2 người bị thương nặng sau đó cũng qua đời. Trong số 8 nạn nhân này, có 3 đứa trẻ. Tính chất dã man của vụ xả súng đã khiến đất nước Thái Lan bị sốc, nhất là khi nó xảy ra tại một tỉnh rất được du khách ưa chuộng, do có những vách đá tuyệt đẹp và bãi biển cát trắng quyến rũ. Sau quá trình điều tra, nhà chức trách tin rằng vị trưởng làng đang vướng vào tranh chấp cá nhân và bị đối phương thuê sát thủ kết liễu tính mạng cả nhà.
Mặc dù thảm sát là hiện tượng hiếm gặp ở Thái Lan, giết người bằng súng thực tế lại diễn ra khá phổ biến. Gần như tuần nào báo chí Thái Lan cũng đưa tin về các vụ nổ súng chết người, với đủ các nguyên nhân trời ơi đất hỡi. Đơn cử như hồi năm 2015, một viên tài xế xe buýt ở Bangkok đã rút súng bắn chết một hành khách đi trên xe, chỉ vì người này dám cất lời bình phẩm về kỹ năng vần vô lăng của ông. Theo Bangkok Post, viên tài xế Sathit Jumthong, 40 tuổi, đã thừa nhận gây ra vụ giết người khiến nạn nhân Sophon Jiarapakanont, 55 tuổi, thiệt mạng.
Sathit khai rằng trong hành trình, Sophon liên tục chê bai và mắng viên tài xế vì ông đã lỡ nhấn còi hơi lúc đi ngang một người phụ nữ và còn chở theo vợ con khi đi làm. Không chỉ “lên lớp” Sathit, Sophon còn lôi bố mẹ của viên tài xế ra thóa mạ. Cảm thấy bị xúc phạm, lại sẵn có tí hơi men trong người nên Sathit quyết trả đũa. Liếc qua gương thấy Sophon có vẻ đã ngủ say sau hành trình dài, viên tài xế bèn cho xe dừng lại rồi từ tốn tiến tới gần, rút súng điểm luôn một phát vào cổ nạn nhân, trước khi bồi phát thứ hai trúng đầu.
Cũng trong năm 2015, một người đàn ông sống tại một chung cư ở Bangkok đã bị bắn chết sau màn cự cãi trông khá bình thường với viên bảo vệ của tòa nhà. Một người bạn trai rút súng bắn gục bạn gái của anh ta tại giảng đường đại học, chỉ vì cô phàn nàn rằng anh chơi game quá nhiều. 3 người khác bị bắn chết tại Bangkok, trong sự kiện được tờ Bangkok Post nói là vì tranh chấp liên quan tới một chỗ đậu xe.
Trước đó, hồi năm 2012, dư luận Thái Lan kinh ngạc khi hay tin ông nghị Boonsong Kowawisarat đã bắn chết vợ cũ bằng một khẩu tiểu liên Uzi. Báo chí địa phương nói rằng người vợ cũ sau thời gian ly thân đã tới ở cùng Boonsong và còn làm thư ký riêng của ông. Trong ngày xảy ra vụ nổ súng, Boonsong đưa bà và 4 cộng sự tới một nhà hàng ở miền Bắc Thái Lan dùng bữa. Quá trình ăn uống, Boonsong đã rút khẩu Uzi ra, có lẽ để khoe với những người có mặt, và khi định cất nó đi đã lóng ngóng làm súng cướp cò. Viên đạn, thật không may, đã găm trúng người vợ cũ, khiến bà chết tại chỗ.
Cùng trong năm này, khi ca sĩ Psy đang làm mưa làm gió với ca khúc Gangnam Style, có lẽ anh không ngờ bài hát của mình lại châm ngòi cho một cuộc đấu súng ở Thái Lan. Tuy nhiên thực tế lại là như vậy. Theo trang web INN, hai băng nhóm ở khu Ekkamai, Bangkok đang ăn tối tại một nhà hàng khi vài thành viên bắt đầu điệu nhảy ngựa để khiêu khích đối thủ. Màn thi nhảy này nhanh chóng biến thành một cuộc tranh cãi và kết thúc khi đôi bên rút súng trút mưa đạn vào nhau. Cảnh sát cho biết các thành viên hai băng này đã bắn ít nhất 50 viên đạn, bằng một khẩu súng trường carbine và một khẩu súng cỡ đạn 11mm. Rất may là không có ai bị thương trong vụ việc.
