Trong nhiều thập kỷ, cuộc đào tẩu thành công duy nhất của ba tù nhân Mỹ khỏi nhà ngục Alcatraz đã khiến dư luận hết sức hứng thú. Điều thú vị là cuộc vượt ngục đó sẽ không thể thành hình, nếu thiếu một tờ tạp chí.
Nhà tù Alcatraz hiện đã ngừng hoạt động và trở thành một điểm du lịch hút khách.
Ý tưởng từ cuốn tạp chí vô hại
Tháng 12.1962 ở Chicago, Mỹ, có một anh chàng đang vờ diễn cảnh đuối nước tại bể bơi của khách sạn. Đó là một bể bơi trong nhà, khá nông. Anh chàng này vẫn mặc nguyên áo phông và quần jean trên người, chân còn chưa buồn tháo giày. Cả thân người của anh gần như chìm xuống dưới nước, chỉ còn cái đầu vẫn nổi lên mặt nước nhờ một chiếc áo phao tự chế. Một ánh đèn flash bất ngờ rọi sáng khung cảnh.
Tên người đàn ông là Bayard Richard, khi ấy mới 31 tuổi. Anh làm việc trong phòng quảng cáo của tạp chí Popular Mechanics, với công việc là nghĩ ra ý tưởng thú vị để các công ty tìm tới mua quảng cáo trên tạp chí. Đó là công việc tuyệt vời và anh kiếm được khoảng 5.000 USD một năm.
Nếu Richard đồng ý tham gia chụp ảnh minh họa cho tạp chí, như điều đang làm tại khách sạn Sheraton, anh có thể bỏ túi thêm một khoản tiền kha khá nữa. Lần ấy, Richard thử các loại thiết bị cứu sinh tự chế khi người ta lâm vào tình huống khẩn cấp trên biển. Sau buổi chụp hình kéo dài 2 giờ, Richard mặc quần áo ấm, nhận tiền bồi dưỡng rồi lên tàu về nhà.
Richard không xem các bức ảnh chụp mình và những bài viết đi kèm, bao gồm một bài hướng dẫn cách làm xuồng và thiết bị cứu sinh, được đăng trong số tạp chí phát hành vào tháng 3.1962, dưới tiêu đề “Các thiết bị giúp bảo toàn mạng sống của bạn - Bạn sẽ hành động như thế nào khi cần đến chúng?”.
Anh không nhận thấy rằng các biên tập viên của tạp chí đã ghi sai tên mình ở phần tên người mẫu. Dĩ nhiên anh không thể biết rằng cuốn tạp chí sẽ được chuyển tới Alcatraz, nơi được mệnh danh là nhà tù an ninh cao nhất Mỹ, nơi người ta không thể trốn thoát.
Nguyên nhân do Alcatraz là một hòn đảo nằm trong Vịnh San Francisco, bất kỳ ai vượt qua được hàng rào an ninh dày đặc của nhà tù sẽ phải bơi 2km trên biển để vào bờ. Nhưng bơi qua biển là một ý tưởng tồi - do biển rất lạnh nên những kẻ vượt ngục có thể mất mạng sau 20 phút, nếu họ không sử dụng đồ bảo hộ thân thể tốt.
Sau khi xuất bản, một ấn bản duy nhất của tờ tạp chí tháng 3 đã được chuyển tới Alcatraz. Tại đây, theo quy trình an ninh, tờ tạp chí phải trải qua quá trình kiểm duyệt của nhà tù và bất kỳ nội dung nào có thể giúp tù nhân tẩu thoát đều bị cắt bỏ.
Điều gây kinh ngạc là câu chuyện về chiếc áo phao và các thiết bị cứu sinh trên biển, với những bức ảnh minh họa của Richard, lại không bị cắt bỏ và tạp chí này đã tới thư viện của nhà tù trong tình trạng nguyên vẹn. Ở đó, tờ tạp chí đã rơi vào tay Frank Morris.
