Ít có chuyện tình nào giống một câu chuyện cổ tích như cuộc tình của Ariana Austin và Joel Makonnen. Cũng phải nói thêm, chú rể thực tế là một hoàng tử và cô dâu cũng có xuất thân từ gia đình dòng dõi.
Anh Makonnen, 35 tuổi, hay Hoàng tử Yoel, là cháu gọi Haile Selassie, hoàng đế cuối cùng của Ethiopia bằng cụ. Còn cô Austin, 33 tuổi, mang dòng máu Mỹ-Phi và Guyana; ông ngoại của cô từng là thị trưởng của Georgetown, thủ đô của Guyana (một quốc gia Nam Mỹ thuộc khối Thịnh vượng chung).
Trên trang web đám cưới, cặp đôi đã mô tả cuộc hôn nhân của họ là “sự hòa hợp của tầng lớp quý tộc Cựu thế giới và sự quyến rũ của Tân thế giới.” Đám cưới của họ đã diễn ra hôm 9/9 năm ngoái, với rất nhiều sự kiện kéo dài từ 11 giờ sáng tới khuya, và được tổ chức tại hai bang ở Mỹ.
Các hoạt động đám cưới bắt đầu bằng một buổi lễ ở nhà thờ Debre GenetMedhane Alem Ethiopian Orthodox Tewahedo Church ở Temple Hills, Maryland. Trong không gian thơm ngát mùi trầm hương, các vị khách mời đã chứng kiến ít nhất 13 giáo sĩ và mục sư cử hành nghi lễ Chính thống giáo Ethiopia cho anh Makonnen và cô Austin, người đã cải đạo trước đó một vài ngày. Vài giờ sau nghi thức này, cặp đôi đã cử hành hôn lễ chính thức tại trung tâm tiệc cưới Foxchase Manor ở Manassas, Virginia với sự tham gia của 307 khách mời, trong không gian lấp lánh ánh kim, những món đồ ăn Ethiopia và những hộp bánh đen Guyana đóng sẵn để tặng cho khách mời.
Phải mất tới hơn 10 năm chuẩn bị, hôn lễ của họ mới được cử hành. Trong gần 12 năm sau lần gặp gỡ đầu tiên trên sàn nhảy ở câu lạc bộ đêm Pearl tại Washington hồi tháng 12/2005, anh Makonnen và cô Austin đã vừa yêu nhau, vừa tập trung xây dựng sự nghiệp. Cuối cùng, đám cưới này trở thành mục tiếp theo trong danh sách những việc phải làm của cặp đôi đầy tham vọng.
“Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều cảm thấy đây là định mệnh,” cô Austin cho hay. “Nhưng tôi cũng cảm thấy mình còn những điều khác phải làm.”
Trong gần 12 năm sau lần gặp gỡ đầu tiên trên sàn nhảy ở câu lạc bộ đêm Pearl tại Washington hồi tháng 12/2005, anh Makonnen và cô Austin đã vừa yêu nhau, vừa tập trung xây dựng sự nghiệp.
Khi mới quen nhau, anh Makonnen không nói cho cô Austin biết về gốc gác hoàng gia của mình, và cô Austin, khi đó mới 21 tuổi, cũng không vội vàng tìm kiếm người chồng tương lai. Khi đó, cô đang ở trong một giai đoạn mà cô trìu mến gọi là “mùa hè bất tận.” Anh Makonnen, lúc đó cũng đang độc thân, đã tiếp cận cô Austin và bạn cô là Jami Ramberan, và nói với hai cô gái rằng họ giống người mẫu quảng cáo rượu.
“Tôi nói, ‘Hai cô trông như người mẫu quảng cáo cho Bombay Sapphire,’ hay một loại rượu nào đó,” anh Makonnen nhớ lại câu bắt chuyện mà giờ không ai trong nhà cô Austin không biết. (Tại đám cưới, ngay cả phù dâu Ramberan cũng đã nhắc lại sự kỳ lạ của đêm đó: “Bạn không thể ngờ rằng bạn sẽ gặp được người mình sẽ kết hôn ở hộp đêm Pearl.”)
