Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Nhu cầu đi lại, về quê nghỉ Tết của người lao động ở các địa phương đang tăng cao. Tuy nhiên, một số địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu cách ly người về từ các vùng có dịch, thậm chí có địa phương gửi thư ngỏ vận động người dân không về quê đón Tết để tránh lây lan dịch bệnh...
Vừa qua, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có thư ngỏ về việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo nội dung thư ngỏ, hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn TP Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, khó lường, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp xuất hiện từ nhà máy, chợ, siêu thị, bệnh viện, trường học đến khu dân cư.
Tính từ 14/10 - 30/12/2021, thành phố đã ghi nhận 619 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có những ngày ghi nhận 44 ca F0.
Các trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoVoV-2 không chỉ ghi nhận ở người dân thành phố mà xuất hiện ở những người từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước trở về địa phương, tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không có biện pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức tự giác phòng, chống dịch bệnh của nhân dân.
Trước tình hình trên, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết", Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sau đó, UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cũng yêu cầu người lao động địa phương này đi làm ở xa muốn ăn Tết với gia đình, phải về trước ngày 10/1 (tức mồng 8 tháng Chạp) - trước Tết 22 ngày. Nếu không theo quy định trên có thể sẽ không được trở về quê ăn Tết cùng gia đình. Thông tin này hiện gây bàng hoàng cho những doanh nghiệp đang sử dụng lao động người Chiềng Yên.
Còn tại Vĩnh Phúc hôm 6/1, UBND tỉnh này có văn bản hỏa tốc hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người từ các địa phương khác đến/về tỉnh.
Người đến Vĩnh Phúc từ địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ) dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải cách ly 7 ngày tại nhà, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 2 lần. Trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, số ngày cách ly tại nhà lên đến 14 và phải cách ly y tế tập trung nếu nơi lưu trú không đủ điều kiện.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương nêu trên đưa ra những quy định như vậy là "quá căng thẳng".
"Người dân về nghỉ Tết mấy ngày mà bắt cách ly 7 – 14 ngày, thực sự là gây khó dễ cho người dân để họ không về nữa.", ông Nga nêu.
Ông Nga cho rằng, việc này rõ ràng không đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 của Chính phủ. "Tôi thấy bây giờ khi tiêm vắc xin đầy đủ rồi thì việc đi lại giữa các quốc gia còn được. Vậy mà các địa phương ở trong nước lại hạn chế nhau. Đây là hành động làm khó dễ, khổ nhất vẫn là người dân không được về quê sum họp với gia đình", ông Nga nêu.
Ông Nga cho rằng, nếu tiêm hai mũi vắc xin mà còn không cho đi lại giữa các tỉnh, bắt xét nghiệm âm tính, cách ly nữa thì "bao nhiêu công sức, tiền của tiêm vắc xin thời gian vừa qua bỏ đi hết".
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng khuyến cáo này của địa phương là không thực sự cần thiết, khó phát huy hiệu quả. Dịp Tết là thời điểm người dân trông chờ cả năm, được lên kế hoạch từ nhiều tháng, rất khó có thể thay đổi chỉ bởi một bức thư ngỏ từ phía chính quyền.
Bên cạnh đó, chuyên gia về dịch tễ nhấn mạnh khuyến cáo này của TP Thanh Hóa không có nhiều giá trị khi dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả tỉnh, thành. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 128 để các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới.
"Quan điểm không ngăn sông cấm chợ, tức là người dân được đi lại, được sinh hoạt miễn sao đảm bảo các điều kiện an toàn cho bản thân và gia đình. Khuyến cáo người dân không về quê dễ tạo tâm lý tiêu cực, nhất là đối với lao động xa quê trông chờ từng ngày để được về với gia đình", ông Hùng nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) nói ông hiểu và thông cảm với bức thư ngỏ của TP Thanh Hóa và cần đặt bức thư trong bối cảnh địa phương này đang căng sức chống dịch với nguy cơ bùng phát rất lớn.
Số ca bệnh tăng nhanh có thể khiến cho hệ thống y tế địa phương này quá tải, rất dễ dẫn đến bệnh nhân chuyển nặng và tử vong tăng theo, nhất là sau dịp Tết Nhâm dần 2022 được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo từ trước đó.
"Tuy nhiên, về quê hương đón Tết cổ truyền vẫn là nguyện vọng chính đáng của người dân. Tôi nghĩ tỉnh nên cố gắng hết sức trong khả năng của mình để tạo điều kiện cho người dân vì đây là nét đẹp truyền thống vừa thể hiện tính nhân văn của chính quyền địa phương", ông Hòa nói.
PV (th)
Phục vụ bà con về quê ăn Tết nhưng phải kiểm soát COVID-19 |
Quảng Ninh nới lỏng quy định cho người dân về quê ăn Tết |
Người Hà Nội về quê ăn Tết có phải cách ly 21 ngày? |
Ngày đăng: 08:41 | 08/01/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống