Hồ Gươm xưa là đầm nước lớn bị cát bồi lấp. Vì nước có màu xanh lục nên dân chúng gọi là Lục Thủy. Phía Bắc giáp với thôn Minh Hương (nay là phố Cầu Gỗ), phía Tây ăn tới tận Nhà thờ Lớn, phía Nam kéo dài xuống tận phố Hàng Chuối ngày nay…
Ven hồ Gươm phía Tây nhìn từ tháp Hòa Phong |
Từ Lục Thủy đến hồ Gươm
Thời Lý, bao quanh kinh thành Thăng Long là các con đê thấp nên những năm có lũ lớn, nước sông Hồng, Tô Lịch tràn cả vào khu vực hoàng thành gây úng ngập. Có năm lụt lớn dân chúng phải đi lại bằng thuyền. Đến đầu đời Trần, tình trạng úng ngập vẫn xảy ra nên vua Trần Thái Tông đã cho đắp đê trên các con sông. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 3 (năm 1248), lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập. Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó”.
Con đê bao quanh thành Thăng Long bắt đầu từ Hàng Than qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, xuống Bà Triệu rồi quặt phải theo phố Nguyễn Du ngày nay. Vì thế hồ Lục Thủy nằm ngoài đê. Dấu tích của đê đó vẫn còn, phố Hàng Trống chính là đê và dốc Báo Khánh là triền đê xuống hồ. Đến đời Lê, để mở rộng kinh thành về phía Đông đã cho đắp đê mới. Con đê đó tương ứng với phố Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ ngày nay nên hồ Lục Thủy lại nằm trong đê. Sau này lại đắp đê mới nên hồ ngày càng xa đê.
Thời Lê trung hưng (1533-1789), vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền hành nằm trong tay các chúa. Năm 1599, chúa Trịnh Tùng cho xây Vương Phủ ở phía Nam kinh thành, và trong nhiều năm tiếp theo Vương Phủ liên tục được mở rộng (tương ứng với đoạn đầu phố Tràng Thi, đầu phố Quang Trung, khúc giữa Lý Thường Kiệt và đoạn đầu phố Bà Triệu hiện nay). Cùng với xây Vương Phủ, các chúa đã lấp phía đông Hồ Lục Thủy để xây lầu Ngũ Long (tương ứng với khu vực Bưu Điện Hà Nội ngày nay). Để có đường cưỡi voi sang lầu Ngũ Long, nhà chúa cho ngăn hồ Lục Thủy làm hai, nửa trên gọi Tả Vọng (nay là hồ Gươm), nửa dưới gọi là Hữu Vọng (còn gọi là hồ Thủy Quân). Hồ Hữu Vọng theo thời gian đã bị lấp dần.
Đền Ngọc Sơn và tháp Rùa
Để có chỗ chơi trên hồ, chúa Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thụy ở phía bắc Tả Vọng (nay là đền Ngọc Sơn). Trên bờ gần cung sai đắp hai hòn núi giả gọi là Đào Tái và Ngọc Bội, trên đảo nhỏ ở phía nam (tháp Rùa ngày nay) thì cho xây Tả Vọng đình lấy chỗ vui chơi, câu cá. Vào những ngày đẹp trời, đoàn thuyền của nhà chúa dạo quanh Tả Vọng, theo sau là thuyền của các quan và gia nhân, sau dạo thuyền nhà chúa lên Tả Vọng Đình buông cần câu cá, có khi tiệc tùng đến khuya, tiếng đàn làm rộn ràng cả góc hồ, dân chúng quanh hồ đổ ra xem.
Năm 1786, vua Lê Hiển Tông băng hà truyền ngôi cho cháu là Lê Duy Khiêm (tức Lê Chiêu Thống) và chỉ hai năm sau khi lên ngôi, Lê Chiêu Thống đã ra lệnh phá hết đền đài nhà chúa. Cung Khánh Thụy tan tành chỉ còn là đảo hoang, phủ chúa bị quân Thanh phóng hỏa đốt. Khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi năm 1802 sau đó chuyển kinh đô vào Huế thì Thăng Long bị hạ cấp xuống Trấn, đến đời vua Minh Mạng bị hạ tiếp xuống thành tỉnh Hà Nội và Tả Vọng bị lãng quên. Dân các làng quanh hồ là Yên Trường, Vũ Thạch, Yên Trung, Tự Tháp, Phúc Tô, Báo Khánh... ào xuống sát hồ chiếm đất làm nhà. Trên cung Khánh Thụy có một người đã xây một ngôi chùa nhỏ. Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Siêu cho cải tạo ngôi chùa trên đảo Ngọc Sơn.
