Trước tình trạng ngoại tình hiện nay, chuyên gia pháp lý cho rằng, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả, người vi phạm chế độ một vợ một chồng sẽ bị xử lý bằng quy phạm pháp luật hoặc bị xử lý bằng quy phạm xã hội.

Mới đây, tòa án của bang Bắc Carolina (Mỹ) đã yêu cầu ông Francisco bồi thường 8,8 triệu USD (tương đương 200 tỷ đồng) cho anh Keith King, chủ của công ty giải trí BMX do ông này có hành vi quan hệ bất chính với chị Danielle Swords (vợ anh Keith King).

Căn cứ vào những bằng chứng mà anh Keith King đưa ra nhằm chứng minh Francisco đã xen vào giữa vợ chồng anh và khiến hai người xích mích. Ngoài ra, sau khi phát hiện vợ có quan hệ ngoài luồng, công ty của Keith giảm sút lợi nhuận đáng kể và mất đi nhân sự quan trọng - chính là vợ anh. Cơ quan tố tụng căn cứ vào luật Ngoại tình của bang Bắc Carolina quy định, một người biết người khác đã có gia đình mà vẫn cố ý duy trì quan hệ dẫn đến hủy hoại hôn nhân của người khác là có tội. Từ đó, tòa án bang này đã đưa ra phán quyết như trên đối với Francisco.

co nen tang nang hinh phat voi hanh vi ngoai tinh
Ảnh minh họa

Nói về vấn nạn ngoại tình thì mỗi quốc gia, thậm chí mỗi vùng, miền trong một quốc gia cũng có sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa và điều kiện kinh tế, xã hội.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Ở Việt Nam, qua mỗi thời kỳ thì chính sách pháp luật xử lý vấn nạn ngoại tình lại khác nhau. Thời kỳ chiến tranh, phần lớn đàn ông ra trận, để tạo tâm lý yên tâm cho các chiến sĩ thì pháp luật quy định xử lý rất nghiêm khắc với nạn "ngủ góa". Ngoài ra dư luận xã hội rất lên án với những người ở địa phương lại quan hệ bất chính với vợ bộ đội đang nơi tiền tuyến, nếu phát hiện thì sẽ bị pháp luật trừng trị, cộng đồng tẩy chay...

co nen tang nang hinh phat voi hanh vi ngoai tinh
Luật sư Đặng Văn Cường.

Đến thời bình, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, đề cao gia đình là tế bào của xã hội thì chính sách pháp luật đối với hành vi ngoại tình cũng được ghi nhận tại các văn bản như luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự và các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Hiện nay, chúng ta đang áp dụng luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị định 110/2013/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội để bảo vệ quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, đấu tranh với các hành vi xâm hại quan hệ hôn nhân nói chung và hành vi ngoại tình nói riêng.

Nếu việc "chung sống như vợ chồng" mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội thì người vi phạm hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP, mức phạt được quy định như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với những trường hợp ngoại tình dẫn tới mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình như vợ chồng đánh đập, hành hạ, ngược đãi... lẫn nhau thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Mục 4, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Thực tế hành vi ngoại tình ở mức độ "chung sống như vợ chồng" là rất khó chứng minh, dễ gây tranh cãi, bởi vậy việc áp dụng Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính là rất hạn chế. Trong các trường hợp đàn ông ngoại tình mà lại có những hành vi đi kèm như bỏ mặc vợ, con; Đối xử tệ bạc với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ... thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 50, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 1,5 triệu tới 2 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu hành vi ngoại tình thể hiện ở mức độ "chung sống như vợ chồng" mà gây ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc gia đình, dư luận xã hội thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 181, Bộ luật Hình sự và hình phạt có thể lên tới 3 năm tù trong trường hợp: “a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Luật sư Cường phân tích thêm: Nội dung đáng lưu ý là trước đây Điều 147, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hành vi chung sống như vợ chồng phải gây ra hậu quả nghiêm trọng như tự tử, gia đình tan vỡ, con cái bỏ học... thì mới xử lý hình sự. Nhưng tới Bộ luật hình sự năm 2015 thì mức độ bảo vệ chế độ một vợ, một chồng đã cao hơn, không cần phải gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng (chung sống như vợ chồng) đã bị xử lý hình sự. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng chỉ là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tới 03 năm tù.

