Từ năm 1953 - 1974, hãng tàu Kitagawa được giao quyền trục vớt xác đoàn tàu nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Ngoài yếu tố khách quan của thời chiến, phải chăng ở đây còn có thêm nhiều uẩn khúc khác liên quan đến chính quyền VNCH
Hai lần được giao quyền trục vớt
Giữa năm 1953, Bộ trưởng Công chánh Lê Quang Huy đàm phán, ký kết với hãng tàu Kitagawa (trụ sở 141 Phan Đình Phùng, sau dời về đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn) khế ước trục vớt 17 xác tàu chìm trên sông Sài Gòn và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. Lộ trình khế ước trong vòng 24 tháng.
Kitagawa cam kết vớt lên 40.000 tấn sắt vụn, riêng 2/3 xác tàu vớt lên giao lại cho chính phủ khi đó. Toàn bộ số sắt vụn được xuất cảng ra nước ngoài và phải trả cho chính phủ 6 USD/ tấn. Đồng thời hãng này còn phải ký quỹ 360.000 đồng, và 10 ngày sau khi nhà thầu nhận lệnh khởi công còn phải nộp thêm 10.000 USD gọi là tiền bảo đảm khởi công.
Tuy nhiên, đến thời điểm mãn hạn khế ước Kitagawa mới vớt được 2.009,308 tấn sắt. Bộ Công chánh khi đó cho rằng trục vớt như vậy là quá chậm và nghi ngờ hãng tàu có những việc làm "không đứng đắn". Chỉ chọn những xác tàu dễ vớt, nhiều xác tàu chỉ cắt lấy phần nổi trên mặt nước, bỏ lại phần chìm sâu nên kết quả thu được mới ít như vậy. Rốt cuộc, hết thời gian trục vớt ,hãng này bỏ chạy và bị Ngô Đình Diệm ra lệnh tịch thu tiền ký quỹ cùng với tiền bảo đảm khởi công. Ngoài ra, Toà án Sài Gòn còn tuyên tịch thu các phương tiện trục vớt. Chỉ có điều không ai biết họ đã mang đi những gì?
Ngay sau khi hãng Kitagawa bị ông Diệm "xử", Bộ Công chánh tổ chức gọi thầu quốc tế trục vớt những xác tàu này. Hãng Kitagawa có xin dự thầu nhưng không được chấp nhận.
Bên trong khoang máy tàu vận tải Kensho Maru được thám hiểm.
Đến giữa tháng 5.1959, thoả ước bồi thường chiến tranh cùng với khoản vay thêm đã được ký kết tại Sài Gòn và ghi nhận thực thi trong 2 năm sau đó. Nhưng đến giữa 1960, đại sứ Nhật sau khi về nước trở lại Sài Gòn thông báo cho chính quyền ông Diệm biết quan điểm về việc trục vớt xác tàu chìm.
Chính phủ của ông sẵn sàng ứng trước 2.250.000 USD để chính quyền Sài Gòn thuê mướn công ty trục vớt. Số tiền này sẽ khấu trừ vào tổng số tiền bồi thường chiến tranh khi nào hai bên đi đến thoả thuận cuối cùng về con số bồi thường chính thức. Vị đại sứ thông báo thêm ngoài số tiền tạm ứng nói trên, chính quyền Sài Gòn chỉ có thể mong được thêm một số ít nữa mà thôi.
Ông nói các nghị sĩ đối lập của chính phủ đương thời còn yêu cầu chính quyền Sài Gòn nên, và tiếp tục giao cho hãng Kitagawa được trục vớt xác tàu, đồng thời được hưởng quyền lợi như đã từng vớt cho Philippines. Và nên coi đây như là điều khoản nằm trong thoả ước bồi thường chiến tranh. Nếu yêu cầu trên được chấp nhận, Nhật sẽ đồng ý cho chính quyền Sài Gòn được dùng số tiền dư trong bồi thường chiến tranh vào bất cứ công việc nào khác.
