Giới chuyên gia nhận định quân đội Trung Quốc điều máy bay áp sát Đài Loan nhằm thể hiện "khả năng cô lập hòn đảo" khi xảy ra xung đột.
10 máy bay quân sự Trung Quốc, gồm tiêm kích và trinh sát cơ, hôm 29/3 bay vào vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) của đảo Đài Loan. Một quan chức cấp cao của cơ quan phòng vệ Đài Loan cho rằng đợt áp sát của máy bay Trung Quốc "mang tư thế tấn công".
Giới chuyên gia nhận định hướng di chuyển của máy bay quân sự Trung Quốc cho thấy đảo Đài Loan "bị bao vây cả ba phía". Việc quân đội Trung Quốc cho máy bay quân sự di chuyển về phía đông Đài Loan cho thấy lực lượng này đủ khả năng tấn công các mục tiêu ở khu vực này của hòn đảo.
"Quân đội Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu bằng cách biến các cuộc diễn tập thường lệ trở nên phức tạp và thực tế hơn, đồng thời xem xét các biện pháp can thiệp có thể diễn ra của Mỹ và Nhật Bản", tờ Global Times đưa tin ngày 30/3.
Tiêm kích F-16 của phòng vệ Đài Loan (dưới) bay giám sát oanh tạc cơ H-6 của không quân Trung Quốc tháng 2/2020. Ảnh: Reuters. |
Tô Tử Vân, chuyên gia an ninh cao cấp của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng có trụ sở tại Đài Loan, cho biết cuộc tập trận trùng với chuyến thăm hòn đảo của một quan chức ngoại giao Mỹ. Sau khi Đài Bắc và Washington ký hiệp ước hợp tác giữa cảnh sát biển Đài Loan và tuần duyên Mỹ, Trung Quốc "biểu lộ sự giận dữ bằng cách điều 20 máy bay quân sự" áp sát hòn đảo.
Chuyên gia Tô nói cách quân đội Trung Quốc triển khai các cuộc diễn tập nhằm thể hiện "khả năng cô lập đảo Đài Loan nếu Mỹ và Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ" hòn đảo trong trường hợp bị tấn công. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh nhằm thay đổi chính sách với Đài Loan, dấu hiệu cho thấy tình hình ở khu vực leo thang.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Mỹ phải nỗ lực thực sự để rút lại "hành vi nguy hiểm" của chính quyền Donald Trump khi thể hiện ủng hộ rõ ràng với đảo Đài Loan. Ông Vương nói Trung Quốc "hoàn toàn không chấp nhận thỏa hiệp" về vấn đề Đài Loan.
Trong phiên họp gần đây của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được các nghị sĩ chất vấn về khả năng Mỹ ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào đảo Đài Loan.
"Tác dụng từ hoạt động răn đe thông thường của chúng tôi trong khu vực đang bị xói mòn. Đó là những bước tiến lớn và Trung Quốc đã đạt được", Davidson nói.
Vị trí đảo Đài Loan. Đồ họa: Google. |
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc nhiều lần điều máy bay áp sát đảo Đài Loan và đợt triển khai lớn nhất diễn ra hôm 26/3 với 20 máy bay các loại tham gia, đánh dấu leo thang căng thẳng đáng kể trong khu vực eo biển Đài Loan.
Dù máy bay quân sự Trung Quốc không bay qua Đài Loan, các đợt áp sát gia tăng áp lực về tài chính và trang thiết bị lên lực lượng phòng vệ của hòn đảo, khi họ phải đảm bảo tiêm kích luôn sẵn sàng xuất kích để đối phó. Các quan chức phòng vệ Đài Loan mô tả những đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc là "chiến tranh tiêu hao".
Giới chuyên gia nhận định phòng vệ trên không của Đài Loan được đào tại bài bản, thậm chí trội hơn không quân Trung Quốc ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, áp lực đến từ tần suất áp sát dày đặc của máy bay quân sự Trung Quốc và tiêm kích của phòng vệ Đài Loan đã nhiều tuổi khiến chi phí bảo dưỡng bị đội lên rất nhiều.
Nguyễn Tiến (Theo National Interest)
Đô đốc Mỹ cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan ngày càng gần |
Đài Loan cấm bay toàn bộ phi cơ quân sự |
Tiêm kích Trung Quốc liên tiếp diễn tập sát đảo Đài Loan |
Ngày đăng: 14:27 | 01/04/2021
/ vnexpress.net