Ngay đầu tháng 2 năm nay, du khách ở đảo du lịch Koh Samui của Thái Lan đã được phen khiếp vía khi chứng kiến màn đấu súng bất ngờ giữa hai người cho thuê dịch vụ xe trượt nước. Daily Mail cho biết, chuyện bắt đầu khi Soontree Chaipet và Tinapot Petcharat tranh cãi với nhau về việc xe trượt nước của người này đã lấn vào “lãnh địa” của người còn lại. Khi cuộc cãi vã ngày càng trở nên to tiếng, cả hai quyết định “nói chuyện phải quấy” bằng súng. Camera an ninh đã ghi lại khoảnh khắc họ rút súng ngắn ra bắn liên tiếp vào nhau, khiến nhiều du khách phải ôm đầu tháo chạy. Cảnh sát tới hiện trường thì thấy hai người nằm trên vũng máu tại bãi biển cát trắng. Tinapot đã chết tại bệnh viện sau đó.
Văn hóa súng đạn phát triển
Theo số liệu từ Viện nghiên cứu và đánh giá y tế của Đại học Washington, Mỹ, với tỉ lệ 7,48 vụ án mạng liên quan tới súng trên 100.000 dân, Thái Lan đang đứng đầu Đông Nam Á. “Thành tích” của Thái Lan cao 50% hơn Philippines, quốc gia Đông Nam Á cũng có tiếng vì nhiều vụ giết người liên quan tới súng, và cao gấp 3 lần Campuchia. Tỉ lệ này cũng cao hơn gấp đôi Mỹ, nơi có 3,55 vụ giết người liên quan tới súng trên 100.000 dân.
Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ từng viết trong bản báo cáo an toàn dành cho nhân viên hoạt động ở hải ngoại hồi năm 2013 rằng: “Thái Lan có một văn hóa súng đạn phát triển mạnh ngang Mỹ và đã nằm trong nhóm đầu thế giới về các vụ giết người có liên quan tới súng”.
Giống Mỹ, quốc gia Đông Nam Á này cũng có tỉ lệ sở hữu súng rất cao. Theo Bộ Nội vụ Thái Lan, đất nước này đang có hơn 6 triệu khẩu súng thuộc sở hữu hợp pháp trong khi dân số của Thái Lan chỉ là 66,7 triệu người. Điều này có nghĩa khoảng 1/10 người Thái đang sở hữu hợp pháp ít nhất 1 khẩu súng. Tuy nhiên số súng đạn đang được lưu hành trong thực tế được cho là cao hơn nhiều mức 6 triệu, bởi không ít người Thái còn sở hữu vũ khí “ngoài luồng”, theo ý kiến của Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu tại Viện các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai. Gunpolicy.org, một trang web do Trường Y tế công của Đại học Sydney điều hành, ước tính số lượng súng nằm trong tay dân thường ở Thái Lan, cả hợp pháp và bất hợp pháp, là khoảng 10 triệu khẩu.
Do đâu có nhiều súng đến thế?
Có một thực tế là sở hữu súng hợp pháp ở Thái Lan không hề khó, ít nhất là với dân Thái. Luật pháp nước này đã cho phép người dân sở hữu súng từ năm 1947. Tuy nhiên chỉ những người đã được cấp phép mới có quyền mua, sử dụng hoặc bán lại vũ khí và đạn dược. Luật kiểm soát súng, đạn, chất nổ và hàng hóa giống súng chỉ cho phép người dân xin phép sở hữu súng với mục đích tự vệ, bảo vệ tư gia, bắn súng thể thao hoặc đi săn.
Ứng viên nộp đơn xin sở hữu súng phải ít nhất 20 tuổi và phải vượt qua một cuộc kiểm tra lý lịch khắt khe. Ứng viên cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về điều kiện sống, thu nhập và hồ sơ chưa từng phạm tội. Sau khi được phê duyệt, ứng viên sẽ phải trả 1.000 baht (28 USD) mỗi người để được cấp giấy phép sử dụng súng. Tiếp theo, họ phải bỏ ra khoảng 600 USD để mua một khẩu súng. “Đó là một số tiền lớn, nhưng không tới nỗi quá sức với người Thái bình thường”, John J. Brandon, giám đốc cấp cao của Chương trình hợp tác khu vực thuộc Quỹ châu Á, cho DW biết.
Tuy nhiên không phải tất cả người Thái đều sở hữu súng qua các kênh hợp pháp. “Bất chấp các quy định nghiêm ngặt, rất dễ để có một khẩu súng ở Thái Lan. Đặc biệt là tại các cửa hàng nằm dọc theo biên giới Thái Lan – Myanmar và biên giới Thái Lan – Campuchia, mua súng ở những nơi đó không khó”, Chambers nói.
