Ông Đỗ Minh Đức - nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình đã đưa ra 2 giả thiết về nguồn chất thải "đầu độc" nước sông Đà.
Lời khai bất ngờ
Như đã đưa tin, sáng 19.10, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà - đã xác nhận số dầu thải được đổ vào nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà đúng là của công ty mình.
Ông Truyền giải thích lượng dầu thải trên là của quá trình chạy máy ép đang được lưu trong kho chờ đơn vị môi trường đến xử lý. Tuy nhiên, có thể một nhân viên ở bộ phận này đã lén lút đem cho (hoặc bán) cho nhóm Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.
Sau khi lấy được dầu, nhóm Vũ, Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được. Lượng dầu cặn từ quá trình này sau đó mới được các nhóm đối tượng đem xả trộm ở Hòa Bình.
Quá trình trao đổi, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định công ty ông từ lâu đã bỏ công nghệ đốt lốp để lấy nhiệt nung gạch. Ở thời điểm hiện tại, Thanh Hà sử dụng nguyên liệu là dầu diesel.
Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu (ảnh nhỏ) từ nguồn thải của Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà. |
Bên cạnh đó, ngày 20.10, đối tượng Lý Đình Vũ (37 tuổi, trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã ra trình điện cơ quan công an. Bước đầu, Vũ khai một nữ lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về gạch, tên Tr, đã thuê nhóm của anh ta mang dầu thải đi đổ.
Sau khi tiếp nhận toàn bộ các thông tin kể trên, ông Đỗ Minh Đức - nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải, đã nêu ra 2 giả thiết có thể dẫn đến số lượng dầu thải nói trên.
2 giả thiết của chuyên gia
Về giả thiết đầu tiên, theo ông Đức, chất thải đổ ở Hòa Bình chính là chất thải trực tiếp của Công ty gạch Thanh Hà, nhiều khả năng là của quá trình đốt lốp.
Ông Đức giải thích: "Theo tôi biết Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà từng có giai đoạn sử dụng công nghệ đốt lốp cao su để lấy nhiệt nung gạch. Việc này sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với dùng dầu diesel, than hay gỗ nhưng cũng đồng nghĩa với việc tạo ra lượng chất thải độc hại rất lớn, rất bẩn".
Các thùng chất thải nhóm nghi can đổ trộm tại Hòa Bình. |
Quá trình đốt lốp cao su sẽ sản sinh ra sắt, dầu FO, tro xỉ và một lượng lớn cặn bụi. Trong khi sắt, dầu FO và tro xỉ có thể tận dụng vào các ngành công nghiệp khác thì lớp cặn bụi là thứ không thể tận dụng vào việc gì và giá thành xử lý rất cao.
"Trong quá trình đốt, dịch của lốp chảy ra hòa quyện vào các tro bẩn ở trên mặt của dây chuyền sản xuất sẽ sinh ra cái cặn bụi đó, gọi là dầu cặn cũng được, sền sệt như hắc ín. Cái này đốt không cháy mà không phải đơn vị nào cũng xử lý được. Giá thành xử lý thì thì cũng phải trên 3 triệu đồng/tấn, rất đắt.
Do đó, nếu giả thiết này là đúng thì đây chính là thứ mà các đối tượng được thuê đi đổ trộm. Đồng nghĩa với việc Công ty Thanh Hà vẫn sử dụng công nghệ đốt lốp để nung gạch chứ không phải đã bỏ hoàn toàn như ông chủ tịch công ty nói" - vị chuyên gia phân tích.
Chiếc xe tải được các đối tượng sử dụng để vận chuyển và đổ trộm dầu thải |
Về giả thiết thứ 2, theo đúng như giải thích của ông Nguyễn Đức Truyền là các đối tượng thu mua dầu thải về lọc rồi sau đó mới lấy phần cặn đem đổ bỏ ở khu vực đầu nguồn nước sông Đà. Ông Đức cho rằng cũng không phải không có lý.
"Trên thị trường hiện có rất nhiều công ty không phép chuyên thu mua chất thải về để tự sơ chế, xử lý, chúng tôi gọi chung là "thổ phỉ". Với khoảng 10 khối lấy từ Phú Thọ, sau khi lọc, sẽ còn khoảng 4 - 5 khối là dầu cặn không tận dụng được vào việc gì mà xử lý cũng rất đắt.
Các đối tượng khai sau khi lấy dầu từ Phú Thọ thì còn mang về Hưng Yên 2 ngày thì mới đem lên đổ ở Hòa Bình, thời gian như vậy cũng khá khớp với việc sơ chế và xử lý ban đầu.
Theo tôi, vấn đề chính bây giờ phải xác định được số dầu mà nhóm đối tượng lấy từ công ty Thanh Hà là loại dầu nào thì sẽ biết ngay chân tướng của sự việc" - ông Đức nêu quan điểm.
Ngày đăng: 14:01 | 21/10/2019
/ laodong.vn