“Như vậy, có thể nói rằng hiện nay, theo chính sách pháp luật Việt Nam thì hành vi ngoại tình tùy thuộc vào mức độ và hậu quả mà sẽ bị xử lý bằng quy phạm pháp luật (hành chính, hình sự) hoặc bị xử lý bằng quy phạm xã hội...”, luật sư Cường nói.

Một câu hỏi đặt ra, nếu chế tài được sửa đổi theo hướng "đánh mạnh vào kinh tế", nghĩa là bổ sung hình phạt là phạt tiền trong tội vi phạm chế độ một vợ một chồng hoặc nâng mức phạt trong các chế tài hành chính thì có giảm thiểu tình trạng ngoại tình trong xã hội hiện nay?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Cường cho rằng, đây không phải là giải pháp để đấu tranh với hành vi vi phạm hôn nhân một vợ, một chồng. Không nên ỷ vào chế tài để thực hiện mục đích phòng ngừa tội phạm, bởi theo quan điểm của luật sư Cường thì bản chất hôn nhân là tự nguyện, sẻ chia, yêu thương....

“Để cho vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì chứng tỏ cuộc hôn nhân đó đang có vấn đề, đang có mâu thuẫn, rạn nứt, thậm chí sắp đổ vỡ. Bởi vậy, để giảm bớt nguy cơ ngoại tình thì phải duy trì, tăng cường tình yêu thương, tôn trọng, chia sẽ lẫn nhau chứ không phải là vì sợ bị phạt mà người ta không "dám" ngoại tình. Còn đối với những người ngoại tình vì lối sống buông thả, chơi bời hưởng thụ, vì đạo đức, nhân cách kém cỏi thì tốt nhất bên kia nên ly hôn để tìm người khác xứng đáng hơn, không để kéo dài tình trạng "ông ăn chả, bà ăn nem", luật sư Cường nêu quan điểm.

Hơn nữa, hình phạt tiền thường được quy định đối với các hành vi vi phạm bởi mục đích lợi nhuận như các hành vi trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Đối với hành vi ngoại tình là vi phạm trong lĩnh vực tình cảm, đạo đức thì cách tác động, điều chỉnh tốt nhất là bằng đạo đức và khi đã được gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể khuyên can mà vẫn cứ ngoại tình... thì hôn nhân đó đã lâm vào tình trạng trầm trọng, giải pháp cuối cùng là ly hôn sẽ hợp lý hơn, giải thoát cho cả đôi bên.

“Tuy nhiên, trước khi ly hôn thì cần làm tốt công tác hòa giải trong gia đình và hòa giải cơ sở, cần có sự khuyên can, tác động từ phía những người xung quanh để phòng ngừa cũng như chặn đứng nạn ngoại tình”, luật sư Cường nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, luật gia Trương Công Đức (Hà Nội) lại bày tỏ quan điểm đồng tình với cách xử lý của nhà chức trách bang Bắc Carolina phải xử thật nặng hành vi này. “Tôi mong nhà làm luật Việt Nam cũng cần nghiên cứu, xây dựng mức xử phạt thật nặng đối với những hành vi vi phạm về đạo đức, truyền thống mà chưa đến mức xử lý hình sự. Như vậy mới có tính răn đe, góp phần giảm thiểu vấn nạn ngoại tình ngày một gia tăng như hiện nay”, luật gia Đức nêu qua điểm.

co nen tang nang hinh phat voi hanh vi ngoai tinh Phim về ngoại tình, tranh cướp tài sản tràn lan màn ảnh Việt

Hiện nay, phim truyền hình chủ yếu đang khai thác tối đa về các vấn đề trong gia đình hiện đại. Tuy nhiên, quanh đi ...

co nen tang nang hinh phat voi hanh vi ngoai tinh Vợ sốc nặng khi biết chồng ngoại tình chỉ để thử lòng nhau

Biết chồng ngoại tình, chị Thảo (TP HCM) chỉ im lặng thu thập chứng cứ, khiến người chồng tưởng chị cạn nghĩa vô tình.

Ngày đăng: 09:32 | 10/08/2018

/ nguoiduatin.vn