Các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp thượng đỉnh tại Madrid, Tây Ban Nha trong hai ngày 29 và 30 tháng 6. Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine kéo dài từ hơn 4 tháng qua. Cuộc xung đột này đánh dấu một bước ngoặt lớn cho an ninh châu Âu và NATO - liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Hành động của Nga đối với Ukraine gây ra một hệ quả khác có nguy cơ dẫn đến những biến đổi địa chính trị lớn tại châu lục: Thụy Điển và Phần Lan quyết định từ bỏ thế trung lập, xin gia nhập NATO. Theo AFP, cuộc thượng đỉnh này đã thực hiện được tất cả các hứa hẹn. Chấm dứt các bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan. Một thỏa thuận giữa 3 nước được ký kết và kể từ giờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ quyền phủ quyết đối với việc kết nạp 2 thành viên mới.

Có gì trong cương lĩnh chiến lược mới của NATO? -0

Tổng thống Nga Putin dự hội nghị các nước Caspi tại Ashgabat, Turkmenistan, ngày 29-6.

30 quốc gia thành viên NATO đã thông qua cương lĩnh chiến lược mới, xác định các mục tiêu chính trị và quân sự trong những năm tới. Trong tài liệu này, Nga được khẳng định là mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc gia thành viên và đây là lần đầu tiên tài liệu chiến lược của NATO coi Trung Quốc là một ‘‘thách thức’’ đối với ‘‘các lợi ích’’ và ‘‘an ninh’’ của khối. Một bước ngoặt thực sự trong tiến trình hoạt động của NATO. NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào thành viên trong liên minh bằng các “hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu, sử dụng loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội”. Khối NATO cũng đặc biệt lên án quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đang được tăng cường. Tuy nhiên, liên minh cũng nhấn mạnh để mở các kênh liên lạc và sẵn sàng đối thoại với hai nước này. Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị “không giới hạn”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.

Khái niệm chiến lược mới cũng cho rằng, “một Ukraine mạnh mẽ và độc lập đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của các thành viên NATO”. NATO cũng cáo buộc Nga đang thực hiện những hành động nhằm chống lại một cộng đồng xuyên Đại Tây Dương rộng lớn. “Chúng tôi muốn sống trong một thế giới, nơi chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, nhân quyền, luật pháp quốc tế được tôn trọng và mỗi quốc gia có thể lựa chọn hướng đi riêng của mình, không bị tấn công, đe dọa, cưỡng ép hay lật đổ”, tuyên bố của NATO viết. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã đồng ý đưa 300.000 quân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu từ năm 2023, tăng từ 40.000 quân hiện nay, theo một mô hình lực lượng mới để bảo vệ một khu vực trải dài từ Baltic đến Biển Đen. Phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Zelenskyy cho biết Kiev cần 5 tỷ USD mỗi tháng để bảo vệ và phòng thủ. Trong một tuyên bố chung, các nước NATO cho biết đã đồng ý về một kế hoạch viện trợ mới liên quan đến việc “chuyển các thiết bị quân sự không gây sát thương” cho Ukraine và tăng cường khả năng phòng thủ của Kiev trước các vụ tấn công mạng. Đáp lại sự ủng hộ của NATO, Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 29-6 hoan nghênh thượng đỉnh Madrid là “một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, một thượng đỉnh của sự chuyển đổi, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang thay đổi chiến lược để đáp trả các chính sách hung hăng, mang tính xâm lược châu Âu của Nga”.

Trung Quốc chỉ trích tuyên bố chung của NATO. “Cái gọi là khái niệm chiến lược mới của NATO đã coi thường sự thật, đổi trắng thay đen và bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 29-6. “Chúng tôi muốn cảnh báo NATO rằng việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc là hoàn toàn vô ích”, ông Triệu nói với phóng viên. “Trung Quốc không đặt ra thách thức mang tính hệ thống như họ tưởng tượng. NATO mới là thách thức mang tính hệ thống đối với hòa bình, ổn định thế giới. Bàn tay họ nhuốm máu người dân thế giới”.

Về phía Nga, theo AFP, trong cuộc họp báo từ Achkhabad, thủ đô Turkmenistan, Tổng thống Putin đả kích thái độ của phương Tây, tố cáo “các nước lãnh đạo NATO mong muốn (...) khẳng định quyền bá chủ, tham vọng đế quốc” và cho rằng việc Tây phương kêu gọi Ukraine tiếp tục chiến đấu và từ chối đàm phán càng khẳng định rằng nhận định của Moscow là đúng, rằng bảo vệ Ukraine và lợi ích của người dân Ukraine không phải mục tiêu của phương Tây và NATO, mà đó là “một cách để bảo vệ lợi ích của chính họ”. Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi họ gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Có gì trong cương lĩnh chiến lược mới của NATO? -0

Một số nguyên thủ các quốc gia thành viên NATO tại trung tâm hội nghị IFEMA ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28-6.

Ngày 29-6, quan chức ngoại giao Nga tuyên bố Moscow không bị đe dọa trước sự tăng cường lực lượng của Mỹ ở châu Âu, AFP đưa tin. “Tôi cho rằng người đưa ra những giải pháp như vậy đang ảo tưởng rằng họ có thể đe dọa Nga, hoặc kiềm chế. Họ sẽ không thành công”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Na Uy ngăn chặn nước này tiếp cận quần đảo Svalbard và đe dọa sẽ trả đũa. Phía Na Uy chưa đưa ra bình luận trước cáo buộc của Nga. Svalbard là quần đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Na Uy. Tuy nhiên, Na Uy cho phép công dân hơn 40 quốc gia cùng khai thác tài nguyên trên quần đảo này một cách bình đẳng. Nga hiện có tổng lãnh sự quán và một mỏ than tại đảo Spitsbergen, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Svalbard. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Na Uy không cho phép xe chở thực phẩm và hàng hóa khác từ Nga đến Spitsbergen.

Nhìn chung, giới quan sát tại Pháp đều cho rằng trong ngắn hạn, trước mối đe dọa đến từ Nga hiện nay, việc mở rộng NATO, đón tiếp thêm thành viên mới là điều khó tránh khỏi. Nhưng, Jean-Pierre Maulny, chuyên gia về quốc phòng, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cảnh báo, “liên minh quân sự hiện nay ngày càng có nguy cơ biến thành một liên minh các nền dân chủ. Điều này không phải luôn được các nước chấp nhận, một số nước có thể xem liên minh quân sự này như là một mối đe dọa”. Thế nên, theo nhà nghiên cứu này, trong trung và dài hạn, Liên minh châu Âu nên có một cơ cấu an ninh hòa dịu hơn, như Dự án châu Âu địa chính trị đang được thảo luận hiện nay, không chỉ đơn thuần về an ninh - quốc phòng mà có thể bảo đảm một sự hợp tác thật sự ở cấp độ toàn lục địa. Châu Âu không thể ở mãi trong tình trạng đối đầu.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/co-gi-trong-cuong-linh-chien-luoc-moi-cua-nato--i659050/

Ngày đăng: 15:09 | 04/07/2022

Mộc Thạch / Công an nhân dân