Cần phải nói riêng một chút về Morris, một tay anh chị rất đặc biệt. Từ thời ấu thơ cho tới khi bước vào tuổi teen, Morris đã lang bạt từ trại trẻ mồ côi này tới trại trẻ khác. Gã phạm tội lần đầu khi mới chỉ 13 tuổi. Khi bước vào tuổi 18 - 19, hồ sơ phạm tội của Morris đã bao gồm một danh sách rất dài, từ tàng trữ trái phép chất ma túy cho tới cướp có vũ trang. Gã trở thành kẻ có “hộ khẩu thường trú” trong các nhà tù Mỹ, bắt đầu bằng một số trại cải tạo trẻ hư, trước khi “nâng cấp” lên các nhà tù có quy mô lớn hơn.
Morris được các quản giáo nhận xét là kẻ sở hữu trí tuệ hơn người, với chỉ số IQ nằm trong top 2 những người thông minh nhất Mỹ khi ấy. Tuy nhiên Morris không dùng năng lực đặc biệt đó vào những việc có ích mà dùng nó để vượt ngục - hành động khiến gã đã nhận một vé ra Alcatraz. Ngày 18.1.1960, Morris đặt chân tới đây và trở thành tù nhân mang mã AZ-1441.
Giống mọi cư dân khác ở Alcatraz, Frank Morris có khoảng 4 giờ rảnh để làm việc riêng trước khi lên giường đi ngủ. Đó có thể là quãng thời gian gã đã xem hết tờ tạp chí. Sau khi đọc xong, gã hẳn đã nằm gác chân lên nhà vệ sinh, vừa nghe tiếng chim hải âu vẳng tới từ phía Vịnh San Francisco, vừa tưởng tượng bản thân đang tự do như chim, có thể thoải mái đi uống rượu cùng vài cô em xinh đẹp hoặc lái xe chuồn qua Mexico.
Ý tưởng làm xuồng tự chế trong bài báo in trên tờ Popular Mechanics gắn chặt trong đầu Morris và gã đã nghĩ tới việc đào tẩu bằng phương tiện này. Gã chia sẻ ý tưởng với anh em John và Clarence Anglin - những kẻ đang thụ án vì tội cướp ngân hàng mà gã quen từ hồi còn đang ở nhà tù Atlanta. Do thực hiện nhiều âm mưu vượt ngục, cả hai anh em nhà Anglin đã được đưa tới Alcatraz, với John mang mã AZ1476 còn Clarence mang mã AZ1485. Một tù nhân khác ở Alcatraz là Allen West, kẻ bị giam trong căn buồng ngay cạnh bộ ba, cũng được đề nghị tham gia kế hoạch.
Một kế hoạch đào tẩu tinh vi
Cả bọn đã bàn bạc lên một kế hoạch vượt ngục cực kỳ tinh vi, bao gồm việc tạo các lối chui ra khỏi buồng giam và lên nóc tòa nhà đặt các buồng giam, làm hình nộm để đánh lừa quản giáo kiểm tra sĩ số vào ban đêm, chế xuồng cứu sinh và thiết bị hỗ trợ để đi từ Alcatraz tới đảo Angle gần đó.
Ba tù nhân đã thực hiện cuộc vượt ngục lừng danh, từ trái qua là Clarence Anglin, John Anglin và Frank Morris.
Phần khó khăn nhất dĩ nhiên là chế xuồng cứu sinh. Với kiến thức thu được từ tờ Popular Mechanics, những gì mà Morris cần là những chiếc áo mưa và rất nhiều keo dán. Khi ấy có một niềm tin chung tồn tại ở Alcatraz là nếu ai đó trốn thoát thành công khỏi nhà tù khét tiếng này, chính quyền sẽ cho nó ngừng hoạt động. Vì thế khi Morris nêu ý định vượt ngục, các tù nhân đã hưởng ứng nhiệt tình và giúp gã bằng cách quyên góp áo mưa.