Siegfried Herzog, lãnh đạo văn phòng khu vực quỹ Friedrich – Naumann - Stiftung của Đức có trụ sở ở Bangkok, cũng có quan điểm giống như vậy. “Súng rất dễ kiếm ở Thái Lan và một lượng lớn người đang sở hữu các món vũ khí chết chóc này theo cách thức bất hợp pháp. Một số vũ khí được buôn lậu dọc theo các vùng biên. Số khác được nhập khẩu cho quân đội và cảnh sát, nhưng bằng cách nào đó lại lọt vào tay tư nhân”, ông nói với DW. Thực tế thì nhiều chuyên gia nói rằng cảnh sát, quân đội và giới chức thuộc lực lượng bán quân sự không chỉ dễ tiếp cận với súng đạn mà còn bán chúng cho dân thường để thu lời.
Một lý do quan trọng gây ra sự khác biệt về con số súng đạn lưu hành ở Thái Lan là do Bộ Nội vụ nước này không có thông tin về số lượng vũ khí đang nằm trong tay phiến quân ở khu vực miền Nam bất ổn, nơi hoạt động phiến loạn đã âm ỉ cháy trong nhiều năm. Nhưng chuyên gia chống khủng bố Tomas Olivier chia sẻ với trang tin DW rằng chính quyền Thái Lan cũng khiến vấn đề súng đạn của đất nước trầm trọng hơn. “Trong nhiều thập niên, Bangkok đã đóng góp vào sự tăng trưởng của số lượng vũ khí tồn tại trong nước, khi bí mật cung cấp cho thường dân ở những tỉnh miền Nam vũ khí để tăng sức mạnh cho các chiến dịch chống phiến loạn”, ông nói với DW.
Zachary Abuza, một chuyên gia an ninh ở Đông Nam Á kiêm giáo sư tại trường Đại học chiến tranh ở Washington cũng đồng tình và chỉ ra rằng trong rất nhiều trường hợp chính quyền hoặc quân đội đã cung cấp vũ khí cho các “dân quân tình nguyện” để họ tự vệ chống lại phiến quân. Tất cả điều này đã dẫn tới cái được các chuyên gia gọi là “một thị trường buôn bán vũ khí trái phép hoạt động mạnh”.
Chẳng ai nêu vấn đề này lên
Nhưng ai phải chịu trách nhiệm cho việc Thái Lan có tỉ lệ giết người bằng súng cao? Chính quyền luôn chỉ xem xét hoạt động giết người bằng súng theo từng vụ riêng rẽ và không coi đó là một hiện tượng xã hội. Họ không cung cấp các đánh giá và phân tích cụ thể về các vụ giết người có liên quan tới súng và hoạt động bạo lực do súng gây ra.
Các nhà phân tích như Herzog nói rằng rất nhiều vụ dùng súng giết người ở Thái Lan là do cá nhân gây ra, với nguyên nhân tranh chấp làm ăn, cướp của, vấn đề tình ái, giải quyết tư thù cá nhân hoặc vì mất mặt. Cần biết rằng mất mặt là một vấn đề lớn với người Thái, là sự xúc phạm mà họ khó có thể tha thứ. Và điều đáng chú ý là người Thái có thể dễ dàng cảm thấy mất mặt sau những va chạm rất nhỏ trong đời sống, như một cuộc cãi vã về bãi đậu xe.
Quan niệm mất mặt có gốc rễ từ việc người Thái rất trọng danh dự và thứ bậc. Cấu trúc thứ bậc trong xã hội Thái và vị trí của một cá nhân trong tổ chức đã trở thành con đường chủ đạo, qua đó nhiều người Thái tự tìm thấy bản sắc và giá trị của mình. Khi điều này bị xâm phạm qua những tranh chấp thông thường, nó có thể dẫn tới những phản ứng rất tiêu cực.
Sự phản ứng mạnh và đôi khi là hành động bạo lực của một số người Thái được cho là do tác động từ việc phải thường xuyên đè nén cảm xúc. Vẻ ngoài dễ gần, thái độ tươi cười của người Thái thực ra có thể đã hình thành từ việc họ cố kìm nén cảm xúc tiêu cực và về lâu dài, việc này có thể dẫn tới sự tăng lên của các xúc cảm tiêu cực tích tụ trong tâm hồn họ, chỉ chực chờ ngày bùng nổ.
Dĩ nhiên khía cạnh văn hóa này không chỉ là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn luôn ở mức cao. Một số chuyên gia cho rằng cảm giác đứng trên luật pháp, không thể bị trừng trị đang tồn tại trong đầu của không ít kẻ thuộc giới lắm tiền nhiều quyền ở Thái Lan, đã khiến những kẻ này quyết định dựa vào súng để “thực thi công lý”. “Thái Lan đã trở thành một bộ phim Viễn Tây”, chính trị gia Chuwit Kamolvisit, nói với Reuters. “Người ta sẵn sàng dùng súng nói chuyện với nhau”. Chuwit chưa từng sở hữu súng. Nhưng sau đó ông đã phải mua tới 3 khẩu.
