Anh họ tôi, một sỹ quan quân đội, phải hủy hôn vì cuốn sổ hộ khẩu Hà Nội. 

Anh họ tôi, một sỹ quan quân đội, phải hủy hôn vì cuốn sổ hộ khẩu Hà Nội.

Tuy là người Hà Nội gốc nhưng sổ hộ khẩu của gia đình không có tên anh ấy. Anh đăng ký theo hộ khẩu tập thể của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, đóng quân ở địa phận tỉnh Hà Tây cũ.

Năm 2007, bác tôi mai mối cho anh một cô gái. Cô quê Thái Bình, lên Hà Nội học cao đẳng và ở lại. Không có hộ khẩu, không có nhà, cô làm vật vờ ở một công ty tư nhân, lương èo uột. Cô khá xinh, giao tiếp dễ chịu, trẻ và quan trọng hơn là cô ấy gần như thích anh tôi ngay từ lần gặp đầu tiên.

Hai bác tôi mừng lắm, điệu nhau về tận quê cô ấy. Tiếng là thăm gia đình ông bà thông gia tương lai nhưng thực ra để tìm hiểu xem nếp nhà ra sao. Hai bác tôi làm nghề giáo, suốt ngày lẩy Kiều làm "kim chỉ nam" dạy cách tìm vợ cho các anh tôi, rằng "trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông". Ở Thái Bình về, hai bác phấn khởi lắm "vì làng xóm ai ai cũng khen gia đình cô dâu tương lai". Đám cưới được chuẩn bị gần như ngay lập tức. Bác gái tôi tự tay đi đặt lễ, cau phải loại một, trà sen phải hảo hạng. Cỗ cưới do đích thân hai bác chọn món, địa điểm, anh chị tôi chỉ có mỗi việc chụp ảnh cưới.

Mọi thứ như thể đã được lập trình, chỉ chờ đến giờ vàng, ấn nút là chạy. Nhưng, buổi sáng cách "giờ vàng" chừng nửa tháng, bác nghe tin sét đánh: anh tôi thông báo huỷ hôn. Bác giận tím mặt. Nhưng vẫn đủ bình tĩnh để nghe anh kể. "Cô ấy gọi cho con, hỏi về hộ khẩu. Con nói là ở đơn vị. Cô ấy thảng thốt: Thế không phải Hà Nội ư?". Anh tôi thực thà: " Ừ, Hà Tây". Người yêu anh buông máy. Và không hiểu bằng sự thôi thúc nào, bất chấp đêm tối, cô phi xe vượt hơn 25 km xuống đơn vị. Cô khóc nức nở, còn anh tôi thì ngỡ ngàng.

Mọi chuyện đáng ra không quá tệ nếu như hai hôm sau, anh không nhận thêm cú điện thoại nữa. Vẫn là vợ chưa cưới, nhưng lần này cô không khóc mà cười. Cô báo tin rằng "cha em đã tìm ra phương cách". Ông sẽ cho vay một ít tiền để "anh lấy mà chạy hộ khẩu về nhà".

Anh tôi bàng hoàng. Và lần này, đến lượt anh. Trong đêm tối, anh phi như bay cũng hơn 20 km từ đơn vị về nội thành, nơi cô ấy trọ. Trên đường đi, nỗi cay đắng không hề nhẹ bám riết lấy anh. Anh nghĩ từng từ để nói với cô ấy, rằng "thì ra em lấy anh chỉ vì cái hộ khẩu thôi ư?"

Nhưng khi tới nơi, thấy gương mặt rạng rỡ của cô dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn tiết kiệm điện trong phòng trọ chật và ẩm, anh bỗng khựng lại, không nỡ nói những lời đắng cay đã định. "Chúng ta phải dừng lại thôi, vì anh không làm được điều em muốn", anh cuối cùng phải buông thật nhanh và quay đầu lao ngay ra cửa. Trời tháng Ba mù mịt mưa.

Giờ thì anh tôi đã yên bề với gia đình nhỏ ở gần đơn vị. Hà Tây một năm sau cái đêm cô "đòi hộ khẩu Hà Nội" đã trở thành Hà Nội thực sự bởi một quyết định của Chính phủ.

Tôi nhớ lại chuyện bi hài của anh khi tuần này, trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được đem ra bàn thảo. Dự luật đề xuất bãi bỏ "các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại năm thành phố trực thuộc Trung ương" của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô.

Theo Bộ Công an, rà soát bước đầu cho thấy Hà Nội hiện có khoảng 56 ngàn người chưa đăng ký thường trú, tạm trú. Vì thế, việc bỏ các quy định riêng trong hai luật trên đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình triệt để hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đánh giá đúng thực trạng dân cư và thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Trong Luật Cư trú hiện hành, công dân muốn đăng ký thường trú tại năm thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú một năm trở lên (tại huyện, thị xã) và hai năm trở lên (tại quận). Riêng Hà Nội, thời gian liên tục tạm trú phải là ba năm. Những "điều kiện riêng" đó khiến việc đăng ký hộ khẩu thường trú ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội trở nên khó khăn nhất cả nước. Thiếu hộ khẩu, nhiều cư dân đô thị không được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục đang gắn với quyền lợi của người có đăng ký thường trú.

"Việc đặt ra chế độ riêng biệt ít nhiều tạo ra tâm lý kỳ thị trong một bộ phận người dân", đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhận xét. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM khẳng định rằng, bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố lớn chính là cơ hội công bằng cho người lao động. Không thể hạn chế người tập trung ở các thành phố lớn bằng biện pháp hành chính. Các quy định riêng mang tính hạn chế này (thủ tục nhập hộ khẩu) trên thực tế không hiệu quả, làm khó cho dân, thậm chí phát sinh tiêu cực, đại biểu Trần Hồng Hà nhận xét.

Tôi hy vọng số đông đại biểu Quốc hội sẽ xác quyết rằng, việc dỡ bỏ các "điều kiện riêng" không cần thiết gắn với cuốn sổ đã "đi vào huyền thoại" là điều không cần bàn cãi bởi đó là nhu cầu rất chính đáng của các cử tri. Cộng thêm các cải cách khác, ví dụ có thể là sổ hộ khẩu số trong tương lai chẳng hạn, "mất sổ hộ khẩu" sẽ không còn là một tai nạn nghiêm trọng với người Việt Nam.

Cô gái Thái Bình suýt trở thành chị dâu tôi, suy cho cùng, cũng là một trong các nạn nhân của tâm lý kỳ thị và sự thiếu công bằng mà các vị đại biểu dân cử đã chỉ ra. Một thiếu nữ mới đôi mươi dám đánh đổi cả cuộc đời bằng cuộc hôn nhân chớp nhoáng để được điền tên mình vào cuốn sổ hộ khẩu Hà Nội. Một người cha đã đạp lên lòng tự trọng, bày cho con gái phương kế để trở thành "người Hà Nội" theo nghĩa "nhân khẩu". Mà tôi tin, cô ấy không phải là duy nhất.

Đặng Huyền

Hậu khổ hộ khẩu
Chính phủ đề nghị bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021
Bỏ sổ hộ khẩu dân mừng như bỏ sổ gạo
Đề xuất bỏ hộ khẩu giấy - phù hợp với xã hội hiện đại

Ngày đăng: 14:09 | 10/06/2020

/ vnexpress.net