Khu đô thị, TTTM là những nơi có mật độ người đi bộ tham gia giao thông lớn, các chuyên gia đề xuất nên giới hạn tốc độ để đảm bảo ATGT.

Bất an tham gia giao thông khu vực đông dân cư

Cách đây gần 1 tháng, khoảng 5h30 sáng 29/5, người dân dậy sớm đi tập thể dục ở khu vực chung cư Sunrise (thuộc tổ 7, khu 2, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được phen kinh hoàng khi phát hiện tiếng gầm rú từ chiếc ô tô bán tải BKS 14C-224.09 phóng với tốc độ cao, gây tai nạn liên hoàn khiến 10 ôtô đang đỗ ven đường bị hư hỏng nặng. May mắn không có thương vong về người.

có nên giới hạn tốc độ phương tiện qua khu đô thị, trung tâm thương mại?

Hiện trường xe bán tải gây tai nạn liên hoàn tại khu vực chung cư Sunrise ở Quảng Ninh

Trước đó, khoảng 6h10 ngày 8/4/2021, chiếc xe buýt số 14 BKS 29B-145.55, do lái xe Phạm Văn Tường (SN 1973) điều khiển theo hướng Nam Thăng Long - Mai Dịch (Hà Nội). Khi tới trước cổng khu đô thị Ciputra (quận Bắc Từ Liêm), bất ngờ lao lên vỉa hè, đâm đổ 1 cây xanh và lao vào anh L.X.B. (SN 1990, quê Thái Bình) đi bộ gần đấy khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Theo các chuyên gia, đây chỉ là hai trong số ít những vụ TNGT xảy ra quanh khu vực các khu đô thị, khu chung cư trên toàn quốc.

Tình trạng mất an toàn giao thông tại các khu vực này đang khiến nhiều người lo lắng, bất an.

Chị Trần Thị Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang sinh sống tại khu chung cư Hateco Apollo nằm trên đường tỉnh lộ 70 (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) nhưng vô cùng bất an vì lượng phương tiện di chuyển qua tuyến đường lớn, thường xuyên đi với tốc độ cao.

“Tuyến đường tỉnh lộ 70 đoạn qua khu chung cư thường xuyên xảy ra tai nạn, va chạm giao thông, đặc biệt tại lối rẽ vào các cổng của chung cư khiến người dân rất bất an. Nguyên nhân chủ yếu do các phương tiện thấy đường đẹp di chuyển với tốc độ nhanh và không chú ý quan sát”, chị Huyền nhận định.

có nên giới hạn tốc độ phương tiện qua khu đô thị, trung tâm thương mại?

Các chuyên gia đề xuất nên giới hạn tốc độ phương tiện qua các khu đô thị hay trung tâm thương mại để đảm bảo ATGT. Ảnh minh hoạ

Có nên giới hạn tốc độ?

GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, vi phạm tốc độ luôn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều nước phát triển đang áp dụng giới hạn tốc độ 50 km/h trong khu vực đô thị, trong khi Việt Nam vẫn áp dụng giới hạn 60km/h với những đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên là không hợp lý.

Bởi theo một số kết quả được công bố bởi các nghiên cứu tại Thuỵ Điển cho thấy sự thay đổi trong tốc độ trung bình 1 km/h sẽ dẫn đến thay đổi số vụ va chạm giao thông từ 2% (khi tốc độ giới hạn 120km/h) và thay đổi số vụ va chạm giao thông tới 4% (khi tốc độ giới hạn 50km/h).

Ngoài ra theo nghiên cứu của WHO cho thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số vụ va chạm giao thông, nếu giảm tốc độ 5% thì sẽ giảm số va chạm giao thông nghiêm trọng tới 30%.

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết thêm, hiện Việt Nam không có tốc độ giới hạn riêng khi đi qua các khu vực có mật độ người đi bộ cao như xung quanh các trường học, trung tâm thương mại, hay các khu đô thị.

Nói cách khác, tốc độ các phương tiện có thể chạy là giới hạn tốc độ được áp dụng chung cho khu vực đông dân cư (60km/h đối với đường đôi, đường 1 chiều có từ 2 làn xe trở lên).

Trong khi đó, tại hầu hết các nước phát triển trên thế giới, tốc độ khi đi qua khu vực dân cư chỉ là 50 km/h, đây cũng là ngưỡng được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới.

Tốc độ thậm chí còn được giới hạn thấp hơn khi đi qua các khu vực có mật độ người đi bộ cao, thường xuyên băng cắt qua đường như tại các phố trung tâm mua sắm, khu vực xung quanh các trung tâm thương mại. Tại đây tốc độ thường chỉ giới hạn ở mức 40km/h hay 25 dặm/giờ (như ở Australia và Mỹ).

