Nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô là 85.813 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần nhưng việc cân đối ngân sách là khó khăn.

Càng để chậm càng ảnh hưởng tiến độ

Tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, hạ tầng hệ thống cao tốc tại vùng Thủ đô, đặc biệt là đường Vành đai 4 giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế, kết nối liên vùng, các cảng hàng không quốc tế; Hình thành nền đường trên cao đô thị, tạo ra quỹ đất với hàng nghìn hecta để động lực mới mang tầm bứt phá.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, dự án triển khai theo phương thức hỗn hợp đầu tư công và hợp tác công tư. Nguồn vốn cho dự án là 85.813 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần nhưng việc cân đối ngân sách là khó khăn, riêng 3 địa phương phải cân đối trên 28.000 tỷ đồng, trong đó riêng Hà Nội là 20.000 tỷ đồng.

Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng, chiếm tới trên 50% khối lượng, bao gồm cả hành lang phát triển đường sắt nên càng để chậm càng ảnh hưởng tiến độ. Vì vậy, cần phải triển khai ngay trong năm 2022 - 2024 để các dự án thành phần kế tiếp diễn ra sau đó vào năm 2022 - 2026, thì mới tạo ra động lực phát triển đô thị.

Tương tự, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay, việc xây dựng hệ thống đường Vành đai 3 cũng giúp tăng năng lực cạnh tranh về kinh tế.

Cơ chế đột phá nào để Hà Nội và TP.HCM triển khai hai siêu dự án Vành đai 4 và Vành đai 3? ảnh 1

Phối cảnh một đoạn dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Từ tháng 11/2021, Chính phủ giao nhiệm vụ cho TP.HCM là cơ quan chủ trì dự án, thành phố đã phối hợp các tỉnh, thành phố nghiên cứu hình thức đầu tư và được Chính phủ chấp thuận phương thức triển khai theo đầu tư công. Trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá năng lực, tăng khả năng bố trí vốn với 50% từ địa phương...

Đến nay, TP.HCM và các tỉnh đã có nghị quyết cam kết với Chính phủ là các tỉnh thành đảm bảo bố trí nguồn lực triển khai dự án. Trên cơ sở rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung đầu tư trọng tâm trọng điểm, ưu tiên đường vành đai 3, các địa phương sẽ thực hiện phát hành trái phiếu, vay Chính phủ...

Để tháo gỡ khó khăn về ngân sách, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức cho hay, các tuyến đường này nằm ở các địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương. Trong đó, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn có một phần chưa sử dụng nên sẽ báo cáo Quốc hội để bố trí vốn cho các dự án này.

Đồng thời cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện dự án, trên cơ sở đổi mới phân bổ ngân sách, cho cơ chế đặc thù. Hiện nay việc thu ngân sách ở Trung ương và địa phương đều khả quan, ông Đức cho rằng khả năng bố trí vốn cho trung hạn sẽ khả thi và không phải suy nghĩ về khả năng cân đối.

Sử dụng linh hoạt nguồn ngân sách Trung ương và địa phương

 

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đã kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép.

Theo đó, đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ GTVT đã xin phép cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

Đồng thời, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương; đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, trước hết, phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, như TP.HCM và Hà Nội cũng có ý kiến, giao hai thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Về cơ chế chỉ định thầu, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần.

Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành. Đây là cái mới, trong thực tiễn tại Nghị quyết 43 chỉ định thầu cho phép áp dụng trong 2 năm 2022-2023.

https://www.anninhthudo.vn/co-che-dot-pha-nao-de-ha-noi-va-tp-hcm-trien-khai-hai-sieu-du-an-vanh-dai-4-va-vanh-dai-3-post503488.antd

Ngày đăng: 08:03 | 05/05/2022

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn