Lale Sokolov là thợ xăm mã số lên các tù nhân tại trại tập trung khét tiếng Auschwitz thời Thế chiến II và ông đã gặp tình yêu của đời mình tại đây.
Ảnh thời trẻ của Lale Sokolov. Ảnh: BBC.
Trong hơn 50 năm, Lale Sokolov sống với một bí mật kinh hoàng từ thời Thế chiến II ở nơi chứng kiến một trong những điều phi nhân đạo nhất. Ông từng là người chuyên xăm mã số cho các tù nhân trong Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã. Tác giả Heather Morris đã dành ba năm để ghi chép câu chuyện của Lale trước khi ông qua đời vào năm 2006, theo BBC.
Thợ xăm
Lale Sokolov có tên khai sinh là Ludwig "Lale" Eisenberg, sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Slovakia vào năm 1916. Tháng 4/1942, khi 26 tuổi, Lale được đưa tới Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của phát xít Đức.
Đức quốc xã gọi anh bằng mã số 32407. Tù nhân số 32407 ban đầu làm việc giống như những người khác, xây dựng các khối nhà ở mới cho trại. Nhưng sau đó, anh bị bệnh thương hàn và được chăm sóc bởi thợ xăm của trại tập trung - một học giả Pháp tên là Pepan. Pepan đã thu nạp Lale làm trợ lý và truyền nghề cho anh.
Rồi một ngày, Pepan biến mất. Lale không biết chuyện gì đã xảy ra với ông. Nhờ thông thạo nhiều ngôn ngữ (tiếng Slovakia, Đức, Nga, Pháp, Hungary và một chút tiếng Ba Lan), Lale đã trở thành thợ xăm chính của trại tử thần, làm việc cho nhánh chính trị của SS, tổ chức vũ trang của Đức quốc xã. Một sĩ quan được chỉ định để theo dõi anh.
Lale sống cách xa cái chết hơn những tù nhân khác. Anh ăn uống trong một tòa nhà hành chính và có khẩu phần nhiều hơn. Lale còn được ngủ trong phòng riêng. Khi xong việc hoặc khi không có tù nhân mới để xăm, Lale có thời gian rảnh.
"Lale không bao giờ coi mình là kẻ đồng lõa với phát xít", Morris nói. "Ông ấy làm vậy để sống sót", Morris nói thêm.
Mặc dù được hưởng một số đặc quyền, Lale cũng luôn bị đe dọa. Bác sĩ khét tiếng của phát xít Josef Mengele nhiều lần nói với Lale: "Một ngày nào đó, thợ xăm à, tôi sẽ lấy mạng anh".
Hình xăm trên tay tù nhân ở Auschwitz. Ảnh: AFP.
Trong hai năm sau đó, Lale đã xăm hình cho hàng nghìn tù nhân, với sự trợ giúp của các trợ lý.
Những hình xăm mã số trên cánh tay đã trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của cuộc thảm sát Holocaust và trại tù chết chóc nhất của phát xít. Chỉ những tù nhân ở Auschwitz và các trại trực thuộc như Birkenau và Monowitz mới bị xăm hình.
Khi các tù nhân đến Auschwitz, họ bị điều đi lao động khổ sai hoặc bị hành quyết ngay lập tức. Họ phải cạo đầu, giao nộp tư trang, sau đó xếp hàng để bị xăm. Chỉ những người bị đưa trực tiếp đến các buồng khí gas hoặc những tù nhân gốc Đức được cho đi cải tạo mới không phải trải qua thủ tục này.
Tiến sĩ Piotr Setkiewicz, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu tại Bảo tàng Auschwitz-Birkenau, nói: "Đó là bước cuối cùng trong quá trình "ghi danh" tàn bạo.
"Đó là một trong những điều làm nhục, bất nhân với tù nhân trong trại", ông bình luận. Trước hết, xăm mình là một công đoạn đau đớn. Thứ hai, tù nhân khi đó mất đi cái tên của mình, họ phải sử dụng những con số.
Chuyện tình bí mật
Tháng 7/1942, Lale được trao một mảnh giấy với 5 chữ số: 3 4 9 0 2. Lale đã dần quen với việc xăm hình cho những người đàn ông, nhưng khi anh nắm lấy cánh tay yếu mềm của một cô gái trẻ, Lale cảm thấy kinh hoàng.
Khi Lale xăm mã số của cô gái lên tay trái, cô cũng xăm mã số của mình trong trái tim anh. Tên cô là Gita Fuhrmannova , ở trong trại tập trung phụ nữ Birkenau.
Lale bí mật gửi thư và gặp Gita bên ngoài khu trại của cô. Anh cố gắng chăm sóc cô, lén mang cho cô đồ ăn và giúp cô được chuyển đến một trạm làm việc tốt hơn.
Năm 1945, Đức quốc xã bắt đầu đưa các tù nhân ra khỏi trại trước khi quân Liên Xô đến. Gita là một trong những phụ nữ được chọn để rời Auschwitz.
Lale không biết nơi cô đến. Anh sau đó cũng rời khỏi trại và trở về quê hương Krompachy ở Tiệp Khắc. Lale đã trộm đồ trang sức từ Đức quốc xã để chi trả cuộc sống. Chị gái của anh vẫn sống sót và ngôi nhà thời thơ ấu của Lale vẫn còn.
Điều duy nhất Lale cần là tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với Gita. Lên một chiếc xe ngựa, anh tới Bratislava, điểm đến của nhiều người sống sót quay về quê nhà Tiệp Khắc. Lale đợi ở ga xe lửa hàng tuần, cho đến khi người quản lý nhà ga khuyên anh đến khu của hội Chữ thập đỏ.
Trên đường đến đó, một cô gái trẻ bước xuống đường trước xe ngựa của anh. Đó là một khuôn mặt quen thuộc, một đôi mắt sáng, không ai khác ngoài Gita.
Hình ảnh thời trẻ của Lale và Gita. Ảnh: BBC.
Hai người kết hôn tháng 10/1945, đổi họ thành Sokolov và sống ở Tiệp Khắc. Họ sau đó đến Vienna, Paris và cuối cùng định cư tại Sydney. Lale mở cửa hàng kinh doanh vải, Gita thiết kế trang phục. Năm 1961, họ có một con trai tên là Gary. Bà Gita qua đời vào năm 2003, ông Lale ra đi ba năm sau đó.
Chỉ những người bạn thân biết chuyện tình của họ và họ luôn trầm trồ khi nhắc đến điều đó. "Tôi đã gặp vài người bạn của Lale, vừa gặp tôi họ đã hỏi: "Anh biết ông ấy và Gita đã gặp nhau ở trại Auschwitz chưa? Sao tình yêu lại có thể nảy nở trong trại tập trung được nhỉ?", Morris kể.
Trận tử thủ của 800 lính Ba Lan trước 42.000 quân Đức năm 1939
Một đơn vị 800 lính Ba Lan đã cầm chân quân đoàn thiện chiến đông gấp 52 lần của phát xít Đức suốt ba ngày. |
Bí mật về những đứa trẻ của Himmler
Với mục tiêu tuyên truyền cho thuyết chủng tộc thượng đẳng, năm 1935 phát xít Đức đã thiết lập một chương trình đặc biệt mở ... |
Những lần bị ám sát hụt của trùm phát xít Đức Hitler
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler từng sống sót qua vô số vụ ám sát với nhiều hình thức khác nhau, cho đến khi tự ... |
Ngày đăng: 20:55 | 09/01/2018
/ vnexpress.net