“Khu đô thị và các trung tâm thương mại là những khu vực có mật độ người đi bộ lớn, thường xuyên băng cắt qua đường, các phương tiện cơ giới cần giảm tốc độ để có thể quan sát và xử lý các tình huống tốt hơn, qua đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn và mức độ thương vong nếu tai nạn xảy ra đối với người đi bộ”, TS Hiếu nói và cho biết: Theo kinh nghiệm trên thế giới, tốc độ nên giới hạn ở mức 40 km/h (tương đương 80% mức tốc độ giới hạn khi đi qua khu dân cư là 50km/h).

“Tốc độ là một trong những thông số quan trọng nhất để đảm bảo TTATGT, do đó, cần kiểm soát thông số này một cách chặt chẽ. Việc quy định tốc độ phương tiện ra sao trên những đoạn đường nào là quan trọng nhất trong quản lý phương tiện”, - TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia."

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, phần lớn các nước trên thế giới đều quy định tốc độ các xe cơ giới (bao gồm cả xe máy, ô tô) khi đi qua các khu dân cư liền kề không được vượt quá 50km/h. Nếu chạy với tốc độ cao hơn, rủi ro TNGT cũng như hậu quả của TNGT sẽ lớn hơn.

Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc giới hạn tốc độ các phương tiện dưới 50km/h cũng giúp giải bài toán ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trong khu đô thị, khu dân cư tốt hơn so với quy định giới hạn tốc độ dưới 60km/h.

Theo TS. Tạo, cơ quan quản lý cần tiến hành rà soát diện rộng tất cả các tuyến đường trên toàn quốc để xác định tốc độ giới hạn riêng cho từng đường. Không chỉ dựa trên tiêu chí thiết kế mặt đường mà còn phải dựa trên các tiêu chí thực tế về không gian xung quanh tuyến đường như: có gần trường học không, có đi qua khu dân cư đông đúc không và mật độ các phương tiện có lớn không,…

“Từ đó, thực hiện cắm biển báo tốc độ hay biển cảnh báo giới hạn tốc độ các phương tiện trên từng tuyến đường một cách cụ thể để người dân dễ dàng nắm được và thực hiện. Không nên quy định một cách lý thuyết chung chung đoạn đường đôi hay đường 1 chiều có dải phân cách giữa như hiện nay vì không phản ánh được thực tế tình hình giao thông tại mỗi tuyến”, TS Tạo cho biết.

Cũng theo TS Tạo, ý thức chấp hành quy định về tốc độ và chủ động giảm tốc độ khi đi qua những khu vực đông người, khu dân cư của các tài xế vẫn là quan trọng nhất, do đó cần tăng cường tuyên truyền về Luật GTĐB và văn hoá tham gia giao thông tới người dân.

Đồng quan điểm, TS Hiếu cho biết, nếu áp dụng giới hạn tốc độ, cần có tuyên truyền rộng khắp và giải thích để người dân hiểu lý do của việc áp dụng giới hạn tốc độ này.

“Trong thời gian đầu áp dụng, nên tập trung vào nhắc nhở các trường hợp vi phạm trước khi thực hiện xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Về cơ bản, sẽ là tốt nhất nếu người dân hiểu được lý do áp dụng các can thiệp về quản lý tốc độ và dần dần hình thành thói quen và văn hóa giao thông. Tại các nước phát triển, các tài xế thường chủ động giảm tốc độ và sẵn sàng dừng xe để nhường đường cho người đi bộ khi đi qua các khu vực như thế này”, TS Hiếu nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, nếu cho phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn có thể ảnh hưởng đến lưu lượng tham gia giao thông, đồng nghĩa đường sẽ có nguy cơ ùn tắc. Vì thế, nên căn cứ vào những tuyến đường cụ thể để chúng ta quy định tốc độ cụ thể.

Chưa kể, việc giới hạn tốc độ phương tiện tràn lan còn có thể gây cản trở hoạt động vận tải, làm tăng thời gian vận chuyển hàng hoá và gây áp lực tới các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng hiện nay quy định về tốc độ phương tiện theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT về cơ bản đã hợp lý, quy định giới hạn tốc độ dưới 60km/h khi đi qua khu vực đông dân cư. Do đó, không nhất thiết phải sửa Luật hay quy định về giới hạn tốc độ các phương tiện qua các khu đô thị, trung tâm thương mại bởi về cơ bản đây cũng vẫn là những khu vực đông dân cư.

“Có chăng cần rà soát tại những tuyến đường có nguy cơ mất ATGT hay thường xuyên xảy ra TNGT để đánh giá tình hình thực tế và có thể cắm biển giới hạn tốc độ các phương tiện cũng như lắp đặt gờ giảm tốc tại các khu vực này”, ông Thái nói thêm.

https://www.baogiaothong.vn/co-nen-gioi-han-toc-do-phuong-tien-qua-khu-do-thi-trung-tam-thuong-mai-d556750.html

Ngày đăng: 10:38 | 23/06/2022

Yến Chi / www.baogiaothong.vn