Tiến sỹ Văn học Phạm Hữu Cường cho rằng, tôn sư trọng đạo là điều cần thiết, nhưng không thể để tình trạng giáo viên là chúa tể trong lớp học, hiệu trưởng là chúa tể của nhà trường.
Mấy ngày qua, việc em Phạm Song Toàn (học sinh lớp 11A1, trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) bật khóc trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khiến dư luận quan tâm.
Cụ thể, em Song Toàn đã bật khóc khi nói cô giáo dạy Toán lên lớp không giảng bài, không nói chuyện, không giao tiếp, học sinh phải tự học suốt mấy tháng qua.
Tiến sỹ Văn học Phạm Hữu Cường
Trả lời VTC News về vụ việc này, TS Văn học Phạm Hữu Cường (Giám đốc Trung tâm luyện thi Thầy Cường) cho rằng, có thông tin, việc cô Châu lên lớp không giảng bài "có một không hai" này là do trước đó có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra “đánh”.
Tuy nhiên, thầy nghĩ mọi chuyện không đơn giản như thế. Cô Châu im lặng với học sinh không phải là nghiêm khắc, bởi nghiêm khắc là cả cô và trò đều phải có kỷ cương. Hơn nữa, nghiêm khắc phải gắn với tình thương và trách nhiệm đối với học trò.
“Theo tôi nghĩ, sự im lặng, lạnh lùng của cô Châu là dạy học theo kiểu thiếu tình thương và vô trách nhiệm. Đó là cách phản ứng tiêu cực của một người thù dai và luôn mang mối hận trong lòng – mối hận ấy lại trút lên đầu những học trò vị thành niên”, thầy Cường nói.
Thầy tâm sự: “Khi còn đi học, tôi sợ nhất là thầy cô lên lớp với ‘mặt sắt đen sì’, chỉ có dạy mà chẳng bao giờ nở một nụ cười. Giờ cô giáo Châu lại không nói một lời, chỉ im lặng viết, đó là điều kinh khủng nhất.
Như vậy, điều này không chỉ làm tổn thương tâm hồn mà còn gây nên những sang chấn tâm lí cho học trò. Sự căng thẳng, lo sợ, ức chế… sẽ khiến học sinh sợ đến lớp, không muốn học hành.
Đặc biệt, sự im lặng của cô Châu vô tình đã biến lớp học thành môi trường chết chóc, coi học trò như không tồn tại và tự biến mình thành xác sống”.
Thầy Cường khẳng định, lúc này, giáo viên trong mắt học trò sẽ là xác sống, là kẻ gieo rắc sợ hãi, là hung thần, là “chúa tể bóng đêm hắc ám”.
Em Phạm Song Toàn bật khóc khi nói về cô giáo Trần Thị Minh Châu. (Ảnh: Zing)
Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới thừa nhận sự việc xảy ra trong một thời gian dài, nhưng không học sinh hay giáo viên nào phản ánh lên hiệu trưởng. Điều này cho thấy, lãnh đạo nhà trường không quan tâm tới cán bộ, tới các thầy cô giáo, càng không quan tâm đến các em học sinh.
Vị tiến sỹ này bức xúc: “Nếu là Giám đốc Sở GD-ĐT, tôi sẽ cách chức và kỷ luật ban giám hiệu nhà trường ngay lập tức. Ngay cả hội cha mẹ học sinh, tổ chức Đoàn thanh niên trong trường cũng thờ ơ, vô trách nhiệm trước việc học của học sinh. Một người rất đáng trách nữa là giáo viên chủ nhiệm lớp. Tôi không hiểu giáo viên chủ nhiệm lớp làm gì mà để giáo viên bộ môn và học sinh xảy ra cơ sự ấy”.
Theo thầy, lỗi một phần cũng từ phía học sinh, từ cơ chế và cung cách giáo dục của Việt Nam. Theo đó, tôn sư trọng đạo là điều cần thiết, nhưng không thể để tình trạng giáo viên là chúa tể trong lớp học, hiệu trưởng là chúa tể của nhà trường được.
Để tìm tiếng nói chung giữa giáo viên và hoc sinh, theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, giáo viên cần chủ động gặp gỡ trò chuyện, trao đổi một cách thẳng thắn, nghiêm túc nhưng cũng phải chân thành, cởi mở, thân thiện với học sinh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoặc hiểu lầm giữa 2 phía.
Thầy nghĩ, các bộ trưởng, thậm chí Thủ tướng còn phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước nhân dân; lẽ nào hiệu trưởng và giáo viên lại không thể đối thoại với học sinh?
Còn nhà trường, hội cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên hay giáo viên chủ nhiệm lớp phải là cầu nối, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chủ động, thân thiện của giáo viên.
Video: Cô giáo im lặng suốt học kỳ khiến học sinh bật khóc đã giảng bài bình thường
TS Phạm Hữu Cường cho rằng, giáo viên không chỉ cần có năng lực chuyên môn giỏi, trình độ sư phạm tốt, mà còn cần phải là những con người mô phạm.
“Cần phải dạy học bằng tất cả tâm của người thầy. Học trò hồn nhiên, hiếu động, bồng bột, thường dễ mắc sai lầm nên thầy cô phải biết rộng lòng tha thứ. Thầy cô phải coi học trò như con, nghiêm khắc nhưng bao dung, yêu thương và có trách nhiệm, thậm chí phải vừa dạy, vừa dỗ nữa. Tạo được một giờ học hứng thú cho học sinh là điều khó nhưng cố gắng thì sẽ làm được”, thầy Cường cho hay.
Sự việc đã vậy, theo thầy Cường nên thay giáo viên dạy Toán khác cho lớp 11A1, cô Châu có chân thành và tích cực thay đổi, thì mọi chuyện cũng chẳng được tốt đẹp như mong đợi.
Nhà trường phải vào cuộc tích cực để động viên, giải tỏa tâm lý căng thẳng, lo sợ cho các em học sinh; chấn chỉnh lại cách dạy dỗ của giáo viên và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng với giáo viên vi phạm.
Giáo viên im lặng trong giờ giảng: Bạo lực tinh thần học sinh
Việc cô giáo im lặng suốt 4 tháng trong giờ giảng khiến học sinh phát khóc là biểu hiện đổ gãy của quan hệ thầy ... |
Sợ bị học trò ghi âm, cô giáo Toán im lặng suốt học kỳ
Cô Châu cho biết sở dĩ cô im lặng, không giảng bài cho lớp 11A1 suốt 4 tháng bởi "có một học sinh cũ tại ... |
Ngày đăng: 17:10 | 30/03/2018
/ https://vtc.vn