Việt Nam đang làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, qua đó mà hy vọng tiến tới làm chủ được công nghệ chế tạo động cơ máy bay thì còn rất xa.
Làm thuê
Dự án nhà máy sản xuất cấu kiện, linh kiện động cơ máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) của Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) được GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam đánh giá là một tin vui, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, để từ đây tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam còn rất xa.
Theo vị chuyên gia, giống như những doanh nghiệp nước ngoài khác, Hanwha Techwin đầu tư vào Việt Nam nhờ sức hấp dẫn từ giá nhân công, mặt bằng rẻ của Việt Nam, tiền điện nước, thuế ưu đãi, thậm chí được miễn thuế trong thời gian tương đối dài...
"Thực chất, Việt Nam làm thuê. Doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tuyển kỹ sư, lao động... là người Việt Nam. Điều đó rất tốt bởi nó tạo ra công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nếu qua đó mà hy vọng Việt Nam tiến tới làm chủ được công nghệ chế tạo động cơ máy bay và tham gia vào chuỗi cung ứng thì còn rất xa.
Công nghệ là của doanh nghiệp ngoại, thử nghiệm cũng do họ tiến hành, Việt Nam phải làm theo đúng quy trình họ đặt ra. Nếu Việt Nam căn cứ theo công nghệ đó để chế tạo ra động cơ khác, lúc bấy giờ giá trị gia tăng mà Việt Nam nhận được mới cao. Nhưng làm như thế lại vi phạm bản quyền, luật sở hữu trí tuệ. Chưa kể, các nhà máy 100% vốn nước ngoài kiểm tra ra vào rất chặt chẽ, còn công nhân làm thao tác nhớ được cái gì thì nhớ, không thể chụp ảnh, sao chép các bản vẽ của họ.
Chẳng hạn, Toyota chế tạo ô tô ở Việt Nam, đặt phía Việt Nam chế tạo lốp xe theo yêu cầu kỹ thuật của họ. Việt Nam sẽ tự nghiên cứu làm khuôn, chế độ nhiệt luyện thế nào... để đáp ứng được nhu cầu của Toyota, khi ấy mới có thể coi Việt Nam trở thành một nhà thầu phụ của Toyota.
Tương tự, Việt Nam sản xuất được xích, líp xe đạp... đạt trình độ quốc tế. Giả sử có nhà máy xe đạp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam có thể tham gia chế tạo săm, lốp, van hay phần xích, líp... Như thế mới tạo ra giá trị gia tăng tương đối lớn và tham gia được vào chuỗi cung ứng”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương phân tích.
Trở lại việc doanh nghiệp Hàn Quốc mở nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, những linh kiện làm ra tại nhà máy có thể được đóng dấu Made in Vietnam nhưng đó chỉ là gia công. Thậm chí, Việt Nam phải làm theo quy trình của doanh nghiệp nước ngoài, dưới sự chỉ đạo của họ và họ kiểm tra, cuối cùng doanh nghiệp ngoại nhận được phần lớn giá trị gia tăng, còn Việt Nam chỉ được rất ít.
“Nếu phía doanh nghiệp Hàn Quốc đưa lao động, kỹ sư Việt Nam sang nước họ thực tập, sau đó chuyển toàn bộ bộ tài liệu thiết kế chế tạo linh kiện động cơ, quy trình thử nghiệm cho phía Việt Nam. Lúc bấy giờ Việt Nam sẽ tiếp thu và nhận chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, làm như thế rất tốn kém, thậm chí có những công nghệ dẫu có tiền cũng không mua được do doanh nghiệp ngoại muốn giữ độc quyền", ông chỉ rõ.
Từ đây, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam nhấn mạnh, việc doanh nghiệp Hàn đầu tư mở nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Việt Nam là việc đáng hoan nghênh nhưng Việt Nam không nên kỳ vọng quá vào việc này.
Năng lực khoa học công nghệ Việt Nam không kém
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương đưa ra nhận định trên và chỉ ra rằng vấn đề quan trọng ở chỗ Việt Nam có giành được hợp đồng EPC hay không, vì khi làm tổng thầu, ngoài chuyện về công nghệ còn đòi hỏi tiềm lực tài chính, trình độ quản lý...
"Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải làm được nhà thầu phụ, sau đó dần dần vươn lên làm nhà thầu chính - tổng thầu EPC.
Việt Nam đã làm được giàn khoan trên biển, tự thiết kế và thi công cầu dây văng với công nghệ tiên tiến... Ở nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, có tổ máy phát điện Việt Nam phải mua của nước ngoài do công suất lớn, đầu tư lớn, còn lại khung, sườn đập thủy điện… là do phía Việt Nam tự thiết kế và tự làm.
Tại Việt Nam có LILAMA đã trở thành nhà thầu EPC chuyên nghiệp, nhận nhiều dự án xây dựng nhà máy cơ khí, điện, và lúc đó các nhà thầu phụ của Việt Nam mới có cơ hội...”, GS Cương dẫn chứng.
Nhắc lại một số nhận định có phần tiêu cực trước đây về việc doanh nghiệp Việt không làm nổi các phụ tùng cho Samsung, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam có một cách lý giải khác:
“Samsung đưa ra hơn 100 linh, phụ kiện điện thoại đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam. Phần lớn những linh kiện đó, riêng về KHCN của Việt Nam đủ sức làm được nếu có đầu tư. Nhưng cần lưu ý rằng, sản phẩm của Samsung thay đổi liên tục và như thế doanh nghiệp Việt sẽ phải chạy theo, khi đầu tư làm được cái này rồi lại phải đầu tư làm cái khác, trong khi làm kinh doanh phải tính chuyện lỗ lãi. Trong điều kiện như thế chưa chắc doanh nghiệp Việt đã chấp nhận”.
Bởi thế, ông nhấn mạnh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nghe thì hay nhưng còn nhiều vấn đề xung quanh mà Việt Nam cần giải quyết.
Ngày đăng: 20:44 | 03/10/2017
/ Theo báo Đất Việt