Chị chủ sạp hải sản ở chợ Hàn mang tiền thừa đến tận khách sạn trả lại người mua, bác xe ôm cho thuê xe không cần chứng minh thư hay đặt cọc, anh xe điện trả lại tài sản khách để quên trên xe còn cậu “xe ôm” thì ngượng nghịu bảo “dạ em không phải xe ôm” khi khách móc ví trả tiền...
Chị chủ sạp hải sản ở chợ Hàn mang tiền thừa đến tận khách sạn trả lại người mua, bác xe ôm cho thuê xe không cần chứng minh thư hay đặt cọc, anh xe điện trả lại tài sản khách để quên trên xe còn cậu “xe ôm” thì ngượng nghịu bảo “dạ em không phải xe ôm” khi khách móc ví trả tiền...
Đó là những người tôi đã gặp ở thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng, nơi nhiều lần được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Tuần trước, anh Tú – một hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ trên Facebook câu chuyện vị khách du lịch nước ngoài trong đoàn khách của anh vừa bị móc ví ở cầu Rồng (Đà Nẵng). Câu chuyện nhận được khá nhiều sự quan tâm, nhiều người trong số bạn bè của anh Tú bình luận rằng Đà Nẵng ngày nay đã không còn là thành phố đáng sống.
Mấy hôm nay, báo chí phản ánh và dư luận hết sức phẩn nộ với câu chuyện nam thanh niên 22 tuổi mạo xưng là cháu ruột phó giám đốc công an tỉnh Đà Nẵng, đánh một phụ nữ 32 tuổi đến gãy răng, phải nhập viện vì tranh ăn trong quán bánh xèo.
Đà Nẵng là một trong 10 thành phố đáng sống nhất thế giới (Nguồn: LIO)
Một số vấn đề an ninh trật tự xảy ra thời gian gần đây, cộng với các lùm xùm liên quan đến lãnh đạo bị cách chức, rồi “đại doanh nhân” – “trùm” bất động sản thâu tóm đất công sản, sau đó bị bắt vì làm lộ bí mật quốc gia... khiến nhiều người dần bớt đi thiện cảm với Đà Nẵng.
Điều này có ảnh hưởng đến quyết định xách valy tới thành phố biển xinh đẹp để tham dự lễ hội pháo hoa của bạn vào dịp nghỉ lễ sắp tới không? Tôi nghĩ là không, dù chưa có số liệu chính thức nào phản ánh tỷ lệ khách du lịch đến Đà Nẵng trồi sụt hay không sau các lùm xùm kể trên.
Mới hôm qua, tôi và nhóm bạn thân quyết định đặt vé đi nghỉ lễ tại Đà Nẵng. Mặc dù trước đó đứa nào cũng thốt lên “Lại Đà Nẵng à? Không còn chỗ nào khác hay sao mà năm nào cũng đến đó vậy?” nhưng cuối cùng thì ai cũng phải thừa nhận chẳng có chỗ nào vừa có bãi biển trải dài sạch đẹp, nơi người đi nhặt rác nhiều hơn người xả rác, điểm du lịch cổ kính có hiện đại có, người dân thân thiện và ăn ở sinh hoạt lại ngon bổ rẻ như nơi đây.
Đó từng là lý do mà chị Thủy - sếp cũ của tôi, một công dân Đà Nẵng “xịn” mặc dù được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo ở thủ đô nhưng sau một thời gian đi lại con thoi hàng tuần giữa Hà Nội – Đà Nẵng thì cuối cùng quyết định bỏ chức tước để quay về. Lý do của chị là “Ở đâu quen đó rồi, không thay đổi được”.
Chị bảo, so bó đũa chọn cột cờ thì Đà Nẵng vẫn là thành phố tốt nhất ở Việt Nam dưới góc độ môi trường văn hóa, sinh thái và các dịch vụ công cộng, tiện ích của chính quyền dành cho người dân.
Chuyện lùm xùm lãnh đạo bị nêu ra và xử lý, theo chị, phải là điều đáng mừng chứ, vì điều đó cho thấy có sự minh bạch trong đấu tranh chống tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ cán bộ.
Tôi đồng ý với chị, và tôi còn tin rằng con người nơi đây chính là thứ “đặc sản” mà không nhiều thành phố hiện đại ngày nay có được.
Thật vậy, trong những lần xách valy đến Đà Nẵng hàng năm, dù là đi công tác hay du lịch, tôi luôn gặp được những người dân hồn hậu và thân thiện.
Đó là chị chủ sạp hải sản ở chợ Hàn trong một lần tôi mua đồ và tính nhầm tiền đã mang tiền thừa đến tận khách sạn trả cho tôi chỉ sau một cú điện thoại mà tôi vốn dĩ chỉ có ý định gọi để xác minh chứ không hề kỳ vọng được nhận lại và lại còn được nhận lại theo cách của người Đà Nẵng như vậy.
Đó là bác xe ôm dưới cổng khách sạn Mỹ Khê, cho tôi thuê xe không cần chứng minh thư hay đặt cọc. Hỏi bác không sợ mất xe à, bác cười bảo: "Ôi dào chị là khách du lịch, chị lấy xe tui chả để làm gì".
Một lần khác, anh lái xe điện trả lại cho tôi kính và điện thoại để quên trên xe còn cậu “xe ôm” thì ngượng nghịu bảo “dạ em không phải xe ôm” khi tôi móc ví trả tiền. Hóa ra cậu ta là nhân viên bưu điện trong lúc đứng chờ bạn gái đã tranh thủ giúp tôi thoát khỏi đám đông nghẹt thở của đêm hội pháo hoa năm nào.
Tôi hiểu vì sao tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas (LIO) lại quyết định chọn Đà Nẵng vào danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài 2018 mà họ mới công bố gần đây.
Theo Kathleen Peddicord, nhà sáng lập LIO, Đà Nẵng của Việt Nam là sự kết hợp hoàn hảo giữa "dư vị quá khứ" và tinh thần đổi mới hiện đại.
"Kết quả là một nền kinh tế đang rực cháy, dẫn dắt bởi các nhà quản lý có tư tưởng tiến bộ, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, với tinh thần kinh doanh chưa từng có trong khu vực", bà Kathleen viết.
Và tôi, sẽ vẫn tiếp tục đi tìm những “dư vị quá khứ” trong sự hiện đại của Đà Nẵng, mặc dù sự tử tế của thành phố này đã ít nhiều bị hư hao bởi gã móc túi trên cầu Rồng hay cậu thanh niên đánh phụ nữ để giành ăn bánh xèo hôm nọ...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
PGĐ Công an Đà Nẵng nói kẻ đánh người trong quán bánh xèo "không phải họ hàng"
Chiều 9.4, Công an Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho hay vừa nhận được chỉ đạo của Công an TP.Đà Nẵng yêu cầu xử lý nghiêm ... |
Hé lộ nguyên nhân biển Đà Nẵng xuất hiện vệt nước đen bất thường
Kết quả phân tích mẫu nước biển lấy ở vịnh Đà Nẵng đổi màu bất thường ngày 25/3 cho thấy có một loài tảo giáp ... |
Rùng mình nước thải đen ngòm, hôi thối ồ ạt đổ ra biển Đà Nẵng
Dòng nước thải đen ngòm, mùi hôi thối từ các cửa xả thải đang trực tiếp đổ ra các vùng biển của Đà Nẵng khiến ... |
Ngày đăng: 15:52 | 12/04/2018
/ Người đưa tin