Lúc bấy giờ ông Diệm có ý định muốn dùng phần lớn số tiền bồi thường vào việc xây dựng thuỷ điện Đa Nhim và dự án Hải quân công xưởng hơn là dùng tiền vào việc vớt xác tàu. Nên trong phiên họp Hội đồng nội các vào tháng 9.1961, Hội Đồng tối cao tiền tệ và tín dụng miễn cưỡng của chính quyền VNCH đã chấp nhận cho hãng Kitagawa tiếp tục vớt xác tàu.
Mấy ngày sau phiên họp, Ngoại trưởng chính quyền VNCH Vũ Văn Mẫu đến gặp đại sứ Nhật và thông báo việc vớt xác tàu sẽ được giao cho hãng Kitagawa mà không qua thủ tục đấu thầu.
Sau đó các cuộc đàm phán với hãng Kitagawa được nối lại nhưng kết quả rất chậm, vì cả hai luôn thay đổi đề nghị của mình. Trong đó có việc hãng Kitagawa đề nghị phía Sài Gòn tạm ứng cho hãng này 700.000 USD trong ngân khoản bồi thường chiến tranh, hãng sẽ vớt lên 100.000 tấn sắt ở tất cả các tàu chìm trong hải phận Việt Nam.
Toàn bộ sắt vớt lên sẽ được xuất ra nước ngoài. Số tiền này sau đó sẽ được hoàn trả lại đầy đủ theo hạn định giao ước. Phía Sài Gòn chấp nhận đề nghị trên, nhưng yêu cầu Kitagawa phải ký thác tài sản và chứng thư bảo đảm của ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Trước khi khế ước CVR - 1652 về việc giao quyền trục vớt xác tàu được ký kết giữa đại diện chính quyền Sài Gòn Huỳnh Văn Điểm (Trưởng đoàn đàm phán bồi thường chiến tranh) với Tổng giám đốc hãng Kitagawa tại Osaka vào chiều 11.9.1964, hai bên đã có rất nhiều cuộc thương thuyết gay cấn.
Theo khế ước CVR - 1652, ngoài số 100.000 tấn sắt vớt lên, Kitagawa trả cho chính quyền Sài Gòn 9,5 USD/ tấn, số tiền này trừ dần vào khoản tiền tạm ứng. Các hoá phẩm tìm thấy trên tàu và vớt lên Kitagawa được hưởng 1/3; vàng, bạc và quý kim dưới 1 triệu USD được hưởng 5%; vàng, bạc và quý kim vớt lên trên 1 triệu USD được hưởng 2%. Số còn lại giao hết cho chính quyền Sài Gòn.
Mới vớt 23 xác tàu?
Cũng theo khế ước CVR - 1652, trong vòng 64 tháng kể từ ngày 22.10.1964 đến 22.2.1970, Kitagawa phải trục vớt 108 xác tàu. Song, đến hết hạn định của khế ước, hãng Kitagawa vẫn không thể hoàn thành. Kitagawa than phiền nhiều năm qua do chiến tranh đã khiến cho tình trạng an ninh ngày càng phức tạp, cản trở nhiều đến công tác trục vớt. Đặc biệt là kể từ sau tết Mậu Thân đến thời điểm mãn hạn khế ước, hãng này đã lỗ 900.000 USD.
Tuy vậy hãng cũng đã vớt được nhiều xác tàu chìm ở sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu và hải cảng Đà Nẵng. Trong thời gian cuối của khế ước, hãng đã đến vùng biển Cà Ná, Phan Rang và Qui Nhơn để khảo sát nhiều xác tàu tại những nơi này nhưng rủi thay thời tiết xấu. Trong khi Kitagawa vận chuyển bằng tàu khu trục 300 tấn, chỉ có thể thực hiện được trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6 âm lịch là lúc ít gió bão, thời tiết thuận lợi nhất trong năm.
Bom bay V1 được cho là có trong thành phần mà đoàn tàu đắm chuyên chở.
