UBND thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, chương trình này đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, song còn rất nhiều bất cập, khó khăn cần giải quyết.
Theo kế hoạch, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng. Đề án này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các chuyên gia giao thông.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm tới 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, Thành phố chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng hạn chế phương tiện cá nhân, gồm cả ôtô và xe máy là một định hướng và mục tiêu quan trọng của Hà Nội trong chiến lược phát triển giao thông dài hơi.
Hà Nội là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng phương tiện cá nhân cũng như tốc độ tăng hàng năm, đặc biệt là ôtô. Với việc thu nhập người dân ngày càng được nâng cao, ông Thanh dự đoán tình trạng ùn tắc của thủ đô có thể phức tạp hơn nữa.
Chuyên gia cũng đề nghị ngành GTVT Hà Nội, UBND TP khi nghiên cứu, xây dựng các đề án hạn chế phương tiện cá nhân cần công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ để người dân hiểu, nắm bắt và ủng hộ. Thành phố cần tránh việc thông tin chưa rõ ràng tạo dư luận phản ứng, trái chiều.
Ngược lại, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, người từng phản đối quyết liệt chủ trương cấm xe máy, đến nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm này. Theo ông Thuỷ, cấm xe máy đến 2025 là không cấm được, khi phương tiện công cộng tốt lên người ta sẽ tự giảm dần xe máy.
Dẫn chứng các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy, ông Thuỷ cho rằng, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.
Một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, theo ông Thuỷ, khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” ô tô khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của TP Hà Nội đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.
Ông Đức cho rằng: Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội.
“Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy”, ông Đức nói, và cho rằng “nếu có chủ trương cấm từ cách đây 30 năm khi xe máy chưa bùng nổ mới thực hiện được, còn như hiện nay thả gà ra để bắt thì cấm rất khó”, ông Đức nêu quan điểm.
PV (th)
Sẽ phân vùng cấm xe máy từ vành đai 3? |
Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy tại các quận sau năm 2025 |
Người dân không mặn mà với việc đổi xe máy cũ lấy xe mới, vì sao? |
Ngày đăng: 11:01 | 13/12/2021
/ Nghề nghiệp và cuộc sống