Ngoài ra, không ít vụ là do hoạt động phiến loạn của cộng đồng người Hồi giáo ở miền Nam, cũng như các băng nhóm mafia nằm dọc theo đất nước này. Cũng phải kể tới vấn nạn giết thuê. “Thái Lan có một lượng khá đông những kẻ giết thuê so với những quốc gia khác , dù không có con số ước tính”, ông nói. Giá khởi điểm cho một phi vụ giết thuê rơi vào khoảng 50.000 baht (1.400 USD). Các sát thủ ở đây dễ kiếm và có giá khá rẻ”, Chambers nói.
Trong khi những nước gặp vấn đề về súng đạn từ lâu đã có các cuộc tranh luận dài hơi về kiểm soát súng, người Thái lại không như vậy. Họ lặng lẽ chấp nhận những tổn thất sinh mạng do súng gây ra. “Chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cũng chẳng ai nêu vấn đề này lên”, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết. Ông là người tin tưởng rằng đất nước mình cần kiểm soát súng chặt hơn và chính quyền phải ban lệnh không buộc tội những ai giao nộp vũ khí bất hợp pháp để có thể kiểm soát súng đạn tốt hơn.
Chuyên gia Tomas Olivier, người là Tổng giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Lowlands Solutions Netherlands (LSN), nói rằng quan điểm chung ở Thái Lan, ngay cả trong chính quyền, là cần phải có một cuộc thảo luận đầy đủ về việc kiểm soát súng. Song song với đó, Thái Lan cũng cần các biện pháp cấp bách để nâng cao khả năng của lực lượng thực thi pháp luật, nâng cao minh bạch và sự thượng tôn pháp luật, nhằm giải quyết bất cập của văn hóa súng đạn hiện nay.
Nhưng có vẻ như nói vẫn dễ hơn làm.
Cho tới nay Rungrat Rungsuwan vẫn không thể quên được vụ nổ súng diễn ra ngay gần bà. Rungrat đang trông coi cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ của bà, nằm dọc theo một tuyến đường hút du khách ở Koh Samui, Thái Lan, khi hàng loạt tiếng nổ lốp bốp đều đặn vang lên.
“Đầu tiên tôi tưởng đó là tiếng pháo hoa”, người phụ nữ kể khi du khách đi dép xỏ ngón loẹt quẹt lướt ngang cửa hàng của bà. “Nhưng ngay khi tất cả mọi người nhận ra đó là tiếng súng, ai cũng hoảng loạn và bắt đầu bỏ chạy. Một số lao vào cửa hàng của tôi để tránh đạn.”
Đó là đầu tháng 3.2015 và chỉ cách cửa hàng của bà Rungsuwan chỉ vài mét, doanh nhân địa phương Panas Khao-uthai nằm chết gục trong vũng máu. Hai sát thủ đã bình thản tiếp cận ông vào giữa ban ngày, trước khi lạnh lùng rút súng găm vào người ông 6 viên đạn. Cảnh sát nói rằng vụ án mạng là do tranh chấp thương mại.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những chiếc bàn nằm dọc theo tuyến đường đã lại nhanh chóng đầy chật du khách, như thể chưa từng có một vụ giết người khủng khiếp xảy ra. Laurent Haroutinian, viên quản lý nhà hàng nơi xảy ra vụ nổ súng, nói rằng cơ sở này đã đi vào hoạt động chỉ 2 ngày sau vụ việc. “Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một chuyện kinh khủng như thế”, ông nói với AFP. “Và tôi hy vọng đó sẽ là lần cuối”.
“Chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cũng chẳng ai nêu vấn đề này lên”, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết. Ông là người tin tưởng rằng đất nước mình cần kiểm soát súng chặt hơn và chính quyền phải ban lệnh không buộc tội những ai giao nộp vũ khí bất hợp pháp để có thể kiểm soát súng đạn tốt hơn.
Anh em Thaksin - Yingluck bất ngờ xuất hiện ở Mỹ
Những hình ảnh cho thấy hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra chụp tại Đài tưởng niệm Lincoln (Washington, Mỹ). |
Không phải Bangkok, nơi này cũng đáng ‘đồng tiền bát gạo’ khi đến Thái Lan
Du khách quen thuộc với những địa điểm như Bangkok, Phu Ket nhưng Hua Hin cũng có những nét hấp dẫn riêng, bạn nên ghé ... |
Cảnh sát di trú Thái Lan liên quan đến băng bắt cóc du khách?
Một du khách Trung Quốc đã bị bắt cóc tại sân bay Suvarnabhumi - Thái Lan bởi một băng nhóm có thành viên là một ... |
Ngày đăng: 08:48 | 03/06/2018
/ https://laodong.vn