Ngày 23.2.1970, khế ước trên được hai bên tu chỉnh bằng một bản phụ ước gia hạn thêm 48 tháng. Mặc dù được gia hạn cho đến ngày 22.2.1974, nhưng hãng chỉ thực hiện được 25% khế ước, cụ thể mới vớt lên được 25.174,42 tấn sắt vụn, 23 xác tàu, 18 xác đang trục vớt dang dở, 80 xác tàu khác chưa tìm thấy hoặc một số tìm thấy nhưng hết thời hạn trục vớt.
Về hoá phẩm vớt được: 1.574 thỏi chì, 527 thùng dầu Latex và 2.160 bành cao su… Tuyệt nhiên không hề thấy đề cập gì đến chiến lợi phẩm là ngọc ngà châu báu hay hợp chất antimon. Do vậy, 28.5.1974, Bộ Công chánh gửi đến hãng Kitagawa thông điệp nhằm chấm dứt việc trục vớt xác tàu chìm. Đồng thời còn yêu cầu hãng này hoàn trả lại số tiền mà phía chính quyền Sài Gòn đã ứng trước, nếu không sẽ đưa nội vụ ra toà án.
Tuy nhiên sau đó có "tin đồn" hãng Kitagawa sắp sửa bán các dụng cụ và phương tiện trục vớt để tháo lui, thay vì qui định phải làm thủ tục tái xuất. Để ngăn chặn "tin đồn", ngày 21.10.1974, Trung tâm Nghiên cứu Lập pháp khuyến cáo Toà án Sài Gòn ra án lệnh lập vi bằng sai áp bảo toàn tài sản của hãng Kitagawa.
Tại bến Tân Thuận Đông (Q.7, TPHCM), thuộc Nha thương cảng Sài Gòn, trước sự chứng kiến của đại diện hãng Kitagawa, các tài vật được kê biên gồm: Cần trục 350 tấn, máy kéo, tàu kéo, hơn 10 xe tải và ô tô các loại… trị giá ước lượng 120 triệu đồng. Chưa tròn tháng sau đó nội vụ được chính thức đưa ra toà án Sài Gòn để đòi Kitagawa bồi hoàn số tiền tổng cộng: 885.601,20 USD, trong đó bao gồm tiền ứng trước và tiền phạt trễ hạn khế ước.
Hai tuần sau hãng Kitagawa có công văn "kháng" Bộ Công chánh và toà án Sài Gòn, yêu cầu toà án "khước biện vô thẩm quyền". Hãng Kitagawa cho rằng hãng ký hợp đồng trục vớt với đại diện chính quyền Sài Gòn ở Đông Kinh.
Xét về bản chất đây là khế ước thương mại, do đó phải thuộc phạm vi chi phối của luật thương mại. Trong đó có chấp nhận một điều khoản "trung phán" ghi trong khế ước mà hai bên ký kết ấn định trước cơ quan trọng tài có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp phát sinh từ khế ước.
Điều 47/ 48 của khế ước CRV - 1652, ghi rõ: "Mọi tranh chấp bất đồng ý kiến, hoặc bất thuận có thể xảy ra giữa đôi bên, có liên quan hay không đến khế ước - nếu có lời yêu cầu của một bên, đều sẽ được giao cho Uỷ ban trọng tài thương mại Nhật Bản giải quyết tại Nhật Bản theo luật lệ của Uỷ ban này. Đồng thời phán quyết của Uỷ ban này có tính cách chung quyết và ràng buộc cả hai bên"..
Bởi các lẽ ấy, chính quyền Sài Gòn tỏ ra bối rối.
SISACO nhảy vào
Trong lúc chính quyền VNCH còn đang bối rối chưa biết đường nào để đòi nợ thì sáng 13.4.1974, Phó thủ tướng VNCH Nguyễn Lưu Viên tiếp kiến ông Bùi Văn Tuyền, sáng lập viên Công ty Hải Trung Kim (SISACO).