Sự chú ý của anh Makonnen nhanh chóng tập trung vào cô Austin: “Chưa đầy năm phút sau, tôi đã tuyên bố với cô ấy rằng, ‘Em sẽ là bạn gái của anh.’”
Linh cảm của anh đã chính xác.
Cô Austin cho biết khi đó cô đã rất ấn tượng với vẻ phong trần của anh Makonnen. Anh sinh ra ở Rome khi cha mẹ anh, Hoàng tử David Makonnen và Công nương Adey Imru Makonnen phải sống lưu vong khỏi Ethiopia. Anh lớn lên ở Thụy Sỹ, và cha anh đã qua đời năm 1989.
“Anh ấy nói về những điều to lớn khi vẫn còn là một chàng trai trẻ,” cô Austin chia sẻ. “Anh ấy nhắc tới cuộc cách mạng. Những trách nhiệm thật nặng nề với một người mới 23 tuổi.”
Ariana Austin và Joel Makonnen đã kết hôn vào ngày 9/9/2017 trong một buổi lễ lộng lẫy ở Temple Hills. (Nguồn: The New York Times) |
Gia đình của anh Makonnen là một phần của triều đại Solomon, triều đại đã chấm dứt sự trị vì vào năm 1974. Năm đó, một cuộc nội chiến tại Ethiopia đã nổ ra sau khi Haile Selassie, hoàng đế thứ 225 của Ethiopia, bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự của Chính phủ Quân sự Lâm thời Ethiopia xã hội chủ nghĩa. Trước khi qua đời một cách bí ẩn vào năm 1975, hoàng đế Selassie đã cai trị một đất nước bị chia rẽ bởi chính di sản của mình. Ông bị phế truất sau nhiều tháng bất ổn chính trị nhắm vào chính quyền của mình, với những lời buộc tội về thói tiêu xài hoang phí và xa rời dân chúng. Cuộc nội chiến kéo dài tới khi một liên minh các nhóm nổi dậy lật đổ chính phủ vào năm 1991.
Mặc dù vậy, hoàng đế Selassie là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa chống thuộc địa châu Phi, một nhà lãnh đạo có tài trong việc bảo đảm nguồn viện trợ từ nước ngoài cho đất nước của mình và thúc đẩy các sáng kiến giáo dục. Ông đã bị buộc phải sống lưu vong khi người Italy xâm lược Ethiopia năm 1936, nhưng sau đó đã hồi hương vào năm 1941 sau khi thuyết phục được người Anh hỗ trợ trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập của quốc gia.
Cô Austin cho biết cô đã rất kinh ngạc trước những câu chuyện về gia đình mới của mình, những hậu duệ của vua Solomon và hoàng hậu Sheba trong Kinh thánh. “Đó là di sản và lịch sử không thể chối cãi,” cô Austin nói. “Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh da màu và truyền thống Kitô giáo cổ đại.”
Với cặp vợ chồng giàu tham vọng, việc gặp gỡ và yêu nhau khi còn trẻ có thể nhanh chóng gây nên những vấn đề về thời gian có khả năng giết chết mối quan hệ của họ. Vì thế, anh Makonnen và cô Austin thường đi vòng quanh thế giới mà không có nhau, mặc dù hai người vẫn luôn giữ liên lạc. Sau khi tốt nghiệp đại học American năm 2006, anh Makonnen đã đi thực tập 6 tháng ở Pháp.
Với cặp vợ chồng giàu tham vọng, việc gặp gỡ và yêu nhau khi còn trẻ có thể nhanh chóng gây nên những vấn đề về thời gian có khả năng giết chết mối quan hệ của họ.
