Chưa tính tới ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn ở các đô thị, thành phố lớn, chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2009 đến tháng 5-2020, trên địa bàn cả nước có tới hơn 100.227 người bị tử vong vì tai nạn giao thông...

Chuyển hóa toàn diện về ý thức và hành động để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ảnh 1
Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bước tiến dài, phù hợp, đáp ứng hiệu quả với thực tiễn, tình hình mới

Nhận diện những tồn tại

Khó khăn đầu tiên phải kể tới đó chính là tình trạng người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ hiện nay vẫn còn rất lớn. Mỗi năm có trung bình khoảng 5 triệu lượt vi phạm bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, kiểm tra, xử lý thì báo động tỷ lệ những lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Ngay như lỗi sai làn, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã từng chọn là chủ đề hết sức nhức nhối của Năm An toàn giao thông là “Đi sai làn cả ngàn người khổ”.

Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, môi trường, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên đó là do phương tiện giao thông đường bộ tăng quá nhanh, chủ yếu là phương tiện cá nhân. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm qua (từ năm 2010 đến nay), toàn quốc đã đăng ký mới 1.997.392 xe ô tô, chiếm 41,4% tổng số xe ô tô hiện có và 35.932.000 xe mô tô, chiếm 58,9% tổng số xe mô tô hiện có. Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chậm. Các cơ quan chức năng tính toán quỹ đất dành cho giao thông chỉ được 13%. Riêng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chưa được 1%.

Bên cạnh đó, năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng còn hạn chế, bất cập. Công tác tổ chức giao thông chưa khoa học. Việc thi công, cải tạo và nâng cấp đường trên các tuyến giao thông nhưng chưa có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cho phù hợp nên ùn tắc giao thông kéo dài vẫn xảy ra tại các thành phố lớn và chủ yếu vào giờ cao điểm, giờ tan tầm (đặc biệt là các thành phố lớn) hoặc một số tuyến quốc lộ đang sửa chữa, các tuyến đường độc đạo.

Tình trạng tai nạn giao thông hoặc sự cố trên tuyến giao thông diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian. Hậu quả đã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí về thời gian và tiền bạc của người tham gia giao thông, làm thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Tất cả những nguyên nhân, hiện trạng trên đang có ảnh hưởng không nhỏ cũng như tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Chuyển hóa toàn diện về ý thức và hành động để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ảnh 2
Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp tại các đô thị lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, môi trường

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Trong 10 năm qua (từ năm 2009 đến hết tháng 5-2020), toàn quốc xảy ra 1.418 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các khu vực đông dân cư, đô thị lớn thuộc các địa phương Thanh Hóa, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nam... Nguyên nhân chính do tai nạn giao thông (chiếm 32,22%), do xe hỏng (chiếm 28,3%), do sạt lở, sửa chữa, thi công cầu, đường và lễ hội (chiếm tới 37,5%). Từ những dữ liệu trên có thể thấy, ý thức người tham gia giao thông, chất lượng phương tiện và hạ tầng có vai trò rất lớn tới việc có hay không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Là hai “đầu tầu” phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - chính trị, Hà Nội và TP.HCM luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, dành nhiều ưu đãi, nguồn lực để tập trung khắc phục ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông. Có thể ví dụ như, Quyết định 280 ngày 8-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 16-4-2015 ban hành cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư, quản lý bến xe; hay Quyết định số 13 của Thủ tướng ngày 5-5-2015 ban hành cơ chế chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đặc biệt Cấp ủy, chính quyền của Hà Nội và TP.HCM cũng đã chủ động nhiều biện pháp tổng thể để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông nhưng câu chuyện ùn tắc và tai nạn vẫn luôn ám ảnh.

Trước tình hình ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TP.HCM, Cấp ủy, chính quyền hai thành phố đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương như điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để giảm lưu lượng phương tiện xe khách liên tỉnh đi vào trung tâm thành phố. Xử lý nghiêm việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe; sắp xếp nơi trông giữ xe, xây dựng các bãi đỗ, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng. Xây dựng và đưa vào sử dụng một số hầm đường bộ, cầu vượt nhẹ bằng thép. Tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Tổ chức lại giao thông trên một số tuyến phố, khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Tăng cường lực lượng tham gia chỉ huy, điều khiển giao thông vào giờ cao điểm, để hạn chế thấp nhất xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài...

