Người mẹ trong clip giành quyền nuôi con gây xôn xao dư luận ở Thanh Hóa đã lên tiếng và cho biết muốn được chăm sóc con gái do chồng thường xuyên gửi con cho người khác nuôi.
Liên quan đến vụ việc một loạt video clip được tung lên mạng facebook về một người phụ nữ ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bỏ đi nhiều năm nay trở về giành quyền nuôi con nhưng cháu bé không chịu, gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến gia đình người phụ nữ trong clip để tìm hiểu rõ.
Chị L.T.H. lên tiếng về sự việc giành quyền nuôi con
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại xã Xuân Thọ (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), chị L.T.H. (SN 1979, mẹ của cháu bé trong clip) vẫn chưa hết buồn lòng về chuyện đã xảy ra nhiều ngày qua.
Theo chị H., năm 2011, trong một lần đi làm ăn xa, chị có quen anh Lê Xuân Th. (SN 1981, ngụ xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn) và cũng trong năm này, hai người đã đồng ý về ở với nhau nhưng không đăng ký kết hôn.
Kết quả của cuộc tình không hôn thú này là chị H. sinh được 2 người con cùng với anh Th. (một cháu SN 2011 và một cháu SN 2013). "Khi tôi sinh cháu thứ hai là L.A.H. được đúng 1 tháng thì chồng đuổi ra khỏi nhà, tôi phải ôm con về nhà mẹ đẻ ở. Lúc đi anh ấy nhất quyết không cho mang theo con gái và cấm không cho quay về"- chị H. buồn tủi kể lại.
Cũng theo người phụ nữ này, do chồng "hờ" thường xuyên nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc và thường xuyên đánh đập chị nên chị đã ôm con về ở với mẹ đẻ.
Hình ảnh trên clip về người mẹ giành quyền nuôi con nhưng cháu bé không theo - Ảnh cắt từ clip
Sau này, thấy con gái là L.T.D.H. thường xuyên bị chồng "hờ" gửi cho hàng xóm nuôi nên chị H. không đành lòng. Thương con chị đã làm đơn gửi UBND xã Hợp Tiến để được quyền nuôi, chăm sóc cháu bé. "Gửi đơn lâu mà không thấy xã giải quyết nên đầu năm 2017, tôi đã gửi đơn lên TAND huyện Triệu Sơn đề nghị giải quyết. Sau đó, TAND huyện này đã xử và tuyên cho người chồng được chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé nên tôi không đồng tình đã có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Thanh Hóa"- chị H. cho biết.
Trong đơn kháng cáo, chị H. trình bày chị và anh Th. tự nguyện chung sống với nhau, không có đăng ký kết hôn. Sống chung được hơn 1 năm thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do anh Th. thường xuyên rượu chè, cờ bạc và đánh đuổi chị ra khỏi nhà lúc chị mới sinh con thứ 2 được 29 ngày, từ đó chị mang con út về nhà mẹ đẻ ở. Trong đơn, chị H. cũng có nguyện vọng xin được nuôi cả 2 con.
"Anh Th. làm thợ xây nên thường xuyên đi làm ăn xa, không có điều kiện để chăm sóc cháu H. và anh Th. đã gửi con gái cho người hàng xóm là anh Trần Văn Tùng, ở xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn) chăm sóc, tôi không yên tâm, đề nghị tòa xem xét để chị trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con gái" - chị H. trình bày.
Tại phiên phúc thẩm, sau khi xem xét các tình tiết, TAND tỉnh Thanh Hóa xét thấy bố hoặc mẹ phải là người trực tiếp chăm sóc con cái chưa thành niên, TAND huyện Triệu Sơn đã giao cháu H. cho anh Th. trực tiếp chăm sóc, nhưng anh Th. đi làm ăn và đã giao cháu H. cho người hàng xóm chăm sóc là không đảm bảo về mọi mặt cho cháu H. nên TAND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận kháng cáo của chị H. và đồng ý cho chị H. trực tiếp nuôi dưỡng cháu H. là có căn cứ, đúng pháp luật.
Từ căn cứ trên, TAND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định sửa bản án sơ thẩm số 27/2017/HNGĐ-ST ngày 14-6-2017 của TAND huyện Triệu Sơn, công nhận chị H. và anh Th. có 2 con chung là cháu L.T.D.H. và cháu L.A.H. Giao 2 cháu cho chị H. trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Th. không phải cấp dưỡng nuôi con chung và được quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở.
Nói về thông tin cháu bé khóc lóc không theo chị trong các đoạn clip, chị H. cho biết hôm đó chị tới UBND xã Hợp Tiến để nhận bàn giao cháu bé theo từ Chi cục Thi hành án. Tuy nhiên, cháu H. khóc nên anh Th. có nói đưa cháu sang trường mầm non để cô giáo dỗ. "Nhưng khi tôi sang trường các cô giáo không cho đưa cháu về, hiện anh Th. vẫn chưa bàn giao con gái cho tôi"- chị H. cho hay.
Bản xác nhận của Công an viên xóm 8, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn về việc cháu H. được bố gửi cho người khác nuôi
Cũng theo chị H., bình thường không có anh Th. thì cháu H. vẫn theo chị, nhưng do chị có đơn kiện nên anh Th. đã cấm không cho chị gặp con gái từ năm 2015 đến nay nên mẹ con ít được gặp nhau.
Được biết, hoàn cảnh của chị H. cũng éo le, trước khi đồng ý về ở với anh Th. chị H. từng có 1 đời chồng và có 1 đứa con riêng năm nay đã 17 tuổi (hiện ở cùng chị). Hiện chị H. đang ở cùng với người mẹ già năm nay đã 79 tuổi. Chị hiện làm công nhân trên địa bàn huyện.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 19 giờ 40 phút tối ngày 30-12, trên mạng xã hội facebook lan truyền nhiều đoạn video clip một người phụ nữ trung tuổi cứ tiến lại đòi bế một bé gái (khoảng 5-6 tuổi) nhưng cháu bé cứ khóc thét lên không theo và xua tay đuổi đi. Các đoạn video trên nhanh chóng được hàng ngàn lượt người vào like, chia sẻ và bình luận. Đại đa số những người bình luận đều tỏ ra bất bình trước hành động của người phụ nữ và cho rằng người phụ nữ này không xứng đáng được nuôi con.
Sáng ngày 1-1-2018, ông Trịnh Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, cho biết những thông tin đưa lên mạng xã hội facebook là không đúng sự thật. "Ông này đã 3-4 đời vợ rồi, rượu chè bát ngát rồi gửi con lung tung chứ có nuôi đâu. Người vợ trước đã có với ông này 1 đứa con khoảng 15-16 tuổi rồi. Tôi ở gần nhà ông này nên rất rõ sự tình"- ông Đồng nói.
Cha mẹ bạo hành, đánh con có thể bị đi tù hoặc tước quyền nuôi con
Vụ việc cha ruột cùng với mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi trong thời gian dài khiến cháu bị rạn xương sườn, người ... |
Mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn hiện nay là bao nhiêu?
Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn hiện hành trước hết là do thỏa thuận giữa hai vợ chồng. |
Ngày đăng: 21:00 | 02/01/2018
/ nld.com.vn