Sau đó, cô Austin cũng tới Paris một năm. Năm 2008, anh Makonnen quay lại Pháp và về Ethiopia, ở đó anh cùng chú mình thành lập Alchemy World, một tổ chức với mục tiêu mang lại các cơ hội kinh doanh và giáo dục cho người trẻ ở Ethiopia.
Khi cô Austin đến đại học Harvard để lấy bằng thạc sỹ giáo dục năm 2012, cặp đôi đã cảm thấy mệt mỏi với việc cứ phải thay nhau đi suốt như vậy. Họ đã không gặp nhau một thời gian trong năm đó. Nhưng sau đó, họ đã quay lại với nhau vào lễ Valentine năm 2014. Anh Makonnen, người sắp được nhận bằng luật của đại học Howard đã mua một chiếc nhẫn kim cương và đến nhà cha mẹ cô Austin, một tay cầm nhẫn, tay kia cầm một chùm bóng bay.
Có lẽ vì hơi hồi hộp, anh đã gõ cửa quá to, khiến cô Austin nghĩ rằng nhà cô đang bị trộm nhòm ngó. Cô đã gọi ngay để giục bố mẹ, lúc đó đang đi dự tiệc tối mau về nhà.
“Con bé nghĩ có ai đang cố đột nhập vào nhà,” ông Bobby Austin, bố của cô Austin chia sẻ. “Hóa ra chỉ là chàng trai tội nghiệp đang tìm cách cầu hôn nó.”
Cô Austin bật cười khi nhớ lại sự việc: “Anh ấy gõ cửa mạnh quá nên tôi không dám trả lời. Rồi anh ấy quay lại, và khi đó tôi mới mở cửa.”
Mãi sau gần một thập kỷ từ khi gặp gỡ, đôi uyên ương mới ở cùng một nơi.
Cặp đôi chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ. (Nguồn: The New York Times) |
“Tôi nghĩ mình đã nói, ‘Hãy đi trên hành trình này cùng nhau,’” anh Makonnen chia sẻ. “Khi tôi cầu hôn, cô ấy nói, “Cũng đến lúc rồi.’”
Họ nói rằng họ còn nợ nhau việc cố gắng và định cư ở một nơi, và cả hai đã quyết định sống cùng nhau ở Washington. Anh Makonnen làm việc tại bộ phận pháp lý của công ty dược Otsuka America Pharmaceutical, còn cô Austin thì hoạt động từ thiện tại Liên minh các nhà quản trị vị các bé trai và nam giới da màu, một bộ phận của tổ chức tư vấn từ thiện Rockefeller.
Cả hai người đều cố gắng sử dụng các kỹ năng của mình để giúp đỡ nhau. Khi cô Austin thành lập Art All Night, một lễ hội nghệ thuật kéo dài cả đêm ở Washington, anh Makonnen đã cho cô nhiều ý tưởng cho dự án này. Và cô cũng muốn giúp anh làm một bộ phim tài liệu về cụ của mình. “Một bộ phim tiểu sử chắc chắn không thể thiếu trong kế hoạch của chúng tôi,” cô Austin chia sẻ.
Bất chấp việc hay phải đi khắp nơi, những người thân thiết với cặp đôi nói rằng họ chưa bao giờ nghi ngờ rằng hai người sẽ không đến được với nhau.
Cô Austin và gia đình đã phải thương lượng để được làm những điều cô mong muốn trong một nghi lễ Chính thống giáo Ethiopia. Cô đã đấu tranh để được bố mình dẫn vào lễ đường, một nghi thức ít thấy trong các nhà thờ kiểu này
“Theo nhiều cách, ngày này như đã được định sẵn vậy,” Sushama Austin-Connor, chị gái của cô Austin phát biểu trong lễ cưới. “Từ khi tôi thấy hai người bên nhau, họ đã luôn có sự kết nối với nhau. Họ đã xây dựng một tình bạn sâu sắc hơn bất kỳ điều gì khác.”