Ông Tuyền nói SISACO có vốn pháp định lên đến 115.000.000 đồng, được 6 cổ đông góp vốn lập ra với mục đích vớt xác tàu chìm. Ông Tuyền là cổ đông có vốn góp cao thứ 2 (43%) sau cổ đông người Nhật (49%). Phần vốn góp không đáng kể còn lại của 4 cổ đông khác, trong đó có Thượng nghị sĩ Tôn Thất Đính (5%).
Ông Tuyền cho biết về phương diện kỹ thuật trục vớt SISACO liên doanh với Công ty Nippon Marine Development Co, LTD. Đây là một công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực hàng hải quốc tế, từng vớt những xác tàu tương tự ở Philippines, Malaysia và Indonesia.
Ông Tuyền trưng ra bản khảo sát ước lượng hiện có thể vớt được khoảng 108 xác tàu, tổng tải trọng cỡ 241.000 tấn sắt. Đồng thời ông đưa ra danh sách 20 xác tàu có tải trọng, tọa độ chìm trong hải phận Việt Nam được ông nói là đã xác định chính xác. Những xác tàu này nếu được phép có thể trục vớt ngay trong vòng 2 - 4 tháng mà không cần xin chính quyền hỗ trợ tài chính.
Vì rằng SISACO đã có tài chính đủ mạnh để mua sắm dụng cụ trục vớt tối tân nhất. Hơn nữa trong SISACO có nhiều người hiểu rõ nội tình của các con tàu này. Họ đã mật báo chính xác những hàng hoá cũng như chiến cụ chở trên tàu trước khi bị đánh chìm. Nếu vớt được các tàu ấy lên, ngoài giá trị sắt của xác tàu, còn có nhiều hàng hoá quý giá khác mà không tiện nói ra. SISACO xin được, hoặc tiếp tục công tác của hãng Kitagawa.
Phó thủ tướng VNCH Nguyễn Lưu Viên cho rằng những gì mà hãng SISACO trình bày có vẻ hợp lý, hứa hẹn sẽ mang về cho chính quyền Sài Gòn thêm một nguồn ngoại tệ đáng kể nữa. Nên hơn tháng sau cuộc tiếp kiến nói trên, SISACO đã được phép mang tàu Nichyo Maru vào Việt Nam để hoạt động khảo sát… Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn cho đội trục vớt.
Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu và gặp những người liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp trong thời kỳ ấy. Cùng với hàng trăm trang hồ sơ "mật" và "tuyệt mật" của chính quyền Sài Gòn mà chúng tôi có trong tay, nhiều bằng chứng cho thấy đoàn tàu chở "chiến lợi phẩm" đi vào hải phận Việt Nam là có thật.
Sau 1975, từng có nhiều cá nhân ngấm ngầm dò tìm đoàn tàu này để trục vớt nhưng kết quả không đi tới đâu. Không biết có phải vậy mà cho đến nay, trong rất nhiều báo cáo về những phế liệu được vớt lên từ đoàn tàu này chưa thấy báo cáo nào đề cập đến việc trục vớt được những con tàu chở báu vật, hay các báu vật nằm trong nó.
Phải chăng những con tàu chở báu vật này còn nằm im trong lòng biển? Hay chúng đã được ai đó trục vớt một cách bí mật?
Kẻ xấu đào tấm bia mộ mẹ vua Dục Đức để tìm kho báu?
Theo Chủ tịch phường Thủy Xuân, có thể kẻ xấu đào xới khu vực để tấm bia lăng mộ mẹ vua Dục Đức với mục ... |
Bí ẩn về con tàu chở vàng trị giá 2,6 tỷ USD chìm ở Ấn Độ Dương
Nhà săn lùng kho báu Robert F. Marx, tác giả cuốn sách “Kho báu mất tích trên biển cả: Du hành vào thế giới của ... |
Gian nan hành trình truy tìm kho báu nhà Minh chìm đáy biển
Các nhà khoa học tin rằng vị trí con tàu vận tải chở đầy kho báu từ thời nhà Minh của Đô đốc Trịnh Hòa ... |
Ngày đăng: 18:00 | 02/01/2018
/ http://danviet.vn