Thường thì tù nhân sẽ mặc áo mưa mỗi khi có thể rồi đi ra ngoài khu vực sân chung của nhà tù và “đánh rơi” chúng ở đó để nhóm của Morris nhặt, đưa về xưởng chế tạo bí mật. Tổng cộng Morris, anh em nhà Anglin và West đã thu được tới 50 chiếc áo mưa theo cách này.
Cả nhóm cũng dùng nhiều loại công cụ tự chế khác nhau để xuyên thủng tường buồng giam. Nhóm nhắm tới việc gỡ lưới chắn ống thông gió nằm trong từng buồng giam. Tính tới tháng 5.1962, Morris và anh em nhà Anglin đều đã gỡ xong lưới chắn ở các lỗ thông gió có kích cỡ 12x18cm và dễ dàng chui ra ngoài. Từ đây chúng bắt đầu tìm cách thâm nhập vào ống thông hơi nằm trên nóc các buồng giam.
Lá thư được cho là do John Anglin gửi tới FBI.
Cả bọn chia làm nhiều ca làm, bắt đầu từ 5h30 chiều và kéo dài tới 9h đêm, ngay trước giờ điểm danh để tắt đèn. Trong nhóm luôn có một người đóng vai trò cảnh giới, khi những kẻ khác làm việc. Cùng thời điểm, John và Clarence bắt đầu làm những cái đầu hình nộm và thậm chí còn đặt cho chúng biệt danh là “Oink” và “Oscar”.
Những cái đầu này sử dụng vật liệu rất thô, gồm bột xi măng, xà phòng, giấy vệ sinh... nhưng cho ra sản phẩm khá giống thật. Chúng được trang trí bằng sơn có màu da giống người, lấy từ bộ đồ sáng tác nghệ thuật dành cho tù nhân, và tóc người thật từ tiệm cắt tóc của nhà tù.
Sử dụng kéo và keo dán đánh cắp từ cửa hàng sản xuất găng tay của nhà tù, các tù nhân đã cắt áo mưa ra thành nhiều miếng rồi vá chúng với nhau, tạo thành một chiếc xuồng tự chế cùng nhiều áo phao cứu hộ. Mỗi buổi tối sau khi làm xong bất kỳ sản phẩm nào, một người sẽ chui ra ngoài và giấu lên nóc buồng giam, để giảm thiểu khả năng bị quản giáo phát hiện.
Quá trình vượt ngục, cả bọn đã thể hiện sự sáng tạo không ngờ. Đơn cử như việc chế các công cụ khác nhau để đào tường khoét vách, West đã đánh cắp một chiếc tông đơ hớt tóc khi đang làm công việc vẽ trang trí cửa hàng cắt tóc. Sau đó gã dùng chiếc tông đơ này và đầu mũi khoan đánh cắp được từ kho chứa công cụ của nhà tù để tạo ra một chiếc khoan máy tự chế. Tuy nhiên do động cơ của chiếc tông đơ quá yếu, nhóm phải tìm thiết bị có động cơ lớn hơn.
Lỗ thông gió trong buồng giam đã bị các tù nhân chọc thủng.
Nhờ một sự may mắn tình cờ, West biết tin chiếc máy hút bụi của nhà tù bị hỏng. Gã được phép sửa chiếc máy và qua kiểm tra đã phát hiện nó có hai động cơ. Gã cẩn thận gỡ lấy một động cơ và khiến chiếc còn lại hoạt động bình thường, qua đó che mắt các quản giáo.
