Các bác sĩ khuyên sau ca truyền bia giải độc rượu methanol ở Quảng Trị, không nên nhầm tưởng "cứ uống bia sau khi nhậu rượu sẽ an toàn".
Sau công bố của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật ngộ độc rượu methanol bằng cách truyền gần 5 lít bia vào dạ dày kết hợp lọc máu, nhiều người hiểu lầm "có thể uống bia để giải độc rượu". Thực tế nhiều người đã áp dụng mẹo sau khi nhậu say, ngủ một giấc dậy thấy mệt thì uống thêm 1-2 ly rượu hoặc chai bia để "hồi sức".
Bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), khuyến cáo: "Người dân không nên tự ý thực hiện dùng bia giải độc rượu".
Theo bác sĩ Thắng, giải pháp dùng bia có ethanol giải độc cần phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện ở cơ sở y tế, với liều lượng phụ thuộc vào tình trạng ngộ độc của bệnh nhân.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP HCM, cũng cảnh báo người dân không được hiểu "có thể chữa say rượu bằng uống bia".
"Nếu không có chẩn đoán ngộ độc methanol, người say rượu hay đang ngộ độc ethanol mà tự ý uống thêm bia sẽ làm tình trạng nặng hơn", tiến sĩ Ân cho biết.
Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nói rõ: "Người bị ngộ độc methanol uống ethanol sẽ có tác dụng giải độc. Người bị ngộ độc ethanol vẫn tiếp tục uống ethanol thì bệnh sẽ càng trầm trọng".
Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc của Bộ Y tế năm 2015 nêu rõ ethanol và fomepizole giúp ngăn cản methanol chuyển hóa thành các chất độc. Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi truyền mà không đủ lượng hai chất trên và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục bị chuyển hóa và gây độc.
Các bác sĩ khuyến cáo tốt hơn hết nên hạn chế sử dụng bia rượu, không dùng đồ uống không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu người uống bia rượu bị say lâu, hoặc say rồi tỉnh sau đó hôn mê, mờ mắt, cần đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân Nhật khi đang hôn mê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo.
Các bác sĩ cũng cho rằng cần phân biệt giữa ngộ độc rượu ethanol và cồn công nghiệp methanol.
Rượu dùng để uống là rượu ethanol nấu từ ngũ cốc. Uống rượu ethanol tùy mức độ có thể bị say, kích động lời nói và hành động, nhức đầu choáng váng, đi đứng loạng choạng, buồn ngủ, nôn ói, hôn mê...
Rượu sẽ gây ngộ độc cho người uống nếu bị pha với cồn công nghiệp methanol. Các biểu hiện ngộ độc methanol thường gặp là mệt, khó chịu, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, hôn mê và diễn tiến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
"Sau khi uống rượu khoảng 6-12 giờ nếu xuất hiện các triệu chứng mệt, nhìn mờ, lơ mơ, cần phải nhanh chóng vào viện", bác sĩ Thắng nói. Khi ấy bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền ethanol qua sonde dạ dày và tiến hành lọc máu. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ cần lọc máu, không cần truyền ethanol.
Tiến sĩ Chính cho biết với người lớn liều 8 g methanol (1 ml dung dịch 100%) đã gây ngộ độc dẫn đến mù. Liều 10 g methanol (30 ml dung dịch 40%), nạn nhân có thể tử vong.
Trẻ em bị ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg sẽ mù mắt và 0,5 ml/kg đủ để dẫn đến tử vong.
Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể ở tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện sau 30 phút uống hoặc muộn hơn tùy lượng rượu uống, có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và tình trạng folate của bệnh nhân.
Thường các dấu hiệu nhiễm độc methanol diễn tiến qua hai giai đoạn. Giai đoạn kín đáo là từ vài giờ đến 30 giờ đầu sau uống. Triệu chứng ngộ độc lúc đầu thường nhẹ như ức chế thần kinh, an thần, vô cảm... nên bệnh nhân chủ quan bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.
Giai đoạn hai biểu hiện tình trạng ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol hôn mê sâu vào bệnh viện tuyến dưới được chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Chẩn đoán nhầm khiến bệnh nhân được điều trị sai phác đồ, lỡ thời gian vàng, bệnh trạng trầm trọng hơn và ảnh hưởng tính mạng.
Chiều 23/12/2018, có 50 người ở Quảng Trị dự tiệc mừng lễ Giáng sinh. Hai hôm sau, bốn người ngộ độc rượu nhập viện. Trong đó, hai người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai người chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế sau đó có một người tử vong. Ông Nhật là một trong 4 người ngộ độc rượu, hôn mê tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol trong mẫu máu ông Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Sáng 26/12/2018 ông Nhật bắt đầu được truyền 3 lon bia vào dạ dày, sau đó cứ mỗi giờ truyền một lon bia. Tổng cộng ông Nhật được truyền 15 lon bia tương đương 5 lít, trong khoảng 12 giờ. Sáng hôm sau, bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh rồi dần dần bình phục và khỏe mạnh xuất viện ngày 9/1. |
Vì sao người dân không được tự ý dùng bia giải rượu?
Dùng bia (có ethanol) để giải ngộ độc rượu (chứa methanol) là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, người dân không được tự ý ... |
Có được phép dùng bia để giải độc rượu?
Truyền bia, rượu để giải độc rượu đã được quy định trong hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc ban hành năm 2015. |
Ngày đăng: 20:40 | 11/01/2019
/ VnExpress