Từ ASIAD Hàng Châu đến Olympic Paris, sau mỗi giải đấu không như ý của thể thao Việt Nam, câu chuyện huy động các nguồn lực xã hội hóa lại được đặt ra. Nhưng trên thực tế, nguồn tiền này giống như một dòng nước và hiếm khi nào chảy vào những môn thể thao thành tích cao.

Bóng đá và phần còn lại

Một VĐV thể thao thành tích cao, đã tham dự Olympic có lần chia sẻ: "Chúng tôi không muốn so sánh, nhưng sự thực là thu nhập của cầu thủ bóng đá quá lớn so với những môn thể thao còn lại. Ngay cả cầu thủ nữ cũng có thu nhập tốt hơn rất nhiều so với phần lớn VĐV những môn khác của Việt Nam".

Chúng ta có thể hình dung dựa trên những con số. Một cầu thủ V.League có tiền lương và lót tay trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm, tức 80 triệu hàng tháng. Cầu thủ nữ có thu nhập trung bình 10-12 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng. Con số này lớn hơn rất nhiều nếu cầu thủ lên tuyển quốc gia.

Ở chiều ngược lại, VĐV ở tuyến địa phương nhận thu nhập trung bình 8-10 triệu mỗi tháng. Con số này cũng là thu nhập bình quân với những VĐV thể thao thành tích cao được gọi lên đội tuyển quốc gia. Chỉ có những VĐV xuất sắc mới được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt cùng thu nhập vượt trội.

Chuyện “nước chảy chỗ trũng” của nguồn lực xã hội hóa thể thao -0
Thùy Linh có những hợp đồng tài trợ lớn nhờ đạt thành tích tốt ở sân chơi quốc tế.

Đâu là lý do khiến cầu thủ bóng đá có thu nhập khác biệt so với VĐV của những môn thể thao khác? Câu trả lời nằm ở mô hình phát triển chuyên nghiệp, với nguồn lực xã hội hóa được huy động. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, bóng đá Việt Nam thực sự đã giúp cầu thủ đổi đời.

Những lời kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa cho thể thao thành tích cao đã xuất hiện từ lâu. Nhưng bên cạnh bóng đá, chỉ một vài môn thể thao mới có khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài. Tại Việt Nam, những môn thể thao đó là bóng chuyền, bóng rổ, billiards.

Có một điểm chung ở hoạt động xã hội hóa thể thao tại Việt Nam. Thứ nhất, nguồn lực tập trung vào những môn có cộng đồng người xem và thi đấu (chơi) rất lớn. Thứ hai, người theo dõi hoặc thi đấu sẵn sàng bỏ tiền để theo dõi, hoặc mua sắm thiết bị phục vụ môn thể thao này.

Việc tạo thói quen tiêu dùng cho người hâm mộ thể thao là một quá trình thẩm thấu, đòi hỏi khoảng thời gian rất lớn. Bóng đá đã phổ biến ở Việt Nam gần một thế kỷ, bóng chuyền và billiards là 20 năm, còn bóng rổ mới phát triển trên dưới 10 năm qua. Quá trình đó không thể thực hiện nhanh.

Từ một góc độ khác, ta có thể hiểu, nguồn lực xã hội hóa tập trung vào những môn có đầu ra tốt. Thể thao chuyên nghiệp là kinh doanh, và người bỏ tiền cho nguồn vốn xã hội hóa cũng là doanh nhân. Họ muốn những khoản chi cho mình cần sinh lợi nhuận tương xứng, bên cạnh những giá trị khác.

Câu chuyện "đầu ra" cũng lý giải nguyên nhân vì sao thể thao thành tích cao không thu hút được nguồn lực xã hội hóa. Thật khó để những môn thi đấu, vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam ở sân chơi Olympic như cử tạ, bắn súng có thể huy động nguồn lực bên ngoài. Vì thế, nguồn lực duy nhất bên cạnh Cục TDTT luôn là các địa phương gửi gắm VĐV.

Chuyện khẩu vị cá nhân

Một nguyên nhân khác có thể khiến các doanh nhân bỏ tiền tham gia xã hội hóa: Họ từng chơi và yêu thích môn thể thao đó. VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh chính là người hưởng lợi từ việc này. Một trong những hợp đồng tài trợ lớn đầu tiên của Thùy Linh đến từ một doanh nghiệp tại Đồng Nai, nơi chủ sở hữu là những người có tình yêu vô tận với cầu lông.

