Từ bỏ những lời mời chào từ các tập đoàn trong nước và quốc tế với mức lương hậu hĩnh, cô giáo Hà Ánh Phượng quyết định lên một trường học miền núi với trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ để "đầu quân"...
PV: Được lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do tổ chức Varkey Foundation bình chọn ngay trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô có thể chia sẻ cảm xúc của mình về điều này?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Vào khoảng 0h ngày 11/11 theo giờ Việt Nam, khi được xướng tên trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation bình chọn, cảm xúc của tôi như vỡ òa, vui sướng lắm. Tôi không hình dung được việc đó lại đến với mình, bởi trong suy nghĩ, tôi nghĩ mình còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên được ghi nhận như vậy là điều bất ngờ.
Việc đạt được danh hiệu này mang lại ý nghĩa rất lớn lao, đó là sự ghi nhận không chỉ riêng cá nhân tôi mà còn là với học sinh miền núi, với nền giáo dục nước nhà, ghi nhận thầy cô giáo Việt Nam đã tạo được một dấu ấn trên trường thế giới.
PV: Sau khi tốt nghiệp đại học và được một công ty lớn tại Pakistan mời làm việc với mức lương hấp dẫn nhưng lại từ chối để tiếp tục theo học thạc sĩ Sư phạm tiếng Anh, lý do gì khiến cô đưa ra quyết định như vậy?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Có lẽ, ước mơ trở thành cô giáo có trong tôi từ khi còn rất nhỏ, hơn nữa, đối diện nhà lại là một trường tiểu học và trường trung học cơ sở, điều đó như một chất xúc tác khiến ước mơ trở thành "người gõ đầu trẻ" luôn luôn rực cháy.
Tôi theo học ngành ngôn ngữ Anh tại trường ĐH Hà Nội, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã làm thêm nhiều công việc khác nhau. Mục đích vừa là để rèn luyện cho bản thân có được nhiều kinh nghiệm cũng như mạnh dạn hơn trong cuộc sống, vừa kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được khá nhiều các công ty lớn nhỏ từ trong nước đến nước ngoài mời về làm việc nhưng ấn tượng nhất vẫn là một công ty tại Pakistan. Họ mời tôi trở thành giám đốc đại diện với mức lương hấp dẫn nhưng không một chút do dự tôi đã từ chối để thực hiện mơ ước của mình.
Sở dĩ tôi không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định này bởi bản thân là một người khá quả quyết, một phần nữa là tôi muốn thực hiện mơ ước trở thành cô giáo để làm điều gì đó cho huyện nghèo ở quê mình và cho các em học sinh. Bản thân tôi cũng luôn luôn quan niệm rằng, làm nghề mình thích thì sẽ cả đời sẽ như không phải làm việc.
PV: Tại sao cô giáo không chọn trường chuyên, trường nổi tiếng, hay trường có mức lương thật sự hấp dẫn với mình mà lại về "đầu quân" cho một trường ở miền núi là trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - ngôi trường có đến 90% học sinh là dân tộc thiểu số?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Khi lựa chọn về quê dạy học, nhiều bạn bè bảo tôi là dở hơi, khờ dại mới về trường huyện miền núi đó. Tuy nhiên, khi nhìn lại về xuất phát điểm của bản thân, tôi cũng là một người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên tại vùng núi khó khăn có điều kiện kinh tế tương đồng với ngôi trường này nên tôi sẽ hiểu hơn về các em ở nơi đây để từ đó sẽ giúp các em có định hướng học tập phù hợp.
Với tôi, quê hương luôn là chùm khế ngọt, tôi luôn luôn muốn trở về với quê hương làm được điều gì đó cho huyện nghèo ở quê mình, cho các em học sinh như tôi đã từng là người dân tộc thiểu số nhiều rụt rè, nhút nhát. Tôi cũng muốn là người truyền cảm hứng để các em phát triển năng lực bản thân.
PV: Từ đâu có ý tưởng để xây dựng ra một lớp học xuyên biên giới? Phải chăng trong quá trình giảng dạy, chính các em học sinh đã là nguồn cảm hứng, nguồn động lực để cô thực hiện kế hoạch này?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Điều này xuất phát từ thực tế từ trường THPT Hương Cần. Đó là trường có gần 90% học sinh là người dân tộc thiểu số - ở nơi vùng núi nên việc đi lại còn khó khăn, các em gần như không có cơ hội để tiếp xúc với giáo viên nước ngoài.