Chiếc máy khoan mới dùng động cơ máy hút bụi mạnh hơn, nhưng cũng ồn ào hơn. Cả bọn định dùng nó để khoan lưới chắn ống bị thông khí nối lên nóc nhà tù, nhưng đã từ bỏ ý định khi thấy chiếc máy không hiệu quả như mong đợi.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, các tù nhân cuối cùng đã có gần như đủ thứ họ cần để phục vụ cuộc vượt ngục. John Anglin cẩn thận làm cái van cho chiếc xuồng tự chế có chiều rộng 1m8 x 3m trong khi Morris chế một chiếc kèn kiểu accordion để thành một thiết bị giúp bơm hơi nhanh cho chiếc xuồng.
Tuy nhiên trong khi ba kẻ tham gia vượt ngục đang có tiến triển tốt, West lại tụt hậu phía sau trong việc đục thủng ống thông khí nằm ở sau buồng giam của gã. Vai trò chủ đạo của West là chế tạo những chiếc áo cứu sinh và các mái chèo gỗ đặc biệt cho chiếc xuồng. Những nhiệm vụ này không yêu cầu gã phải rời khỏi buồng giam. Đó là lý do khiến West không ưu tiên việc tháo lưới thông khí trong buồng giam.
Hình nộm do các tù nhân chế tạo để đánh lừa quản giáo.
Vẫn nằm trong bức màn bí ẩn
Trong đêm 11.6.1962, Morris quyết định rằng lưới chắn ống thông gió đã đủ lỏng và thời điểm đã chín muồi để cả bọn đào tẩu. Vào lúc 9h30 đêm đó, ngay sau khi toàn bộ đèn trong khu nhà giam đã tắt, Morris trèo ra ngoài buồng giam, đưa các hình nộm vào trong và sắp xếp để giống như tất cả đang ngủ.
Clarence Anglin cố giúp West ra khỏi buồng giam bằng cách đá vào lưới thông khí từ bên ngoài, nhưng không ăn thua. Cả bọn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ West lại. Bộ ba nhanh chóng leo trong ống thông khí lên độ cao 10 mét để tới trần nhà tù. Tiếp đó tất cả thận trọng di chuyển 30m trên mái nhà và tụt 25 mét xuống dưới theo đường ống thoát nước. Từ đây cả ba tiến ra bãi biển, bơm xuồng ra khơi và biến mất. Không ai từng nghe thấy tin tức nào về họ nữa.
Trong các cuộc thẩm vấn sau này, West nói rằng nhóm đã có kế hoạch dùng xuồng tự chế tới đảo Angle. Sau khi nghỉ ngơi, cả bọn sẽ vào Vịnh San Francisco nằm ở bên kia của hòn đảo và bơi qua Eo Raccoon. Chúng sẽ ăn trộm một chiếc xe, đánh cắp một cửa hàng quần áo, sau đó chia tay nhau đi về các hướng khác nhau. West khai rằng khi gã hoàn tất việc tháo lưới thông khí và leo lên nóc nhà tù ra bãi biển, cả ba bạn tù đã biến mất. Do không có xuồng hoặc phương tiện để trốn thoát, gã buộc phải trở lại buồng giam.
Nhiều thập kỷ sau sự kiện, người Mỹ vẫn băn khoăn về kết cục của ba tù nhân. Do không tìm thấy bất kỳ thi thể nào, có một niềm tin tồn tại rằng vụ vượt ngục đã thành công. Tuy nhiên nhà chức trách không nghiêng về hướng giả thuyết này, dựa vào nhiều bằng chứng thu được.
Cụ thể, 10 ngày sau vụ vượt ngục, chiếc xuồng tự chế được tìm thấy ở đảo Angle. Tuy nhiên dân ở trên đảo không phát hiện thấy có bất kỳ vụ trộm cắp nào xảy ra. Một số đồ dùng của các tù nhân cũng được tìm thấy đang trôi lập lờ trong Vịnh San Francisco. Trong đó có một chiếc phao cứu sinh tự chế, với dấu răng hằn lên trên phần van. Điều này đã đặt ra khả năng chiếc xuồng bị hỏng giữa hành trình và các tù nhân phải dùng phao cứu sinh để bơi vào bờ. Nhưng do nước biển quá lạnh hoặc những chiếc phao này cũng bị hỏng nên tất cả đều đã chết đuối.
