Nhà ở thành phố Sơn La, khi được phân công lên xã biên giới dạy học, bố mẹ xót con ngăn cản, nhưng Chiêm nhất quyết lên đường. 

Nguyễn Hồng Chiêm (31 tuổi) là một trong 80 giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh của Sơn La. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Sơn La, cô Chiêm có gần 10 năm nuôi dạy trẻ ở vùng cao biên giới.

\'Con phải đi\'

Năm 2008, Hồng Chiêm tốt nghiệp hệ cao đẳng mầm non của Cao đẳng Sư phạm Sơn La. Trong khi bạn bè tất bật kiếm việc làm ở thành phố, Chiêm lại về xã vùng cao biên giới Chiềng Khừa (Mộc Châu), cách nhà 200 km để giảng dạy.

Cô giáo Nguyễn Hồng Chiêm những ngày đầu dạy ở bản Phách, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.

"Lúc đó tôi ngăn con gái vì thương cháu phải về tận vùng xa, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Tôi bảo Chiêm chuyển ngành, ở nhà làm kinh doanh với gia đình. Tuy nhiên, con chỉ bảo: Con phải đi mẹ ạ", bà Trương Thị Toan, mẹ cô giáo Nguyễn Hồng Chiêm kể.

Cô gái 22 tuổi với nhiệt huyết "phổ cập" mẫu giáo cho đồng bào vùng cao, tạm biệt nhà lên xã biên giới. Đường từ thị trấn Mộc Châu đến trường Chiềng Khừa nơi Chiêm công tác, chủ yếu là đất đá gồ ghề, nhiều đoạn có suối chảy qua, nước ngập sâu. Nữ giáo viên phải đi mất bốn giờ, hôm trời mưa đường trơn lầy lội, phải mất bảy giờ, mới qua hết quãng đường dài 30 km ấy.

Điểm trường lẻ ở bản Phách nơi Chiêm trực tiếp dạy học còn cách trường chính 3 km đường ghập ghềnh. Lớp học trống trơn, không đồ chơi, phòng lớp mái lá với vô số kẽ hở nên mùa đông gió thỏa sức gào rít. Nhà công vụ không có, nữ giáo viên dọn góc lớp làm chỗ ở, xin chiếu bảng cũ của trường tiểu học kế bên kê làm giường, ba hòn đá được xếp ở đầu hồi làm chỗ nấu cơm.

"Buổi học đầu tiên đợi mãi cũng có trẻ đến lớp. Các con rất lễ phép khoanh tay chào cô giáo khiến tôi xúc động vô cùng. Lớp 18 bé, đều là dân tộc Thái, 10 bạn có bố nghiện ma túy, có bé đã mất mẹ. Trẻ vùng biên 3-4 tuổi nhà xa trường nhưng hầu như đều tự mình đi học", Chiêm kể.

Gương mặt lấm lem rạng rỡ khi đến trường của những em nhỏ khiến cô giáo 22 tuổi khi ấy quyết bám bản để chăm sóc, bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em.

Đường đến trường của các giáo viên mầm non Chiềng Khừa. Ảnh: NVCC.

"Cô giáo Chiêm không sinh ra ở đây, nhưng là con của núi rừng, dân bản"

Ở bản Phách ai cũng biết và quý cô giáo Chiêm bởi "cái bụng tốt". Nữ giáo viên hay làm đồ dùng dạy học, nhờ phụ huynh hỗ trợ tre, gỗ để đẽo gọt thành đồ chơi, trang trí lớp học… tạo niềm vui, lôi cuốn sự thích thú cho trẻ khi tới trường.

Học sinh vùng biên nhà cách trường xa, không có phụ huynh đưa đón nên cứ sáng tới lớp, trưa về nhà, chiều lại chơi lang thang không quay lại trường học. Cô Chiêm đề xuất ban giám hiệu mở lớp bán trú dân nuôi, huy động cha mẹ đóng phản ngủ, giá để đồ đựng cơm cho trẻ.

Bữa cơm nghèo thức ăn, cô lại làm vừng lạc, nấu thêm canh. Mỗi lần về thành phố, cô giáo mang theo túi thịt để cho vào canh, cải thiện bữa cơm của cô trò. Trẻ dân tộc hay bị bệnh ngoài da, cô giáo người Kinh lại đun lá tắm cho các bé.

"Cô giáo Chiêm không sinh ra ở đây, nhưng là con của núi rừng, dân bản. Về bản Phách, cô đã chịu hy sinh nhiều. Dân bản rất quý cô giáo Chiêm và thiết tha xin nhà trường cho cô ở lại bản để dạy con, em mình", già bản Lò Thị Đảo nói.

Hiệu trưởng trường mầm non Chiềng Khừa Đỗ Thị Mai đánh giá cao chuyên môn, nhiệt huyết của cô giáo Nguyễn Hồng Chiêm. Tám năm liên tục, nữ giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trường giao, đặc biệt giỏi trong công tác dân vận. Bởi thế, trường Chiềng Khừa luôn tin tưởng, phân công cô khôi phục các điểm trường còn khó khăn.

Lớp học ở điểm trường bản Suối Đon, xã Chiềng Khừa, nơi giáo viên Nguyễn Hồng Chiêm công tác. Ảnh: NVCC.

Năm học 2013-2014, Nguyễn Hồng Chiêm lên khôi phục điểm trường lẻ ở bản Suối Đon (xã Chiềng Khừa). Bản 100% là người dân tộc H’Mông, lớp học với 21 bé ghép các độ tuổi, được đặt biệt danh là "lớp ba không" vì không điện, không nước, không phòng học. Suốt một tháng đầu cô Chiêm dắt học trò đến học nhờ nhà trưởng bản, sau đó cùng bà con sửa nhà văn hóa làm lớp học.

Cô giáo dùng lương của mình mua bạt về căng ở bốn góc lớp, mua chiếu trải ra cho trẻ ngồi học, chơi. Chiêm lại mua mì tôm, mì gạo, trứng, cá khô... cải thiện bữa ăn cho trẻ người H\'Mông, vốn thường chỉ có cơm trắng với canh suông.

Thấy các em đến lớp chỉ đi chân đất, mặc áo nhưng không mặc quần hoặc có quần nhưng không áo, cô giáo trẻ kêu gọi bạn bè, người thân ở thành phố ủng bộ giầy, dép, tất ủng, quần áo… giúp học sinh giữ ấm những ngày mưa và luyện thói quen đi giầy, dép hàng ngày.

"Trẻ ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Nếu giáo viên nào cũng muốn ở trường trung tâm, thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao", cô giáo Chiêm trăn trở.

Gần 10 năm nuôi dạy trẻ vùng biên, cô giáo trẻ khi xưa nay đã lập gia đình, có hai con nhỏ. Vẫn giữ tâm niệm "giúp trẻ vùng nghèo khó", cô gửi lại hai con nhờ ông bà nội ở thị trấn Mộc Châu chăm sóc. Những ngày này, cô trở lại Chiềng Khừa cùng bà con sửa sang phòng học, chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới.

(http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/co-giao-mam-non-roi-thanh-pho-len-day-hoc-o-vung-bien-3632607.html)

Ngày đăng: 06:20 | 01/09/2017

Theo Ngọc Diệp/Báo VnExpress.net /