Theo quan điểm của tôi, Anh ngữ phải là sinh ngữ, nghĩa là học tiếng Anh hay bất kỳ thứ ngoại ngữ nào đều cần có môi trường nếu không tự nó sẽ "chết" đi. Thực tiễn đó khiến tôi nghĩ mình cần phải xây dựng một môi trường để học tập ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, quan điểm của bộ Giáo dục và Đào tạo là luôn mong muốn giáo viên các cấp các ngành, các trường học thay đổi phương pháp dạy học để không bị "tụt hậu", phát triển thêm về ngoại ngữ.
Từ những lý do trên và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều thầy cô giáo khác mà tôi đã có thêm động lực để thực hiện lớp học xuyên biên giới.
PV: Top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu những năm trước đây cũng từng có sự góp mặt của giáo viên Việt Nam, cô có kết nối với những thầy cô giáo này không? Cô đã học hỏi được những gì từ những "đàn anh, đàn chị này?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Chắc chắn rồi, tôi có kết nối với các thầy cô giáo này. Từ kinh nghiệm mà các anh chị truyền đạt lại tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ.
PV: Việc lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu sẽ là niềm cảm hứng cho nhiều thầy cô trên toàn đất nước Việt Nam, cô nghĩ gì về điều này?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Cá nhân tôi nghĩ đó là một điều tích cực vì trên thực tế sau khi tôi được công nhận là lọt top 50 giáo viên suất sắc nhất toàn cầu, mô hình lớp học không biên giới đã được rất nhiều thầy cô khác biết đến, đặc biệt là các thầy cô dạy bộ môn ngoại ngữ.
Mô hình lớp học không biên giới không chỉ áp dụng chỉ cho riêng với môn tiếng Anh mà còn có thể áp dụng cho các môn học khác ví dụ như môn Toán, Ngữ Văn,...
Cũng nhờ mô hình lớp học không biên giới này mà trình độ tiếng Anh của học trò được nâng cao rõ rệt. Các em cũng tự tin hơn rất nhiều không chỉ về tiếng Anh mà còn là khả năng thuyết trình, tư duy giao tiếp và mức độ hiểu biết. Tôi làm những điều này tất cả từ trái tim và không ngờ nó lại có sức lan tỏa đến như vậy.
Cũng từ đây, những đứa trẻ vùng núi xa xôi, thuộc dân tộc thiểu số có thể nhìn ra ngoài xem thế giới như thế nào. Không cần visa, các em đã du lịch tới 40 nước với bao nhiêu câu chuyện văn hóa thú vị, những tình bạn xuyên biên giới. Tôi tin, cái các em học được không chỉ là ngoại ngữ mà là sự tự tin nói chung.
PV: Sau khi đạt giải thưởng "Nobel giáo dục" này, cô dự định sẽ làm gì sắp tới?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Nhiều người hỏi đùa rằng, sau tiếng vang lần này thì tôi có đổi nghề không? Câu trả lời là không, tôi vẫn tiếp tục làm cô giáo làng, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh giảng dạy với học trò, phát triển chuyên môn, đóng góp một phần cho quê hương.
Đồng thời, tôi cũng tập trung thực hiện các dự án khác mà nó liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh của mình để hướng học sinh của mình trở thành những công dân toàn cầu trong thế kỷ 21.
Ngoài ra, tôi cũng đã và đang phát triển kênh YouTube của mình với mục tiêu giảng dạy không chỉ riêng học sinh trường THPT Hương Cần mà cho các học sinh khác trên đất nước Việt Nam cũng như học sinh nước ngoài.
Với tôi, được làm việc mình mong ước, có ích cho xã hội, được cống hiến cho quê hương đấy là hạnh phúc.
PV: Cô từng gây bão mạng xã hội về câu chuyện "từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới", vậy câu chuyện này bắt nguồn từ đâu?
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Câu chuyện "từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới" đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cụ thể, trong một buổi sinh hoạt chuyên môn xung quanh mô hình lớp học xuyên biên giới và nhà bị mất điện nên mất wifi.
Vì không muốn dang dở sự kết nối, hàng xóm thì có điện nhưng buổi trưa sang tận nhà thì phiền họ nên tôi ra ngồi ở vườn chuối bắt wifi hàng xóm và kết nối với thầy cô ở châu lục khác.
Câu chuyện từ vườn chuối vươn tay ra thế giới là có thật, chứ không phải chỉ là hình tượng như nhiều người nghĩ đâu.
Cũng từ buổi học tại vườn chuối đó mà cô trò kết nối với học sinh của 4 châu lục và thu được nhiều điều quý giá.
Cô giáo người Bố Y xách từng can nước, "gieo chữ" nơi khó khăn nhất nước |
Cô giáo Mường lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu |
Đình chỉ công tác cô giáo làm gãy chân bé 4 tuổi ở Đồng Nai |
Ngày đăng: 17:15 | 20/11/2020
/ www.doisongphapluat.com