Trên thực tế, việc ai đó biến mất ở Vịnh San Francisco là chuyện quá đỗi bình thường. Ngay trong đêm diễn ra vụ vượt ngục chấn động, một quý ông người Mỹ gốc Phi có tên Seymour Webb, do thất tình nên đã chạy xe lên cầu Cánh cổng vàng ở San Francisco và nhảy xuống dưới tự sát. Dù lực lượng Tuần duyên Mỹ tới hiện trường rất nhanh, thi thể anh ta đã không bao giờ được tìm thấy.
Ngoài ra, trong ngày 17.6.1962, tàu SS Norefjell chở hàng của Na Uy đã phát hiện một thi thể trôi lập lờ cách cầu Cánh cổng vàng 30km. Do bận di chuyển tới Canada, thủy thủ đoàn đã không báo cáo lại sự kiện cho tới tận tháng 10 cùng năm. Theo lời các thủy thủ, thi thể đang mặc quần áo sọc kiểu giống đồng phục của tù nhân.
Sau nhiều thập kỷ điều tra, FBI kết luận rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ đào tẩu đã thất bại thay vì thành công. Sau rốt thì không có bằng chứng nào ủng hộ khả năng các tù nhân đã gặp được một kết cục tích cực. Tuy nhiên cuối tháng 1.2018, báo chí Mỹ loan tin FBI đã mở lại cuộc điều tra vào vụ vượt ngục, sau khi nhận được lá thư từ một người tự xưng John Anglin gửi tới.
Lá thư viết tay ghi rõ: “Tên tôi là John Anglin. Tôi trốn thoát khỏi Alcatraz vào tháng 6.1962 cùng anh trai Clarence và Frank Morris. Tôi đã 83 tuổi và đang trong tình trạng sức khỏe yếu. Vâng, chúng tôi đã vượt ngục thành công trong đêm đó, nhưng suýt chút nữa đã gặp họa.
Frank Morris qua đời vòa tháng 10.2005. Mộ của ông ấy giờ nằm tại Alexandria dưới một cái tên khác. Anh tôi thì qua đời hồi năm 2011. Nếu các vị tuyên bố công khai trên TV rằng tôi sẽ chỉ phải đi tù không quá một năm và được chăm sóc y tế, tôi sẽ viết thư lại cho các vị biết địa chỉ chính xác của mình. Đây không phải là một trò đùa. Những gì tôi nói trong thư là thật”.
John cũng cho biết trong thư rằng ông ta từng sống ở Bắc Dakota từ năm 1990 tới 2005, nhưng vì nơi này quá lạnh nên đã dọn tới Nam California. Theo FBI, lá thư được gửi tới Sở cảnh sát San Francisco vào năm 2013. Việc John quan ngại tới sức khỏe của ông ta có nghĩa nhiều khả năng ông ta đã chết vào thời điểm này. Tuy nhiên tính chất nghiêm túc của lá thư khiến cơ quan điều tra Mỹ phải mở lại vụ việc, đồng thời cũng khơi dậy mối quan tâm của công chúng tới một cuộc vượt ngục vô cùng đặc biệt, với kết cục vẫn chìm trong bức màn bí ẩn.
Cuộc vượt ngục khỏi nhà tù kiên cố nhất hành tinh năm 1962
Frank Morris, Clarence và John Anglin là ba tù nhân thực hiện vụ đào thoát thành công duy nhất khỏi nhà tù kiên cố nhất ... |
Tù nhân Mỹ đục thủng tường biệt giam để vượt ngục
Một tù nhân Mỹ vượt ngục thành công sau khi đục thủng hai bức tường của phòng biệt giam ở nhà tù bang Georgia. |
Ngày đăng: 15:30 | 22/02/2018
/ http://danviet.vn