Còn ở gò Rùa, theo tín ngưỡng là đất “vạn đại công khanh”, nhà nào để được hài cốt vào đó thì con cháu muôn đời làm quan. Chính vì thế, ông Nguyễn Hữu Kim (thường gọi là Bá Kim, 1832 - 1901), khi đó là hào mục của thôn Cựu Lâu (nay là khu vực phố Hàng Khay, Hai Bà Trưng và đầu phố Bà Triệu) đã “lo lót” Kinh lược sứ và cả viên quan Pháp chỉ huy đội quân đóng ở Đồn Thủy để xây tháp làm “hậu chẩm” cho chùa Bái Ân. Tháp Rùa được xây vào khoảng năm 1877. Tuy nhiên cho đến nay chuyện ông Nguyễn Kim xây tháp Rùa cần phải tìm hiểu thêm vì còn nhiều nghi vấn.
Truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy ở hồ Tả Vọng ra đời từ khi nào thì không thể xác định. Và cũng rất khó để biết dân chúng gọi Tả Vọng là hồ Hoàn Kiếm từ bao giờ nhưng cái tên này xuất hiện trên “Hoài Đức phủ toàn đồ” vẽ năm 1831. Sau này các bản đồ do người Pháp vẽ cũng chú thích là hồ Hoàn Kiếm
Quán nước bên hồ. Dãy quán này nằm trên nền của Nhà hàng Thủy Tạ ngày nay |
Chơi Giao thừa quanh hồ có từ bao giờ?
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương nhưng vĩ tuyến 17 đã chia cắt hai miền. Miền Bắc sống trong hòa bình nhưng Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam. Trong khi nhiều người miền Bắc di cư vào Nam thì cũng rất nhiều cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc.
Năm 1960, Ủy ban Thống nhất Trung ương thành lập câu lạc bộ Thống Nhất ở 16 phố Lê Thái Tổ và câu lạc bộ này trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tìm kiếm đồng hương của người Nam tập kết. Địa chỉ 16 Lê Thái Tổ cũng chính là nơi bà con liên hoan, đón Giao thừa nghe Bác Hồ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đón Giao thừa xong, những người chưa lập gia đình đi chơi quanh hồ Gươm như để kìm nén nỗi nhớ xa quê, xa người thân. Chung vui đồng thời cũng chia sẻ với bà con miền Nam, nhiều người Hà Nội nhất là thanh niên cũng ra hồ Gươm chơi qua Giao thừa. Khi đất nước thống nhất, nhiều người con miền Nam tập kết trở về quê hương nhưng thú chơi Giao thừa quanh hồ Gươm vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay thành nét văn hóa. Không chỉ nam thanh, nữ tú mà còn có rất nhiều người cao tuổi cùng con cháu họ ra đây xem bắn pháo hoa, hái lộc, thụ khí thiêng đất trời chốn huyền thoại trong thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới.
Thập niên 70 thế kỷ XX, ngày Quốc khánh 2-9 không bao giờ thiếu môn lướt ván. Một chiếc ca nô chạy với tốc độ cao kéo vận động viên từ phía nam lên phía bắc hồ, khi lướt vòng quanh tháp Rùa, người điều khiển ca nô phải cua rất rộng nếu không vận động viên sẽ bay lên... đỉnh tháp. Ngoài lướt ván, người ta cũng tổ chức cả đua thuyền. Cuối tháng 12-1972, Mỹ rải thảm bom B52 ở Hà Nội nhưng rồi phải ngồi vào bàn ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Ngày ký hiệp định cũng là ngày cận Tết và Giao thừa năm đó thực sự nhộn nhịp vui tươi. Dân đổ ra Bờ Hồ xem bắn pháo hoa, chính quyền thành phố cho đặt ba chiếc vô tuyến để dân xem. Mùi thơm thuốc pháo ra không khí Tết và đặc biệt các công nhân Cuba đang giúp Việt Nam làm đường 21 về Hà Nội ăn Tết nắm tay nhảy quanh hồ đến gần sáng. Những tiếng hô hòa bình, chiến thắng quyện với mùi thuốc pháo càng làm tăng không khí ngày xuân. Có lẽ cho đến bây giờ, Giao thừa năm 1973 vẫn là đêm Giao thừa không thể quên với lớp người có tuổi.
Và cho đến nay, khu vực Bờ Hồ thấm đẫm truyền thuyết và văn hóa ngàn năm luôn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn nhỏ của Hà Nội và các sự kiện mang tầm cỡ quốc gia. Không chỉ với người đi xa, ngay cả những người đang sống ở Hà Nội, Bờ Hồ là luôn là địa chỉ muốn đến và cần phải đến hàng ngày.
Thủ tướng Nhật Bản Suga đi dạo Hồ Gươm, vẫy tay chào người dân Hà Nội
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đi dạo quanh bờ Hồ sáng sớm 20/10 nay và vẫy tay chào những người dân Hà Nội đang ... |
Xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm
Việc xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm được yêu cầu phải có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, phù hợp với thủ ... |
Ngày đăng: 13:24 | 09/11/2020
/ anninhthudo.vn