Bản hợp đồng lớn đầu tiên đến với Thùy Linh vào thời điểm cô gặp rất nhiều khó khăn trong tiến trình thi đấu quốc tế. Cô cần tích lũy điểm số để lọt vào top 30 thế giới, qua đó hướng đến những giải World Tour. Nếu chỉ dựa vào tài chính cá nhân và gia đình, cũng như địa phương chủ quản, Thùy Linh khó có thể bứt phá mạnh mẽ như hôm nay.

Bản thân những nhà quản lý thể thao của Việt Nam hiểu hơn ai hết điều này. Vì lý do đó, họ thường "gộp" một số môn có thể huy động nguồn lực xã hội hóa vào môn thành tích cao thuần túy. Cách làm này sẽ giải một phần bài toán kinh phí cho ngành thể thao với hoạt động thành tích cao, dù con số thực tế vẫn còn khá khiêm tốn.

Ví dụ rõ nhất minh chứng cho điều này là môn cử tạ. Liên đoàn Thể thao quốc gia phụ trách bộ môn này là Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam. Cử tạ gần như không thể huy động nguồn vốn xã hội hóa, nên Thể hình sẽ làm thay nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với mô hình phát triển của quốc tế, nên cả hai có thể sớm phải tách ra.

Trên thực tế, thành công của Thùy Linh cho thấy, hoạt động quảng bá doanh nghiệp luôn có hiệu quả đi cùng với danh tiếng VĐV. Tuy nhiên, Thùy Linh hiện là một trong số rất ít VĐV Việt Nam thường xuyên thi đấu quốc tế. Cách duy nhất để những Thùy Linh tiếp theo xuất hiện là tìm ra một vài viên kim cương thô và đánh bóng họ dần theo thời gian.

Ta cũng không thể bỏ qua một chi tiết khác. Nếu các doanh nhân bỏ tiền vào thể thao theo khẩu vị cá nhân, họ cần một môi trường lành mạnh để tiếp tục đầu tư. Bởi, trong bối cảnh không chắc chắn về nguồn tiền bỏ ra có sinh lời hay không, doanh nghiệp cần đổi lại niềm vui và sự thoải mái. Nếu không, nguồn tiền có thể bị cắt bất cứ lúc nào.

 Những đội thể thao ở doanh nghiệp

Tại Nhật Bản, chủ sở hữu các đội thể thao luôn là một, hoặc một nhóm các doanh nghiệp lớn cùng bỏ tiền đầu tư. CLB cầu lông mạnh nhất Nhật Bản hiện tại thuộc sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quốc gia Nhật Bản. Đây là doanh nghiệp đứng hạng 55 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do Fortune liệt kê. Ở Nhật Bản, họ chỉ đứng sau Toyota và Sony.

Chuyện “nước chảy chỗ trũng” của nguồn lực xã hội hóa thể thao -0
Chủ sở hữu các CLB cầu lông Nhật Bản đều là doanh nghiệp nhà nước có quy mô rất lớn.

Ở Việt Nam hiện tại, một số doanh nghiệp như tập đoàn T&T, Viettel cũng bắt đầu thành lập đội thể thao của riêng mình. Họ thực hiện mô hình này không chỉ trong bóng đá, mà còn với một số môn thể thao khác như bóng bàn, bóng rổ. Đây thực sự là mô hình mới giúp quảng bá doanh nghiệp.

"Bên cạnh quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, doanh nghiệp cần gắn tên tuổi mình với những CLB thể thao, những VĐV có uy tín. Cách này có thể giúp hoạt động quảng bá diễn ra hiệu quả hơn, với chi phí thấp hơn. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải kiểm soát được VĐV, không để họ làm những điều tổn hại đến hình ảnh", một cán bộ chuyên trách cho biết.

https://cand.com.vn/the-thao/chuyen-nuoc-chay-cho-trung-cua-nguon-luc-xa-hoi-hoa-the-thao-i741630/

Ngày đăng: 13:49 | 26/08/2024

An Khánh / CAND