Ám ảnh nỗi đau tai nạn

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên, tại Hà Nội và TP.HCM do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều nên bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông hiện chưa có lời giải hữu hiệu. Quỹ đất giành cho giao thông ở Hà Nội đạt 6,18%, TP.HCM đạt 7,8%, nhất là hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu so với yêu cầu thực tế. Chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, nhà máy, cơ quan hành chính... ra khỏi nội đô chưa được thực hiện theo quy hoạch, hoặc có được di dời nhưng lại được xây dựng các chung cư cao tầng, dân số dao động thực tế tại Hà Nội và TP.HCM cao hơn nhiều so với thống kê thực tế, tần suất người và phương tiện ra, vào khu vực nội thành quá lớn, nhất là ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị của đất nước…

Chuyển hóa toàn diện về ý thức và hành động để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ảnh 3
Camera giám sát tại các tuyến đường được xem là “mắt thần” giúp cho lực lượng Cảnh sát giao thông sớm phát hiện và xử lý các tình huống vi phạm

Không chỉ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, hạn chế như cơ sở hạ tầng, tố độ phát triển của phương tiện, ý thức người tham gia giao thông yếu kém, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ ai. Mặc dù tai nạn giao thông trong những năm qua liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương, nhưng đánh giá vẫn ở mức cao. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, năm 2009 đến tháng 5-2020, cả nước đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người (chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người, gây thiệt hại rất lớn về tài sản (trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ).

Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lái xe sử dụng nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ... gây bức xúc dư luận xã hội. Các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu của tội phạm chiếm khoảng 20%, nhiều vụ đối tượng gây tai nạn bỏ chạy, không tìm được do không có người chứng kiến nên gây khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và bức xúc cho người bị thiệt hại trong vụ tai nạn.

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng tụ tập đông người, tổ chức đua xe trên các tuyến quốc lộ, tuyến phố, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, trong những năm qua, nước ta đã đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh bền vững và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Theo xu hướng đó giao thông vận tải đường bộ phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao, nhất là vận tải hàng hóa và hành khách.

Các đối tượng đã lợi dụng những tuyến giao thông để hoạt động phạm tội. Theo đó, nổi lên là tình trạng trộm cắp, cướp, cướp giật, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; buôn bán trái phép chất ma túy trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai…

Chuyển hóa toàn diện về ý thức và hành động để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ảnh 4
Từ những dữ liệu camera gửi về, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông có thể dễ dàng phát hiện, xử lý người vi phạm

Hành lang giao thông đường bộ, vỉa hè bị lấn chiếm vẫn hết sức phức tạp và chưa có giải pháp mạnh do thiếu bãi đỗ xe. Thói quen buôn bán nhỏ bám theo vỉa hè vẫn phổ biến. Ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa tạo thành văn hóa giao thông trong cộng đồng. Tất cả những khó khăn này khiến cho tình hình giao thông hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có biện pháp căn cơ, hữu hiệu, lâu dài, xuyên suốt mang tính đột phá thời đại. Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bước tiến dài, phù hợp, đáp ứng hiệu quả với thực tiễn, tình hình mới.

Sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chuyển hóa toàn diện về ý thức và hành động để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ảnh 5

- Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nhất là ở các đô thị phát triển

- Kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức chấp hành Luật Giao thông còn kém

- Tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông càng ngày càng gia tăng

- Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.

- Tình hình tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông phức tạp ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế - xã hội.

- Khắc phục những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2,

Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)

Tái diễn tình trạng giao thông ùn tắc ở Thủ đô Tái diễn tình trạng giao thông ùn tắc ở Thủ đô
Đường tới Hà Giang ùn tắc kéo dài Đường tới Hà Giang ùn tắc kéo dài

Ngày đăng: 10:14 | 23/10/2020

/ anninhthudo.vn