Yaphet Kifle, một phù rể cho biết hai bên gia đình cũng rất nhanh chóng hòa hợp với nhau. “Bạn có thể thấy là họ đều coi trọng những điều giống nhau: sự tôn trọng sâu sắc với gia đình và những người lớn trong nhà, và giá trị của hôn nhân,” anh cho hay.
Cặp đôi cho biết đám cưới của họ chỉ gặp một chút trục trặc nhỏ. Cô Austin và gia đình đã phải thương lượng để được làm những điều cô mong muốn trong một nghi lễ Chính thống giáo Ethiopia. Cô đã đấu tranh để được bố mình dẫn vào lễ đường, một nghi thức ít thấy trong các nhà thờ kiểu này. Và cô đã thành công. Ông Austin đã dẫn con gái bước vào lễ đường, và đuôi chiếc váy ngà Lazaro của cô dâu bay phấp phới sau lưng cô.
“Đó là một sự hòa hợp hạnh phúc,” bà Joy Austin, mẹ của cô Austin chia sẻ. “Chúng tôi, những người của Tân thế giới, cảm thấy Cựu thế giới rất hiểu cho chúng tôi, và chúng tôi cũng vậy với họ.”
Trong lễ cưới, ông Austin, chủ tịch của Neighborhood Associates Corporation, một tổ chức hỗ trợ các lễ đính hôn cộng đồng ở Washington cho biết “có chút mệt mỏi” khi phải tổ chức một bữa tiệc dài ngày có sự tham gia của những thành viên của một trong những gia tộc lâu đời nhất thế giới. Nhưng ông vẫn tỏ ra thoải mái và mắng yêu ba cô con gái, cũng như gửi lời cảm ơn đến các vị khách quý đã có mặt trong bữa tiệc.
Mẹ của anh Makonnen, một quan chức quốc tế của Liên hợp quốc hiện đã nghỉ hưu cũng có mặt tại bữa tiệc. Các vị khách khác bao gồm họ hàng quý tộc của anh Makonnen; Brandon T. Todd, thành viên hội đồng của khu Fourth Ward tại Washington; Eleanor W. Traylor, một học giả của hiệp hội văn học Mỹ-Phi; và J.R. Deep Ford, đại sứ Guyana tại các tổ chức LHQ ở Geneva và chính phủ Thụy Sỹ. Muriel Bowser, thị trưởng thành phố Washington không thể đến dự, nhưng cũng đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất.
“Các ngày thứ Bảy là những ngày hoạt động chủ yếu của các chính trị gia,” ông Todd chia sẻ. “Tôi đã phải dời lịch 5 cuộc hẹn để đến đây. Khi Bobby và Joy mong bạn có mặt, bạn cần có mặt.”
Hôn lễ được hoàn thiện với một bốt chụp ảnh, một bàn đầy kẹo cũng những bài hát nổi tiếng của Bob Marley, Marvin Gaye và Bruno Mars. Sau khi buổi lễ kết thúc, anh Makonnen và cô Austin đã lên kế hoạch thực hiện công việc tiếp theo trong danh sách của họ: dọn về sống cùng nhau ở Washington. Vào ngày cưới, cô Austin vẫn đang sống cùng một người bạn ở Washington, và anh Makonnen thì ở Alexandria, Virginia.
“Nếu đám cưới không mất nhiều thời gian đến vậy, chúng tôi đã dọn về ở chung từ lâu rồi,” anh Makonnen hài hước nói./.
Cặp đôi khiêu vũ cùng nhau trong đám cưới của mình. (Nguồn: The New York Times) |
Hoàng hậu trẻ nhất thế giới, lên ngôi khi mới 21 tuổi
Jetsu Pema nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp và chuyện tình cổ tích với vị vua xứ Bhutan. |
Bà chủ khuyết tật và chuyện tình cổ tích
Một phụ nữ 36 tuổi bị tật nguyền từ bé, nhưng vượt qua bất hạnh, chị đã trở thành bà chủ một chuỗi cửa hàng ... |
Ngày đăng: 15:00 | 18/01/2018
/ Vietnam+