Các công ty Mỹ và châu Âu muốn chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể phải đối mặt với mức chi phí khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo nghiên cứu mới công bố của ngân hàng Bank of America (BofA), các công ty Mỹ và châu Âu muốn chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể phải đối mặt với mức chi phí khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, BofA lập luận rằng điều này sẽ có lợi cho các công ty trong dài hạn.
"Chất xúc tác" mới
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, cuộc khảo sát của BofA với các nhà phân tích toàn cầu cho thấy có nhiều công ty đang chuyển dịch khỏi xu hướng toàn cầu hóa và hướng tới cách tiếp cận địa phương hóa hơn cho chuỗi cung ứng của họ.
Điều này là do một loạt các yếu tố đe dọa mạng lưới cung cấp cho các nhà máy sản xuất, bao gồm tranh chấp thương mại, lo ngại an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu và công nghệ tự động hóa được sử dụng rộng rãi.
Trong nghiên cứu mới, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của BofA Candace Browning cho rằng COVID-19 chỉ là "chất xúc tác" thúc đẩy nhanh hơn xu hướng đảo ngược việc chuyển hoạt động chế tạo từ Mỹ và châu Âu sang Trung Quốc, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua.
Bà Browning giải thích rằng mặc dù COVID-19 đóng vai trò khá lớn, song lý do cơ bản đằng sau những quyết định dịch chuyển đó là các bên liên quan mật thiết đều nhận định việc di dời hoạt động sản xuất sẽ có lợi cho nhiều cổ đông, người tiêu dùng, nhân viên, thậm chí là chính phủ hơn.
Dù các bên có cách tiếp cận việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khác nhau, song nhìn chung họ đều đưa ra kết luận giống nhau rằng các phần của chuỗi cung ứng nên được đưa về trong biên giới quốc gia, nếu không thì sang các quốc gia được coi là “đồng minh” của nước đó.
Khoảng 67% bên tham gia cuộc khảo sát của BofA nhận định rằng nội địa hóa hoặc “hồi hương” chuỗi cung ứng sẽ là xu hướng chuyển đối cấu trúc có tính chi phối nhất trong một thế giới hậu COVID-19.
Hồi hương chuỗi cung ứng: Khó nhưng không bất khả thi
Trong bản báo cáo, BofA cũng ước tính việc chuyển tất cả các hoạt động chế tạo liên quan đến hàng hóa xuất khẩu không phục vụ cho tiêu dùng của Trung Quốc ra khỏi nước này có thể khiến các công ty tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm.
Các nhà phân tích cho biết điều này có thể sẽ làm giảm 70 điểm cơ bản lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như giảm 110 điểm cơ bản của tỷ suất dòng tiền tự do. Song chúng có thể được bù đắp bởi khoản bù rủi ro thấp hơn. Điều này có nghĩa là việc chuyển đổi sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể, nhưng chúng không hoàn toàn ngoài tầm với của các công ty.
Các nhà nghiên cứu của BofA dự đoán để bù đắp cho chi phí hoạt động tăng cao liên quan đến việc “hồi hương” này, các nhà hoạch định chính sách và quản lý công ty có thể sẽ hành động quyết liệt hơn.
Hầu hết các công ty tham gia khảo sát của BofA đều bày tỏ quyết tâm chuyển đổi theo hướng tự động hóa tại các cơ sở cung ứng mới trong tương lai. Về phía các nhà hoạch định chính sách, họ dự kiến sẽ hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, chi phí cho vay thấp và các khoản trợ cấp khác.
Một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) gần đây đã có những thông báo như vậy.
Ở cấp độ ngành, BofA nhận định rằng các cổ phiếu thuộc nhóm kỹ thuật xây dựng và máy móc, tự động hóa nhà máy và robot, sản xuất thiết bị điện và hàng điện tử, phần mềm ứng dụng và các dịch vụ tương tự khác đều sẽ được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất này.
Trong khi đó, các ngân hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á cũng có thể nhận được lực đẩy từ các hoạt động kinh tế đi kèm với những thay đổi đó.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Paul Donovan của công ty quản lý tài chính UBS Global Wealth Management, việc nội địa hóa hoạt động chế tạo chỉ có thể mang lại lợi ích kinh tế nếu nó được tiến hành sau khi các công ty chủ động lựa chọn và đánh giá tính hiệu quả, thay vì bị ép buộc thông qua các biện pháp áp thuế hoặc chính sách thuế của nước đó.
Ông Donovan nói rằng mức thuế quan thương mại do Washington áp lên hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái phần lớn được "hấp thụ" dưới dạng biên lợi nhuận của các công ty Mỹ bị thu hẹp.
Theo thời gian, nó sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hơn và áp lực lạm phát tăng cao hơn./.
Mỹ đưa ra sáng kiến “Trở lại châu Mỹ”, khuyến khích doanh nghiệp rời Trung Quốc
Colombia sẽ đóng vai trò tiên phong trong sáng kiến “Trở lại châu Mỹ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. |
30 công ty Nhật Bản rời Trung Quốc: 15 sang Việt Nam, 6 sang Thái Lan
Danh sách Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tiết lộ, khoảng 15 công ty Nhật dự kiến chuyển hoạt động từ Trung ... |
Ngày đăng: 06:30 | 20/08/2020
/ www.vietnamplus.vn